Nga hợp tác với Iran: Các nước phương Tây lo ngại




Bên cạnh những lợi ích về kinh tế và thương mại, sự hợp tác của Nga và Iran vào thời điểm này cũng khiến các nước phương Tây phải "dè chừng".


Hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga trong một buổi diễu hành ở Moscow (ảnh: Wikimedia Commons)

Nga ngày 13/4 quyết định dỡ bỏ lệnh cấm bán cho Iran hệ thống tên lửa phòng không S-300. Quyết định này không chỉ giúp tăng cường đáng kể khả năng quân sự của Iran, mà còn giúp tạo một khởi đầu thuận lợi cho Nga trong cuộc đua để giành lấy những lợi ích từ việc quốc tế dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran.

Tuy nhiên, việc Nga và Iran – hai nước đều đang đối mặt với vòng vây trừng phạt kinh tế có cái bắt tay chặt hơn vào thời điểm này, đang thực sự khiến các nước phương Tây lo ngại.

Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga Vladimir Komoedov đánh giá quyết định của Tổng thống Nga Valdimir Putin dỡ bỏ lệnh cấm cung cấp cho Iran hệ thống tên lửa phòng không S-300 là một quyết định kịp thời và mở đường để Nga có thể cung cấp các thiết bị quốc phòng khác cho Iran.

Bên cạnh dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí, Nga cũng bắt đầu chương trình đổi dầu lấy lương thực. Theo một số nguồn tin, Nga bắt đầu cung cấp ngũ cốc, trang thiết bị và vật liệu xây dựng tới Iran để đổi lấy dầu thô, theo một thỏa thuận trao đổi hàng hóa. Iran là nước lớn thứ 3 mua ngũ cốc của Nga.

Những bước đi này của Nga đưa ra sau khi Iran và nhóm P5+1 đạt được một thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran vào đầu tháng này.

Israel ngay lập tức phản ứng đối quyết định của Nga, nhấn mạnh, đây là hậu quả trực tiếp của việc cộng đồng quốc tế tiến tới thỏa thuận khung với Iran. Bộ trưởng Nội các Israel Yuval Steinitz cho rằng, Iran đang tận dụng việc quốc tế nới lỏng biện pháp trừng phạt kinh tế để mua vũ khí và không cải thiện điều kiện sống cho người dân.

Mỹ cũng cho rằng, đây là một hành động không tích cực vào thời điểm các nước đang tham gia đàm phán hướng đến một thỏa thuận hạt nhân cuối cùng cho Iran.

Thư kí báo chí Nhà trắng Josh Earnest nhấn mạnh: “Mỹ trước đó cũng đưa ra nhiều phản đối việc bán vũ khí cho Iran. Ngoại trưởng Kery đã đưa những mối lo ngại này trong cuộc đối thoại với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Tôi nghĩ Nga hiểu rằng, Mỹ chắc chắn có sự quan tâm sâu sắc đến an toàn và an ninh của các đồng minh trong khu vực”.

Việc Mỹ và Israel lo ngại là hoàn toàn có cơ sở khi quyết định này của Nga được cho là sẽ giúp tăng cường đáng kể khả năng quốc phòng của Iran. Bộ trưởng quốc phòng Iran Hossein Dehghan nhấn mạnh, việc Nga dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí đối với nước này có thể giúp mở rộng hợp tác giữa hai nước, đảm bảo ổn định và an ninh trong khu vực.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng cho rằng, trong tình hình căng thẳng gần đây tại khu vực, Iran cần phải hiện đại hóa hệ thống quân sự để có thể phản ứng nhanh với những diễn biến tại Yemen và tình hình quân sự của khu vực. Lệnh cấm vận vũ khí với Iran nên được dỡ bỏ ngay lập tức sau khi thỏa thuận hạt nhân cuối cùng được kí kết.

Ông Lavrov nói: “Tôi tin rằng ở giai đoạn này, lệnh cấm vận vũ khí không còn cần thiết. Tôi muốn nhấn mạnh, S-300 hoàn toàn là một vũ khí phòng thủ, không sử dụng cho các mục đích tấn công và sẽ không gây nguy hiểm cho sự an toàn của bất cứ quốc gia nào, trong đó có cả Israel”.

Củng cố lực lượng phòng thủ của Iran trong bối cảnh an ninh bất ổn khu vực là điều hoàn toàn thực tế, nhưng bước đi này của Nga cũng được giới quan sát nhận định là giúp nước này có một khởi đầu thuận lợi trong cuộc đua giành những lợi ích từ việc quốc tế dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran. Nga đang hi vọng thúc đẩy kinh tế và đạt được những lợi ích thương mại khi thỏa thuận cuối cùng với Iran được kí kết.

Bên cạnh những lợi ích về kinh tế và thương mại, sự hợp tác của Nga và Iran vào thời điểm này cũng khiến các nước phương Tây phải “dè chừng”. Mối quan hệ giữa Nga và Iran bị xấu đi đáng kể, từ khi Nga hủy hợp đồng bán hệ thống phòng không tân tiến S-300 cho Iran hồi năm 2010, sau khi Liên Hợp Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia Hồi giáo này.

Iran đã tuyên bố kiện Nga tại tòa án quốc tế tại Geneva và đòi bồi thường. Tuy nhiên, trong bối cảnh cả Iran và Nga đều đang bị Mỹ và phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế, thì việc hai nước bắt tay hợp tác sẽ giúp tăng cường sức mạnh kinh tế của mỗi nước, đối phó với vòng vây trừng phạt; giúp gia tăng uy tín và tiếng nói của Iran, cũng như Nga trong thời điểm hiện tại

Theo vov.vn