Những bông hoa nắm vai trò chủ chốt giữa chính trường


Phụ nữ nắm giữ vị trí nguyên thủ một cường quốc, đóng vai trò chủ chốt trong giải quyết các vấn đề quốc tế hoặc đảm nhiệm chức vụ nam giới từng "độc chiếm" không là chuyện lạ trên thế giới ngày nay.
Các bộ trưởng Quốc phòng (từ trái sang): Mimi Kodheli của Albania, Jeanine Hennis-Plasshaert của Hà Lan, Ursula von der Leyen của Đức, Ine Marie Eriksen Soreide của Na Uy, Roberta Pinotti của Ý - Ảnh: AFP
Carme Chacón trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha khi mang thai 7 tháng - Ảnh: Reuters

“Giữa một thế giới đầy rẫy đàn ông nguy hiểm…”
Brussels, Bỉ, tháng 2.2014, cuộc họp bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên NATO đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử khối này có 5 bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm là phụ nữ: Bộ trưởng Roberta Pinotti của Ý, Mimi Kodheli của Albania, Ursula von der Leyen của Đức, Ine Marie Eriksen Soreide của Na Uy và Jeanine Hennis-Plasshaert từ Hà Lan.
Trước đó, tháng 3.2008, nhiều người ắt không thể quên được hình ảnh cô Carme Chacón, khi đó 37 tuổi và là Bộ trưởng Quốc phòng mới được bổ nhiệm của Tây Ban Nha, duyệt binh nhậm chức. Vào thời điểm này, Chacón đang mang thai tháng thứ 7.
Trong lúc đó, ở cương vị lãnh đạo quốc gia, thế giới được chứng kiến phụ nữ bước lên vị trí lãnh đạo tại 2 cường quốc: ở Đức là Thủ tướng Angela Merkel và tại Hàn Quốc là Tổng thống Park Geun-hye. Cả hai bà đều là người phụ nữ đầu tiên đảm nhận cương vị này tại đất nước mình.
Bà Park Geun-hye nhậm chức tổng thống tại đất nước có mức độ bình đẳng giới xếp thứ 108 thế giới, tạp chí TIME (Mỹ) dẫn Chỉ số khoảng cách giới của Diễn đàn kinh tế thế giới. Ngoài ra, tỷ lệ phụ nữ tại Hàn Quốc tham gia vào lĩnh vực công thấp bậc nhất khối các nước G20, tờ The Guardian (Anh) dẫn Chỉ số lãnh đạo nữ trong khu vực công của tập đoàn Ernst & Young (Anh).
Báo The Times (Anh) bầu chọn bà Merkel là Nhân vật của năm 2014 kèm lời nhận xét “người phụ nữ chúng ta cần trong một thế giới đầy rẫy đàn ông nguy hiểm”, tờ báo đề cao những đóng góp của bà trong việc ổn định an ninh ở châu Âu, đặc biệt trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Thủ tướng Đức Angela Merkel - Ảnh: AFP

Ngoài ra, truyền thông Mỹ cũng loan tin bà Hillary Clinton và Elizabeth Warren đang cân nhắc về việc chạy đua vào chiếc ghế tổng thống Mỹ vào năm 2016. Nước Mỹ, vốn có quá khứ “hẹp hòi” trong việc bổ nhiệm phụ nữ vào những vị trí cấp cao, theo nhận định của tờ US News (Mỹ), có thể sẽ cùng Brazil, Argentina, Đức, Hàn Quốc… “gia nhập câu lạc bộ” những nước có lãnh đạo nữ.
Ở bộ máy lập pháp, tỷ lệ số ghế do phụ nữ nắm giữ trong quốc hội trên toàn thế giới đã tăng từ 11,3% vào năm 1995 lên 22,1% vào năm 2015, The Guardian dẫn nguồn từ Chỉ số lãnh đạo nữ trong khu vực công. Trong đó, châu Mỹ dẫn đầu về bước tiến trong sự tham gia chính trị của phụ nữ với số ghế của nữ giới trong quốc hội tăng từ 12,7% năm 1995 lên 26,4% năm 2015; châu Âu từ 13,2% lên 25%. Khu vực châu Phi chứng kiến bước vượt bậc trong sự nâng cao vai trò phụ nữ, từ 9,8% vào năm 1995, nữ giới khu vực này hiện nắm 22,3% số ghế tại các quốc hội. Ngược lại với châu Phi, tỷ lệ này ở khu vực châu Á tăng khá chậm, từ 13,2% lên 18,5%.
Đặc biệt, tại các nước Ả Rập, dẫu cho số phụ nữ tham gia chính trường, thể hiện qua tỷ lệ ghế tại quốc hội, chỉ đạt 16,5%, một thành tựu đáng nhắc đến hơn trong 20 năm qua là phụ nữ tại nhiều nước như Kuwait, Oman, Qatar, Ả Rập Xê Út và Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất đã được quyền bầu cử, theo The Guardian.
Phụ nữ Qatar đi bỏ phiếu - Ảnh: Reuters

