.

Miền Nam những ngày sau 30 tháng 4
qua mắt một người dân
Trịnh Dương Minh


Ông tổng thống Hoa Kỳ không qua bầu cử Gerald Ford tuyên bố nhẹ nhàng về cuộc chiến Việt Nam:

«Lịch sử đã sang trang!».

Một sự phủi tay lạnh lùng và bạc ác, vô trách nhiệm.

Người dân Sài Gòn sau những giờ phút sợ hãi đã lấy lại bình tĩnh và tập làm quen với những từ ngữ mới lạ như «nhân dân làm chủ», «hồ hởi phấn khởi», «không gì quý hơn độc lập tự do»... Và một thiểu số đã nghĩ rằng tự do, làm chủ có nghĩa là muốn làm gì thì làm. Xe quân đội bỏ đầy đường, họ nhảy lên lái, đâm túi bụi vào nhà dân, vào cây xăng. Tù khám Chí Hòa được thả không cần cứu xét... Dù sao, vẫn có nhiều điều tốt đẹp trong việc phục vụ nhu cầu người dân và bảo đảm an ninh cần được ca ngợi như là điện lực, thủy cục (cấp nước), truyền thanh truyền hình, nhất là trong những ngày đầu. Anh em bộ đội đã chứng tỏ được một tinh thần thân dân với kỷ luật cao.

Như trong bài trước tôi đã nói, những gì xảy ra tại Iraq khi quân Saddam đầu hàng thì cũng xảy ra như thế tại Sài Gòn vào ngày 30/4, khác chăng là mức độ thiệt hại, vì Sài Gòn không có nhiều cái để cướp bằng Baghdad. Những ti tiện, hèn mọn, bạc ác, dở mặt cũng lộ dạng nhanh chóng.

Đám 30 tháng Tư

Chuyện giựt đổ các bức tượng lịch sử hoặc liên quan đến chiến tranh có thể là đương nhiên, nhưng nhìn những con người thực hiện việc này với sự hả hê, tâng công thì những ai có liêm sỉ không khỏi mủi lòng. Những người đứng ra đập phá không phải là anh em bộ đội, cũng không phải là ủy ban cách mạng, ủy ban quân quản thành phố mà lại là chính những người dân trong thành phố. Không phải vì một lý tưởng, vì một ý thức thể hiện tinh thần yêu nước, mà trong số họ có lẽ 99 % thuộc loại bon chen. Thành phần này được nhà nước sử dụng một thời và dân Sài Gòn quen gọi họ là «Đám 30 tháng Tư». Đám này có thể là những giáo sư đại học, những anh lính đào ngũ, những kẻ trốn lính hay là học sinh, sinh viên..., khác nhau chăng chỉ là dân có học thì cách bon chen đểu cáng và tàn nhẫn hơn dân ít học, còn dân vô học thì tàn bạo hơn dân có học mà thôi. Và chỉ trong những ngày tháng này, người ta mới nhận chân ra được tư cách của nhiều người.

Nguyên, một sinh viên cao học Đại Học Vạn Hạnh, một thanh niên trẻ, dáng dấp ngon lành, mới mấy ngày trước tìm đủ mọi cách để ra đi thì chỉ ngày 1/5 đã là người hùng cách mạng. Cậu là hàng xóm ngay cạnh nhà tôi. Ngày 2/5, chúng tôi tuân lệnh ủy ban cách mạng, đến trường trình diện. Ngày đầu nên chỉ có vài chục mạng đến. Gặp Nguyên với khẩu AK47, khuôn mặt nghiêm trang đeo băng cờ giải phóng trong đám sinh viên cách mạng của Đại Học Vạn Hạnh đến tiếp quản trường tôi. Cậu ta là trưởng toán của đám này. Thấy Nguyên tôi rất mừng, mình chẳng có quyền cao chức trọng trong quá khứ, cảm thấy chưa hề gây nợ máu với ai, thế mà lúc gặp cậu ta, vẻ mặt khinh khỉnh và ra vẻ quan trọng của cậu ta đã làm tôi cụt hứng.

