Dấu hiệu đái tháo nhạt nhiều người mắc nhưng không biết

Đái tháo nhạt là căn bệnh gây rối loạn chuyển hóa nước với hai triệu chứng chính: đái quá nhiều, thải một lượng cực lớn nước tiểu; khát nước dữ dội, bắt buộc phải uống một lượng nước lớn.



Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng, lứa tuổi nào.

Đái tháo nhạt nguy hiểm khi lượng nước uống vào ít hơn lượng nước tiểu, chủ yếu là ở những bệnh nhân già hoặc bệnh nhân là trẻ em gây mất nước: nhịp tim nhanh, huyết áp tụt; yếu cơ, đau cơ; sốt, đau đầu, sút cân; xét nghiệm thấy tăng natri máu.

Uống nước nhiều mà không cảm thấy hết khát: Đi tiểu nhiều gây mất nước, tăng áp lực thẩm thấu máu, kích thích trung tâm khát ở vùng dưới đồi tạo nên cảm giác khát. Bệnh nhân phải uống nhiều, liên tục cả ngày lẫn đêm mà vẫn không thấy hết khát. Trẻ em thường kêu khóc đòi uống nước, khi cho uống đủ nước thì nín.

Tuy nhiên, khi khám lâm sàng, bệnh nhân đái tháo nhạt không biểu hiện thêm triệu chứng đặc biệt, kể cả hiện tượng ứ nước hoặc mất nước, trừ trường hợp không uống được do hôn mê hoặc tổn thương trung tâm khát ở vùng dưới đồi.

Do đi tiểu nhiều nên người bệnh cũng cần uống nước nhiều để bù lại lượng nước đã mất, miệng lưỡi lúc nào cũng khô và đặc biệt thích uống nước lạnh. Nếu không bổ sung đủ lượng nước kịp thời, người bệnh có thể uống bất cứ loại nước gì để chống chọi với cơn khát.

Ở thể nặng, da người bệnh khô, xanh và ít ra mồ hôi, trẻ không thấy tăng cân, suy dinh dưỡng, chán ăn, mất cảm giác đói, sốt cao không rõ nguyên nhân, rối loạn tâm thần... Nếu không được cung cấp nước đầy đủ, bệnh nhân có thể mất nước, trụy tim mạch.

Là triệu chứng quan trọng nhất. Số lượng nước tiểu thường từ 4 - 8lít/ngày, có thể tới 15 - 20 lít/ngày, trung bình 30 - 60 phút họ phải đi tiểu 1 lần, kể cả ban đêm. Nước tiểu nhạt, không đường, không protein, trong suốt như nước lã.

Tuy nhiên, các triệu chứng của đái tháo đường nhạt cũng thường bị nhầm lẫn với các triệu chứng uống nhiều nước, tiểu nhiều của đái tháo đường (nhưng nước tiểu không bao giờ có hiện tượng kiến bâu vào như nước tiểu của người bệnh đái tháo đường), suy thận mạn, uống nhiều do loạn thần kinh chức năng...

Vì vậy, để điều trị hiệu quả, khi thấy các triệu chứng đầu tiên của bệnh, người bệnh nên đến các cơ sở y tế, bệnh viện có chuyên khoa nội tiết để được xét nghiệm như xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, siêu âm,… chẩn đoán chính xác nguyên nhân, từ đó các bác sĩ sẽ có hướng điều trị thích hợp.

Theo Thạc sĩ Quang Bảy

Theo Sức khỏe & Đời sống