'Hòa giải Mỹ - Việt dễ hơn với nội bộ VN'




Chính quyền Việt Nam chuẩn bị đánh dấu 40 năm ngày 'Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước' trong tháng Tư này.

Hòa giải Mỹ - Việt sau 40 năm ngày 30/4 'dễ dàng' hơn là giữa nội bộ người Việt trong và ngoài nước, theo ý kiến của khách mời Bàn tròn Thứ năm của BBC Việt ngữ hôm 16/4/2015.

Trong khi đó, cũng có ý kiến nói việc hòa giải dân tộc giữa người Việt với nhau 'khác với' hòa hợp giữa một bộ phận của người dân Việt Nam với chính quyền và đảng cộng sản hiện nay, một quan điểm chia sẻ với cuộc Tọa đàm với chủ đề "30/4, quá khứ và tương lai", của BBC Việt ngữ.

Trước câu hỏi liệu việc hòa giải Việt - Mỹ có 'dễ hơn' so với hòa giải nội bộ Việt Nam hay không, bà Thảo Griffiths, Trưởng đại diện của Quỹ Cựu chiến binh Hoa Kỳ tại Việt Nam (VVAF) nói với Tọa đàm:

"Tôi đồng ý. Việc hòa giải giữa hai quốc gia Việt Nam và Hoa Kỳ, chúng ta đã làm được rất nhiều, có thể nói là chúng ta đã làm xong, gần xong, và chúng ta đang xây dựng quan hệ chiến lược toàn diện với nhau.

"Nhưng việc khó khăn nhất là việc hòa giải giữa người Việt trong nước và người Việt ở nước ngoài.


Thực sự nếu mà nói chữ hòa hợp và hòa giải, thì nó phải đòi hỏi hòa hợp, hòa giải hai chiều. Tức là có chiều bên kia và có chiều bên đây.Nhà báo Trần Nhật Phong

"Chứ còn người Việt trong nước giữa miền Bắc và miền Nam, tôi nghĩ là vấn đề không có nặng nề," bà Thảo Griffiths nói với BBC từ Hà Nội.

'Hòa giải chỉ một chiều'

Nhà báo Trần Nhật Phong từ California, Hoa Kỳ nêu quan điểm:

"Mọi người có vẻ lầm lẫn giữa hòa hợp và hòa giải. Hòa hợp và hòa giải không phải là hòa hợp, hòa giải dân tộc, mà là với chính quyền bên đó.

"Chứ thực sự, cá nhân gia đình tôi, hay là bạn bè tôi ở đây vẫn có những người sinh sống ngoài Bắc trong thời gian chiến tranh hoặc sau đó.

"Chúng tôi hoàn toàn không có gì thù hận nhau cả, cho nên không có chữ hòa hợp hay là hòa giải dân tộc ở đây, mà sự hòa giải giữa chính quyền với những người ở bên kia chiến tuyến mà thôi, chứ không phải là dân tộc. Chúng ta phải rõ khái niệm đó...

"Thực sự nếu mà nói chữ hòa hợp và hòa giải, thì nó phải đòi hỏi hòa hợp, hòa giải hai chiều. Tức là có chiều bên kia và có chiều bên đây.


Nhiều thương hiệu của Mỹ từng hiện diện ở miền Nam Việt Nam trước đây đã trở lại đất nước này sau mấy thập niên hậu chiến.

"Xưa nay về chính sách thì phía Việt Nam có đưa ra, nhưng chính sách đó hoàn toàn không có tâm và nỗ lực thực sự, mà nó chỉ là ngôn ngữ bề ngoài mà thôi.

"Tại vì nếu anh đã nói ngôn ngữ hòa hợp, hòa giải, tức là chấp nhận sự khác biệt của đôi bên để tiến tới gần nhau, nhưng ở bên trong đó có bao giờ chấp nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ chưa?

"Chưa bao giờ! Chính quyền chưa bao giờ thừa nhận và những ai cầm lá cờ đó lên đều bị đối xử một cách rất khắc nghiệt; như vậy chữ hòa hợp, hòa giải đó, tôi nghĩ không phải là điều mà phía chính quyền bên đó muốn."

Nhà báo Trần Nhật Phong còn trích dẫn ý kiến của một học giả bên Hoa Kỳ cho rằng chính quyền Việt Nam "chỉ muốn hòa hợp, chứ không muốn hòa giải."

"Tức là chỉ muốn người ta chấp nhận họ, chứ họ không muốn chấp nhận người khác," nhà báo giải thích thêm quan điểm này.

Theo tôi nghĩ là phải một vài thế hệ nữa, phải là 20 năm hoặc 30 năm nữa, mới có thể hòa giải dân tộc được. Ngay bây giờ, hiện tại bây giờ, tôi nghĩ rằng rất là khó hòa giải, hòa hợp dân tộc
Cựu Đại úy Hoàng Sơn Long



'Một vài thế hệ nữa?'

Từ San Jose, California, Hoa Kỳ, cựu Đại úy Hoàng Sơn Long, sỹ quan bộ binh quân lực Việt Nam Cộng hòa nêu quan điểm về việc hòa giải, hòa hợp dân tộc dễ hay khó.

Ông nói:

"Theo tôi nghĩ là phải một vài thế hệ nữa, phải là 20 năm hoặc 30 năm nữa, mới có thể hòa giải dân tộc được.

"Ngay bây giờ, hiện tại bây giờ, tôi nghĩ rằng rất là khó hòa giải, hòa hợp dân tộc.

"Thứ nhất là đối với chính quyền Việt Nam hiện tại, họ không có thành tâm, không có thiện ý.

"Ngay cá nhân tôi có thể quên đi quá khứ, về Việt Nam làm việc.

