Sau hạn hán bất thường là lụt bất thường


QUẢNG NAM (NV) - Theo lẽ tự nhiên, lụt lội, thiên tai chỉ diễn ra vào mùa của mưa bão. Nhưng năm nay, mọi chuyện có vẻ khác thường, nông dân hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi dở cười dở khóc bởi trận lụt đầu năm khiến cho mùa màng trên các bãi biền đều ngập nước, úng thối. Với người nông dân, trận lụt này đã cuốn sạch nguồn tài chính cho cả một năm.

Người nông dân không dám nhìn ruộng dưa của mình tan hoang sau cơn lũ. (Hình: Phi Hùng/Người Việt)


Sở dĩ nói trận lụt diễn ra trong mùa Xuân đã cuốn sạch nguồn tài chính một năm trời của người nông dân ven sông Vu Gia, Thu Bồn, Quảng Nam và sông Vệ, sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi là vì hai lý do: Mùa chủ đạo và nguồn đầu tư lớn.

Ở lý do thứ nhất, chị Ngã, một nông dân bên sông Vệ, thuộc huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, cho hay, “Mùa này là mùa chính trong năm, mùa này quyết định cả một năm đói hay no. Thường thì vụ Đông Xuân sớm diễn ra vào tháng 11 Âm lịch cho đến Tháng Giêng để sắm Tết, gom gạo vào hũ.”

“Đến Rằm Tháng Giêng thì thu hoạch xong vụ Đông Xuân sớm, lại cuốc đất để cho ải và gieo trồng vụ Xuân Hè. Nhưng cũng có nhà ủ đất, đợi đến cuối Tháng Mười Một hoặc đầu Tháng Chạp mới bắt đầu vỡ đất để canh tác, chốt mùa.”

“Trường hợp trồng dưa hấu, khoai lang, bí đỏ là trường hợp ủ vụ, đến đầu Tháng Hai Âm lịch sẽ là vụ thu hoạch, mọi hạt gạo, củ khoai, tiền đi chợ và tiền bù lỗ cho cả năm khó khăn nằm trong vụ này. Vì sau quá trình ủ đất lâu dài, đất sẽ ải và trồng cây rất tốt, dễ bội thu. Hơn hẳn mọi vụ khác.”

“Nhưng vụ này nông dân dọc các triền sông ở Quảng Ngãi đều bị ngập úng, thất thu, riêng gia đình tôi mất hết mười sào dưa hấu, ngấm nước hư hết. Dưa hấu mà ngấm nước thì chết sạch, trái cũng thối. Mà đất thuê, ai cũng thuê hết, vì đất bãi mà, cứ đất bãi là phải thuê. Coi như cả một năm dài bây giờ phải chờ hai vụ sau để trả nợ thuê đất chứ vốn của mình thì mất luôn rồi.”

Một nông dân khác tên Thiệp, ở Đại Lộc, Quảng Nam, buồn bã, “Năm nay coi như đi toi rồi đây. Thời tiết khó lường quá, quả thực là khó lường. Buồn lắm, mất hết trơn rồi!”

“Tui thuê năm mẫu đất dọc sông Vu Gia, đoạn cầu Quảng Huế, mỗi mẫu (1000m2) tôi trả ba triệu một năm, đất thuê lại nên hơi mắc để trồng bí đao, bí đỏ và dưa leo và dưa hấu. Thường thì mọi năm, vào mùa này có thể đã huề vốn và sinh lãi. Mấy mùa sau mình làm để lấy lãi thôi, không phải bận tâm. Nhưng năm nay thì đi toi!”

“Mùa này là mùa mình đầu tư nhiều nhất, vì nó hứa hẹn thu hoạch tốt, tiêu thụ tốt. Nhưng nếu mà thiên nhiên lấy đi coi như mất tất cả. Năm nay không phải thiên nhiên lấy mà thủy điện nó lấy. Mình không có bằng chứng việc thủy điện xả đập nhưng tốc độ nước cho thấy như thế.”

