Trung Quốc muốn thử phản ứng của Mỹ


Trung Quốc và Mỹ đang chuẩn bị cuộc họp cấp cao vào tháng 9 năm nay giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Obama. Trung Quốc sẽ muốn thử phản ứng của Mỹ nhưng không đi quá xa đến nỗi hủy cuộc gặp này.

Có vẻ như chính quyền Tổng thống Barack Obama đang trả lời bức thư vào tháng 2 của hai chủ tịch Ủy ban đối ngoại và Ủy ban quân vụ thuộc Thượng viện Mỹ bằng cách đưa ra chiến lược đối phó với thái độ quyết đoán của Trung Quốc ở biển Đông.

Kể từ khi bức thư được công bố vào tháng 3, các quan chức cấp cao Mỹ đã chỉ trích Trung Quốc trong những bài phát biểu trước người dân, bao gồm tư lệnh hạm đội 7, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter và thậm chí cả Tổng thống Barack Obama.

Chúng ta đã xem bản báo cáo rò rỉ của Lầu Năm Góc, trong đó đề xuất các tàu hải quân Mỹ thực hiện những cuộc tuần tra bảo đảm tự do hàng hải trong khu vực 12 hải lý cách những thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo đất. Chính quyền Obama chưa chính thức thông qua đề xuất này.

Chí ít là các cuộc tuần tra của hải quân Mỹ sẽ ngăn Trung Quốc khẳng định quyền kiểm soát thực tế trên một khu vực lãnh hải rộng lớn hơn khu vực 12 hải lý xung quanh các thực thể mà nước này chiếm đóng.

Đó là một nỗ lực nghiêm túc để đối đầu với Trung Quốc. Thực tế là nếu Bắc Kinh cứ cố chấp vi phạm quyền lợi của các nước khác, Washington sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện trong khu vực. Các quốc gia trong khu vực bị Trung Quốc quấy rối sẽ hoan nghênh quyết định này một khi nó được thông qua.

Trung Quốc và Mỹ đang chuẩn bị cuộc họp cấp cao vào tháng 9 năm nay giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Obama. Trung Quốc sẽ muốn thử phản ứng của Mỹ nhưng không đi quá xa đến nỗi hủy hoại cuộc gặp này.

Trung Quốc đã hoàn tất việc cải tạo đất ở 4/7 thực thể mà họ chiếm đóng trái phép và đang tiếp tục củng cố sự hiện diện của mình bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng. Trung Quốc sẽ tăng cường hoạt động bồi đắp đảo nếu không vấp phải sự chống đối. Bài kiểm tra thật sự là liệu Trung Quốc sẽ muốn thử thách hải quân Mỹ trên biển và trên trời hay không.

Theo tôi, Trung Quốc sẽ không trực tiếp chống đối Mỹ vì tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cũng như Bắc Kinh không muốn làm căng thẳng thêm tình hình.

Trung Quốc sẽ hoàn tất việc xây dựng cơ sở hạ tầng và chỉ triển khai các tài sản dân sự, cơ sở tiện ích phục vụ dân sự như dữ liệu thời tiết, tìm kiếm và cứu nạn (ở các đảo mà quốc gia này chiếm đóng trái phép trên biển Đông).

Trung Quốc sẽ cố gắng lôi kéo các quốc gia ASEAN bằng một số hoạt động biểu tượng để làm suy yếu vị thế của Mỹ. Bài kiểm tra thật sự sẽ đến vào cuộc họp sắp tới của nhóm công tác chung ASEAN - Trung Quốc nhằm thực thi các nguyên tắc của Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) trong tháng này.

Áp lực của Mỹ có thể khiến Trung Quốc chấp nhận tỏ thái độ hợp tác hơn một chút. Xét cho cùng, Trung Quốc không muốn Mỹ can dự vào các vấn đề ở biển Đông.

Giáo sư CARL THAYER (Học viện Quốc phòng Úc)


Tàu chiến USS Fort Worth vừa kết thúc chuyến tuần tra trên Biển Đông, bao gồm việc tới gần các khu vực Trung Quốc đang cải tạo trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Hôm 13/5, Hải quân Mỹ thông báo tàu tác chiến ven bờ USS Fort Worth đã tới Philippines sau chuyến tuần tra trên Biển Đông kéo dài 1 tuần. Trong nhiệm vụ này, chiến hạm lớp Freedom của Mỹ đã tới gần các khu vực Trung Quốc đang xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, CNN đưa tin.
Giới chức Mỹ khẳng định USS Fort Worth chỉ hoạt động ở vùng biển quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc đã điều tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường Yancheng (Diêm Thành) tới áp sát. Trong bức ảnh này, tàu Yangcheng xuất hiện ở góc cao phía sau tàu USS Fort Worth.
Ngày 10/9/2014, chỉ huy Hạm đội 7 của Mỹ công bố USS Fort Worth sẽ được triển khai tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong tháng 1/2015. Tàu sẽ đảm trách nhiệm vụ chống khiêu khích, dò thủy lôi. Nó cũng dễ dàng đón xuồng cao tốc của lực lượng thủy quân lục chiến nhờ các cửa bên thân.
USS Fort Worth là một trong những tàu chiến mới nhất của Hải quân Mỹ. Nó thuộc lớp tàu tác chiến ven bờ Freedom và là chiến hạm đầu tiên được đặt theo tên thành phố Fort Worth, bang Texas. Đây là tàu thứ 2 thuộc lớp này.
Hải quân Mỹ công bố dự án đóng USS Fort Worth trong tháng 3/2009. Tàu được hạ thủy tháng 12/2010 và chính thức góp mặt trong biên chế tháng 9/2012. Các thủy thủ Mỹ được đào tạo 18 tháng để vận hành hoàn hảo USS Fort Worth và hệ thống vũ khí của nó.
Giống các tàu cùng lớp Freedom, USS Fort Worth dài 118 m, rộng 17,7 m và có tải trọng choán nước 3.500 tấn. Các động cơ cho phép tàu di chuyển với vận tốc tối đa đạt 45 hải lý, tương đương 83 km/h. Phạm vi hoạt động của tàu đạt 3.500 hải lý nếu di chuyển với vận tốc 18 hải lý/giờ hoặc đi liên tục 21 ngày.
Thủy thủ đoàn của USS Fort Worth gồm 35 tới 50 người thường trực. 75 người nữa sẽ được bổ sung khi có nhiệm vụ. Khả năng lớn nhất của tàu là tiêu diệt các tàu nhỏ, tốc độ cao, tấn công theo kiểu bầy đàn. Hệ thống điều khiển hỏa lực của tàu kết hợp với máy bay trực thăng, giúp nâng cao hiệu suất bắn trúng đích.
Tàu được trang bị một pháo Mk 110 cỡ nòng 57 mm, giàn phóng tên lửa phòng không hạng nhẹ RIM-116, tên lửa chống hạm AGM-114 Hellfire, ống phóng ngư lôi Mark 50 và các súng máy M2 Browning cỡ nòng 12,7 mm. Tàu có thể mang các vũ khí khác nhau tùy yêu cầu của từng nhiệm vụ.
USS Fort Worth có một bãi đỗ trực thăng ở phía đuôi. Khoang chứa trên tàu cho phép nó mang 2 trực thăng đa nhiệm MH-60R/S Seahawk hoặc trực thăng không người lái MQ-8 Fire Scout. Chúng làm tăng khả năng hoạt động của tàu và hỗ trợ radar kiểm soát hỏa lực.