Cuộc đua “song mã”: Samsung lấn át Apple


Ban đầu tuy chỉ xếp hàng chiếu dưới nhưng Samsung đã nhanh chóng bắt kịp và vươn lên lấn át cả Apple trong cuộc đua “song mã”. Vậy, hãng này đã sử dụng thủ pháp gì để đạt được điều đó?

Cuộc đua song mã

Ngay cả khi đã ra mắt thành công Galaxy S thì Samsung vẫn đứng sau các đối thủ Android khác như HTC. Cả hai hãng này đều có sản phẩm tốt nhưng khó lòng tách biệt để người dùng có thể nghiêng hẳn về bên nào. Khi Samsung chuẩn bị tung ra Galaxy S II, phiên bản nâng cấp của Galaxy S, vào mùa xuân năm 2011, hãng đã định hình một chiến lược mới để quảng bá sản phẩm, ít nhất là tại thị trường Mỹ.

Theo nguồn tin thân cận với Samsung tại thời điểm đó, các "sếp" của hãng này muốn Galaxy phải là thương hiệu số 1 trong vòng 5 năm (đang xếp vị trí số 5 lúc đó). Dưới sự lãnh đạo của trưởng nhóm marketing Todd Pendleton và đồng nghiệp, Samsung đã duy trì được tham vọng đó trong vòng 18 tháng.

Thoạt đầu giới lãnh đạo Samsung tại Hàn Quốc muốn cạnh tranh từng bước bắt đầu với HTC, sau đó tới Motorola rồi BlackBerry và cuối cùng mới là Apple. Nhưng đội marketing tại Mỹ lại có bước tiếp cận khác - đó là ngay từ đầu đã gây chiến với Apple, giống như kiểu lấy Coca-cola cạnh tranh với Pepsi.

Đó thực sự là ván bài may rủi. Tấn công trực tiếp Apple khiến cho rủi ro mà Samsung gánh chịu sẽ cao hơn. Thế nhưng chiến dịch "The Next Big Thing" do đội quảng cáo 72 And Sunny thực hiện lại rất hiệu quả. Lần đầu tiên kể từ khi ra mắt iPhone, ai đó đã có thể tạo ra nhận thức rằng ngoài iPhone ra còn có một sản phẩm tốt hơn nữa.

Cạnh tranh Apple về độ sáng tạo

Với sự thành công của chiến dịch “The Next Big Thing”, Samsung đã thu hút được sự quan tâm của báo chí. Đã có một tên tuổi dũng cảm đứng lên cạnh tranh với "ông vua smartphone" - Apple, và khách hàng đã có những phản ứng rõ rệt.

Với những người chỉ trích Samsung copy sản phẩm của Apple, thực tế cho thấy thế giới còn rất "đói khát" với những thứ iPhone không có - đó là smartphone màn hình lớn.

Samsung Galaxy Note định hình phân khúc phablet.
Vào mùa thu năm 2011, Samsung ra mắt Galaxy Note, chiếc phablet đầu tiên được trang bị màn hình lên tới 5,3-inch (màn hình của iPhone 4S là 3,5-inch). So với hầu hết điện thoại ở thời điểm đó, chiếc Galaxy Note thực sự to lớn. Khi nó ra mắt tháng 2/2013, người ta chỉ trích Note quá lớn. Biên tập viên nổi tiếng Walt Mossberg của tờ Wall Street Journal thậm chí còn ví Note như “chiếc bánh mì” úp vào tai.

Những phản ứng ban đầu khá tệ và một số nguồn tin còn nói rằng vài nhà mạng Mỹ thậm chí còn muốn bán Galaxy Note II năm tiếp theo. Thế nhưng, chiếc phablet này lại bán rất chạy ngoài Mỹ, đặc biệt tại châu Á, và cuối cùng Samsung cũng chứng minh được rằng còn có những thị trường cần tới chiếc phablet của hãng. Điện thoại của Samsung tiếp tục lớn hơn với màn hình tốt hơn trong khi iPhone vẫn nhàm chán với màn hình bé tí.

Và sự đồn đoán trên mặt báo đã bắt đầu, đó là Apple thực sự gặp rắc rối nếu hãng không bắt kịp với Samsung để ra mắt điện thoại có màn hình lớn hơn. Nhiều người đã tự hỏi liệu Apple có đánh mất sự sáng tạo sau khi Steve Jobs qua đời hay không, và Samsung đã làm rất tốt để sự hoài nghi này dâng cao. Cổ phiếu Apple đã giảm xuống mức 380USD/cổ phiếu từ mốc 705USD/cổ phiếu, chủ yếu là do các lo ngại rằng hãng không thể ra mắt các sản phẩm mới mang tính cách mạng.

Trong khi đó, Samsung tiếp tục trèo cao hơn. Các nguồn tin thân cậy với đội bán hàng Samsung thời điểm đó nói rằng marketing cho dòng Galaxy S thậm chí còn khiến cho doanh số bán các sản phẩm khác của Samsung như máy giặt và tủ lạnh tăng lên. Thực tế, đội marketing tại Mỹ đã làm tốt hơn nhiều so với các trụ sở chính ở Hàn Quốc và các văn phòng quốc tế khác của Samsung cũng bắt đầu sử dụng "The Next Big Thing" để quảng bá.

Chiến dịch quảng bá trên rõ ràng là sự thành công, nhưng rủi thay không phải người nào ở Samsung cũng nhìn nhận như vậy. Bởi vì sự thành công của bộ phận di động Samsung tại Mỹ bắt đầu gây ra rạn nứt với trụ sở chính ở Hàn Quốc. Liệu những rạn nứt này có phải là cội nguồn cho sự tuột dốc của Samsung sau này? Để biết được điều đó, mời các bạn đón đọc Phần 3 - Lý do khiến Samsung tuột dốc trong cuộc chiến smartphone .

(Theo BI)