.
Đất nước khó khăn này
sao không thấm được vào thơ ?


Hai câu thơ trên của thi sĩ Trần Dần trong bài “ Nhất định thắng” viết từ năm 1955 cho tới nay vẫn còn là câu hỏi đâm nhói vào lòng người đọc , tất nhiên, chỉ người đọc thôi, còn phần lớn “các nhà thơ” thì … không ?

Vì sao vậy ?

Trước hết , các “thiên tài” bóng tối trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm sau khi được “phục hồi” thì giống như “chim bị tên sợ cành cây cong” cũng chỉ dám làm thơ….”ngó lời” ( chữ của Lê Đạt) chứ không dám “ ngó đời” , ngó vào cõi nhân sinh đang trầm luân bể khổ, lòng người ly tán, sự thật bị xua đuổi ở khắp mọi nơi , cái ác lấn át cái thiện và cả xã hội như đang rơi vào thời kỳ băng hà của trái tim con người.

Làm thơ như những “phu chữ”, đến thở dài một tiếng cũng không dám, nói gì đến tiếng thét phẫn nộ, nên các chủ soái của nhóm Nhân văn Giai Phẩm như Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm…đều đã được “đền bù giải toả” bằng Giải thưởng cao quý nhất của Nhà nước mà nghe nói lên tới … 70 triệu đồng .

Các nhà thơ tiền chiến và chống Pháp còn lại dăm ba vị nay đã già, hết năng lực chữ nghĩa, các nhà thơ chống Mỹ như Hữu Thỉnh, Bằng Việt…đua nhau làm quan văn và làm thơ “cung đình”, các nhà thơ trẻ thời thị trường học theo cha anh, tránh cho xa “thế sự” là cái thứ “nguy hiểm chết người “, đã không bổng lộc mà còn “tai bay vạ gió”, thôi thì cứ chơi trò “duy mỹ” ( Vi Thuỳ Linh) hoặc chỉ quan tâm tới “con chữ” ( Phan Huyền Thư ) là vừa nổi tiếng, an toàn lại vừa có tiền.

Thế là cả một đội ngũ các nhà thơ trẻ đua nhau hoặc chấm ngòi bút vào nước mắt (cá sấu ) làm thơ “não tình”, hoặc giống như cô diễn viên Vàng Anh “cầm cell phone em chụp chỗ sâu ” không phải để kỷ niệm mà làm thành thứ thơ “giường chiếu “, thơ XXX nhưng vỗ ngực là “hậu hiện đại”.

Ông Ngô Minh trong bài Những sự lạ trong làng thơ Việt đăng trên talawas đã “phát hiện” :

sự trở lại của thơ tình kiểu “tiền chiến”. Buồn chán, ủ ê, đau khổ, tuyệt vọng, sướt mướt. Loại thơ tình (nam nữ) này chiếm hơn hai phần ba số thơ ấn hành hàng ngày. Những người đang yêu làm thơ tình đã đành, những người không có mảnh tình rách cũng làm thơ tình! Đến cả các nhà thơ già lớp chống Pháp, các nhà thơ “tiền chiến” bảy tám chục tuổi cũng trở lại với thơ tình!”

“lạm phát” thơ tình nhưng lại thiếu vắng, hiếm hoi những bài thơ :

“thể hiện thiên chức công dân của nhà thơ, những bài thơ chiến đấu cho sự công bằng xã hội, cho một xã hội dân chủ - tự do, thơ chia sẻ số phận đắng cay của người lao động trước sự áp bức của bất công và cường quyền của quan tham, quan liêu, những bài thơ thế thái nhân tình... từng nở rộ trong những năm đầu đổi mới, mở cửa, bây giờ thấy thưa vắng, hiếm hoi dần đi..”

Hèn nhát, bất tài, chạy trốn thế tục vào váy đàn bà vậy mà phần lớn các nhà thơ hôm nay vẫn huênh hoang “ta đây”. Trên Văn Nghệ đồng bằng sông Cửu Long có đăng bài “THI CA HÔM NAY” của INRASARA lớn lối :

mặt đất quay và quay và bỏ rơi trùng trùng nỗ lực
chìm hố thẳm vinh quang
Chỉ chúng ta kẻ cư ngụ ngang thời gian
là không rớt lại”


“ Ngoa ngôn” phải lấy ông này tiên sư !!!

