Sốc với truyện cổ tích Nàng tiên út xúi con giết ông ngoại (!)



Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc NXB Văn học cho biết, khi nhận được phản ánh về chi tiết "cha muốn cưới con" không phù hợp trong truyện cổ tích "Các nàng công chúa chăm chỉ, dũng cảm", NXB này đã tạm dừng phát hành, thu hồi toàn bộ cuốn sách còn tồn đọng trên thị trường.

Đồng thời, NXB Văn học đã gửi văn bản báo cáo tới Cục Xuất bản In và Phát hành về trường hợp này.

Chia sẻ với báo chí, ông Vũ cho hay, sau khi nhận được phản ứng từ dư luận và rà soát kỹ nội dung, NXB Văn học nhận thấy chi tiết “cha muốn cưới con gái” dễ gây hiểu lầm cho bạn đọc nên đã cho dừng phát hành cuốn sách cũng như thu hồi những cuốn sách trên thị trường.



Bìa cuốn truyện cổ tích "Các nàng công chúa chăm chỉ, dũng cảm" vừa gây xôn xao dư luận


“Trong ngày 20.5, chúng tôi cũng gửi văn bản tới đối tác liên kết là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Văn hóa Đinh Tị yêu cầu: Tạm dừng phát hành, thu hồi toàn bộ số cuốn sách Các nàng công chúa chăm chỉ, dũng cảm còn tồn đọng trên thị trường. Đồng thời yêu cầu họ phối hợp với biên tập viên của NXB Văn học để sửa chữa, cắt bỏ chi tiết trên”, ông Vũ nói với Dân Trí.

Giám đốc NXB Văn học cũng khẳng định "nếu độc giả đọc từ đầu đến cuối cuốn truyện thì sẽ thấy không hề có yếu tố cổ súy loạn luân". Theo ông Vũ, truyện Các nàng công chúa chăm chỉ, dũng cảm được phỏng theo truyện cổ tích Pháp Nàng công chúa da lừa. Chi tiết quốc vương đòi lấy con gái chỉ là một tình tiết nhỏ trong toàn bộ câu chuyện.

Sau đó, với sự ngăn cản của nhiều đại thần và sự cương quyết của công chúa, quốc vương đã nhận ra lỗi lầm và thay đổi ý định. Phần cuối câu chuyện, quốc vương đã tìm đến trước mặt con gái xin con tha thứ. Nếu theo dõi diễn biến toàn bộ câu chuyện sẽ thấy rằng, đó là một chi tiết phê phán sự mù quáng của quốc vương.

Trước đó, một vị phụ huynh đã phản ánh tới báo điện tử Dân Việt rằng trong cuốn truyện Các nàng công chúa chăm chỉ, dũng cảm có chi tiết "cha muốn cưới con" không phù hợp và cổ súy loạn luân. Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, truyện cổ tích nước ngoài cần phải có sự chọn lọc và lược bỏ những yếu tố không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.

Theo A.D (tổng hợp) (Dân Việt)

Truyện cổ tích Nàng tiên út xúi con giết ông ngoại (!)


Tôi ghé hiệu sách mua cho cháu gái cuốn ‘100 Truyện cổ tích đặc sắc’ của Nhà xuất bản văn học. Sau khi đọc qua tôi thấy một số nội dung trong sách không hợp lý, và có những chi tiết vô lý thể hiện các hành vi vi phạm đạo đức xã hội.

Ví dụ câu chuyện Nàng tiên út trong tập sách này. Truyện kể về một vị Ngọc Hoàng có 7 người con gái, trong đó cô con út sống chung với một chàng trai mồ côi dưới hạ giới và sinh được hai đứa con trai. Ngọc Hoàng không yêu thương hai anh em mà luôn tìm cách hãm hại họ. Hai anh em về kể với mẹ (nàng tiên út), nàng đã chỉ cho các con của mình cách để giết chết ông ngoại của chúng.


