.

Lê Văn Tám ... hư hay thực


Nhân vật Lê Văn Tám đã được đề cập đến rất nhiều tại Việt Nam, ngay trong sách giáo khoa phổ thông cũng có 1 bài viết về người anh hùng này.

Chuyện tóm tắt như sau:

Lê Văn Tám là một thiếu niên hơn 10 tuổi, bán đậu phộng rang vì lòng yêu nước căm thù giặc Pháp đã tẩm xăng vào người làm “ngọn đuốc sống” đốt kho đạn giặc tại Thị Nghè thành phố Sài Gòn vào ngày 1 tháng 1 năm 1946.

Vâng chúng ta thử dùng con mắt khoa học để kiểm chứng: Một người bình thường tẩm xăng đốt mình cháy như cây đuốc sống cũng khó chạy bộ một quãng vài chục mét (đã hỏi các bác sỹ) và nhất là anh Lê Văn Tám lúc đó mới 10 tuổi, thông thường, theo nguyên tắc quân sự, kho đạn nào cũng được bảo vệ nghiêm ngặt.

Đây là khu quân sự cấm người lạ mặt lai vãng, ngoài cổng luôn có lính gác "vũ trang đến tận răng". Trong kho lại có nhiều nhà kho, mỗi nhà kho đều có cánh cửa luôn khóa chặt, đạn được bỏ trong thùng. Chỉ khi có người đến lãnh đạn hoặc quan hệ công tác, trình giấy tờ hợp lệ và đầy đủ, lính gác mới mở cổng cho vào. Tiếp đó, phải có lệnh của trưởng kho, thủ kho mới mở khóa, giao đạn.

Đằng này Lê Văn Tám chạy một hơi từ cổng đến tận nhà kho chẳng thấy lính tráng nào ngăn cản, cứ như xông vào chỗ không người, tất cả mọi cánh cổng, cánh cửa kho đều mở rộng như chờ đón sẵn! Nhà kho, nhất là kho đạn, không phải nhà mặt tiền, chí ít cũng phải qua cổng gác rồi cách vài chục mét.

Qua tên gọi Lê Văn Tám, với tập quán đặt tên của người miền Nam, có thể suy ra Tám có sáu anh chị ruột lớn hơn (không kể các em). Năm 1946, Tám khoảng 10 tuổi như vậy phỏng đoán các anh chị của Tám hơn 10 tuổi đến hơn 20 tuổi.

Qua 1975, tức 30 năm sau, anh chị của Tám khoảng chừng từ 40 đến 50 tuổi. Ở lứa tuổi này, rất nhiều khả năng trong số sáu anh, chị của Tám có người vẫn còn sống (ngay cha mẹ của Tám cũng có thể còn sống với lứa tuổi từ 60-80).

Trước 1975, có thể họ không dám nhận là anh chị của Tám, nhưng sau khi cách mạng thành công, tại sao không thấy ai đứng ra nhận vinh dự (và cả quyền lợi) cho gia đình? Nếu gia đình khiêm tốn không nhận công lao kháng chiến, các cơ quan chức năng cũng phải đi tìm. Ngành thương binh xã hội phải lập danh sách gia đình có công, ngành viết lịch sử phải tra cứu thân thế sự nghiệp.

Chẳng lẽ tất cả sáu anh chị của Tám đều đã chết yểu ở độ tuổi từ 20 đến 30? Ngay cả trong trường hợp chuyện này xẩy ra, hẳn chú bác, cô dì của Lê Văn Tám thế nào cũng có người còn sống, vì Tám ở ngay vùng Thị Nghè chớ nào phải xa xôi, hẻo lánh gì?

Để làm rõ hơn, đề nghị nên đăng thông báo trên truyền hình, phát thanh, báo chí, cả trung ương lẫn địa phương, tìm người thân của Lê Văn Tám.

Chỉ nghe kể Lê Văn Tám là giao liên, nhưng không thấy nói cụ thể Tám là giao liên cho đơn vị nào. Phàm đã hoạt động cách mạng, thời chống Pháp cũng như chống Mỹ, dứt khoát phải hoạt động trực thuộc một đơn vị nào đó (như Thành đoàn, Công đoàn, Binh vận, Biệt động thành, Trinh sát vũ trang, Địch vận v.v.), không ai có thể một mình một cõi, tự tung tự tác, muốn hoạt động ra sao cũng được, dù là tự thiêu, phá hủy kho đạn của địch.