Sau màn khai lý lịch, anh em bộ đội Củ Chi cho tụ tập trên đại giảng đường tuyên bố vài câu, họ dùng nhiều từ ngữ lạ tai trong cách nói chuyện, cứ mỗi câu họ ngưng thì lại dùng để bắt đầu cho câu sau như trẻ học thuộc lòng và mỗi khi anh em sinh viên vỗ tay thì họ ném cả micro xuống bàn để tự tán thưởng mình. Dần dần về sau, anh em trong trường cũng cảm thấy vui vui và dám đùa, nghĩa là cán bộ cứ nói vài câu là lại vỗ tay để xem cán bộ vỗ theo; dù sao, chúng tôi không hề có ác cảm chút nào đối với anh em bộ đội đến tiếp quản cả. Đôi khi thì quả là có thương hại họ khi họ khoe tài giỏi y như chính họ đã làm, thí dụ như tài tháo vát, khi molotova bị vỡ máy, họ đã biết lấy nhôm từ máy bay Mỹ bị bắn rơi rồi dùng... ống tre rừng cho nhôm vào, rồi nung, đúc piston (!) lắp vào xe để tiếp tục lên đường giải phóng.

Chiều đến, Nguyên xách súng đến gặp riêng tôi, tưởng Nguyên xuống nhận bà con quen biết đã mừng. Nào ngờ, Nguyên bảo:

«Ngày xưa anh đi lính, phải biết gỡ mìn, trước cửa trường có nhiều súng đạn quá, anh ra nhặt hết vào đây cho tôi».

Trời đất ạ, trước cửa trường là một cái xe tăng , súng đạn vứt dưới đất kể ra có đến vài tạ, khiêng vào trường để làm gì, chưa kể là nhỡ tàn binh họ gài lựu đạn thì chỉ có chết. Tôi từ chối. Nguyên cương quyết ép, cuối cùng, tôi đành bảo:

«Vậy thì anh cùng đi với tôi, nếu lỡ nổ, mình cùng chết». Cậu ta bỏ đi không thèm nói gì với tôi từ đó. Khoảng một tuần sau, cậu ta và đám sinh viên Vạn Hạnh cũng «hồ hởi phấn khởi» chia tay chúng tôi, tuyên bố "thoát ly" để phục vụ cách mạng. Cuối cùng thì cậu ta cũng lại vượt biên để trở thành "phản cách mạng».

Trương Công Quảng, một sinh viên cùng lớp, trước đó vài tháng đã thuyết trình đề tài «Việc vi phạm Hiệp định Paris của cộng sản sẽ làm tăng thêm chính nghĩa quốc gia cho chúng ta». Và tôi, người đã đứng lên nêu hai câu hỏi: 1. Thuyết trình viên cho rằng chỉ có cộng sản vi phạm, vậy thì phía Mỹ và Việt Nam Cộng Hoà có vi phạm không? 2. Thuyết trình viên có biết là khá nhiều phi vụ mang danh nghĩa huấn luyện nhưng lại đi thả bom lên quân cộng sản không?

Nhưng sau ngày giải phóng, Trương Công Quảng cũng nghiêm trang và biến thành anh hùng cách mạng vô sản! ( Khéo về sau hắn cũng vượt biên )

Đang là bạn đồng lớp , bây giờ họ chia thành phần, họ là sinh viên thuần túy còn chúng tôi là ngụy quân, ngụy quyền! Anh em trong lớp từ đấy gặp nhau chảng còn dám cười nói như trước.

Như cảm thấy tâng công như thế chưa đủ, họ đâm thọc với các anh cán bộ nhà quê, nhìn đâu cũng nghi là tình báo Mỹ gài, thế là các thiết bị học tập như máy thu băng luyện giọng, sách vở nghiên cứu (thư viện của Quốc gia Hành chánh chứa rất nhiều tài liệu giá trị) bị họ đem ra tàn phá. Phá chán chê, thấy tượng của cố Giáo sư Nguyễn Văn Bông, họ cũng đòi phá nốt.

