Chợ “tử thần” Kim Biên: Mua hóa chất dễ hơn mua rau


Chợ Kim Biên còn được nhiều người gọi là chợ "tử thần" bởi ở đây, người ta có thể mua được hóa chất cấm còn dễ hơn cả... mua rau.

Điểm danh các loại hóa chất
Được thành lập năm 1960, sau hơn 50 tồn tại, chợ Kim Biên khá nổi tiếng với hàng trăm cơ sở kinh doanh hóa chất (từ các loại dùng trong công nghiệp, thực phẩm đến hóa chất độc hại...) và được mệnh danh là chợ "tử thần".
Tại khu vực Kim Biên, hóa chất đủ loại được bày bán công khai, kể cả các loại hàng nằm trong danh mục hạn chế sử dụng hoặc cấm sử dụng. Hóa chất dùng trong công nghiệp như chất thông cống, xử lý hầm cầu, điều chế cao su, lọc sạch không khí, làm sạch kim loại cũ đến các loại hóa chất như hàn the, Formol, hương bún bò, chất tẩy trắng lòng heo thối đến cả viên thuốc điều chế rượu mạnh XO… đều bày bán công khai.
Điều đáng nói là hóa chất khi được bày bán đều được đựng trong thùng, can, chai nhựa, không nhãn mác, hay hướng dẫn sử dụng. Khi khách hàng đến mua, chủ cửa hàng lấy hóa chất vào túi nilon rồi đưa khách mang về. Tiểu thương này cho biết: “Chúng tôi bán hóa chất ở đây mấy chục năm rồi, có xảy ra chuyện gì đâu”.
Những loại hóa chất làm rượu tây giả cũng không phải “hàng hiếm” tại khu chợ này. Nhân viên một của hàng bán hóa chất đường Phan Văn Khỏe cho biết, hàng hương vị rượu XO giá 35.000 đồng/viên, hương Henessy giá 25.000 đồng/viên, mua sỉ giám giá 10%. Viên hóa chất làm rượu giả tương tự như viên thuốc cảm Panadon được người bán tiết lộ là hàng xách tay do Trung Quốc sản xuất. Cô nhân viên này còn nhiệt tình chỉ cho cách pha chế rượu Tây từ hóa chất, theo cô bán hàng viên hóa chất cùng với chất tạo màu đủ để pha một chai XO dung tích 650ml màu sắc và mùi y như thật.
“Khách hàng của các loại hóa chất hương liệu các loại rượu tây phần nhiều là các nhà hàng, quán bar, vũ trường và một số người mua để làm rượu tây giả”- cô nhân viên này tiết lộ.


Chợ Kim Biên từ lâu còn được nhiều người gọi là "chợ tử thần"


