.

Vua nhà Nguyễn bất lập hoàng hậu ?


Bất lập hoàng hậu chẳng phải là thông lệ xuất hiện từ thời Nguyễn mà đã có sẵn trước đấy. Ngay cả vương triều Nguyễn, lệ này cũng chưa điển chế hoá.




Phanxipăng thăm cung Diên Thọ trong Hoàng Thành Huế.
Ảnh: Tôn Nữ Cẩm Nhung


“Tứ bất” là gì?

“Tứ bất” ghi chữ Hán thì 四不, gọi nôm na là “4 không”. Song nội dung cụ thể của lệ “tứ bất” bao gồm các điều khoản gì thì các tài liệu lâu nay ghi nhận thiếu thống nhất.

Tập 1 bộ Lịch sử Việt Nam của Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam (NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1971; trang 370) viết:

“Nhà Nguyễn củng cố nền thống trị bằng cách tăng cường chế độ chuyên chế. Các vua nhà Nguyễn muốn thâu tóm vào tay tất cả quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, giám sát…, không muốn cho một ai chia sẻ quyền hành hoặc lấn át uy quyền của mình. Vì mục đích đó, Gia Long đặt ra lệ “bốn không” là không đặt tể tướng, không lấy đỗ trạng nguyên, không lập hoàng hậu, không phong tước vương cho người ngoài hoàng tộc (mà đối với người trong hoàng tộc cũng chỉ phong tước danh dự mà thôi)”.

Đoạn vừa dẫn cần được khảo chứng. Bởi qua hệ thống văn bản triều Nguyễn hiện vẫn bảo lưu, không thấy vua Gia Long phán truyền lệ “tứ bất” bao giờ. Trái lại, Đại Nam thực lục chính biên (NXB Sử Học, Hà Nội, 1963) cũng như Đại Nam chính biên liệt truyện (NXB Thuận Hoá, Huế, 1993) của Quốc sử quán triều Nguyễn còn ghi chép sự kiện: bà Tống Thị Lan, tự Liên, quê Tống Sơn (Thanh Hoá), được đức Thế Tổ tức vua Gia Long lập làm vương hậu vào năm Bính Thìn 1796, đến năm Bính Dần 1806 thì lập làm Thừa Thiên Cao hoàng hậu. Cạnh đó, vua Gia Long còn lập bà Trần Thị Đang, huý Kính, quê Hương Trà (Thừa Thiên), làm Thuận Thiên Cao hoàng hậu.




Phía trong Bửu Thành của lăng Thiên Thọ có tẩm song táng vua Gia Long
bên cạnh Thừa Thiên Cao hoàng hậu qua bưu ảnh Pháp.
Hiện lăng này tại xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế.



Căn cứ diễn biến thực tế từ đời Minh Mạng đến đời Khải Định, hậu thế mới tổng kết cái lệ “tứ bất” của triều Nguyễn: bất thiết tể tướng, bất thủ trạng nguyên, bất lập hoàng hậu, bất phong đông cung. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng triều Nguyễn không hề ban hành một văn bản chính thức nào quy định “4 không” là điển chế buộc mọi vị vua phải tuân thủ nghiêm cẩn. Vả lại, cái lệ kia – nếu có thể gọi như thế – cón chứa đựng lắm “mối manh” đòi hỏi hậu thế lần tìm thấu đáo, ví muốn rút kết luận chắc chắn, giàu sức thuyết phục.

Chẳng hạn trong khoa cử, lẽ nào triều Nguyễn không chấm đỗ trạng nguyên? Đây là một đề tài lý thú, tôi sẽ đề cập khi gặp dịp thuận tiện. Chỉ xin dẫn lời vua Thiệu Trị từ sách Đại Nam thực lục chính biên để thấy rằng triều đình Huế vẫn có danh hiệu trạng nguyên trên nguyên tắc:

“Văn lý mà làm vẹn cả mười phần, thật không phải dễ. Đức Hoàng khảo ta (tức vua Minh Mạng) mở giáp khoa, ý để cầu người có học, nhưng về nhất giáp (trạng nguyên) vẫn còn để trống. Đó cũng là để đợi người có tài cao, lạ, chứ không phải câu nệ về mực thước đâu”.

Còn chức tể tướng, cũng gọi thừa tướng hoặc tướng quốc, quả thật không có trong bộ máy triều đình nhà Nguyễn. Vị trí và trọng trách ấy được triều Nguyễn trao cho cả tập thể đại thần thân tín, gồm Hội đồng Nội các và Viện Cơ mật. Song, xem lại sử liệu, chúng ta thấy từ thời Lê trung hưng đã không có tể tướng rồi.

Thế chuyện bất lập hoàng hậu thì sao?

Bất lập hoàng hậu: nhà Nguyễn hay nhà Lê?

Sách lập hoàng hậu và sách phong đông cung thường quan hệ chặt chẽ. Con trai là thái tử, đương nhiên mẹ ruột là hoàng hậu – trừ những trường hợp quá đặc biệt. Đó là điều kiện cần chứ chưa đủ. Bởi trong lịch sử, số vị vua lập nhiều hoàng hậu cũng không hiếm.

