4 mưu đồ của Trung Quốc khi biến đảo chìm thành đảo nổi


Việc Trung Quốc xây dựng phi pháp trên những thực thể thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam), là hành động sai trái. Cần phải hiểu rõ ý đồ và mưu mẹo của họ là gì.


Bãi đá Gạc Ma tại thời điểm Trung Quốc xây dựng trái phép

Trước những phản ứng của Việt Nam và cộng đồng quốc tế xoay quanh việc Trung Quốc xây dựng quy mô lớn các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa mà họ dùng vũ lực chiếm đóng từ cuối thập kỷ 80, Trung Quốc vẫn cho rằng điều họ làm là “bình thường, chính đáng”. TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban biên giới Chính phủ khẳng định những điều này không hề bình thường, mà đó là những việc làm sai trái.

Dưới đây là những phân tích của ông.

Việc Trung Quốc xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện đã có rất nhiều ý kiến nhận xét, bình luận, rất nhiều tiếng nói chính thức của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Theo tôi theo dõi, mọi người đều có chung một phản ứng lên án mạnh mẽ những việc làm sai trái đó. Vậy thì cụ thể những sai trái đó là gì và được thể hiện ở các khía cạnh nào?

Tiếp tục xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam


Thứ nhất, việc làm đó tiếp nối quá trình vi phạm chủ quyền đối với lãnh thổ Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã thực hiện từ lâu. Đó là sai trái thứ nhất, khi họ dùng vũ lực để xâm chiếm các đảo, thực thể nằm trong quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Từ đó đến bây giờ họ vẫn không ngừng tiếp tục tiến hành biến đảo chìm thành đảo nổi và xây dựng các căn cứ quân sự trên vùng lãnh thổ của nước khác mà họ đã dùng vũ lực để cưỡng chiếm. Việc làm này là nhằm củng cố và mở rộng sự chiếm đóng trái phép của họ.

“Chúng ta cũng nên hiểu rộng nghĩa “tấn công” ở đây không phải chỉ có bằng “vũ khí nóng”, như súng đạn, tàu chiến, máy bay… mà còn bằng cả “vũ khí lạnh” như các hoạt động vơ vét tài nguyên thiên nhiên, khống chế các tuyến hàng không, hàng hải, áp đặt các biện pháp dân sự…”- TS Trần Công Trục chia sẻ

Ngụy tạo cơ sở cho “yêu sách đường lưỡi bò” phi pháp


Cái sai thứ 2, việc mà họ tìm mọi cách “biến đảo chìm thành đảo nổi”, đổ đất xây dựng sân bay, đường băng, bến cảng… từ một vùng không phải là đảo, biến thành đảo. Đây là hành động nằm trong tính toán thực hiện âm mưu hiện thưc hóa yêu sách “đường lưỡi bò” bằng cách biến các bãi cạn, các đảo chìm… thành những đảo nổi để biện hộ cho việc cố tình giải thích và áp dụng sai các tiêu chí theo quy định của Luật biển quốc tế, với lập luận ngụy biện rằng các đảo nhân tạo này vẫn đảm bảo cho đời sống dân sinh, thích hợp cho đời sống con người và có đời sông kinh tế riêng; vì thế, yêu sách “ đường lưỡi bò” vô lý trở nên có cơ sở pháp lý, cần được tôn trọng như những yêu sách ranh giới biển của các quốc gia ven biển khác. Rõ ràng đây việc giải thích và áp dung sai các quy định của Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982 có liên quan đên hiệu lực của các đảo, quần đảo, đá , bãi cạn trong việc xác định phạm vi các vung biển và thềm lục địa.

“Nhập nhèm đánh lận con đen”


Cái sai thứ 3 của Trung Quốc, việc họ làm ở đây là cố tình thay đổi hiện trạng, nhưng lại che giấu bản chất của vấn đề. Họ tuyên bố rằng, việc họ làm là bình thường, có trách nhiệm, nhằm mục đích phòng thủ, bảo vệ, giữ gìn “chủ quyền”. Nhưng điều đáng lên án là “chủ quyền” của họ được tạo lập bằng sự chiếm đóng bằng vũ lực, bằng những cuộc xâm lược phi pháp và việc ra sức xây dựng các công trình quân sự trên các vị trí chiếm đóng trái phép này là không thể chấp nhận được, càng không thể so sánh, đánh đồng với các hoạt động bình thường của những chủ nhân Việt Nam đã từng sinh sống từ bao đời nay trong phạm vi quần đảo này. Rõ ràng là những gì mà Trung Quốc đã làm trong phạm vi lãnh thổ mà họ dùng vũ lực để chiếm đoạt mới thật sự đã làm thay đổi hiện trạng, trái với những cam kết của họ trước cộng đồng khu vực và quốc tế.

