Mổ xẻ chiếc áo rút dây "sát nhân" mà trẻ em nào cũng thích



Cùng mổ xẻ chiếc áo có dây rút ở cổ - một trong những nguyên nhân khiến nhiều trẻ em tử nạn.

Mới đây, những hình ảnh về chiếc áo có dây rút ở mũ, gây ra cái chết của hàng chục trẻ em ở Trung Quốc được chia sẻ khiến không ít người băn khoăn và hoang mang.


Theo đó, gần đây nhất, tháng 9/2013 đã ghi nhận một tai nạn xảy ra khi một em bé 3 tuổi ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) đang chơi cầu trượt tử vong do thủ phạm của chiếc áo - dây rút ở cổ áo bị vướng và siết chặt cổ.



Chiếc áo có dây rút phần cổ được cho là chiếc áo "tử thần" khi có thể gây hại cho trẻ nhỏ. (Ảnh minh hoạ)

Điều này đã khiến cho không ít người giật mình bởi hầu như chiếc áo này vô cùng quen thuộc và được nhiều bạn ưa thích. Vậy sự thật đằng sau chiếc áo "tử thần" này như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đi tìm lời giải cho thắc mắc đó.


Từ những tai nạn hi hữu xảy ra với chiếc áo có dây rút ở cổ áo


Có một sự thật là, chiếc áo có dây rút ở cổ là một trong những sản phẩm ưa thích của không ít trẻ nhỏ và cả người lớn. Tuy nhiên, bạn có biết, chiếc áo này là mặt hàng nguy hiểm và đã bị Ủy ban an toàn hàng tiêu dùng Hoa Kỳ (CPSC) yêu cầu thu hồi lại? Theo đó, Mỹ đã ra lệnh thu hồi 7.800 áo nỉ trùm đầu do phát hiện nguy cơ tiềm ẩn trong chiếc áo.


Mỹ đã ra lệnh thu hồi 7.800 áo nỉ trùm đầu do phát hiện nguy cơ tiềm ẩn từ chiếc dây rút ở phần cổ chiếc áo.

Điểm mấu chốt về tính nguy hiểm của chiếc áo nằm ở hai sợi dây trên mũ của chiếc áo. Theo một báo cáo của CPSC, có tới 90% trẻ em nhỏ dưới 14 tuổi đã gặp rắc rối với phần dây của chiếc áo. Do đó, theo quy định của Mỹ, các loại áo dành cho trẻ em từ 2 - 12 tuổi không được có dây rút.


Bởi trẻ em có nguy cơ bị tử vong khi mặc loại áo này, do các sợi dây bị mắc kẹt vào thiết bị khác, khiến các em bị siết chặt phần cổ, dẫn đến ngạt khí.


Các sợi dây bị mắc kẹt vào thiết bị cầu trượt khiến các em bị siết chặt phần cổ, dẫn đến ngạt khí.




Ở Trung Quốc cũng ghi nhận một vài trường hợp trẻ em tử nạn khi đang chơi đùa, không may dây rút ở cổ áo kẹt vào khe cầu trượt, cửa kính ô tô, cửa xe buýt... sợi dây thắt lại quấn quanh cổ.


... đến thực hư câu chuyện "sát nhân" của chiếc áo có dây rút ở cổ


Mặc dù có không ít các trường hợp được ghi nhận, nhưng theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Mỹ (CPSC), tính riêng từ tháng 1/1985 đến tháng 9/1995, họ nhận được báo cáo về 17 trường hợp tử vong và 42 trường hợp chấn thương, thương tích của trẻ em khi mặc chiếc áo có dây rút ở cổ áo. Tất cả những trường hợp này đều liên quan đến trẻ em dưới 14 tuổi.




Ngay sau đó, vào năm 1995, CPSC đã ban hành hướng dẫn thu hồi cũng như sắc lệnh về việc loại bỏ dây rút trên cổ áo, mũ áo khoác, áo len cho trẻ em. Theo đó, người sử dụng đã được khuyến cáo là có thể trả lại những sản phẩm đã mua hay loại bỏ ngay lập tức những sợi dây ở cổ áo để tránh gây hại cho các em. Cùng với đó, một số nhà sản xuất đã có hướng khắc phục thiết kế phù hợp và an toàn hơn dành cho các trẻ em dưới 14 tuổi


Mặc dù khuyến cáo đã được ban hành nhưng vẫn còn có tới 6 trường hợp tử vong và 10 trường hợp chấn thương được ghi nhận 5 năm sau đó tại Mỹ.




Nhìn vào số liệu này, bạn cho rằng, chiếc áo thực sự nguy hiểm? Trên thực tế, những tai nạn này vẫn là nhỏ so với khoảng 9.000 trường hợp trẻ em tử vong tại Mỹ mỗi năm - theo số liệu thống kê năm 2014. Bởi vậy, liệu có là "nói quá" khi cho rằng, chiếc áo này thực sự là một "kẻ giết người"?


Không thể phủ nhận rằng, những chiếc dây rút ở cổ áo đã khiến cho các em gặp nguy hiểm trong một vài trường hợp, tuy nhiên, lỗi này được cho là ở hai phía.




Trẻ em vốn hiếu động và nghịch ngợm nên việc cho trẻ mặc áo có dây rút cổ có thể dẫn đến nghẹt thở khi buộc mũ áo quá chặt hay việc chủ quan của cha mẹ khi không ý thức được những mối hiểm nguy mà chiếc áo có thể mang lại, bất chấp lời cảnh báo được đưa ra rất lâu trước đó.


Bởi vậy, thay vì cố quy kết chiếc áo là "kẻ giết người" hay tẩy chay chúng thì mỗi người hãy tự ý thức được sự nguy hiểm cũng như có thể dễ dàng loại bỏ mối nguy hại cho người thân của mình.



Nguồn: CPSC, HealthCare


Theo
VyKa / Trí Thức Trẻ