Thị trường dầu hỏa thế giới không có chuyển động lớn sau cái chết của quốc vương Ả Rập Xê Út Abdallah. Tân vương Salaman ghìm giá dầu ở mức thấp, gây nhiều thiệt hại cho các quốc gia sản xuất dầu hỏa. Nhưng đó là cái giá Riyad chịu trả để bảo vệ thị phần trong tương lai lâu dài và nhất là làm suy yếu Iran.


Tổng thống Mỹ và tân vương Ả Rập Xê Út Salaman tại Riyad. Ảnh ngày 27/01/2015.© Reuters

Giai đoạn chuyển tiếp quyền lực tại Ả Rập Xê Út đã diễn ra êm thắm. Tân vương Salaman, 78 tuổi, lên nối ngôi người anh cùng cha khác mẹ trong bối cảnh Riyad phải đương đầu với nhiều thách thức chiến lược, từ viễn cảnh Iran sưởi ấm quan hệ với Hoa Kỳ, đến mối đe dọa của quân thánh chiến cực đoan tự xưng là Nhà nước Hồi giáo, đang hoành hành ở Syria và Irak.
Mối quan tâm hàng đầu của Riyad là quan hệ giữa Teheran với Washington đang từng bước được cải thiện, các biện pháp cấm vận nhắm vào Iran có nhiều triển vọng được giảm nhẹ hay xóa bỏ một khi Teheran đạt được đồng thuận với quốc tế về hồ sơ hạt nhân.
Trong nhãn quan của Ả Rập Xê Út, Iran, quốc gia Hồi giáo theo hệ phái Chi-ai vẫn là một mối đe dọa hàng đầu. Với 77 triệu dân, Iran chưa bao giờ từ bỏ tham vọng đóng vai trò đầu tàu trong khu vực đang được đặt trong tay Ả Rập Xê Út. Vương quốc Ả Rập Xê Út có chưa đầy 30 triệu dân, theo đạo Hồi thuộc hệ phái Su-ni, nhưng lại ngồi trên một khoản dự trữ dầu hỏa hơn 266 tỷ thùng, chỉ thua có Venezuela.

Dầu hỏa, vũ khí của Ả Rập Xê Út

Ả Rập Xê Út dùng dầu hỏa như một vũ khí chiến lược để chận đường cùng lúc nhiều đối thủ.

