Sự thật hãi hùng bên trong cà phê “buồng” ở Sài Gòn





Những “buồng” cà phê san sát, nằm quay mặt về phía bờ sông Sài Gòn thơ mộng là điểm hẹn lý tưởng cho các cặp tình nhân. Chủ quán còn chu đáo đặt những chiếc giường nhỏ trong "buồng" cà phê, xung quanh được bao bọc bằng lớp vải lụa kín đáo để các đôi trẻ được tự nhiên

Cảnh tượng dễ khiến người ta hình dung về phòng ngủ của các đôi tân lang, tân nương. Nhưng, ngoài các cặp tình nhân, nơi đây cũng là "bãi đáp” quen thuộc của gái mại dâm và khách làng chơi.
Loạn cà phê“tình nhân”


Khu cư xá Thanh Đa, phường 27,28, quận Bình Thạnh, TP.HCM từ lâu đã nổi tiếng với những quán cà phê “đèn mờ” có sự phục vụ “nhiệt tình” của đội ngũ tiếp viên xinh đẹp. Những dịch vụ biến tướng này đã được chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ. Nhiều quán café hoạt động mờ ám buộc phải đóng cửa hoặc chuyển sang loại hình kinh doanh khác. Tuy nhiên, không vì thế mà làng café Thanh Đa trở nên vắng khách. Bởi đơn giản, những địa chỉ kinh doanh này luôn biết cách tạođiểm nhấn đặc biệt nhằm “hớp hồn” khách hàng theo cách của riêng mình. Hiện tại, khu Thanh Đa lại được nhắc đến như thiên đường cho các cặp tình nhân với dịch vụ café “buồng” hay cà phê “giường nằm” độc đáo. Người viết có mặt ở đầu ngã tư Thanh Đa thấy hai bên đường la liệt những quán café khác nhau. Đi sâu vao các hẻm nhỏ, thấy dịch vụ kinh doanh này càng mọc lên nhan nhản. Đặc biệt, chạy ra hướng dọc sông Sài Gòn dễ thấy có hàng chục quán café với đủ các loại “phong cách”. Có nhiều quán nằm sâu trong hẻm được trang hoàng bằng đèn chùm với những tên quảng cáo rất bắt tai. Ngoài việc bài trí tinh tế, đẹp mắt; đội ngũ nhân viên thân thiện, nhiệt tình, trẻ trung... điểm nhấn đặc biệt làm nên thương hiệu làng cà phê Thanh Đa hiện tại đó là khu “sung sướng’’ được đặt tách biệt với không gian bên ngoài. Đây là nơi dành riêng cho các cặp tình nhân tìm đến “tình tự”. Những “buồng” café thường được đặt thành dãy kéo dài, hướng ra bờ sông thơ mộng. Trong buồng chủ quán sắp xếp những chiếc giường nhỏ sẵn sàng phục vụ nhu cầu của “thượng đế”. Giường được đặt trong ô hình vuông rộng khoảng 4m2, mỗi giường cách nhau khoảng 1m, một chiếc bàn gỗ và hai cái ghế nệm vuông làm giường để các cặp vào nằm ôm nhau; xung quanh được bao phủ bởi “mùng” mỏng màu trắng hoặc tím. Nhờ những căn buồng đầy riêng tư như thế mà mỗi ngày những quán cà phê ở khu Thanh Đa thu hút đông đảo các cặp tình nhân tìm đến “tâm sự”. Thế nên dù mỗi quán cà phê trong khu vực đều có bảng hiệu, tên tuổi rõ ràng nhưng người dân trong khu vực quen gọi đây là cà phê “tình nhân" hay cà phê “sung sướng”.
Cà phê "buồng" nở rộ thời gian gần đây được coi là nơi hẹn hò lý tưởng của các cặp tình nhân

