Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Khi hai kẻ yêu nhau lúc xa nhau còn nói đến chuyện xa nhau là họ còn nhớ tới nhau.
Léon Tolstooi
Results 1 to 2 of 2

Chủ Đề: Phù Tang ký sự: Người Nhật kỳ diệu

  1. #1
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    7,107
    Thanks
    9
    Được Cám Ơn 14 Lần
    Trong 14 Bài Viết

    Phù Tang ký sự: Người Nhật kỳ diệu

    .

    Phù Tang ký sự: Người Nhật kỳ diệu
    Mai Phương




    Văn hóa bài tiết


    Chiếc xe bus lớn dừng lại ở một trạm nghỉ ven đường – một trung tâm thương mại – cho du khách tha hồ giải tỏa… tâm tư. Đoàn người khoan thai bước xuống, nam nữ thọ thọ bất thân, đủng đỉnh tiến đến mục tiêu. Vừa bước tới cửa vào của khu vực dành cho nữ, đột nhiên, du khách thuộc đủ mọi quốc tịch khựng lại, đứng dồn cục. Tất cả phương tiện truyền thông đồng loạt được giơ cao. IPhone, smart phone, camera ống kính dài ngắn hoặc đơn giản chỉ bé bằng lòng bàn tay, không cần khẩu lệnh mà cùng bảo nhau hoạt động.Chuyện gì vậy? Một nhóm nữ sinh vừa chửi rủa tục tĩu xối xả, vừa đánh hội đồng điên cuồng một cô bé nữ sinh bạn chăng? Hay là mấy anh chàng đồng tính – qua kỹ nghệ thẩm mỹ hiện đại – đã biến thành những cô gái đồi núi chập chùng nóng bỏng, đang khoả thân diễu hành, biểu diễn thời trang không vải như trong một đám tang ở Việt Nam? À há, trật lất. Họ đang mắt chữ A miệng chữ O trước khung cảnh kỳ diệu: Một khu triển lãm nho nhỏ thật mỹ thuật với những đóa hoa cô dâu bằng lụa được kết và trình bày đẹp mắt, trưng bày trong những tủ kính bao quanh bộ sofa cho khách nghỉ chân sau hàng giờ shopping rã rời. Vây quanh là hàng hàng lớp lớp những cánh cửa gỗ- màu gỗ nâu óng vàng đẹp mắt – thỉnh thoảng được hé mở, cho một phụ nữ khẽ khàng bước ra.







    Những mẫu hoa cưới bằng lụa được trưng bày trong tủ kính.
    Photo: mp


    Khu vực "triển lãm" choáng ngợp đó, thực chất,
    chỉ là nơi giúp khách vãng lai chờ đợi trong lúc đến lượt ...



    Rửa tay. photo: mp




    Dàn nút phục vụ mọi tiện nghi sau khi bài tiết.


    Đến nước Nhật, ấn tượng đầu tiên của du khách là văn hóa bài tiết của người Nhật. Có lẽ không một dân tộc nào trên thế giới – kể cả Mỹ – chú trọng và nâng cao công việc giải phóng chất thải; tầm thường cùng thô thiển của con người lên mức độ thưởng thức tuyệt đỉnh như dân tộc Nhật. Có ai đó đã viết, muốn biết trình độ văn minh và dân trí của một dân tộc thì cứ nhìn cái nhà vệ sinh của họ. Trên quan điểm này, tôi hoàn toàn đồng ý. Tôi biết rất rõ có một quốc gia tự hào là đỉnh cao chói lọi của loài người, lãnh đạo và người dân nước này cả ngày say sưa chạy theo những kỷ lục không nơi nào có (chẳng hạn kỷ lục cái gỏi cuốn dài nhất thế giới, hay tô hủ tíu [đổ đi] lớn nhất nước) – thì tình trạng nhà vệ sinh tại các trường học vẫn là mối ám ảnh kinh hoàng của những mầm non mà họ thường huênh hoang là đang trồng trọt. Thậm chí nhà vệ sinh ở những trung tâm du lịch, thay vì hút khách đến thì chỉ khiến du khách ra đi không hẹn ngày trở lại.