Bìa cuốn sách 100 truyện cổ đặc sắc

“… nghe vậy ông sẽ chui vào trống. Lúc đó các con bịt hết các lỗ thủng ở trống lại rồi gõ thật mạnh khi nào thấy trong trống không động cựa rồi hãy mở ra. Nếu thấy ông chết thì đừng nói gì với mẹ”



Một số chi tiết để thấy nàng tiên út đã cố ý và xúi dục các con có những hành vi giết người và còn chỉ ra rất cụ thể phải giết ông ngoại như thế nào

Có thể có nhiều bạn không đồng ý với quan điểm của tôi nhưng tôi tự hỏi, khi trẻ em đọc những dòng chữ như vậy chúng sẽ nghĩ gì, tôi thiết nghĩ chúng cũng sẽ đồng ý với nhân vật trong truyện là ác giả ác báo, Ngọc Hoàng gây ra nhiều điều ác với họ nên xứng đáng bị trừng trị chăng? Ngọc Hoàng là đấng tối cao, đâu phải nói giết là giết được, hơn nữa hậu quả của việc giết người cũng không được nhắc đến. Cứ như thể khẳng định rằng việc làm của hai anh em là đúng, là hợp với lẽ tự nhiên.

Chưa kể đến việc Ngọc Hoàng chính là ông ngoại của hai anh em, nàng tiên út lại xúi hai con giết chết ông ngoại mình. Không lẽ không còn cách giải quyết nào khác ngoài việc phải giết người? Tính nhân văn, tình yêu thương máu mủ ruột rà lẽ nào không giáo dục được các em? Hơn thế nữa sau khi ông ngoại chết, hai anh em cũng không có biểu hiện hối hận hay ăn năn gì về hành động của mình.

Ngoài ra trong truyện cũng có những chi tiết rất man rợ khi hai anh em giết mụ phù thủy được miêu tả “mụ bị lưỡi dao bôi cứt gà sáp chém một nhát đầu lìa khỏi cổ chết luôn”. Tôi nghĩ có cần phải sáng tạo đến mức như thế không, những hình ảnh như vậy sẽ rất dễ lưu lại trong suy nghĩ của trẻ nhỏ, chúng sẽ không thấy được tác hại của những việc mình đã gây ra mà ngược lại, những hình ảnh, chi tiết đó chẳng khác gì hướng dẫn cho các em làm theo.


Những chi tiết rất man rợ khi hai anh em giết mụ phù thủy được tác giả miêu tả tỉ mỉ

Tôi không vơ đũa cả nắm nhưng tôi tin chắc rằng còn rất nhiều câu chuyện có những yếu tố rất bạo lực như vậy. Không ai muốn con cháu mình học những điều như thế, tôi chỉ mong rằng những người làm văn, biên soạn sách cần cân nhắc, tỉ mỉ hơn nữa trong việc lựa chọn tác phẩm để in sách.

Ngay khi tiếp nhận cuốn sách này từ bạn đọc, PV Pháp luật TP.HCM đã liên hệ với bà La Kim Liên, Phó giám đốc NXB Văn Học để xác nhận thông tin. Theo thông tin trên cuốn sách, sách này là sản phẩm do NXB Văn Học và nhà sách Tân Việt liên kết xuất bản.

Bà Liên cho rằng, đây đúng là sách liên kết và hiện NXB vẫn thực hiện liên kết xuất bản với các đối tác. Tuy nhiên theo bà Liên, xã hội bắt đầu soi vào những tình tiết mà bấy lâu họ không để ý. “Do là sách tái bản nên đôi khi, NXB phải thuân thủ theo bản sách cũ, tình tiết đó bấy lâu xã hội không để ý nên coi như đã thông qua. Đó là chuyện cổ tích nên có dị bản, theo quan điểm kể của người xưa, tác giả chỉ cắt bớt, chứ không bao giờ thêm vào”, bà Liên nói.

Ghi nhận phản ánh của độc giả, tuy nhiên bà La Kim Liên cũng bày tỏ, nếu in sách bây giờ chỉnh sửa theo quan điểm hiện đại thì lại là vấn đề cần bàn luận về mặt khoa học.

Theo Hoàng Thơ, Viết Thịnh (Pháp luật TP.HCM)