Anh Minh Tuấn - một tài xế xe ôm thường chở khách đến quán cà phê T.T cho chúng tôi biết: “Những thiên đường cà phê này chỉ dành cho bọn trẻ yêu nhau. Ngày nào tôi chẳng chở ba, bốn cặp vào đây. Không gian quán riêng tư như thế nên chúng dễ có những hành động nóng mắt. Người lớn tuổi vào quán chứng kiến cảnh tượng đó cũng ái ngại nên ít người ghé lắm. Ở TP.HCM bây giờ những quán cà phê riêng tư kiểu thế này thiếu gì”. Đúng như lời anh Tuấn nhận xét, theo ghi nhận của chúng tôi, trên địa bàn TP.HCM, đặc biệt là các quận, huyện vùng ven, dịch vụ cà phê buồng đang phát triển một cách chóng mặt. Có thể kể đến một vài điểm nóng như khu vực quận 12, quận Gò vấp, Bình Chánh... Có một điều dễ nhận ra là đằng sau vẻ lịch sự của các quán café luôn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, nhức nhối. Nhng hệ lụy khó lường Trò chuyện với chúng tôi, anh Tuấn thật thà cho biết phần lớn người trẻ đến đây không chỉ uống café mà còn để tận hưởng “chốn thiên đường”. Khi bóng tối đổ xuống, hoạt động ở các quán café “buồng” náo nhiệt hơn gấp bội. Nhân viên quán khéo léo điều chỉnh ánh sáng mờ ảo, trong tiếng nhạc dập dìu, những đôi trai gái nắm tay nhau tấp nập ra vào. Trong khoảng không gian riêng tư đặt sẵn, các đôi trẻ thoải mái chọc ghẹo, cười đùa, thậm chí buông ra những lời lẽ, cử chỉ yêu đương sống sượng. “Buồng" café trở thành phòng tân hôn lúc nào chẳng hay. Theo ghi nhận, vào những cung giờ “hoàng đạo”, thường là buổi tối, khi các thượng đế bước vào “buồng” café và gọi xong đồ uống thì có một nguyên tắc ngầm là nhân viên phục vụ không được lại gần. Vì thế chốn thiên đường này dễ tạo ra những cuộc tình “chớp nhoáng”, dễ khiến các cặp đôi không làm chủ được mình. Có một điều đáng chú ý hơn, “buồng” café còn nghiễm nhiên trở thành bãi đáp cho các “chuyến tàu nhanh ăn bánh trả tiền”. Anh Tuấn cho biết: “Nhiều ả gái mại dâm biết được không gian ở buồng café nên đồng ý dẫn khách vào tìm cảm giác lạ giữa không gian mênh mông, thoáng mát. Tại đây họ có thể vô tư “làm việc”. Nếu so giá của 2 ly nước với tiền thuê khách sạn, nhà nghỉ thì rẻ hơn rất nhiều. Có buồng café, cả gái bán dâm lẫn khách làng chơi đều cảm thấy có lợi. Thú thật, tôi chạy xe ở đây đã lâu nên biết chuyện gái mại dâm trà trộn vào quán nhiều lắm. Chủ quán café có thể biết nhưng rất khó để cấm cản”. Ở các buồng café, nhiều chủ quán không chỉ mặc nhiên để các đôi tình nhân, gái bán dâm “hoạt động” mà còn kiêm luôn nhiều dịch vụ khác phục vụ khách độc thân. Trong những quán café thế này, bao giờ cũng đầy rẫy nhân viên nữ chân dài, ăn mặc “tươi mát”, ỡm ờ đón khách. Nếu như khách uống cà phê có nhu cầu “tâm sự”, các nhân viên sẽ hầu chuyện khách. Tất nhiên, chỉ khi được phép của chủ quán hoặc quản lý, nữ nhân viên kia mới dám bước vào “buồng” riêng tư. Anh Tuấn kể: “Nhiều quán café như thế không cho nhân viên nữ trực tiếp phục vụ khách. Chắc họ sợ lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất. Nhưng theo tôi biết, các nhân viên nữ nếu gặp khách hàng tiềm năng sẵn sàng xin nghỉ việc để tận tâm chăm sóc chu đáo cho một vị khách duy nhất”.

Chính những biến tướng trong quán cà phê buồng gây nên trở ngại lớn cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng. Ranh giới quán cà phê lành mạnh và quán đèn mờ đôi khi rất mỏng manh. Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề những dịch vụ kinh doanh cà phê như thế này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, người quản lý quán T.T cho biết: “Chúng tôi mở quán cà phê hướng đến khách hàng là những người trẻ cần chốn riêng tư trò chuyện. Ở TP.HCM, những không gian như thế là rất quý. Các bạn trẻ luôn cảm thấy ngột ngạt, bức bối bởi họ thiếu không gian riêng. Chúng tôi cam đoan dịch vụ của mình là lành mạnh và có ý nghĩa thiết thực”. Trên thực tế, giá trị hữu dụng của những “buồng” café là có thật, song những hệ lụy phát sinh luôn tiềm ẩn. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc tìm hiểu thực hư những hoạt động bí mật sau “buồng" café, để có thể đưa ra giải pháp ngăn cản kịp thời nếu thực sự có những biến tướng xảy ra.

Theo Thành Giáp (HN&PL)