    Năm 2009, khi máy bay quá cảnh ở phi trường Tokyo, tôi đã kinh ngạc khi lách vào cái phòng vệ sinh nhỏ tí xíu của sân bay. Dùng chữ “lách” quả không ngoa vì với thân hình đúng tiêu chuẩn trung bình của phụ nữ Á Đông cộng với một hành lý xách tay, tôi đã phải… lắc qua lắc lại mấy lần mới lọt được vào và đóng được cánh cửa của nhà vệ sinh. Thế nhưng cái bồn cầu chỉ được văn kỳ thanh qua tên “bồn cầu thông minh” mới thực là một kỳ quan thế giới. Bệ ngồi ấm áp đê mê (và tê tê). Những nút bấm bắt loạn bên tay phải với đủ loại ký hiệu dễ hiểu đủ khiến người thông minh trung bình thấp như tôi cũng biết cách điều khiển liền một khi. Trên đó là nhạc mọi kiểu, mọi thời đại: Beethoven, Jazz, Rock. Chỉ thiếu mỗi cải lương. Rồi những lựa chọn rửa ráy, hấp tẩy nỉ sẹc bàn tọa thần kỳ. Tại sao dân Nhật phải cầu kỳ thế nhỉ?

    Đầu tháng Tư 2015, trở lại xứ phù tang để thưởng thức mùa xuân sang có hoa anh đào, tôi mới nghiệm ra tính “văn hóa cao cấp” của người Nhật. Từ khách sạn cho đến nhà vệ sinh công cộng đều nhan nhản những bồn cầu đem đến sự thư giãn và phục vụ tiện nghi cho con người. Người dân không phải trả tiền cho những dịch vụ này. Cũng không phải sắm nắm trong tay miếng giấy như ở Việt Nam hay Trung Hoa vĩ đại.

    Ở đây, tiếng nhạc giúp giảm thiểu những âm thanh khó nghe khi người ta bài tiết, đem lại sự thanh tịnh cho người hàng xóm cũng đang làm một chuyện tương tự. Khung cảnh của nhà vệ sinh khiến khách vãng lai mang cảm giác lâng lâng như đi ngoạn cảnh chứ không phải sắp sửa làm một chuyện cực kỳ phàm tục của loài người. Nét văn minh xứ người khiến tôi không khỏi nhớ đến những nhà vệ sinh thoải mái ở Việt Nam, nơi có gió vi vút chung quanh và người dân thì vô tư tưới cây hay thả bom. Nhớ cả những nhà vệ sinh lưng lửng trên sông, chỉ có 4 vách lá lãng đãng đủ che phần dưới khi người ta ngồi xuống. Nhớ cả cái con bé ngày nào đi ”thực tế” ở miền sông nước Cần Thơ. Mỗi lần ra sông, con bé phải cắp theo cái nón lá, ngượng nghịu rình rập lúc không có bóng thuyền… viễn xứ mới vội vàng ngồi thụp xuống, nón lá e thẹn che luôn mặt chữ điền. Yêu nhau cách mấy mà thấy nhau trong hoàn cảnh éo le này có lẽ chàng cũng phải chạy mất dép, nói chi đến chuyện có được âm nhạc phụ diễn để khỏi phiền lòng người hàng xóm!




    Vườn kính trước lối vào của một nhà vệ sinh công cộng nữ.
    Photo: mp







    Những cái bồn cầu thông minh và khung cảnh tao nhã, sang trọng cùng sạch sẽ của những khu nhà vệ sinh Nhật Bản nơi các tỉnh tôi đi qua khiến tôi thật chạnh lòng khi hình dung ra khuôn mặt Mẹ Việt Nam Anh Hùng trên tượng đài 410 tỷ đồng VN (hay 20 TRIỆU ĐÔLA) vừa được khánh thành ở Quảng Nam tháng trước.




    Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng khánh thành vào 24/3, 2015 tại Quảng Nam.


    Người Nhật không có tượng đài Mẹ Japan Anh Hùng. Họ xây tượng đài vinh danh Samurai, những chiến binh với tinh thần Võ Sĩ Đạo nhân – trí – dũng.




