.

Nhà văn Jack London
từng sống… vô gia cư như thế nào?


Nhà văn nổi tiếng người Mỹ Jack London - tác giả của những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng như “Tiếng gọi nơi hoang dã” hay “Nanh trắng” - đã từng sống vô gia cư, lang thang, vất vưởng trên đường phố như thế nào?

Năm 1902, London là một trung tâm tài chính của thế giới, nhưng ở đây vẫn có tới 500.000 người nghèo, sống vất vưởng, phải trông chờ vào những bữa ăn cứu tế, những nhà ở tạm cho người vô gia cư và những trại tế bần.

Cải trang làm một người thủy thủ sống lang bạt, nhà báo người Mỹ mà sau này sẽ trở thành nhà văn nổi tiếng - Jack London - đã dành ra 86 ngày sống vô gia cư trên đường phố London để có thể ghi lại một cách trung thực nhất những mảnh đời vật lộn trong nghèo túng, cơ cực ở nơi đây.

Đây được coi là một trong những ghi chép đầu tiên về cuộc sống của những người dân nghèo thành thị.

Sau trải nghiệm để đời này, Jack London đã viết cuốn “The People of the Abyss” (Những người ở vực thẳm - 1903) kể lại chi tiết cuộc sống của người nghèo ở khu East End, London, Anh - những người phải sống trong các trại tế bần hoặc ngủ vạ vật trên đường phố.

Trong 86 ngày thực sự hòa mình vào cuộc sống của dân nghèo, Jack London đã thu thập được rất nhiều tư liệu để thực hiện cuốn sách. 2/3 số ảnh sử dụng trong cuốn này do chính Jack London tự chụp.

Những gì mà ông đã trải nghiệm và viết thành sách, khắc họa một cách chân thực cuộc sống của gần 500.000 người dân nghèo ở London thời đó. Giờ đây, cuốn sách sắp được tái bản.




“Những người ở vực thẳm” (1903) là cuốn sách do Jack London thực hiện
thuở còn là nhà báo, khắc họa chân thực cuộc sống của người nghèo ở khu East End, London.
Jack London đã thực sự sống lang thang trên đường phố để hòa nhập vào những người lao động nghèo…




Cải trang làm một người thủy thủ sống lang bạt, nhà báo người Mỹ Jack London
đã ghi lại chân thực cuộc sống cơ cực của dân nghèo thành thị ở London.




Một bức ảnh có tên “Bên dưới những vòm mái” ghi lại cảnh những người đàn ông nghèo
nằm ngủ bên dưới những mái hiên trên hè phố.




Những người đàn ông xếp hàng ở một trung tâm cứu tế, họ đang chờ nhận được tấm vé ăn. Jack London đã viết về trải nghiệm này như sau: “Trong hơn 2 tiếng tôi đứng chờ ở ngoài cửa, trong hơn một tiếng, tôi đứng chờ bên trong cái sân đông đúc này. Đêm trước tôi đã không có gì ăn, rất mệt và tưởng sắp ngất. Mùi quần áo lấm bùn đất và những cơ thể đã lâu không tắm gội suýt nữa khiến tôi nôn ói. Chúng tôi đứng chen lấn, ken sát nhau đến mức có những người đàn ông vừa đứng vừa ngủ mà không lo bị ngã…”.




“Đây là bữa sáng: hai lát bánh mì, một lát có rắc mấy quả nho khô và được gọi là “bánh ngọt”,
thêm một miếng bánh xốp và một ca nước. Những người đàn ông này đã đứng đợi từ 5 giờ
để nhận được bữa sáng, nhiều người phải đợi tới 4 tiếng, ngoài ra,
tất cả đều bị đối xử như một lũ lợn, đứng chen nhau như cá hộp…”.




“Có rất nhiều kiểu nhà ở tạm dành cho người nghèo, người vô gia cư, từ những ngôi nhà bé nhỏ,
bẩn thỉu cho tới những ngôi nhà lớn, phải trả tiền mới được vào ngủ…”.



“Ngày hôm qua, tôi đã ở trong một căn phòng nằm trong tòa nhà mà thành phố
xây cho những người vô gia cư. Tôi thử nghĩ về tương lai đáng sợ phía trước
và thử tưởng tượng rằng mình sẽ phải sống trong những căn phòng như thế này cho đến hết đời,
nghĩ đến đây, tôi liền cảm thấy mình sẵn sàng chết ngay lập tức…”.





Một căn nhà dành cho người vô gia cư nằm trên phố Fieldgate,
giờ đây ngôi nhà này đã không còn nữa.




Những đứa trẻ con nhà nghèo tập trung đông đúc trên một góc phố.





Chợ Spitalfields ở thành phố London hồi đầu thế kỷ 19 (trái) và năm 2015 (phải).




Bên ngoài một trại tế bần nằm ở phố Fulbourne, những người đàn ông nghèo
đang xếp hàng để chuẩn bị bắt đầu ngày làm việc. Ngày nay, trại tế bần này đã không còn nữa.





Công viên Green Park hồi đầu thế kỷ 20 (trái) và năm 2015 (phải).



Chợ Petticoat nằm trên phố Middlesex và Wentworth.



Những gì mà Jack London đã trải nghiệm khi đóng giả làm người vô gia cư được viết lại trong cuốn sách sắp tái bản.
Bích Ngọc
Theo Daily Mail