Anh em sinh viên QGHC vốn rất tiếc thương thày Bông. Anh em chúng tôi cũng không quen gọi người lớn tuổi hơn cho dù là kẻ thù bằng «thằng» như các cán bộ ép phải gọi (kể cả ông Dương Văn Minh). Chu Tất Tiến, bạn đồng lớp, trung úy chiến tranh chính trị đã mạnh dạn phản đối chuyện xưng hô đối với các vị lãnh đạo thất trận này. Tranh luận khá căng thẳng nhưng rồi các cán bộ cũng đồng ý cho chúng tôi dùng đại từ «ông» thay vì «thằng» đối với những người lãnh đạo đã thất trận.

Và rồi may mắn thay, trong cấp chỉ huy của bộ đội cũng có người thông cảm, đồng ý cho chúng tôi cất tượng, đem tượng vào để tại một phòng của viện tu nghiệp quốc gia, tuy rằng chắc chắn cũng sẽ bị đem đi vứt nhưng ít nhất cũng đỡ đau lòng hơn hình ảnh tàn phá bức tượng Thương Tiếc ở Nghĩa trang Quân đội hay tượng TQLC trước Quốc hội.

Các anh bộ đội

Sinh hoạt với mấy anh bộ đội Củ Chi dần dần cũng quen, vài anh trở thành thân mật hơn và không còn lối thày đời nữa; mấy cậu thuộc «đám 30 tháng Tư» cũng vừa cảm thấy mỏi mệt vừa lộ chân tướng không bắt nạt được ai; chúng tôi cũng mỏi mệt không kém vì cách mạng hứa nào là hoà hợp, nào là đoàn kết dân tộc mà ngày nào cũng phải lên lớp để... vỗ tay ca ngợi cuộc chiến thắng thần thánh và không những oánh thắng giặc Mỹ trong nước mà còn oánh luôn cả sang... Mỹ!

Chúng tôi cũng được học các bài ca cách mạng, nhiều bài hay thật nhưng cũng lắm bài mà bắt con trai chúng tôi học hát thì đúng là học tập cải... giống, thí dụ như bài Dưới bóng cây kơ-nia (lúc ấy cũng chẳng biết cây này là cây gì). Bài Trường sơn đông, tôi khoái nhất câu "Anh lên xe, trời đổ cơn mưa, cái gạt nước xua đi nỗi nhớ» và bài Tự nguyện thì hay thật. Chúng tôi học tập cũng khá nhanh để đến ngày sinh nhật Hồ Chủ Tịch thì cũng được ủy ban quân quản cho đến Dinh Độc Lập dự lễ. Bác Tôn cũng bay từ Hà Nội vào, từ sân cỏ nhìn lên dinh xa quá, chẳng được thấy mặt bác Tôn nhưng khi bác đọc diễn văn thì nghe thấy bác phải hỏi đi hỏi lại mà không ai che micro giúp, nên cũng đoán là bác chỉ làm bổn phận của một chủ tịch chứ không phải là người chỉ huy.

Tình hình ổn định dần và ủy ban quân quản cũng phát hiện ra là ủy ban cách mạng đã tiếp quản trường QGHC nhầm, vì trường này trực thuộc Phủ Tổng Thống chứ không thuộc Viện Đại học! Thế là phải xa các anh Củ Chi yêu mến, các anh ra đi để lại nhiều quyến luyến và chuyện cười vì... sự ngây thơ của các anh. Và dù ngây thơ, đàn bò 6 con của trường nuôi cho ăn cỏ trong sân trường cũng được các anh ưu ái mang theo cho đỡ nhớ.

Đang yên lành với ban tiếp quản của hệ thống giáo dục, bỗng được chuyển qua ban tiếp quản hệ thống chính quyền thì điều gì cũng thành quan trọng, vì một binh nhì quét sân cỏ Dinh Độc Lập cũng bị coi là tình báo Mỹ hoặc chí ít cũng là mang nợ máu. Cũng may là đã quen với không khí trình diện, làm bản tự khai, lên lớp nghe kể chuyện bắn xỏ xâu một viên đạn chết 3 tên Mỹ, chúng tôi đã cảm thấy nhơ nhớ khi ban tiếp quản ký cho tờ giấy trả về địa phương để sinh hoạt.

