Kỳ lạ cụ ông 92 tuổi 8 năm trời cất căn nhà 9 tầng trên… cây

Bạn đang đọc bài viết Kỳ lạ cụ ông 92 tuổi 8 năm trời cất căn nhà 9 tầng trên… cây tại website của chúng tôi.
Rõng rã 8 năm trời, cụ Dương âm thâm vác từng cây tre, đan từng tấm đăng để cất nhà trên đọt cây. Do 4 cây gòn làm trụ nhà mỗi năm cao thêm chừng 2m, nên đến nay cụ đã cất được ngôi nhà 9 tầng, cao khoảng 20m.



ảnh minh họa

Tầng cao nhất nằm tận trên đọt gòn, cụ mới cất xong 2 tháng nay. Việc cất căn nhà kỳ lạ của cụ Dương chẳng hàng xóm nào hay biết. Đến lúc căn nhà cao chót vót, nhô khỏi khu vườn, thì mới bị phát hiện. Nhưng căn nhà kỳ lạ và cao ngất ngưởng đó hiện chỉ có một mình cụ Dương dám trèo lên. Chưa ai dám thử dù chỉ một lần, do sợ bị sập đổ và té chết.
Trụ nhà là 4 cây gòn tươi tốt
Câu chuyện kỳ lạ về căn nhà quái dị được cất trên đọt cây của cụ Dương Văn Dương (92 tuổi, ngụ tại tổ 4, ấp An Bình, xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) mới được phát hiện. Căn nhà lớn của cụ Dương nằm trong rạch Trường Tiền, sau hè có vườn xoài, dừa, tre… Nay trong vườn nhà lại mọc thêm căn nhà toàn bằng tre với 4 trụ nhà là… 4 cây gòn tươi tốt, như 1 tòa tháp. Mấy ngày gần đây, nhiều người dân hiếu kỳ kéo đến tận nơi để xem ông lão 92 tuổi trèo lên tận tầng cao nhất của căn nhà kỳ lạ.