Với Iran, khi giá dầu chỉ còn ở mức 50 đô la một thùng như hiện nay thay vì 115 đô la cùng thời kỳ năm ngoái, thu nhập của chính quyền Teheran bị giảm đi 1/3. Ả Rập Xê Út biết rằng Teheran chỉ có thể cân bằng hóa cán cân chi thu với giá dầu ở mức 100 đô la/ thùng. Đó là chưa kể hàng tháng Iran còn phải chi ra khoảng 1,5 tỷ đô la để hỗ trợ cho hai đồng minh là Syria và Irak. Hiện tại Iran sản xuất khoảng một triệu thùng dầu một ngày và đây là mức tối đa mà khả năng cho phép.
Cũng trong tầm ngắm của Ả Rập Xê Út còn có nước Nga của tổng thống Putin. Ngà là một nước bạn và cũng là điểm tựa quý giá của cả Iran lẫn Syria. Nhìn xa hơn nữa, nước cờ mà chính quyền Riyad đã chọn từ dưới triều đại nhà vua Abdallah và đang được người kế vị là tân vương Salaman theo đuổi còn nhắm vào Hoa Kỳ.
Trong ba năm qua, Mỹ giảm bớt mức độ lệ thuộc vào dầu khí của quốc tế nhờ phát triển công nghệ dầu và khí đá phiến. Trong vỏn vẹn ba năm, các nhà sản xuất của Mỹ đã nâng mức cung lên ngang hàng với một quốc gia dầu hỏa như Irak.
Năm 1991 khi Hoa Kỳ lao vào cuộc chiến vùng Vịnh, Ả Râp Xê Út là nhà cung cấp bảo đảm đến 23 % dầu hỏa nhập cảng của Mỹ. Đến tháng 10/2014, tỷ lệ đó theo thẩm định của cơ quan năng lượng quốc gia (EIA) chỉ còn 9,2 %. Ả Rập Xê Út lo ngại với đà này, chẳng những Hoa Kỳ mà về lâu dài là cả thế giới sẽ lơ là với dầu, khí của các nước vùng Vịnh.
Mỹ vẫn là điểm tựa
Những tính toán đó cho thấy, ít có khả năng, chính quyền mới ở Riyad chóng thay đổi chiến lược về giá dầu hỏa. Nhất là Riyad hiện đang làm chủ một khoản dự trữ ngoại tệ hơn 750 tỷ đô la, vương quốc này thừa sức chịu đựng để giá dầu cứ dao động ở mức trên dưới 50 đô la một thùng. Là thành viên quan trọng nhất trong khối 12 quốc gia xuất khẩu dầu hỏa (OPEP) Ả Rập Xê Út là nguồn xuất khẩu dầu hỏa số 1 của thế giới, đứng trước Nga và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Trong bối cảnh đó, giáo sư Samuele Furfari, chuyên gia về Địa chính trị, giảng dậy tại Đại học tự do Bruxelles cho rằng, dù muốn hay không Ả Rập Xê Út vẫn đủ sức áp đặt luật chơi trên thị trường dầu hỏa của thế giới không chỉ về phương diện thuần túy kinh tế mà còn cả ở góc độ địa chính trị.
« Ả Rập Xê Út chẳng những làm rung chuyển thị trường dầu hỏa của thế giới do có một khoản dự trữ vô cùng to lớn, Riyad thậm chí còn góp phần điều hành vận mệnh của thế giới. Trừ một vài trường hợp, một vài biến cố gọi là ngoại lệ, mà tôi xin miễn bình luận, Ả Rập Xê Út luôn chơi ván cờ ‘lá bài lật ngửa’ với Hoa Kỳ trên cơ sở Hiệp ước Quincy.
Thỏa thuận đó đã được ký kết vào tháng 2/1945 giữa tổng thống Mỹ, Franklin Roosevelt với quốc vương Ibn Seoud , người đã sáng lập ra vương quốc Ả Rập Xê Út. Hiệp ước Quincy quy định, Mỹ bảo đảm an ninh cho Ả Rập Xê Út, đổi lại Riyad cam kết cung ứng dầu hỏa cho Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ. Thỏa thuận song phương đó vẫn là nền tảng trong quan hệ giữa Mỹ với Ả Rập Xê Út. Theo tôi chính sách về dầu hỏa của Riyad sẽ không có gì thay đổi, bởi tân vương Salaman đã điều hành đất nước từ nhiều năm qua, và ông lại là con trai của Ibn Seoud. Đây là một sự tiếp nối của Hiệp ước Quincy đạt được từ năm 1945.
Ả Rập Xê Út vẫn cần được Hoa Kỳ bảo vệ. Chúng ta đừng quên mối hiềm khích giữa Iran với Ả Rập Xê Út. Hạm đội 5 của Mỹ đóng ngay tại vùng Vịnh là điều hết sức quan trọng. Căng thẳng gần đây giữa Riyad với Washington bắt nguồn từ việc quan hệ giữa Hoa Kỳ và Iran đang từng bước được cải thiện. Nhưng mối căng thẳng đó không thể phá vỡ liên hệ truyền thống cốt lõi giữa Hoa Kỳ với Ả Rập Xê Út, đã được xây dựng từ Hiệp ước Quincy ký kết ngày 14/02/1945 ».
Về vị trí trên bàn cờ dầu khí quốc tế của Ả Rập Xê Út, vương quốc này là nơi duy nhất trên thế giới có sức xuất khẩu 7 triệu thùng dầu một ngày và có thể tăng khả năng cung cấp đó lên thành 9,5 triệu trong một sớm một chiều để bảo đảm ổn định cho thị trường quốc tế.
Giáo sư kinh tế Jean-Pierre Favennec thuộc Viện nghiên cứu dầu khí của Pháp và đại học Paris Dauphine giải thích thêm :
« Đừng quên rằng Ả Rập Xê Út là quốc gia có dự trữ dầu hỏa rất lớn và lại có khả năng sản xuất rất cao. Vương quốc này là một thành viên quan trọng trong số 12 nước thuộc khối OPEP – Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu hỏa- OPEP làm chủ 80 % trữ lượng dầu hỏa trên toàn cầu, xuất khẩu dầu hỏa để đáp ứng đến 40 % nhu cầu tiêu thụ của thế giới. Ả Rập Xê Út là quốc gia duy nhất có thể can thiệp tức thời để ổn định thị trường dầu hỏa quốc tế.
Chiến lược hiện tại của Riyad trước hết là nhằm bảo vệ thị phần của Ả Rập Xê Út vào thời điểm mà thị trường dầu hỏa đang trong thế cung nhiều hơn cầu. Đây là điều từng xảy ra vào những năm 1986, 2008 hay như trong thời điểm hiện tại. Đương nhiên là tân vương Ả Rập Xê Út lên cầm quyền trong bối cảnh khá phức tạp, do dầu hỏa đang bị dầu đá phiến cạnh tranh, nhu cầu tiêu thụ trên thế giới thì không cao. Câu hỏi đặt ra là ‘ai được, ai thua’ khi giá dầu đang ở mức thấp như hiện nay. Đúng như vừa nói, Ả Rập Xê Út đang trong thế không thoải mái cho lắm, khi mà Hoa Kỳ và Iran đang xích lại gần nhau, nhằm giảm bớt căng thẳng trong vùng Vịnh ».
REUTERS