"Nhưng với môi trường hiện tại, thì những người Việt ở hải ngoại không thể nào về Việt Nam làm một chuyện hòa hợp, hòa giải dân tộc được.

"Cái đó là thực tế. Nhiều bạn bè tôi đã bỏ tiền, đã quên đi quá khứ để về Việt Nam xây dựng.



Cuộc chiến Việt Nam kéo dài 20 năm khép lại vào ngày 30/4/1975.

"Nhưng rốt cuộc họ phải trở về Mỹ sống, họ không thể làm được," ông Hoàng Sơn Long nói.

Ngày của sám hối?


Từ Paris, ông Võ Văn Ái, nhà vận động cho tự do tôn giáo, nêu quan điểm cần ứng xử với ngày 30/4 và sử dụng dịp tròn bốn mươi năm sự kiện này ra sao.

"Điều kiện tiên quyết là Đảng Cộng sản có thể mang lại một tương lai tốt đẹp cho dân chúng Việt Nam là phải có một cuộc sám hối và lấy ngày 30/4 làm ngày sám hối với toàn dân của Đảng cộng sản.

"Đấy là điều tôi thấy là một sự kiện hết sức cụ thể, có thể làm được, nếu Đảng Cộng sản muốn mình là người Việt Nam, muốn xây dựng cho đất nước Việt Nam," ông Võ Văn Ái nói với BBC từ Pháp.

Bình luận lại ý kiến này, nhà báo Trần Nhật Phong từ California nói:

"Tôi đồng ý với ông Võ Văn Ái là cơ chế trong nước cần phải thay đổi để đưa đất nước, dân tộc đến một con đường tốt hơn.

"Con đường hiện nay chưa được tốt.

"Con đường hiện nay vẫn đưa dân tộc vào bế tắc.

"Và vấn đề lòng người của hai phía sẽ không bao giờ được thống nhất, nếu như dân tộc tiếp tục lâm vào bế tắc," nhà báo Trần Nhật Phong nói.

Kỳ vọng cho tương lai

Hướng về tương lai thì tôi và thế hệ của tôi, tôi nghĩ rất hy vọng sẽ có đa nguyên, đa đảng trong nước Việt Nam.
Kỹ sư Đoàn Xuân Tuyến (trái)
Kỳ vọng cho tương lai

Bốn thập niên đã qua kể từ ngày 30/4/1975 vốn khép lại cuộc chiến Việt Nam kéo dài hai mươi năm vốn được coi là một trong các cuộc chiến 'khốc liệt nhất" trong lịch sử thế kỷ XX mà tới nay vẫn ít nhiều mang tính tranh cãi.

Nhân dịp này, các khách mời chia sẻ với Bàn tròn của BBC những kỳ vọng, viễn kiến của họ cho Việt Nam trong tương lai.





Đất nước Việt Nam 'đang tốt lên' và thế hệ trẻ sẽ có nhiều việc phải làm, theo ý kiến của khách mời của BBC.

Kỹ sư Đoàn Xuân Tuyến, một người sinh ở Đà Nẵng và đã theo gia đình di tản chiến tranh vào Sài Gòn ngay khi thành phố duyên Hải Nam Trung Bộ bị bộ đội Bắc Việt tấn công trong cuộc Tổng tiến công vào mùa Xuân 1975, nói với Bàn tròn:

"Hướng về tương lai thì tôi và thế hệ của tôi, tôi nghĩ rất hy vọng sẽ có đa nguyên, đa đảng trong nước Việt Nam.

"Vì còn rất nhiều đất nước vẫn còn bất đồng với chế độ và nghĩ rằng chế độ sẽ không đem đất nước tiến lên được sau mấy chục năm qua và có nguy cơ thụt lùi nữa so với những nước láng giềng.



Tôi thấy rằng đất nước của chúng ta đang tốt lên. Vậy thì tôi cũng rất kỳ vọng rằng lòng người sẽ ấm lên và chúng ta có rất nhiều việc cần phải làm, đặc biệt là những người trẻ như thế hệ của tôi
Bà Thảo Griffiths, Trưởng Đại diện VVAF


"Tôi nghĩ có đa nguyên, đa đảng sẽ có nhiều sự đóng góp của nhiều thành phần của xã hội, hiện tại có nhiều người nằm ở ngoài lề của xã hội, với thể chế hiện tại," Kỹ sư Đoàn Xuân Tuyến chia sẻ.

Còn Trưởng Đại diện Quỹ Cựu chiến binh Hoa Kỳ tại Việt Nam, bà Thảo Griffiths thì nói:

"Phần lớn người dân Việt Nam đều sinh ra sau năm 1975, mặc dù gia đình tôi sinh sống ở bang Victoria của Úc, nhưng tôi chọn trở lại Việt Nam và sử dụng phần lớn thời gian của mình làm việc tại Việt Nam.

"Bởi vì tôi muốn được cùng với mọi người vô cùng bận rộn và vui mừng để được xây dựng giấc mơ Việt Nam của mình, như là nhà báo Trần Nhật Phong có nói rằng nếu đất nước tốt lên, thì lòng người sẽ ấm lên. Tôi thấy rằng đất nước của chúng ta đang tốt lên.

"Vậy thì tôi cũng rất kỳ vọng rằng lòng người sẽ ấm lên và chúng ta có rất nhiều việc cần phải làm, đặc biệt là những người trẻ như thế hệ của tôi và kỹ sư Tuyến," bà Thảo Griffiths chia sẻ với BBC.

Quý vị có thể theo dõi toàn văn cuộc tọa đàm Bàn tròn thứ Năm của BBC về " 30/4: quá khứ và tương lai" tại đây.