Nếu những diễn tiến chỉ đơn giản như thế và đúng với đường lối mà Đảng và nhà nước tuyên bố, có lẽ đã không có những phân hóa dân tộc như ngày nay...

Đài BBC qua ngày 1/5/75 đã có bài tường thuật chi tiết về ngày Sài Gòn thất thủ, mô tả hình ảnh các anh bộ đội ngửa mặt, tay giữ nón cối cho khỏi rơi để ngắm nhìn các toà nhà nhiều tầng khi họ tiến vào trung tâm thành phố. Nghe thì có vẻ xỏ xiên thật nhưng rất chính xác.

Các chiến sĩ bộ đội khi tiến vào một thành phố lạ thì lạc đường là chuyện bình thường, nhưng ngỡ ngàng về sự to lớn, cao đẹp của thành phố Sài Gòn là chuyện không chối cãi (xin ghi nhận là vào thời điểm 1975, không phải 2005) Đa số bộ đội xuất thân từ nông thôn, nhìn thấy một cái xe gắn máy cũng đã có cảm giác lạ, huống chi là xe hơi các loại và những khách sạn cao vút nằm trên đường Tự Do hay nguy nga như Dinh Độc Lập, Dinh Gia Long.

Điều mà chúng tôi cũng thấy lạ vào những ngày ấy là bộ đội rất thích ăn kem, hai bộ đội có thể ngồi ăn ngoài vỉa hè hết nguyên một phích kem vài chục que và nhìn họ mút kem rất hồn nhiên như các em bé. Khi đi chơi, họ nắm tay nhau đi rất thân mật (điều mà thanh niên miền Nam lúc ấy hơi kỵ).

Họ ăn mặc đơn giản, quân phục nhà nước phát sao mặc thế, rộng phùng phình, xem đoạn băng một chiến sĩ cầm cờ chạy lên Dinh Độc Lập là thấy ngay cảnh gió chui vào lưng áo phồng tròn như quả bóng sau lưng.

Khổ nhất là họ ngây thơ nhưng lại đa nghi! Nhìn đâu, làm gì sai cũng nghi là bị Mỹ ngụy gài bẫy. Bồn vệ sinh họ tưởng chỗ làm cá, thịt; nhấn nút xối nước, cá thịt biến mất cũng là Mỹ ngụy gài bẫy; tắm không biết chỉnh nước, một lúc sau, nước nóng làm phỏng lưng cũng tại Mỹ ngụy! Những chuyện như thế, hay chuyện thấy áo lót phụ nữ tưởng là cái lọc cà-phê, thấy băng phụ nữ tưởng là khẩu trang bịt miệng quét đường cho khỏi bụi... đều là những chuyện xảy ra thật, nhưng khi kể lại thì có vẻ như bịa ra để bôi bác.

Cũng kể từ sau 30/4, tôi mới được biết các từ ngữ mới như «đồng hồ 2 cửa sổ, 3 chong chóng».

Gia đình tôi có thằng cháu quê ở Ngọc Hà, Hà Nội. Gọi là cháu nhưng thực ra nó cũng hơn mình mấy tuổi, 10 năm vào Nam giải phóng tìm được đường đến thăm tôi, nó vẫn tin ở những lời tuyên huấn, nghĩ rằng gia đình chúng tôi đói khổ lắm nên khi đến nơi, nó vác theo một túi gạo dài và tròn như một cái gối đến. Bảo cho nó biết là dân Sài Gòn cho đến lúc ấy chưa hề thiếu gạo ăn nó cũng không tin hẳn, cho đến khi chỉ cho nó xem mấy bao gạo tích trữ thì nó mới tạm tin. Nhưng cháu tôi không phải là chiến sĩ bộ đội đầu tiên đến nhà...