Tại Kim Biên, ngoài hóa chất dùng trong công nghiệp, các loại hóa chất dùng trong ngành chế biến thực phẩm gồm hương liệu, chất phụ gia dưới dạng lỏng và bột có đủ loại hương, tạo ra vô số màu, chất làm mềm, làm dẻo, làm giòn thực phẩm. Phổ biến nhất là các loại hoá chất chế nước lèo làm bún, phở, hủ tiếu… Trong đó đầu tiên phải kể đến loại đường Tây tạo vị siêu ngọt cho nồi nước lèo bún bò, bún riêu cua… Chỉ cần vẩy một ít hạt đường nhỏ vào trong nồi nước nấu sôi, lập tức sẽ có ngay vị nước lèo bún bò tuyệt ngon mà chẳng cần phải ninh xương mất thời gian lại tốn kém.
Rồi các loại bột tạo vị trà chanh cũng được nhiều tiểu thương bày bán. Đây là bột tạo chua có giá 35.000 đồng/kg. Theo lời người bán, chỉ cần 1 muỗng bột này pha vào 10 lít nước là được ngay ly nước cốt chanh chua ngọt đúng vị, không cần phải thêm đường. Mỗi lần bán chỉ cần lấy 1 muỗng nhỏ bột này sẽ pha được 500 cốc trà chanh.
Chưa hết, để tạo mùi hương chanh thơm đúng vị, người mua được chủ hàng tư vấn mua thêm can nhựa màu trắng ghi chữ “Hương Chanh” rất to bên ngoài với giá 50.000 đồng/lít. Chỉ cần 100ml này sẽ tạo được hương chanh cho 1.000 cốc.
Những lọ hóa chất này bên ngoài không hề có hướng dẫn sử dụng hay xuất xứ. Chưa kịp hỏi thì chủ sạo đã phân bua: “Hàng nhập từ bển (Trung Quốc) về, cứ yên tâm là chất lượng khỏi chê. Hàng ngày có rất nhiều tiểu thương mua bột này bán, người ta uống vào ầm ầm đã chết ai đâu?”.
Tại chợ Kim Biên, người ta còn bán nhiều loại nước xả quần áo với giá rẻ như cho. Điều đáng nói, các loại nước xả này đều được làm nhai dưới các thương hiệu nổi tiếng như Cf, Dow… Giá của mỗi can nước xả là 70-80.000 đồng/lít. Các loại dầu gội, sữa tắm…còn rẻ hơn. Cụ thể, can dầu gội trị gầu C. có giá 50.000 đồng/lít, sữa tắm con dê 30.00 đồng/lít… và mua xong được chủ quán khuyến mãi cho vài chai nhựa vỏ hộp về đong bán.
Các loại hóa chất tạo mùi cafe, từ mùi cafe Moka, Pháp đến hương cacao, cafe rang sấy… đều có. Giá dao động từ 300 ngàn đến khoảng 1 triệu đồng/kg.
Ngoài những loại hóa chất kể trên, thuốc thúc chín trái cây cũng được vày bán công khai ở chợ Kim Biên. Cụ thể, thứ nước lỏng dùng để thúc chín trái cây được đựng trong một can nhựa màu trắng không mùi, không vị, không nơi sản xuất, không hạn sử dụng… nhưng được chủ sạp quảng cáo là “hàng chất lượng hảo hạng”, nhập từ nước ngoài, có khả năng “hóa phép” mọi loại trái cây xanh, non thành quả chín.
Chủ sạp hàng cho biết bịch nước thúc chín trái cây này có giá 60.000 đồng/kg nhưng chỉ cần bỏ 3-5 muỗng cafe ngâm khoảng 3-5 giờ là năm chục ký trái cây sẽ chín vàng, kể cả sầu riêng hay mít…
Thêm nữa, chợ Kim Biên còn bán tràn lan các loại hóa chất tẩy trắng rau củ quả. Loại bột này có màu trắng, giá bán 100.000 đồng/bịch 500gram, cho vào rau củ bẩn thì sẽ trắng tinh như mới gọt rửa. Bên cạnh đó, nhiều loại hóa chất hóa mỹ phẩm như sữa tắm, bột giặt, nước hoa xịt phòng, làm thịt đỏ tươi trở lại… tất cả đều được đựng trong các can nhựa trắng không ghi nhãn mác.
Tử thần rình rập
Sau vụ nổ do hóa chất ở công ty Đặng Huỳnh hồi tháng 10/2014, khiến 3 người chết và nhiều căn nhà hư hỏng, UBND Q.5, TPHCM đã kiên quyết di dời chợ Kim Biên về một Trung tâm thương mại gần đó nhằm đảm bảo an toàn. Nhưng do sự không đồng thuận của các tiểu thương, chủ trương này vẫn nằm trên giấy và tình trạng mua bán ở đây vẫn tiếp tục diễn ra.
Ngoài chợ Kim Biên, TPHCM còn có rất nhiều cơ sở kinh doanh hóa chất không đảm bảo an toàn khác. Giống như chợ Kim Biên, hóa chất bày bán trên tuyến đường Tô Hiến Thành, Q.10 rất đa dạng về chủng loại, xuất xứ và được đựng trong thùng nhựa, túi nilon, chai, lọ, can, không nhãn mác… Tình hình buôn bán ở đây cũng rất tấp nập. Đa số khách hàng đều đến mua hương liệu, phẩm màu thực phẩm.
Các chủ cơ sở hóa chất ở đây cho biết, những năm gần đây, các loại như phẩm màu, hương liệu thực phẩm chủ yếu được các tiểu thương nhập từ Trung Quốc về bởi “hương liệu của Trung Quốc rất đa dạng và được ưa chuộng”.