Tất nhiên không phải tất cả các nhà thơ đều sợ “cường quyền”. Dòng thơ “thế tục” với những bài thơ “ Tổ Quốc nhìn từ xa” cuả Nguyễn Duy, “Khuất Nguyên”, “Khóc Nguyên Hồng “ của Trần Mạnh Hảo, “Người về” của Hoàng Hưng…vẫn được tiếp nối trong lặng lẽ và trên văn chương mạng.

Và đây là hai bài thơ mà “ Đất nước khó khăn này đã thấm được vào thơ “ của nhà thơ Bùi Chí Vinh về vụ sập cầu Cần Thơ và vụ vinh danh “quá lố” “thần đồng Adora Svitak mấy năm trước…Chuyện “thế tục” có làm cho thơ bay bổng và trở thành bất hủ còn tuỳ thuộc vào tài năng của thi sĩ, nhưng nếu quay lưng với “thế tục”, nhất định thơ sẽ chết trong lòng người đọc. Và một điều chắc chắn : loại thơ “thế tục” này không thể in ở các báo của anh Huynh !!!

BÙI CHÍ VINH
Lời ai điếu cho cầu Cần Thơ

Cầu Cần Thơ không phải cầu sông Kwai
Không phải cây cầu xây trong thời chiến
Không bị dội bom, không có súng kề đầu
Chỉ có những bản hợp đồng khổng lồ tiền bảo hiểm

Khi tôi viết dòng chữ này thì người thứ 50 đã lìa đời ngay bệnh viện
Những người tiếp theo đang vật lộn với tử thần
Những nông dân ký giao kèo bằng miệng
Nuôi mẹ già, nuôi con dại, nuôi thân

Khi tôi viết dòng chữ này thì ruộng đất vẫn bỏ hoang
Con trâu buồn thiu, máy cày rêu bám
Tấc đất ngày nay không phải tấc vàng
Người trồng lúa thành công-nhân-ngoại-hạng

Làm sao thống kê hết các thông tin choáng váng
“Kỹ sư Hiroshi Kudo từng khuyến cáo nhà thầu”
“Lạnh lùng thi công mà không thử qua trụ tạm”
Sinh mạng con người thử thách trước bể dâu

“Chín Con Rồng Cửu Long” chờ đợi một cây cầu
Không ai chờ đợi một lời xin lỗi
Không lời xin lỗi nào băng bó được cơn đau
Vợ goá, con côi, ngày ngày bụng đói

Máu đã chảy trên những lời nói dối
Trên quyền uy, trên những chiếc bàn tròn
50 người chết có cần ai sám hối
Có cần ai nhỏ lệ ban ơn?

2.10.2007

Suy nghĩ về thần đồng văn chương Adora

Ngày 15 tháng 11 năm 2007 báo chí loan tin
“Hàng trăm học sinh Việt Nam giỏi tiếng Anh chào đón thần đồng Adora người Mỹ”
Adora Svitak tuổi lên 10
Sản xuất tập truyện Những ngón tay bay đầy giá trị

Những ngón tay bay của thần đồng huyền bí
Bay từ giấc mơ đất nước nhà giàu
Những ngón tay bay biến thành hàng tiếp thị
Xoa dịu vỗ về xứ sở chiêm bao

Những ngón tay bay không thể điều trị bệnh ho lao
Con nít xóm nghèo vẫn mỗi ngày viêm phổi
Những ngón tay bay không dựng nổi nhịp cầu
Cầu Cần Thơ vẫn trong cơn hấp hối

Những ngón tay bay được soi đường dẫn lối
Để bắt tay lựa chọn bạn bè
Bắt tay trường quốc tế, trường chuyên, trường quý tộc
Công tử nhi đồng, tiểu thư nhí xum xoe

Tội nghiệp Adora đeo kính cận cười toe
Nụ cười toét miệng không phân ranh quốc tịch
Nụ cười y chang các đứa bé vỉa hè
Bán vé số, bán hàng rong rách đít

Những ngón tay bay trở nên cổ tích
Khiến chúng sinh quên hết chuyện hoang đường
Chuyện tham nhũng, chuyện bất công, chuyện mất nhà mất đất
Chỉ còn chuyện loài người ôm giấc mộng văn chương

Những ngón tay bay làm thế giới gần hơn
Nhưng cũng làm thần đồng Adora xa lạ
Nếu Adora sinh trưởng ở Việt Nam
Chắc chắn cô bé sẽ vô chùa quét lá

Ở xứ sở vàng bị chôn dưới đá
Phù Đổng vươn vai đã bị đụng trần
Những ngón tay bay lết bò vì cơm áo
Thiên tài làm gì có chỗ cõi phù vân?

11.2007
NT