Thực tiễn hoạt động cách mạng tại Sài Gòn cho thấy đến tình báo hoạt động cũng phải có tổ chức. Đơn vị của Tám không đứng ra báo công trường hợp người của đơn vị mình là thiếu sót lớn, không phải để hưởng tiếng thơm lây, mà là có tội che giấu thành tích của người làm nên lịch sử. Vậy đơn vị nào có chiến sĩ Tám, cần nhanh chóng làm các thủ tục này. Không lẽ cả đơn vị lớn nhỏ đều hy sinh hết? Nhiều trường hợp cả đơn vị hy sinh, vẫn có nhiều người biết do cuộc chiến tranh của chúng ta luôn được nhân dân nuôi dưỡng, bảo vệ giúp đỡ.

Thật sự thì tôi không thể hiểu nổi anh hùng Lê Văn Tám là bịa thì người ta vẫn cứ dựng tượng đài, con đường về 1 nhân vật ảo để làm gì. Tôi có sưu tầm được 1 số bài bào viết về anh hùng Lê Văn Tám trong trí tưởng tượng như sau:

Giáo sư Phan Huy Lê:

Nhân vật lịch sử “anh hùng Lê Văn Tám” hoàn toàn không có thật

HÀ NỘI - Tại một cuộc họp của hãng phim truyền hình Việt Nam vào cuối tháng 2 năm 2005 tại Hà Nội, giáo sư Phan Huy Lê đã tiết lộ:

“Nhân vật lịch sử ‘anh hùng Lê Văn Tám’ hoàn toàn không có thật!”

Ông cũng khẳng định lại điều này trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Người Việt.

Cuộc họp tại Hà Nội, trong đó có mặt một số phóng viên báo chí, nhằm thông báo rằng trong năm 2005, hãng phim truyền hình Việt Nam (thuộc đài truyền hình VN) sẽ thực hiện chương trình sản xuất 100 tập phim hoạt hình nội dung lịch sử dân tộc Việt Nam. Giáo sư Phan Huy Lê, hiện là Chủ tịch Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam, là một trong hai nhà sử học được mời dự cùng với nhà sử học Dương Trung Quốc.

Trong phần phát biểu về tính chân thực của các nhân vật lịch sử, đột nhiên giáo sư Phan Huy Lê “nhớ lại”:

“Tôi còn một món nợ với anh Trần Huy Liệu mà đến nay chưa trả được. Ðó là lúc anh Liệu làm bộ trưởng bộ tuyên truyền (sau cách mạng tháng Tám 1945, Trần Huy Liệu làm bộ trưởng bộ tuyên truyền và cổ động), anh Trần Huy Liệu tự viết về nhân vật Lê Văn Tám, một thiếu nhi tự tẩm xăng vào người và chạy vào đốt kho xăng giặc Pháp ở Thị Nghè”.

Giáo sư Phan Huy Lê nói thêm về lời nhắn gửi của ông Trần Huy Liệu:

“Lúc sáng tác ra câu chuyện Lê văn Tám, anh Liệu có nói với tôi rằng: “Bây giờ vì nhiệm vụ tuyên truyền nên tôi viết tài liệu này, sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, các anh nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa.”

Trần Huy Liệu được xem là một trong những nhà sử học hàng đầu và nhiều quyền lực tại miền Bắc VN những năm sau 1945, ngang hàng với Tố Hữu. Ông Liệu giữ chức Viện Trưởng Viện Sử Học Việt Nam và mất năm 1969.

Tại cuộc họp, giáo sư Phan Huy Lê cũng đề cập đến chi tiết phi lý trong câu chuyện ngọn đuốc sống Lê Văn Tám:

“Cậu bé Lê Văn Tám sau khi tẩm xăng vào người và tự châm lửa đốt, vẫn còn khả năng chạy từ ngoài vào kho xăng với quãng đường 50 mét. Tôi đã hỏi một số bác sĩ, và họ cho rằng với sức nóng của lửa xăng, một em bé không thể chạy xa như vậy”.

Ðiều đáng ngạc nhiên là sau khi giáo sư Phan Huy Lê tiết lộ sự thật về Lê Văn Tám, không một tờ báo hay một cơ quan truyền thông nào của VN đăng tin này.

