Chính sách Trung Đông của Paris tạo thành quả chính trị và quân sự




Tổng thống Pháp François Hollande duyệt hàng quân danh dự với Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al-Thani, Riyad ngày 04/05/2015.
REUTERS/Christophe Ena

Hợp đồng bán 24 chiến đấu cơ Rafale loại tối tân nhất của Pháp cho Qatar được ký kết vào ngày hôm nay 04/05/2015 tại Doha dưới sự chứng kiến của Tổng thống François Hollande cũng như vinh dự tham dựThượng đỉnh 6 nước vùng Vịnh vào ngày mai tại Riyad là đỉnh điểm của chiến lược ngoại giao và quốc phòng của Paris. Hoài nghi chính quyền Obama đi đêm với Iran Shia, các vương quốc Ả Rập, theo hệ phái Sunni, tin tưởng vào lập trường trước sau như một của chính phủ Xã hội Pháp.

Tập đoàn Dassault Aviation bất ngờ sang trang chu kỳ 10 năm đen đủi không bán được một chiếc Rafale nào cho quân đội nước ngoài. Chỉ trong vài tuần lễ, Dassault bán một loạt 84 chiến đấu cơ đa năng : lần lượt Ai Cập đặt mua 24 chiếc, Ấn Độ 36 chiếc và Qatar ký hợp đồng mua 24 chiếc trong ngày hôm nay.

Tổng thống François Hollande không che giấu niềm vui. Ông tuyên bố « đây là thành công của công nghiệp Pháp nhưng cũng là thành quả của chính sách ngoại giao và một tin mừng cho kinh tế Pháp ». Tổng thống cánh tả gián tiếp chỉ trích người tiền nhiệm Nicolas Sarkozy do nóng nảy chào hàng hấp tấp mà không ký được một hợp đồng nào với Brazil.

Theo giới phân tích, có nhiều lý do thúc giục nhiều nước đặt mua chiến đấu cơ Rafale của Pháp sau nhiều năm do dự. Bruno Tertrais, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chiến lược FRS liệt kê bốn yếu tố : từ năm 2007, Rafale tham gia tác chiến trên nhiều chiến trường nguy hiểm từ Afghanistan, Sahel, Libya và Irak và mang lại thành công không thể nghi ngờ.

Thứ hai là có sự phối hợp chặt chẽ giữa những nhà lãnh đạo chính trị và công nghiệp, tiếp cận vấn đề một cách khôn khéo, kín đáo, không tuyên bố hấp tấp. Thứ ba là hiệu ứng « domino », quyết định của Ai Cập đã kéo theo quyết định của các khách hàng khác. Và cuối cùng là yếu tố chính trị đặc thù của Trung Đông : các vương quốc vùng Vịnh rất cảm kích thái độ trước sau như một của Pháp. Nhất là trong mùa hè 2013, khi François Hollande tuyên bố « kiên quyết trừng phạt chế độ Bachar al Assad » trong bối cảnh chính quyền Syria bị tố cáo dùng bom hóa học sát hại thường dân để bảo vệ chế độ.

Trái lại với lập trường của Pháp, thái độ tiền hậu bất nhất của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã làm cho các đồng minh vùng Vịnh thất vọng. Dù cho Damas đã « vi phạm làn ranh đỏ », công khai thách thức Washington, nhưng Tổng thống Mỹ đã từ bỏ ý định oanh kích Syria vào giờ chót trong lúc không quân Pháp đã sẵn sàng chỉ đợi đèn xanh.

Đối với các vương quốc vùng Vịnh đứng đầu là Ả Rập Xê Út, sự kiện Washington bỏ rơi Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak để cho cách mạng Mùa Xuân Ả Rập lật đổ đồng minh 30 năm, là một cú đấm « choáng váng ». Chuyên gia François Heisbourg, chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược Luân Đôn cũng nhắc lại : Hoa Kỳ từng bỏ rơi quân đội đồng minh Ankara, khi Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1974 xung đột với Hy Lạp và chuẩn bị đổ quân lên đảo Chypre. Các nước vùng Vịnh cũng không quên Washington đã ngưng cung cấp trang thiết bị cho không quân Thổ Nhĩ Kỳ ngay khi cuộc hành quân khai diễn.

Giờ đây, Hoa Kỳ của Tổng thống Obama tìm một thỏa hiệp với Iran trong khi nước Pháp từ trước đến nay dứt khoát không để cho chế độ Hồi giáo Shia, kẻ thù của các quốc gia Sunni trong vùng, có cơ hội trang bị bom nguyên tử. Nói cách khác, Paris đã chọn lập trường đứng về « phe Sunni ôn hòa » thân Tây phương mà Ả Rập Xê Út là lãnh tụ.

Trong bối cảnh Riyad thống lĩnh liên minh Ả Rập can thiệp quân sự ngăn chận phe Houthi thân Iran kiểm soát Yemen, nước Pháp càng được xem là một đồng minh đáng tin cậy từ chính trị đến quân sự. Phiêu lưu quân sự của Ả Rập Xê Út và nhu cầu phát triển hạ tầng quốc gia dầu hỏa này, theo giới phân tích, sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho các tập đoàn công nghệ Pháp. Thành công của Rafale là hệ quả tất yếu đầu tiên.


RFI