Điều 5: Các bên liên quan cam kết tự kiềm chế không tiến hành các hoạt động làm phức tạp hoặc gia tăng các tranh chấp và ảnh hướng tới hòa bình và ổn định, kể cả không tiến hành các hoạt động đưa người đến sinh sống trên các đảo, bãi đá ngầm, bãi cát ngầm, dải đá ngầm và những cấu trúc khác hiện chưa có người sinh sống và xử lý các bất đồng một cách xây dựng:

Trong khi chờ đợi có giải pháp hòa bình cho các tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán, các bên liên quan cam kết tăng cường các nỗ lực trên tinh thần hợp tác và các hiểu biết nhằm tìm ra các phương cách xây dựng sự tin cậy và lòng tin giữa các bên, bao gồm:

a. Khi thích hợp, tiến hành đối thoai và trao đổi ý kiến giữa quan chức quân sự và quốc phòng các bên có liên quan;

b. Bảo đảm đối xử nhân đạo và công bằng đối với tất cả mọi người gặp nguy hiểm hay lâm nạn;

c. Tự nguyện thông báo cho các bên liên quan khác về tập trận quân sự chung/ hỗn hợp sắp diễn ra;

d. Tự nguyện trao đổi thông tin thích hợp.

(Trích Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông- DOC. Nguồn Canhsatbien.vn)

Xây dựng công trình có ý nghĩa “tấn công”

Sai thứ 4, tất cả công trình họ làm đều rất quy mô, đầu tư rất lớn, theo một kế hoạch thực hiện bài bản, lớp lang... Rõ ràng đây không phải là công trình hòa bình hay phòng thủ, bảo vệ như họ nói, mà đây chính là những căn cứ quân sự mang ý nghĩa tấn công mở rộng khu vực chiếm đoạt của họ.

Liên kết với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa mà họ đã đánh chiếm bằng vũ lực từ tay chính quyền Việt Nam cộng hòa năm 1974 với những thực thể thuộc quần đảo Trường Sa mà họ dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1988, thì đây là chuỗi căn cứ quân sự nguy hiểm, đe dọa tấn công các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Tại đó, họ bố trí đường băng, cảng biển, hậu cần, đồn bốt cho lính, chúng ta đã nhìn thấy bằng hình ảnh vệ tinh cũng như những gì họ công bố. Đây là những căn cứ mang tính chất tấn công. Đây là vị trí quân sự phục vụ mục tiêu kiểm soát toàn bộ Biển Đông, trong đường yêu sách lưỡi bò. Họ có thể dùng những vị trí này để khống chế khu vực, mở rộng sự chiếm đóng với các đảo hiện do các quốc gia khác nắm giữ, trong đó có Việt Nam. Vị trí họ đang xây dựng lại án ngữ con đường huyết mạch hàng hải của quốc tế, cũng như con đường qua lại từ đất liền đến các đảo của Việt Nam. Ngoài ra, với sân bay được xây dựng họ cũng sẽ có động thái với đường hàng không như đã từng làm với biến Hoa Đông.

Chúng ta cũng phải hiểu rộng nghĩa “tấn công” ở đây không phải chỉ có bằng vũ khí, bằng tàu thuyền, bằng căn cứ quân sự mà còn bao gồm cả sự “tấn công” về mặt kinh tế, về khai thác tài nguyên biển và mở rộng vùng ảnh hưởng. Khi có điều kiện thời cơ nhưng “đảo nổi nhân tạo” do họ tạo ra một cách phi pháp họ sẽ biến vị trí thành những tàu sân bay không thể đánh chìm để tấn công các đảo dó các nước khác nắm giữ. Nhưng chúng ta cũng phải tính đến, nơi đây, họ sẽ biến thành điểm hậu cần, cảng biển, để tiến hành khai thác tài nguyên biển, đặc biệt là dầu khí. Nơi đây sẽ tiếp tế dầu, dịch vụ hậu cần nghề cá, mà không cần hàng trăm con tàu từ đất liền hay đảo Hải Nam xuống.

Do đó, có thể nói những điểm đảo nổi nhân tạo ấy vừa có ý nghĩa chuẩn bị cho cuộc “xâm lược nóng” vừa là cơ sở để họ tấn công bằng cuộc “xâm lược mềm” (kinh tế, nghiên cứu khoa học và khai thác tài nguyên…).

Từ những phân tích nói trên cho thấy tính chất nguy hiểm của tình hình Biển Đông trong bối cảnh hiện nay để chủ động có các phương án ứng phó hiệu quả nhất.


Theo infonet.vn