Đường hãy còn dài
Giải thích cho sự xuất hiện ngày càng nhiều các nữ bộ trưởng Quốc phòng, vị trí tưởng chừng chỉ dành cho nam giới, trang The Daily Beast (Mỹ) dẫn nhận định của bà Ashbourne-Walmsley, một nhà phân tích và chuyên gia chiến lược: “Trước đây người ta rất hay khoe mẽ trong chuyện quốc phòng. Phụ nữ không làm vậy. Vấn đề quốc phòng hiện đại là hợp tác và cùng nhau giải quyết các vấn đề. Phụ nữ đảm đương chuyện này tốt hơn”.
Victoria Budson, giám đốc điều hành Chương trình Chính sách công và phụ nữ tại Đại học Harvard (Mỹ), cho rằng: “Nếu bạn sống trong một xã hội vốn mang định kiến phụ nữ không bằng đàn ông trong chuyện chính trị - như hầu hết xã hội trên thế giới - bạn sẽ cố gắng nhiều hơn để vượt qua định kiến đó và được bổ nhiệm”. “Điều này có nghĩa là những người phụ nữ đã vượt qua sự thiên vị để đạt được vị trí của mình không ngang bằng người đồng cấp nam giới. Họ xuất sắc hơn”, tờ The Star (Canada) dẫn lời bà Budson.
Hanne Dahl, nghị sĩ Đan Mạch biểu quyết tại Nghị viện châu Âu, cùng bà đến phiên họp là đứa con 4 tháng tuổi của mình - Ảnh: Reuters

Tuy nói vậy, dẫu ngày càng có nhiều phụ nữ đảm nhận những chức vụ chính trị cấp cao và đạt được thành tựu quan trọng, con đường để nữ giới dấn thân vào lĩnh vực này chưa bao giờ bình đẳng với đàn ông.
“Không những bạn phải thông minh hơn, xuất chúng hơn đàn ông, bạn còn phải cứng rắn và không bao giờ được nói hay làm gì ngu xuẩn”, bà Ashbourne-Walmsley nói về những trở ngại đối với nữ giới trong lĩnh vực quốc phòng, theo The Daily Beast. Ngoài ra, “phụ nữ thường phải hy sinh lớn trong chuyện gia đình để đến được đó (tham gia vào lĩnh vực chính trị - NV)”, The Star dẫn lời Nancy Peckford, giám đốc điều hành tổ chức Tiếng nói Bình đẳng.
Tại Mỹ, nếu việc khuyến khích phụ nữ tham gia vào chính trị tiếp tục với tốc độ hiện tại, nước Mỹ sẽ cần… 500 năm để có số phụ nữ tham gia vào quốc hội ngang bằng với nam giới, tờ The Nation (Mỹ) dẫn nghiên cứu của Cynthia Terrell, chủ tịch Fair Vote - tổ chức nghiên cứu và hoạt động nhằm cải cách hệ thống bầu cử của Mỹ.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye - Ảnh: Reuters

Trang Korean Expose từng viết rằng: “Cũng giống việc ông Barack Obama trở thành tổng thống gốc Phi đầu tiên của nước Mỹ, việc bà Park Geun-hye là người phụ nữ đầu tiên nhậm chức tổng thống Hàn Quốc không biểu hiện một cuộc cách mạng gây rung chuyển nào, nó đơn giản là lời nhắc nhở rằng sự thay đổi là cần thiết”.
Lời nhận định trên có thể suy rộng ra toàn thế giới. Trong buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân của vụ thảm sát tòa soạn báo Charlie Hebdo tại Paris, Pháp, Angela Merkel hầu như là người phụ nữ duy nhất giữa hàng chục nam lãnh đạo từ nhiều nước trên thế giới. Dù vậy, sự xuất hiện của Thủ tướng Đức, người nổi tiếng với sự kiệm lời và bình tĩnh, chính là lời cảnh báo rằng chúng ta đang cần những người như bà, giữa một thế giới với "quá nhiều đàn ông nguy hiểm".
Bà Angela Merkel tại buổi tuần hành tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát tòa soạn báo Charlie Hebdo tại Paris, Pháp - Ảnh: Reuters

Hà Chi