Cụ Dương và tòa lâu đài của mình
Ngày 1.6, lúc chúng tôi đến nhà, cụ Dương đầu tóc bạc phơ đang ngồi đan ghế tre. Cụ có vẻ vui tính, bị lãng tai nhưng thích trò chuyện. Cụ Dương cho biết việc cụ cất căn nhà nằm trên cây mới bị người hàng xóm phát hiện, “tung tin”. Do nó đã được cụ cất lên đến tầng thứ 9, cao ngất, nên mới bị lộ.
Mời chúng tôi ngồi vào bàn uống nước trà, cụ Dương vui vẻ kể, vùng rạch Trường Tiền là nơi chôn nhau cắt rốn của cụ. Ngày xưa cha vợ cụ chuyên làm nghề đan lợp, về sau nó trở thành nghề gắn bó với gia đình cụ. Trước kia, mỗi khi ngồi vót tre đan lợp, gia đình cụ hay ra sau vườn tìm bóng cây để ngồi. Chỗ 4 cây gòn mọc trong vườn cụ là nơi gia đình hay ra ngồi vót tre đan lợp. Cụ lấy tấm cao su căng 4 góc cột dây vào 4 cây gòn để che mát. Việc mưu sinh cứ thế âm thầm trôi.
Khi thấy 4 cây gòn mọc ở 4 góc trong vườn ngày càng lớn, cụ Dương mới có ý tưởng cất nhà theo sự cao lớn của 4 cây gòn. Hễ gòn cao tới đâu là cụ dùng nhiều cây tre cột chúng vào các cây gòn. Các cây tre cụ cột theo lối chằng chéo, tạo thành căn nhà hình tháp. Hễ xong một tầng, cụ lại lấy tấm đăng tre để ngăn. Mục đích ban đầu là che mát. Nhưng càng về sau cụ càng hứng thú với việc xây “lâu đài” mà cột làm bằng… 4 cây gòn. Gần như mỗi năm cụ cất lên được 1 tầng. Do 4 cây gòn mỗi năm cao thêm chừng 2m, nên 8 năm nay cụ đã cất được ngôi nhà 9 tầng, cao khoảng 20m. Cụ gọi là “cửu trùng đài”. Tầng cao nhất nằm tận trên đọt gòn, cụ mới cất xong 2 tháng nay.
Phải bắc loa gọi xuống ăn cơm
Theo cụ Dương, lúc đầu thấy cụ cất nhà trên cây thì các con cụ đều phản đối. Nhưng từ đó đến nay cụ vẫn một mình âm thầm cất nhà. Ngày nào cụ cũng ra đồng làm lúa, be bờ đê (bờ mẫu). Khi rảnh tay thì cụ đi đốn tre, róc nhánh để cất nhà. Cụ dùng dây bẹ, dây gai cột nhiều cây tre chằng chéo vào 4 cây gòn, biến căn nhà ngày càng nhô cao như 1 tòa tháp. Khi cất lên tầng cao hơn thì cũng một mình cụ tự bê kéo từng cây tre lên cất.
Chuyện chuyển cây lên cao rất khó và nguy hiểm. Cụ phải dùng dây thừng cột 1 đầu cây tre, đầu còn lại cột vào cục đá lớn. Rồi cụ luồn sợi dây qua cây tre đã cột dính vào các cây gòn ở tầng dưới như lòn vào cái ròng rọc. Cụ đứng trên cao phăng sợi dây kéo cây tre khác lên, rất kỳ công. Còn những tấm đăng phân tầng như người ta xây nhà lầu thì cụ phải dùng… lá “lăng xê” – thay vì bê tông, cũng tự tay cụ tỉ mẩn ngồi vót và bện thành. Cứ thế, qua năm này sang tháng khác cụ đã làm nên căn nhà 9 tầng trên đọt cây cao chót vót.
Bà Huỳnh Thị Kim Xoàn (50 tuổi, con dâu út đang sống chung trong nhà cụ Dương) cho biết những gì cụ Dương kể đều là sự thật. Khi thấy cụ cất nhà ngày càng cao mà lấy 4 cây gòn sống làm cột, người nhà thấy quá nguy hiểm. Bởi họ biết chỉ cần 1 trận giông lớn là nhà sập, cây cối văng ra từ nhà văng xuống đè chết người. Nếu chẳng may lúc ấy cụ Dương đang ở trên căn nhà đó thì khó bảo toàn tính mạng.
Thấy cụ cương quyết cất nhà, hay leo lên đó nằm ngủ trưa nên con cái sợ cụ té ngã, khuyên ba đừng làm nhà nữa. Vậy mà cụ Dương vẫn cứ làm. Nhà có mấy bụi tre gai thì tối ngày cụ cứ hì hục ra đốn, “tha” hết cây này tới cây khác để cất nhà. Còn tôn lợp nóc nhà thì cũng một tay cụ “tha” lên cao. Tre cất nhà lâu ngày bị mục, rồi dây bẹ, dây gai cột nhà cũng mục. Ai thấy căn nhà của cụ cũng phát sợ, nên không ai dám trèo lên. Chỉ mình cụ hằng ngày vẫn leo lên đó!
“Con cháu chưa ai dám trèo lên căn nhà đó, chỉ có mình ổng dám leo lên. Lúc ổng cất tầng thứ 2 thì ông anh thứ Sáu (anh trai cụ Dương) ra dỡ bỏ, ổng chửi quá trời. Từ đó về sau ổng muốn làm sao thì làm, chớ con cái không ngó ngàng tới “túp lều lý tưởng” của ổng nữa. Ổng đem hình tiên, phật lên dán trên tầng cao nhất, rồi đặt trên ấy cái bàn nhụa, ổng còn để trên đó cái rương, chứa quyển kinh Phật để tránh mưa ướt. Rồi ổng còn giăng trên đó cái võng để nằm ngủ trưa. Lúc trước mấy ông anh trong nhà có mua cái loa cầm tay, để kêu ổng xuống ăn cơm, do ổng bị lãng tai mà ở tuốttrên đọt cây, kêu bằng miệng đâu có nghe. Nhưng ai kêu gì ổng cũng không xuống. Chỉ chừng nào ổng đói bụng thì tự trèo xuống thôi. Khoảng 2 tháng trước công an xã tới hỏi ổng cất nhà để làm gì? Người ta sợ ổng làm chuyện mê tín dị đoan gây hiếu kỳ. Sau khi nghe người nhà giải thích ổng làm cho vui, thì công an khuyên dỡ bỏ đi. Nhưng người trong nhà nói gì ổng cũng không chịu dỡ”, bà Xoàn cho hay.
Cụ Dương thì bộc bạch: “Sáng nào tui cũng trèo lên căn nhà trên cây nằm võng giăng ở tầng thứ 9 để đọc kinh. Tới trưa đói bụng tui mới trèo xuống ăn cơm. Nhiều lúc tui rủ bạn bè leo lên tầng nhà cao nhất để… nhậu, thì chẳng ai dám, do họ sợ sập. Thành ra căn nhà chỉ một mình tui cất và tới bây giờ cũng một mình tui dám leo lên. Tui muốn cất nhà trên cây để khi nào nhà chính nóng nực thì trèo lên tầng cao nhất ngủ trưa cho mát. Trên đó gió thổi mát lắm, tui nằm trên võng đọc kinh, rồi ngủ trưa luôn. Trèo lên tầng thứ 9 tui còn có thể ngắm cảnh vật chung quanh, thấy được Đài PT-TH An Giang, bến phà Vàm Cống. Chỉ còn khu vực thị trấn Chợ Mới là tui chưa thấy. Tui chờ khi nào 4 cây gòn cao lên nữa, thì tui cất thêm tầng nhà nữa, để nhìn được bốn bề. Tui làm như vậy chỉ để giải khuây thôi”.