    Tượng đài Samurai ở Tokyo.
    photo: mp


    Họ không ăn mày quá khứ mà nhìn thẳng vào tương lai. Họ đầu tư vào những công trình phục vụ tối đa lợi ích người dân, không phải lợi ích nhà quan. Chỉ bằng hệ thống cầu tiêu công cộng thông minh (và khả ái), người Nhật đã chinh phục được sự ngưỡng mộ của du khách toàn thế giới.Văn hóa Nhật không hụt hơi rượt theo kỷ lục nhưng bồn cầu Nhật Bản đã phá kỷ lục văn minh và văn hóa của mọi quốc gia. Hưởng tất cả những vinh dự đó chính là người dân Nhật. Sự lựa chọn thực tế và thông minh của một cường quốc Á Châu thông minh.




    “Bồn cầu thông minh” nhan nhản trên nước Nhật.
    Photo:mp






    Có cả nôi em bé trong phòng vệ sinh.
    photo: mp

    (còn tiếp)

  2. #2
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    7,107
    Thanks
    9
    Được Cám Ơn 14 Lần
    Trong 14 Bài Viết
    (tiếp theo)

    NHẬT BẢN KHÔNG KẸT XE

    Chơ vơ trên một hòn đảo mà diện tích chỉ tương đương với tiểu bang California của Hoa Kỳ với 73% là núi rừng bao phủ, người Nhật đã xây dựng được một hạ tầng cơ sở dễ nể. Đất thiếu, dân đông nên mặc dù đường phố nhỏ hẹp, bộ óc thông minh cùng ý thức cao độ của dân Nhật đã tạo nên môi trường giao thông thông thoáng. Xe gắn máy cùng xe hơi made in Japan tràn ngập thị trường thế giới, là niềm tin cho người tiêu dùng nhưng người Nhật không xử dụng sản phẩm của mình tràn lan trên đường phố. Họ đi bộ. Họ đi xe đạp. Họ dùng xe điện ngầm, xe lửa. Dường như họ cũng chẳng buồn đánh giá nhau qua con xe hay một biển số đẹp. Những cô gái mặc y phục thời trang bình thản đạp xe đạp. Những thanh niên trong bộ đồ vest lịch lãm phơi phới đạp xe đạp. Từ những cửa xe điện ngầm dưới mặt đất, họ trồi lên lũ lượt vào giờ tan học, tan sở.




    Đường phố Tokyo giờ đi làm.
    Photo: mp


    Những kiến trúc cao tầng vĩ đại, kiểu dáng khác nhau tuyệt đẹp vươn san sát lên trời cao tại khắp các đô thị. Kỹ thuật trong tay họ. Vật liệu do họ sản xuất. Những công trình made in Japan 100%. 1945-2015 – 70 năm, từ một quốc gia bại trận phá sản sau thế chiến thứ 2, người Nhật có mỗi năm ngồi ca ngợi và ăn mừng sự thành công của họ hôm nay như Đảng quang vinh thường tiêu tốn cả triệu đô la cho cả nước lễ lạc hàng năm vào dịp 30 tháng Tư không? Câu trả lời có lẽ là không. Họ âm thầm tiến tới, tiến mãi.

    Người trẻ Nhật Bản có hãnh diện với những thành tích mà quốc gia họ đang đạt được không? Tôi e rằng họ cũng không để ý đến điều này, đến sự kiện dân tộc họ là một trong số ít những dân tộc nhận được nhiều sự ngưỡng mộ nhất trên thế giới. Họ cúi rạp người chào khách và chào nhau. Họ xin lỗi luôn miệng khi việc phục vụ khách bị chậm trễ. Họ được dạy như thế từ bé. Họ thấm nhuần tinh thần Võ sĩ đạo, lấy “Trí, Nhân, Dũng” làm kim chỉ nam khi tâm hồn còn như tờ giấy trắng. Họ không bị nhồi sọ bởi đạo đức khả nghi của một xác ướp như dân tộc Việt Nam đã, đang và tiếp tục chịu đựng.