Câu chuyện về việc lật lại sự vô lý của nhân vật anh hùng Lê Văn Tám vài năm qua cũng đã được giới sử học mang ra bàn luận trong đó có bài viết của ông Dương Quang Ðông trên tạp chí Xưa & Nay (thuộc Hội khoa học lịch sử VN) số 154 (202)-XII- hồi năm 2003, và mới nhất là của tác giả Quang Hùng nhan đề “Nghĩ về hình tượng Lê Văn Tám” trên báo Thế Giới (Hà Nội) số 39 (154) ra ngày 27/9/2004, nhưng đây là lần đầu tiên câu chuyện “không có thật” này được chính thức công nhận từ một người có trách nhiệm cao nhất của giới sử học tại Việt Nam hiện nay, giáo sư Phan Huy Lê.

Tưởng xin nhắc lại về nhân vật anh hùng Lê Văn Tám: Bất cứ ai đã từng là học trò tại miền Bắc VN những năm trước 1975 và cả Việt Nam sau 1975 đều biết về câu chuyện Lê Văn Tám, một thiếu niên hơn 10 tuổi, bán đậu phộng rang vì lòng yêu nước căm thù giặc Pháp đã tẩm xăng vào người làm “ngọn đuốc sống” đốt kho đạn giặc tại Thị Nghè thành phố Sài Gòn vào ngày 1 tháng 1 năm 1946.”

Câu chuyện về người thiếu niên dũng cảm này đã đưa vào sách giáo khoa dành cho lớp 4 hoặc lớp 5. Câu chuyện này được truyền tụng tới mức rất nhiều tỉnh và thành phố của VN lấy tên Lê Văn Tám đặt cho các trường học, tượng đài, công viên, đường phố. Tại các trường học, tên Lê Văn Tám cũng được đặt cho các Chi Ðội, Liên Ðội thuộc tổ chức “Ðội Thiếu Niên Tiền Phong.”

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại với báo Nhật báo Người Việt hôm Thứ Sáu (18 tháng 3 năm 2005), Giáo sư Phan Huy Lê đã xác nhận việc ông công bố sự thật về nhân vật Lê Văn Tám tại cuộc họp hồi cuối tháng 2 vừa qua.

Giáo sư Phan Huy Lê cho biết:

“Là những nhà sử học, chúng tôi phải giữ một thái độ trung thực và phải tiếp cận với sự việc càng rõ ràng càng tốt và vì thế tôi đã công bố “lời nhắn nhủ” của anh Trần Huy Liệu.”

Người Việt: Thưa giáo sư, ông Trần Huy Liệu nói điều ấy với giáo sư vào thời gian nào?

GS Phan Huy Lê:

"Lúc ấy ông Trần Huy Liệu đang là Viện trưởng Viện sử học VN. Ông nói câu chuyện này với tôi rất nhiều lần vào những năm của thập kỷ 1960, vài năm trước khi ông Liệu mất. Không chỉ nói với mình tôi, ông Liệu còn nói cả với những người đồng nghiệp của tôi là hai nhà sử học Nguyễn Ðình Thanh và Nguyễn Công Bình, hiện nay cả 2 người này vẫn còn sống. Theo lời ông Trần Huy Liệu, việc tuyên truyền hình ảnh nhân vật Lê Văn Tám như một anh hùng có thật là nhằm động viên tinh thần chiến đấu của quân dân trong những năm đánh Mỹ. "

Người Việt:

"Ðây có phải là lần đầu tiên giới sử học VN tuyên bố nhân vật lịch sử Lê Văn Tám là không có thật? "

GS Phan Huy Lê:

"Câu chuyện về Lê Văn Tám đã được giới sử học mang ra bàn luận trong nhiều năm qua, nhưng vẫn chưa có công bố nào cụ thể và chính thức trên các phương tiện truyền thông nhà nước. Tôi cũng đã được nghe về một cuộc bàn luận về nhân vật Lê Văn Tám trên đài BBC. Riêng về bản thân tôi, là một nhà sử học, tôi đã và đang viết bài để công bố sự thật về nhân vật này một cách chi tiết và thấu đáo nhất dưới góc nhìn của lịch sử và tôi dự định trong thời gian sớm nhất. "

Người Việt:

"Thưa giáo sư, tại sao lại không công bố sớm hơn sự kiện này?"

GS Phan Huy Lê: Bởi vì, trong năm nay, nhà nước đang chuẩn bị rất nhiều ngày lễ lớn, trong đó có ngày 30 tháng 4. Tôi muốn công bố bài viết của mình trong một điều kiện bình thản hơn và không muốn việc của mình bị cuốn vào các sự kiện lớn khác. Tôi đang chờ đợi một dịp thuận lợi và nhất định là tôi sẽ làm.

Người Việt: Xin cảm ơn giáo sư.