Ngay từ tuần đầu sau 30/4 đã có người đến nhắn chúng tôi đến gặp người anh ruột, người anh mà tôi chưa một lần gặp gỡ từ ngày sinh ra, vì khi bố tôi bỏ ra Hà Nội theo Bác để rồi bị đưa đi giác ngộ thì cũng cho hai người con trai lớn theo cách mạng. Như là một truyền thống gia đình, cả hai anh tôi đều nằm trong đoàn quân nhạc thủ đô (hay trung đoàn nghi lễ thủ đô?) mà người anh cả là người đoàn trưởng đầu tiên (1954) và người anh thứ hai là đoàn trưởng thứ ba của đoàn cho đến ngày bất ngờ bị cho về hưu vì lý do sức khỏe! Lúc ấy (1975) anh tôi mới chỉ là đại úy đoàn trưởng văn công hải quân.

Chúng tôi tới bộ tư lệnh hải quân và nhận ra người anh không khó, vì anh giống hệt bố tôi. Thời ấy, một bộ đội bình thường cao chưa tới 1m6, nặng chưa tới 50 kg mà anh tôi cao có đến 1m76, nhẹ ra cũng phải 75 kg. Quy luật an ninh lúc ấy cũng khá khắt khe, anh tôi là đoàn trưởng thì khi về nhà vẫn phải có một chính trị viên đi theo, rồi khi chính trị viên đi thăm thân nhân thì anh tôi cũng phải đi theo, không thể nào nói chuyện riêng tư trong gia đình được. Chở 3 người một lúc trên chiếc Honda 50 phân khối ngày ấy không sợ bị phạt nhưng thật là khổ cho cái xe và mới biết là Nhật sản xuất ra cái ống nhún tốt quá, chẳng biết đến bây giờ Việt Nam đã làm nổi cái ống nhún bền như thế chưa!

Anh tôi thì không dễ như thằng cháu, vì anh luôn cho rằng chính nghĩa cách mạng sáng ngời, miền Nam khổ cực như chó nên cần được giải phóng, anh giảng cho chúng tôi về đời sống văn minh mới và lên án những điều mà chính tôi là một dân chơi ở Sài Gòn lúc bấy giờ cũng không biết đến như «cà-phê ôm», «nhạc vàng»… Cũng nhờ anh mà tôi hiểu được là sống trong xã hội xã hội chủ nghĩa thì phải luôn phấn đấu mới có được những tiêu chuẩn cung cấp mà khi anh nói, tôi rất ngạc nhiên vì tại miền Nam chưa bao giờ xảy ra như: Sĩ quan bộ đội được cung cấp thuốc lá ngon hơn lính (ở miền Nam thì từ đại tướng Cao Văn Viên cho đến anh binh nhì cũng chỉ đúng một loại Ruby Queen quân tiếp vụ), lương trên 65 đồng mới có tiêu chuẩn mua dao cạo râu (thế dưới 65 đồng mà có râu thì chỉ có nước lấy tay nhổ râu hay sao?).

Nhưng có được một ông anh cách mạng lúc ấy thì cũng coi như có được cái bùa hộ mạng! Tuy rằng chẳng bao giờ có cơ hội nhờ vả, nhưng tìm lại được người anh cũng đem lại cho đại gia đình những giây phút tìm về kỷ niệm. Và ông anh tôi cũng như muôn ngàn chiến sĩ bộ đội khác, hăm hở cống hiến, hy sinh cả hạnh phúc gia đình (bà chị dâu tôi từ ngày lấy chồng năm 55 cho đến 78, mỗi năm chỉ gặp chồng 2 tuần là nhiều). Thậm chí, cũng vì quyền lợi đất nước hay quyền lợi bản thân nên năm 81, khi tôi không còn đường sống, phải tìm đường ra đi thì chính anh lại là người chống đối và chỉ cảm thấy hối hận sau này, khi chính người con gái đầu đi lao động rồi ở lại Ba Lan khiến cho anh bị về hưu non; nhờ bị về hưu non mà anh có cơ hội qua thăm đứa con gái được Úc cho tị nạn từ Ba Lan để rồi năm 93, khi gặp lại tôi, anh nói được một lời thú nhận:

«Qua Úc định để xem tư bản nó giãy chết, thì mới biết mình đang giãy chết!»
Viết vào 30/4/2005
Trịnh Dương Minh