Hóa chất bày bán ở chợ Kim Biên được dựng trong thùng nhựa, không ghi rõ nhãn mác hay hướng dẫn sử dụng. (Ảnh: Dân trí).


Đại diện phòng Y tế quận 5 cho biết, các hộ kinh doanh hóa chất luôn tìm cách để trốn tránh, qua mặt các cơ quan chức năng. Nhiều sản phẩm phụ gia thực phẩm, hóa chất công nghiệp hết hạn hoặc không có nguồn gốc xuất xứ được các cơ sở cất giấu trong nhà, trong khi lực lượng chức năng chỉ được phép kiểm tra nơi kinh doanh buôn bán. Cũng theo cán bộ phụ trách kinh tế phường 13, quận 5 cho biết, ngoài số hộ kinh doanh hóa chất ở chợ Kim Biên, hiện có 51 địa điểm kinh doanh hóa chất thuộc các con đường Vạn Tượng, Phan Văn Khỏe, Kim Biên… nằm xung quanh chợ. Các cơ sở kinh doanh hóa chất trong và ngoài chợ Kim Biên không chỉ cung cấp các loại hóa chất cho TP.HCM mà cho cả miền Nam với hình thức kinh doanh sỉ và lẻ.
Ngoài ra, các cơ sở cũng bày bán nhiều sản phẩm không có trong danh mục, không đảm bảo quy trình xử lý cháy nổ.
Hóa chất là một loại hàng hóa đặc biệt. Tuy nhiên, có không ít cơ sở kinh doanh hóa chất vì lợi nhuận mà không đảm bảo những quy định về an toàn. Tại TPHCM, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ cháy, nổ nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Tính riêng trong năm 2014, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 301 vụ cháy nổ; khiến 26 người chết và 27 người bị thương.
Theo báo cáo của Phòng Y tế quận 5, chợ Kim Biên hiện có 17 cửa hàng hóa chất nằm trong khu vực chợ, và nhiều cửa hàng của doanh nghiệp, cá nhân nằm rải rác xung quanh chợ. Tuy nhiên, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm tất cả các cơ sở kinh doanh hóa chất nói trên đã hết hạn sử dụng từ năm 2012.
UBND TP.HCM vào cuối năm 2014 cũng đã có yêu cầu các địa phương lập lại kỷ cương buôn bán hóa chất và phụ gia thực phẩm, quản lý chặt chẽ việc cấp các loại giấy phép kinh doanh thuộc ngành, nghề sản xuất dễ gây cháy nổ, kinh doanh hóa chất; xử lý nghiêm và không để các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất hoạt động trái phép.
Hội đồng Nhân dân thành phố đề nghị chính quyền quận 5 xúc tiến việc tuyên truyền, vận động để đưa các hộ kinh doanh hóa chất trong chợ Kim Biên và khu vực lân cận đến địa điểm kinh doanh mới, thiết lập trật tự kinh doanh theo đúng quy định để quản lý việc buôn bán hóa chất, phụ gia thực phẩm chấm dứt tình trạng buôn bán hóa chất tự do như thực tế đang diễn ra hiện nay, góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.
Trên thực tế thì Quận 5 có chương trình vận động các hộ kinh doanh hóa chất di dời vào trung tâm thương mại Đông Phương – chuyên kinh doanh hóa chất, nhưng không được sự đồng thuận (!?).
Theo đó, nhiều lý do “khước từ” từ phía các hộ kinh doanh được đưa ra, như: tiền thuê mặt bằng cao gấp nhiều lần với tiền thuê sạp hiện nay; vị trí kinh doanh hiện nay của các tiểu thương ở chợ Kim Biên ngay mặt đường Vạn Tượng, nên rất thuận lợi người buôn kẻ bán, còn một khi đã vào trung tâm, kinh doanh sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhiều tiểu thương còn hoài nghi, khi vào trung tâm thương mại, kinh doanh có tốt hơn không?
Và khi chợ Kim Biên còn chưa được di dời, khi hoạt động buôn bán hóa chất diễn ra như "chưa hề có luật cấm" thì khu chợ này vẫn giống như "lưỡi hái tử thần" đe dọa sức khỏe và cuộc sống của nhiều người dân./.




Theo Ngọc Anh/Đời sống Pháp luật.