    Nhật Bản đầy là núi. Để vượt qua những dẫy núi, người Mỹ làm những con đường vòng vèo theo vách núi. Người Nhật đục luôn đường hầm xuyên qua chân núi cho tiện việc sổ sách. Chẳng phải đường thẳng là đường ngắn nhất nối liền 2 điểm đó sao? Trên xa lộ xuyên tỉnh, đường hầm tiếp nối đường hầm. Hãy hình dung sau lưng dãy núi Ikoma là thành phố thương mại và ăn uống nổi tiếng Osaka. Hẳn Bạn sẽ nghĩ để đến được phía bên kia cũng phải mất khoảng 30 hay 45 phút?




    Núi Ikoma, ranh giới của tỉnh Nara và Osaka.
    Photo:_
    http://en.wikipedia.org/wiki/Mount_Ikoma


    Tới chân núi, xe bus chui tọt vào đường hầm. Khoảng 10 phút sau, Osaka đã sừng sững trước mắt, san sát nhà chọc trời…. Người Nhật nắm trong tay mọi kỹ thuật tân tiến, chế tạo những nguyên vật liệu cao cấp nhất để tự xây dựng đất nước. Hãnh diện quá chứ?

    Bao giờ cho đến Việt Nam?!!!




    Thành phố Osaka –
    _http://www.freeimageslive.co.uk/free_stock_image/osaka-panoramic-jpg




    Góc phố lãng mạn của Osaka.
    Photo: mp




    Con phố nhộn nhịp của Osaka. Photo: mp


    HOT SPRING KHÔNG?

    Cô hướng dẫn viên du lịch xinh đẹp Yuki Ko hớn hở thông báo cùng du khách, Tối nay quý vị sẽ được ăn bữa tối miễn phí do khách sạn khoản đãi theo phong cách ẩm thực truyền thống Nhật và sau đó được tắm hot spring.

    Được ăn ngon và được tắm suối nước nóng? Cả xe òa lên sung sướng. Yuki Ko trịnh trọng lôi ra tấm hình lớn chụp chiếc áo kimono.

    “Trong phòng của quý vị sẽ có sẵn bộ áo như thế này. Lúc mặc, xin nhớ xếp phần áo bên phải úp lên phần áo bên trái. Chỉ khi mặc áo cho người chết thì phần bên trái mới úp ngược lên bên phải”.




    Bộ Kimono được sắp sẵn trong phòng cho du khách tắm Hot Spring.
    Photo: mp




    Đôi dép dùng đi tắm Hot Spring.
    Photo: mp


    Bài học vỡ lòng đầu tiên về cách mặc Kimono. Cô cho biết việc mặc một chiếc Kimono truyền thống rất nhiêu khê mà chính cô cũng không thể tự mặc. Vì vậy, người Nhật có cả trường dạy cách mặc Kimono nữa. Trường chỉ dành cho phụ nữ, không nhận nam học viên.

    Một tiết lộ khác của Yuki Ko khiến những du khách như tôi rất buồn. Đó là những cô gái, những phụ nữ thỉnh thoảng bạn bắt gặp trong trang phục Kimono trên đường phố (mà bạn cũng như tôi, hơ hải cùng hào hứng đưa máy hình lên chụp) đa số đều không phải… made in Japan. Họ có thể là Đại Hàn, Trung Quốc, Thái Lan v.v... Đơn giản hơn, họ cũng chỉ là những du khách như tôi và bạn.




    Những cô gái “Nhật” trên phố Tokyo.
    Photo: mp


    Phụ nữ Nhật chính hiệu con nai Nara thường chỉ mặc Kimono trong những lễ hội hoặc các sự kiện quan trọng. Lần đầu là 3 tuổi. Chiếc Kimono đầu đời. Lần 2 khi lên 7 tuổi để cảm ơn Thượng đế đã giữ cho khỏe mạnh chóng lớn. Lần 3 là 20 tuổi, đánh dấu sự trưởng thành của người con gái.

