Hai kịch bản tiếp theo cho mâu thuẫn Nga - phương Tây



Một là phương Tây phải chấp nhận các yêu cầu của Nga trên vấn đề Ukraine, nhưng cái giá phải trả quá lớn; hai là cuộc đàm phán bốn bên sẽ thất bại và phương Tây tiếp tục bất đồng về cách gia tăng sức ép với Moscow.



Từ trái qua phải là Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Poroshenko và Tổng thống Pháp Francois Hollande trong cuộc hội đàm hôm 5/2 tại Kiev.
Trong cuộc điện đàm gần đây giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, các nhà lãnh đạo thống nhất sẽ tiến hành cuộc đàm phán bốn bên, nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine. Cuộc họp dự kiến diễn ra ngày mai tại thủ đô Minsk, Belarus.

Mục tiêu của cuộc đàm phán là xây dựng một gói giải pháp nhằm hồi sinh thỏa thuận hòa bình ký kết hồi tháng 9 năm ngoái tại Minsk, nhưng đã bị vi phạm nhiều lần.Financial Times hôm qua đăng bài xã luận đánh giá rằng, "thỏa thuận này vẫn là nền tảng khả thi để thực hiện đình chiến, từ đó dọn đường cho tiến trình hòa giải rộng lớn hơn".

Chính vì vậy, sự thành bại của vòng đàm phán bốn bên sắp tới sẽ tác động quan trọng đến diễn biến tiếp theo trên chiến trường miền đông Ukraine, cũng như cục diện căng thẳng chính trị giữa Nga và phương Tây, đặc biệt trong bối cảnh quan điểm và lợi ích của các bên còn nhiều bất đồng.

Cái giá cho thỏa thuận đình chiến


Theo quan điểm của Nga, ngọn nguồn của cuộc khủng hoảng Ukraine là bởi phương Tây muốn áp đặt ý chí lên Moscow. Tổng thống Putin lo ngại rằng, nếu Ukraine rơi vào vòng ảnh hưởng của phương Tây, điều này sẽ uy hiếp đến an ninh và vị thế địa chính trị của Moscow. Ukraine từng thuộc Liên bang Xô viết và là quốc gia có diện tích lớn nhất nằm chắn giữa Nga với Liên minh châu Âu (EU).

Ông chủ Điện kremlin hôm qua một lần nữa lên tiếng cáo buộc các nước phương Tây đã phá vỡ cam kết không mở rộng sức ảnh hưởng của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) sang các nước cựu thành viên Liên Xô và bỏ qua lợi ích của Nga.

Vì vậy, cuộc đàm phán bốn bên sắp tới được cho là sẽ chỉ có thể thành công nếu như chính phủ Ukraine chịu thỏa hiệp và thỏa mãn các đề xuất của Nga. Theo đó, Kiev phải thừa nhận các vùng lãnh thổ mà quân ly khai giành quyền kiểm soát kể từ sau tháng 9/2014, thậm chí là chấp nhận cơ chế tự trị lớn hơn nữa cho khu vực miền đông quốc gia này.

Trong một buổi phỏng vấn với đài truyền hình Channel 1 hồi cuối tháng 8/2014, Tổng thống Putin từng đề cập đến cơ chế nhà nước cho miền đông nam Ukraine. "Các cuộc đàm phán có ý nghĩa về một tổ chức chính trị và một nhà nước ở đông nam Ukraine nên được tổ chức ngay", ông nói.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng các nước phương Tây và chính phủ Ukraine khó có thể chấp nhận các nhượng bộ trên. "Đây là một tấm bản đồ lộ trình để tạo ra vùng Transnistria hoặc Abkhazia mới ở Ukraine", một nhà ngoại giao phương Tây bình luận. Transnistria là vùng đất thuộc Nga trong lòng Moldova, quốc gia nằm sâu trong lục địa ở Đông Âu. Abkhazia là khu vực ly khai do Moscow khống chế tại Gruzia.

Ngay sau cuộc hội đàm giữa lãnh đạo ba nước Đức, Pháp và Ukraine tại Kiev hôm 5/4, ông Valeriy Chaly, trợ lý đối ngoại của Tổng thống Poroshenko, cho hay nội dung cuộc họp tập trung thảo luận tính cần thiết của việc thực hiện các điều khoản trong thỏa thuận Minsk.