“Vì thủy điện xả đập thì lưu lượng nước dồn dập giống như lũ quét vậy, lũ nguồn về đến sông rồi không bao giờ dồn dập như vậy. Trước đây không bao giờ có chuyện nước xuống ào ào, ngập hết mọi thứ, mình không kịp trở tay, chỉ có chuyện này từ ngày thủy điện hoạt động. Mình chẳng biết kêu ai hết. Coi như năm nay khốn đốn rồi đây. Nếu mà đầu mùa mưa làm thêm một trận nữa thì mất sạch.”

Một năm khó khăn trước mặt

Với người nông dân miền Trung nói chung và Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Huế nói riêng, thời tiết, thiên nhiên khắc nghiệt luôn là nỗi ám ảnh mùa màng. Không trừ bất kỳ ai, từ người trồng lúa, làm vườn cho đến người chăn nuôi, hầu như ai cũng sợ thời tiết. Người trồng lúa, làm vườn thì sợ mưa bão, người chăn nuôi thì lại sợ nắng nóng, khí trời xấu...

Chị Nguyệt, nông dân ở xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam, buồn bã kể, “Con sông Vu Gia đã chôn của tôi nhiều thứ, trong đó có cái quí giá nhất của cuộc đời tôi đó là đứa con trai duy nhất của vợ chồng tôi. Mùa màng thì nó chôn nhiều lần rồi. Nói chung là từ ngày thủy điện hoạt động, gia đình tôi gặp hết tai ương này đến tai ương khác.”



Dưa hấu bị ngập úng ở Quảng Nam. (Hình: Phi Hùng/Người Việt)



“Tôi ở xa con sống này nhưng lại thuê đất bãi để làm ăn ở bên sông, gần chân cầu Quảng Huế. Lần đó con trai tôi đang chơi bên bờ sông, nước cũng cạn lắm. Vợ chồng tôi thì nhổ cải, rửa cải bên cạnh nó. Ngước nguồn về bất ngờ, cuốn ngay trước mặt tôi mà vợ chồng tôi cứu cháu không được. Tụi tôi lao theo dòng nước, cố cứu con nhưng tuyệt vọng. Nước đẩy hai vợ chồng đi đến hàng chục cây số...”

“Trong lần đó, tôi mất con trai, mất mọi thứ, mùa màng hư hỏng, hai vợ chồng tôi phải thuê người tìm cho được xác con. Đau khổ không gì bằng. Nhưng chẳng có ông thủy điện hay bà thủy quái nào đến chia sẻ, xin lỗi vợ chồng tôi lấy một tiếng. Tôi oán lắm nhưng chẳng biết làm gì để đền bù cho con mình. Bây giờ có kiện ra thì cũng chẳng đi đến đâu. Họ thấy thua lý nữa thì họ bỏ ra vài chục triệu, trăm triệu để đền bù cho mình. Mà làm như thế khác nào tôi đổi mạng con để lấy tiền.”

“Cái điều làm tôi mong mỏi nhất là lẽ phải cho con của tôi và mọi người nữa. Nhưng có vẻ như khó lắm, vì tôi thấy xã hội này chẳng mấy công bằng đâu. Thôi thì cắn răng mà chịu đau chứ giờ mỗi lần vác đơn đi kiện mà không được thì lại đau đớn, lại hết muốn sống...”

“Mùa này tôi làm mùa cuối cùng để trả đất, ông nước lại làm một trận, coi như mất trắng. Nhìn bãi bí ngô (bí đỏ) nằm lăn lóc trong bùn non, vợ chồng tôi hết hy vọng, biết là đất không cưu mang mình nữa rồi. Thôi thì chuyển nghề vậy!”

Chuyển nghề? Nhưng chuyển nghề gì khi mà vợ chồng chị Nguyệt chỉ biết làm ruộng, không có nghề nào khác? Một viễn cảnh buôn thúng bán bưng giữa phố đông người, chỗ thuê trọ chật chội hoặc là phụ hồ quanh năm suốt tháng, buôn ve chai để qua ngày đoạn tháng. Tự dưng, thấy tội nghiệp người miền Trung quá!


Phi Hùng