Lê Quý Đôn (1726 – 1784) biên soạn Đại Việt thông sử có đoạn:

“Quốc thống ta nếu vẫn theo như ngày xưa, phong tục cũ chưa thay đổi thì có vua Đinh Tiên Hoàng lập 5 hoàng hậu, vua Lý Thái Tổ lập 6 hoàng hậu, lại lập thêm 3 hoàng hậu nữa, vua Lý Thái Tông lập 7 hoàng hậu.”
(Bản dịch của Ngô Thế Long – NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1978; tr.115).

Sau này, vua Quang Trung có Chính cung hoàng hậu họ Phạm (sinh Quang Toản), lại thêm Bắc cung hoàng hậu Ngọc Hân.

Vua Gia Long sáng lập vương triều Nguyễn, như đã nói trên, từng lập Thừa Thiên Cao hoàng hậu bên cạnh Thuận Thiên Cao hoàng hậu.

Vua Minh Mạng kế vị cũng muốn lập hoàng hậu và chọn thái tử, nhưng do cung cấm tồn tại lắm chuyện “tế toái mè nheo” khiến đấng thiên tử đắn đo, tới phút se mình chỉ kịp quyết định hoàng trưởng tử Miên Tông nối ngôi làm vua Thiệu Trị.

Rồi vua Thiệu Trị lúc sắp mất mới trăn trối với quý phi Phạm Thị Hằng tức Từ Dụ trước mặt quần thần:

“Quý phi là nguyên phối của trẫm, phúc đức hiền minh giúp việc nội cung cho trẫm đã 7 năm. Ý trẫm muốn sách lập hoàng hậu chính ngôi trong cung, tiếc thay bận việc mà chưa kịp làm.”

Di ngôn ấy được ghi chép vào Đại Nam thực lục chính biên, về sau được dẫn trong Nguyễn Phúc tộc thế phả (NXB Thuận Hoá, Huế, 1995; tr. 281). Qua đó đủ thấy rằng nhà Nguyễn hoàn toàn không chủ trương bất lập hoàng hậu.

Vua Tự Đức thiếu khả năng truyền chủng nên có lẽ chẳng quan tâm việc sách lập hoàng hậu, đến khi ngã bệnh mới ban di chiếu chọn dưỡng tử Nguyễn Phúc Ưng Chân (con ruột của Thuỵ Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Y) lên nối ngôi. Hơn nữa, từ thời Tự Đức trở đi, vận nước vô cùng khó khăn, xã tắc gặp hoạ ngoại xâm, chính sự rối ren liên tục, thậm chí có phen lâm tình cảnh “tứ nguyệt tam vương” (4 tháng thay 3 vua Dục Dức, Hiệp Hoà, Kiến Phúc) hoặc vua phải xuất bôn, hoặc vua bị bắt đi “an trí”, nên triều đình Huế suốt thời gian dài không có hoàng hậu là điều dễ lý giải.

Đến Bảo Đại – vị hoàng đế cuối cùng – đăng quang năm Ất Sửu 1926, thì năm Giáp Tuất 1934 cưới Nguyễn Hữu Thị Lan và tấn phong ngay cho tân giai nhân là Nam Phương hoàng hậu. Việc tấn phong nhanh chóng ấy tất có lý do, song chẳng phạm điển chế triều đình.




Hoàng hậu Nam Phương

Bất lập hoàng hậu rõ ràng không được triều đình nhà Nguyễn quy định và cũng không phải là thông lệ. Nếu xem đây là thông lệ “bất thành văn” thì chuyện đang xét càng không đúng với thực tế cầm quyền của vương triều Nguyễn, mà lại phù hợp với… nhà Lê.

Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn (sđd; tr.116) phản ánh:

“Từ vua Thái Tổ (tức Lê Lợi) không lập vương hậu, lại trải 5 đời vua, quen lấy đó làm phép thường. Các bà Cung Từ, Tuyên Từ, Quang Thục, Huy Gia đều do các vị tự quân lên nối ngôi rồi mới dâng tôn hiệu (hoàng thái hậu), chứ chưa có ngôi vị (hoàng hậu) trong cung từ trước.”

Mãi tới nay, đâu chỉ vấn đề “tứ bất” mà không ít sự kiện và nhân vật lịch sử khác vẫn bị nhận định hoặc phiến diện hoặc sai lệch vì vô số nguyên nhân. Nhìn lại quá khứ với sự thận trọng đối chiếu tư liệu khả tín nhằm tái hiện đầy đủ sự thật khách quan đang là yêu cầu bức thiết.

Tháng Mười Một 25, 2011 bởi Phanxipang

_https://phanxipang.wordpress.com/2011/11/25/vua-nha-nguy%E1%BB%85n-b%E1%BA%A5t-l%E1%BA%ADp-hoang-h%E1%BA%ADu/