Trong Hội nghị Munich hai ngày sau, Tổng thống Poroshenko một lần nữa khẳng định lại quan điểm trên, đồng thời kêu gọi các lãnh đạo cung cấp vũ khí cho Kiev để chống lại lực lượng ly khai. "Tôi biết rằng nhiều chuyên gia cho rằng cải thiện lực lượng quân sự của chúng tôi sẽ càng kích động gây hấn. Ngược lại, chúng tôi lại thấy việc thiếu khả năng phòng vệ làm kích động chiến dịch nổi dậy chống Ukraine và khiến tình hình leo thang", ông này nói.

"Thật rõ ràng, ông Poroshenko không thể chấp nhận được cái giá là cơ chế liên mang lỏng lẻo mà Nga muốn áp đạt cho Ukraine", ông Philip Stephens, phó tổng biên tập Financial Times, bình luận.

Nếu như đàm phán thất bại


Mỹ và EU vẫn bất đồng về cách ứng phó với Nga nếu hội đàm Minsk thất bại. Tronh ảnh là Tổng thống Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Nhà Trắng hôm qua. Ảnh:Reuters

Các nhà phân tích cho rằng, nếu như cuộc đàm phán Minsk sắp tới thất bại, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) phải đứng trước hai sự lựa chọn khó khăn: hoặc là tiếp tục chiến lược trừng phạt kinh tế nhưng chưa chắc đã thành công, hoặc là trực tiếp hỗ trợ quân sự cho Ukraine, động thái chắc chắn sẽ vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ Nga.

"Sự lựa chọn của phương Tây là rất hạn chế", ông Philip Stephens nhận định. "Để đưa ra được quyết định sáng suốt, họ phải hiểu rằng cục diện trước mắt không chỉ liên quan đến Ukraine".

Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp Hollande đều nhất trí cho rằng việc vũ trang cho quân đội Ukraine sẽ đẩy châu Âu vào một cuộc đối đầu trực tiếp.

"Họ hiểu rằng ông Putin hiện nay chỉ có thể giành được sự ủng hộ trong nước khi khơi dậy tâm lý phẫn nộ của người dân để với cái gọi là âm mưu khuất phục Nga của EU và NATO", ông Stephens cho biết.

Phát biểu sau cuộc hội đàm hôm qua với Tổng thống Barack Obama, Thủ tướng Merkel vẫn kiên trì quan điểm rằng, phương Tây cần tiếp tục theo đuổi biện pháp ngoại giao, dù đã nhiều lần thất bại. Trong Hội nghị Munich trước đó, bà cũng nhấn mạnh tiếp tục các lệnh trừng phạt trong thời gian dài có lẽ là chiến lược tốt nhất.

Còn Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho rằng các thỏa thuận trong tương lai đều phải dựa vào càng nhiều càng tốt những điều khoản mà các bên đã đạt được trong thỏa thuận Minsk hồi tháng 9/2014.

Trong khi đó, Mỹ vẫn để ngỏ khả năng cung cấp vũ khí phòng vệ cho Ukraine. "Nếu như các biện pháp ngoại giao thất bại, thì điều tôi yêu cầu là xem xét tất cả các lựa chọn. Và khả năng cung cấp vũ khí phòng vệ gây sát thương là một trong các lựa chọn được xem xét", Tổng thống Obama cho biết.

"Tổng thống đang chịu ngày càng nhiều sức ép về việc vũ trang cho Ukraine, từ các nghị sĩ thuộc phe diều hâu và một số thành viên nội các", bình luận viên Michael Shear của New York Times nhận định.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân sự của Thượng viện Mỹ, cho rằng Tổng thống Putin sẽ không dừng lại nếu như phương Tây không tăng cường hỗ trợ cho Kiev. "Tôi có thể đảm bảo rằng ông ấy sẽ không bao giờ dừng lại nếu không phải trả một cái giá đắt hơn", chính trị gia này nói.

Tuy nhiên, một số học giả và quan chức cho rằng phương Tây vẫn còn sự lựa chọn thứ ba, đó là viện trợ kinh tế cho chính quyền Kiev ở mức độ lớn nhất có thể. "Nhiệm vụ cấp thiết trước mắt là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho ra bằng được một phương án hỗ trợ tài chính mới cho Ukraine", một quan chức câp cao của tổ chức này bình luận. "Nếu như nền kinh tế Ukraine sụp đổ, thì Nga nghiễm nhiên đạt được mục đích của mình".

Cũng chung quan điểm trên, ông Thomas Graham, cựu chủ quản vấn đề Nga của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho rằng tái thiết Ukraine thành một quốc gia độc lập và kiên quyết bảo vệ trật tự của phương Tây mới là mục tiêu theo đuổi cuối cùng.


Theo vnexpress.net