Cần Mỹ nhưng không khoan nhượng với dầu đá phiến
Ai được ai thua, khi mà giá dầu hỏa đã giảm chì còn phân nửa so với đỉnh điểm hồi tháng 6/2014. Tháng 11 năm ngoái tại cuộc họp thường niên của OPEP, Ả Rập Xê Út đã quyết định vẫn giữ nguyên mức xuất khẩu 3 triệu thùng dầu một ngày. Bởi theo lời bộ trưởng Dầu khí Ả Rập Xê Út, Ali Al Naimi, giảm mức cung để đẩy giá dầu lên lại thì Nga, Brazil, và những nhà sản xuất dầu khai thác từ đá phiến của Mỹ sẽ « chiếm hết thị phần của Ả Rập Xê Út ». Riyad không còn che dấu mục đích đẩy giá dầu xuống mức khoảng 40 đô la một thùng để làm nản lòng các nhà khai thác dầu đá phiến ở Mỹ.
Nhưng theo quan điểm của giáo sư về địa chính trị đại học Bruxelles, Samuele Furfari, trước mắt dầu của Hoa Kỳ chưa cạnh tranh với dầu hỏa của các nước ở Trung Đông.
« Thực ra dầu mất giá không phải do bị dầu của Mỹ cạnh tranh. Điều đó chỉ đúng phần nào, bởi lượng dầu xuất khẩu của Hoa Kỳ tới nay vẫn còn giới hạn. Nguyên nhân chính khiến giá dầu giảm mạnh là từ trong 10 năm qua, các nước sản xuất đã đẩy mạnh đầu tư và bây giờ là lúc họ gặt hái được những thành quả đầu tiên, có nghĩa là nhờ các khoản đầu tư đó, mà năng suất đã được cải thiện rất nhiều. Hiềm nỗi là nhu cầu tiêu thụ lại tăng không nhanh bằng. Rồi thêm vào đó là dầu khai thác từ đá phiến ở Mỹ … Chỉ trong ba năm, sản lượng dầu thô của Mỹ đã tương đương với mức cung của Irak. Mỗi ngày Hoa Kỳ sản xuất ra được 3 triệu thùng dầu. Yếu tố đó làm thay đổi tương quan lực lượng về mặt địa chính trị ».
Chuyên gia kinh tế Jean-Pierre Favennec của Viện nghiên cứu dầu khí của Pháp cho rằng các nước xuất khẩu dầu hỏa ở châu Phi đang bị đe dọa trực tiếp.
« Dầu khai thác từ đá phiến của Mỹ là loại dầu nhẹ do đó cạnh tranh trực tiếp với dầu khai thác từ các nước ở châu Phi. Vào đầu những năm 2000 Hoa Kỳ đề ra mục tiêu giảm bớt mức độ lệ thuộc vào các nguồn cung cấp dầu hỏa quốc tế. Cách nay 15 năm Mỹ nhập vào mỗi ngày 12 triệu thùng dầu, tức là cao hơn cả khả năng cung cấp của Ả Rập Xê Út. Chính quyền Washington thời đó cũng có ý định nhập dầu của châu Phi, đặc biệt là dầu của Nigeria, Angola, Congo, Gabon …Đó là những quốc gia tương đối ‘gần’ với Hoa Kỳ và chất lượng dầu hỏa của họ lại rất cao.
Giờ đây Hoa Kỳ làm chủ cả từ khâu khai thác, sản xuất đến lọc dầu, thì không có lý do gì để Mỹ không trở thành một nhà cung cấp dầu hỏa cho thế giới ».
Nói cách khác các quốc gia như Angola, Congo, Gabon, Nigeria … bị thiệt nhiều hơn cả. Trong khi đó Riyad, chính vì không muốn bị mất thị phần mà Ả Rập Xê Út chấp nhận ghìm giá dầu thật thấp để loại một số các đối thủ. Do giá dầu giảm, ngân sách nhà nước của Riyad trong năm 2014 lần đầu tiên từ 2011 bị thâm hụt 14 tỷ đô la sau khi đã bội thu 276 tỷ trong tài khóa 2013. Trong năm 2015 Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế dự báo ngân sách sẽ tiếp tục thiếu hụt khoảng 38 tỷ đô la.
Nhưng nhờ khoản dự trữ ngoại tệ 750 tỷ, các chính sách trợ giúp xã hội để duy trì ổn định chính trị tại vương quốc Ả Rập Xê Út sẽ không bị cắt giảm. Vì đừng quên rằng vào đầu năm 2011 trước các làn sóng cách mạng từ Tunisia đến Ai Cập từ Libya đến Bahrrein, cố quốc vương Abdallah đã không ngần ngại tung ra đến 130 tỷ để đổi lấy sự ổn định trong xã hội và tránh để làn sóng dân chủ lan tới vương quốc ông đang trị vì.
90 % thu nhập dựa vào xuất khẩu dầu hỏa, Ả Rập Xê Út là quốc gia chịu tác động mạnh nhất trong chính sách ghìm giá dầu do chính mình đề ra. Dù vậy chi tiêu công cộng của vương quốc này dự trù vẫn sẽ tiếp tục tăng trong năm nay (đang từ 855 tỷ riyal năm 2014 lên thành 860 tỷ cho tài khóa 2015). Giáo sư Samuele Furfari nhắc lại những tính toán của Ả Rập Xê Út :
« Điều khiến Ả Rập Xê Út bực mình hơn cả là chính vì Mỹ bớt lệ thuộc vào dầu nhập cảng từ Trung Đông cho nên tương quan lực tại khu vực này đã thay đổi. Iran ý thức được điều đó nên đã cố gắng tỏ thái độ hòa hoãn, để bớt bị cô lập. Viễn cảnh Téhéran và Washington sưởi ấm quan hệ không còn quá xa vời. Đó chính là điều khiến Riyad nhức nhối ».
Theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF thất thu đối với nhóm các quốc gia trong vùng Vịnh,bao gồm Ả Rập Xê Út, Oman, Koweit, Bahrein, Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Qatar đã lên tới 300 tỷ đô la trong 6 tháng vừa qua. Giáo sư Samuele Furfari đại học Bruxelles phân tích :
« Để trở lại với trường hợp của Ả Rập Xê Út, quốc gia này chiếm vị trí then chốt trong OPEP. Bên cạnh đó còn có hai nhà sản xuất quan trọng khác là Koweit và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Cả ba quốc gia trong vùng đều đang nắm giữ một khoản dự trữ dầu hỏa rất lớn. Như đã biết, lần đầu tiên ngân sách nhà nước của Ả Rập Xê Út bị thâm hụt chừng vài chục tỷ đô la. Nhưng bên cạnh đó, vương quốc này đang có tới 750 tỷ đô la dự trữ ngoại tệ. Nói như vậy có nghĩa là Riyad có thể chịu đựng giá dầu cứ ở mức trên dưới 50 đô la một thùng như hiện nay trong vòng 15 năm. Vì vậy mà cố quốc vương Abddalah cũng như tân vương Salaman đều chủ trương là không cần can thiệp để cho giá dầu tăng lên trở lại, Riyad cũng không cần phải cắt giảm chi tiêu, hạn chế các khoản chi phí xã hội, giới hạn đầu tư công cộng, chấm dứt các chương trình xây nhà ở cho dân nghèo ... Hiếm có quốc gia nào được dồi dào phương tiện như Ả Rập Xê Út ».
Một chuyên gia về dầu khí khác của pháp là ông Francis Perrin điều hành tạp chí Stratégie et Politiques Energétiques –Chiến lược và chính sách năng lượng- quan niệm là chính sách dầu hỏa của tân vương Salaman sẽ không có gì thay đổi so với người tiền nhiệm. Bởi ông đã từng theo dõi hồ sơ này từ lâu năm dưới triều đại của người anh cùng cha khác mẹ là quốc vương Abdallah. Hơn nữa Riyad không là nguyên nhân đẩy giá dầu xuống thấp mà chỉ thích nghi với luật cung cầu của thị trường. Trong bối cảnh quyền lực tại Ả Rập Xê Út được chuyển giao một cách êm thắm, thì theo ông Francis Perrin không có lý do gì để dầu đột ngột tăng giá.
Chuyên gia này lưu ý rằng nhà vua Salaman là một chính trị gia giàu kinh nghiệm. Ông đã từng là bộ trưởng Quốc phòng, và thừa hiểu rằng, dầu hỏa là vũ khí để bắt bí Iran từ bỏ tham vọng hạt nhân, là một phương tiện để buộc Nga giảm mức hỗ trợ cho Syria. Cả hai yếu tố đó sẽ cùng góp phần nâng cao uy tín của Riyad với Washington.


Theo RFI