    Câu hỏi của một du khách Mỹ khiến cả xe cười ồ: Lúc mặc Kimono đi tắm thì bên trong có… cái gì không? Yuki Ko cười tinh nghịch: Không mặc gì hết. Lúc tắm, tất cả đều khoả thân. Những tiếng uh oh vỡ òa. Yuki Ko giải thích: Trai gái tắm ở khu vực riêng nhau. Người Nhật dễ e thẹn (shy) nhưng trong Hot spring, đó là chuyện bình thường. Ai cũng giống ai. Yuki Ko chun mũi, toét miệng cười. Nụ cười hồn nhiên của cô gái xinh đẹp Nhật Bản hẳn đã làm say lòng biết bao du khách.
    Hot spring không? No, no… Haha …

    Từ đầu bài viết đến giờ chỉ thấy tác giả những khen cùng khen. Vậy chớ nước Nhật không có gì để chê sao? Có chớ! Mạng internet ở phi trường Narita – Tokyo dở ẹc, chậm như con rùa bò hehe.

    mp
    MỘT SỐ HÌNH ẢNH:




    Một người ăn xin (*) trên đường phố Tokyo.
    Photo: mp




    Quán bán hoa – Tokyo.photo:mp




    Trang trí hoa tươi trước một cửa tiệm tại Tokyo.
    Photo: mp




    Cổng vào Đền Senso-ji , Tokyo




    Kinkaku-ji hay Đền Vàng tại Kyoto.
    Photo: mp




    Núi Phú Sĩ.




    Phần ăn tối miễn phí tại khách sạn dành cho một người.
    Photo: mp




    Cổng vào cung điện Nijo Castle,
    nơi ở của những Tướng quân (shoguns) Tokugawa – thành phố Kyoto.
    photo: mp




    Nijo Castle – Kyoto. Photo: mp




    Tōdai-ji, ngôi chùa ở thành phố Nara nổi tiếng
    với ngôi tượng Phật bằng đồng lớn nhất thế giới.
    photo: mp




    Ngôi chùa Tōdai-ji, Nara.
    Photo: mp




    Tượng Binzuru (Pindola Bharadvaja) làm bằng gỗ vào thời đại Edo, thế kỷ 18 tại chùa Tōdai-ji, tỉnh Nara.
    Pindola là 1 trong 16 vị A La Hán, đệ tử của Đức Phật, được cho là có năng lực vượt trội.
    Người Nhật tin rằng khi chà tay vào hình tượng Binzuru và sau đó chà vào
    phần cơ thể tương ứng của mình, nơi đó sẽ hết bị đau nhức.




    Tượng Phật bằng đồng lớn nhất thế giới tại chùa Tōdai-ji, tỉnh Nara.
    Photo: mp




    Lâu đài Osaka. Photo: mp




    Nước lẩu được nấu trong một cốc bằng giấy không cháy.
    Photo: mp




    Phần ăn trưa dành cho một người do tour du lịch Affordable Asia khoản đãi
    tại “thiên đường ẩm thực” Osaka.
    Photo: mp




    Trang trí độc đáo của một cửa tiệm trong khu phố thương mại ở Osaka.
    Photo: mp




    Trang trí độc đáo của một cửa tiệm trong khu phố thương mại ở Osaka.
    Photo: mp

    Bài do tác giả Mai Phương gửi tới Dân Luận

    (*)
    Hình trên không phải là "
    Một người ăn xin ..." mà là hình ảnh của "Một nhà sư khất thực"
    (Ý kiến của người post bài trên VFF)

Chủ Đề Tương Tự

  1. Nhân viên tang lễ trộm bộ phận nhạy cảm của người chết
    By sophienguyen in forum Chuyện Lạ Đó Đây
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 04-10-2015, 02:23 AM
  2. Người Vớt Phù Du
    By sophienguyen in forum Truyện Dài Audio
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 01-20-2015, 03:52 AM
  3. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 12-17-2013, 01:34 PM
  4. Sắc Xuân Phù Tang Cổ Tự Nghệ Thuật Kết Hoa
    By Vy Khanh in forum Kinh Tụng & Hình Ảnh
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 08-31-2012, 04:06 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •