Tượng Lênin, "nạn nhân chiến tranh" ở Ukraina




Tượng Lênin bị kéo đổ tại Kharkov hôm 28/11/2014.REUTERS/Stringer

Nằm giữa vùng Donbass thân Nga, thành phố Sloviansk, chỉ cách chiến tuyến vài km, vừa trở thành tâm điểm một cuộc tranh cãi xung quanh việc phá hủy một tượng đài Lênin. Nhật báo Libération đăng bài phóng sự : « Tượng Lênin, nạn nhân chiến tranh ở thành phố Sloviansk » phản ánh quyết định gây nhiều tranh cãi của vị thị trưởng thân Kiev và được cánh cực hữu ủng hộ.

« Luật lên án chế độ toàn trị cộng sản và phát xít » mới được tổng thống Ukraina ban hành, sau khi Nghị viện bỏ phiếu thông qua ngày 09/04. Theo luật mới này, bán đồ lưu niệm liên quan tới cộng sản hay hát Quốc tế ca là những việc từ giờ bị cấm tại Ukraina. Những cá nhân cố tình vi phạm sẽ bị phạt tới 5 năm tù và 10 năm tù đối với thành viên của các tổ chức.
Cơ quan lập pháp đã không bận tâm tới việc liệu luật này có đào sâu hố ngăn cách văn hóa giữa miền Tây Ukraina và miền Đông thân Nga hay không. Vì trong những thập niên 1930 đến 1950, miền Đông nổi tiếng là khu vực công nghiệp trọng điểm của Nga, nơi người dân vẫn còn lưu luyến với quá khứ.
Mặc dù luật trên vẫn chưa được áp dụng tại Ukraina, nhưng ông Oleg Zontov, thị trưởng thành phố Sloviansk, vẫn quyết định bỏ phiếu áp dụng đạo luật trên tại buổi họp Hội đồng Thành phố ngày 29/04 vừa qua, để tháo dỡ tượng đài Lênin sừng sững trước tòa thị chính. Còn các thành phố khác bắt đầu thảo luận xung quanh việc đổi tên thành phố hay tên các làng mạc có nguồn gốc cộng sản.
Năm ngoái, thành phố Sloviansk bị các lực lượng ly khai thân Nga chiếm đóng và nằm dưới quyển kiểm soát của Igor Guirkine, một cựu sĩ quan Nga với biệt danh « Xạ thủ ». Sau nhiều trận oanh kích, thành phố lại thuộc về tay chính quyền Ukraina. Dù, từ khi cuộc chiến xảy ra, số lượng người theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa không ngừng tăng tại thành phố này, nhưng thị trưởng thân Kiev chỉ chiếm số nhỏ trong hội đồng thành phố. Phần lớn đại diện thuộc đảng cộng sản và đảng của cựu tổng thống Viktor Ianoukovitch đang sống lưu vong.
Từ cuối tháng Tư, tượng đài vị cựu lãnh tụ Liên Xô đã bắt đầu bị bôi bác. Nhiều vết sơn hồng lem nhem trên thân tượng, cổ của vị lãnh tụ được đeo cờ Ukraina như một chiếc khăn choàng mỏng. Dưới chân tượng đài là những chỉ dẫn : « Làm thế nào để nhận biết một người ly khai ? » kèm với một số điện thoại của cơ quan tình báo Ukraina.
Từ đầu cuộc chiến tranh và trước khi « Luật lên án các chế độ độc tài cộng sản và phát xít » được bỏ phiếu, trên toàn lãnh thổ Ukraina, đã có hơn một trăm tượng Lenin bị phá trộm vào ban đêm. Ban đầu, các nhóm và đảng phái theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa tại Sloviansk chấp nhận để Hội đồng Thành phố định đoạt số phận của bức tượng. Tuy nhiên, tới phiên họp ngày 27/05, vấn đề tháo dỡ tượng Lenin lại được đưa ra thảo luận. Các đảng phái và đoàn hội trên đã tới để ủng hộ việc dỡ bỏ tượng, đồng thời gây sức ép đối với các đại biểu.
Để giảm bớt bầu không khí căng thẳng với nhiều ý kiến trái ngược, thị trưởng thành phố buộc phải đưa ra vài đề xuất, thay vì phá hủy, bức tượng sẽ được di dời vị trị, hoặc mang ra bán đấu giá, hoặc đưa vào trưng bày trong bảo tàng.
Cuộc tranh luận trên gây thêm khoảng cách giữa thế hệ trẻ hướng về phương Tây, và thế hệ trước vẫn lưu luyến thời Liên Xô. Một nữ đại biểu phản đối việc phá tượng phát biểu : « Thị trưởng của chúng tôi không làm được gì cho thành phố hết, ông ấy gợi ý phá tất, ông ấy tìm được 50 người ủng hộ, nhưng chúng tôi có tới 4.500 chữ ký phản đối phá hủy bức tượng. Ngay cả khi Lenin không phải là người tốt, ông ấy vẫn thuộc về một phần lịch sử của chúng tôi và người ta không thể xóa bỏ lịch sử theo cách như vậy ».
Tuy nhiên, sáng sớm ngày 03/06 vừa qua, bỏ qua mọi kiến nghị, thành viên của một nhóm theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa đã dỡ bỏ tượng Lênin.


Triễn lãm hàng không quốc tế Le Bourget : Máy bay điện trong tương lai?



Hôm qua, các quan chức và khách mời trên toàn thế giới đã được chứng kiến chiếc máy bay Boeing Dreamliner 787 của hãng hàng không Vietnam Airlines cất cánh một cách ngoạn mục, gần như thẳng đứng, tại Triển lãm hàng không quốc tế Le Bourget. Chưa bao giờ, các nhà công nghiệp hàng không lại đặt cược vào việc sản xuất trang thiết bị sử dụng điện cho máy bay như hiện nay, nhằm giảm bớt chi phí nhiên liệu.
Theo tờ Le Monde, các máy bay thế hệ mới sẽ sử dụng sức điện nhiều hơn để giảm bớt lượng khí thải CO2. Bắt đầu hoạt động năm 2011, chiếc Boeing Dreamliner 787 được thực hiện theo chiến lược này. Sau hàng loạt sự cố về loại pin lithium-ion xảy ra vào đầu năm 2013, buộc Boeing phải hoãn thời hạn bàn giao máy bay cho khách hàng, hiện tại Boeing 787 là loại phi cơ dân dụng bay xa nhất được sản xuất theo công nghệ này. Tiến bộ trên cho phép các hãng hàng không tiết kiệm được chi phí nhiên liệu, đồng thời cũng giúp quy trình bảo dưỡng máy bay trở nên đơn giản hơn.
Rất nhiều nghiên cứu các loại pin có hiệu quả hơn tốt hơn, như pin sodium-air, sodium-ion và lithium-air, đang được thí nghiệm để có thể đạt tới hiệu quả như nhiên liệu xăng máy bay. Các công trình trên đều nhằm mục đích chuẩn bị sản xuất những chiếc máy bay của tương lai, có thể xuất hiện vào năm 2030-2035.


Trung Quốc muốn cạnh tranh với Boeing và Airbus



Vẫn theo báo Le Monde, C919, loại máy bay chặng trung bình do Trung Quốc sản xuất, có thể khiến hai nhà sản xuất Boeing và Airbus mất vị trí độc quyền. Hiện tại, hai hãng này có thể tiếp tục « kê cao gối ngủ », nhưng trong tương lai, liệu Airbus và Boeing sẽ phải nhường chỗ cho những đối thủ mới hay không ?
Cả hai nhà sản xuất gần như chiếm độc quyền thị trường máy bay trên 100 chỗ. Nhưng nhiều nhà sản xuất khác lần đầu tiên tới giới thiệu sản phẩm tại triển lãm hàng không quốc tế Le Bourget, như Bombardier của Canada với loại máy bay CS300 chứa được 140-160 hành khách. Đáng chú ý hơn cả là loại máy bay C919 với sức chứa 150-200 hành khánh do Commercial Aircraft Corporation of China (Comac), tập đoàn quốc doanh Trung Quốc sản xuất.
Nguyên mẫu C919 đầu tiên đang được lắp ráp tại Thượng Hải và có thể được xuất xưởng vào tháng 9 tới. Được bắt đầu vào năm 2007, C919 đã thu hút được 450 đơn đặt hàng hoặc ý định mua, chủ yếu là từ các hãng hàng không Trung Quốc. Một chuyên gia của công ty cố vấn Accenture nhận định loại máy bay này sẽ cạnh tranh chủ yếu với các nhà sản xuất khác tại thị trường các nước đang phát triển.
Dù không vượt qua được sản phẩm A320 Neo của Airbus và 737 Max của Boeing về mặt công nghệ, nhưng C919 cũng được trang bị loại động cơ tân tiến nhất, do hãng GE-Snecma (Safran) sản xuất, cho phép tiết kiệm tới 15% lượng nhiên liệu.
Tuy nhiên, ngoài công nghệ được trang bị cho máy bay C919, tập đoàn Comac còn phải quan tâm tới lĩnh vực dịch vụ và chăm sóc khách hàng, một lĩnh vực mà theo bài báo, nhà sản xuất Trung Quốc còn thiếu kinh nghiệm.


Boeing và Airbus " được mùa"



Mới chỉ mở cửa từ hôm qua, nhưng hai hãng Boeing và Airbus liên tục nhận được nhiều đơn đặt hàng. Le Monde gọi đó là « cơn mưa đặt hàng tại Le Bourget » còn nhật báo kinh tế Les Echos gọi là «được mùa».
Tờ Les Echos cho biết, chỉ riêng buổi sáng ngày đầu tiên tại Triển lãm, hai hãng Airbus và Boeing đã nhận được 200 đơn đặt hàng và ý định mua.
Theo nhận định của hãng Boeing, các hãng hàng không sẽ cần tới 38.050 máy bay mới từ nay tới năm 2034, có thể khiến lượng cầu vượt quá lượng cung. Nhu cầu sẽ tập trung chủ yếu ở loại máy bay cho chặng đường ngắn và trung bình A320 Neo của Airbus và 737 Max của Boeing. Tuy nhiên, nhu cầu về loại máy bay đường xa sẽ vẫn ổn định.
Cặp đôi Bush-Clinton trở lại
Sau người cha và anh trai, tới lượt Jeb Bush ghi tên vào danh sách ứng cử viên của Đảng Cộng hòa. Sự kiện này thu hút sự quan tâm của các nhật báo Pháp. Hai tờ Le Monde và Le Figaro đồng loạt đưa tin : « Jeb Bush trong cuộc đua chức Tổng thống Mỹ ». Còn theo La Croix, « Cặp đôi Bush-Clinton trở lại ».
Le Figaro nhận xét chuyện ba người cùng nhà ra tranh cử vào Nhà Trắng là chuyện chưa từng xảy ra từ thời nhà Kennedy. Jeb Bush, năm nay 62 tuổi, là người được Bush cha yêu quý nhất và coi là người kế nghiệp chính trị của gia đình. Ông được coi là người thông thái nhất và là bộ não của gia đình, trái ngược hoàn toàn với người anh trai. Thế nhưng, tờ Le Figaro đặt câu hỏi, liệu hình tượng được coi là điển hình trên có khiến người Mỹ buồn chán không ? Vì người dân nước này đang mơ ước tới những nguồn năng lượng mới để vượt qua giai đoạn đầy âu lo này.
Báo La Croix nhận xét năng lực của bộ đôi Bush-Clinton không có gì phải bàn cãi. Bà Hillary Clinton đã phụ trách nhiều hồ sơ quan trọng, từ khi còn đóng vai trò “ đệ nhất phu nhân ”. Sau này, bà còn giữ nhiều trọng trách quốc tế khác dưới thời tổng thống Obama. Bài xã luận của La Croix nhận định, mặt trái của hệ thống chính trị-trình diễn, rất thịnh hành tại Mỹ, là thường nêu lên những tên tuổi và hằn sâu vào tâm trí người dân, như hai tên Hillary Clinton và Jeb Bush. Dù năng lực của hai ứng viên có cao đến mức nào, đây chưa chắc là một tin tốt đối với nhu cầu không ngừng đổi mới mà nền dân chủ Mỹ kêu gọi.


Người Pháp thường xuyên mắc lỗi chính tả



« Lỗi chính tả, được bỏ qua trong kì thì tốt nghiệp tú tài tại Pháp », đây là tựa chính trên trang nhất của nhật báo Le Figaro. Bài báo lo ngại, trong khi khả năng chính tả của học sinh ngày càng đi xuống, các giáo viên chấm thi được “ bật đèn xanh ” nương tay với thí sinh.
Hiện nay, không vì lỗi chính tả, mà thí sinh không được nhận bằng tốt nghiệp trung học với điểm tốt. Từ nhiều năm nay, giáo viên chấm thi nhận được chỉ dẫn không chặt tay quá đối với các lỗi chính tả trong bài thi. Một số Sở Giáo dục đưa ra quyết định, với lỗi chính tả nặng nhất, cũng không được trừ quá hai điểm.
Các cuộc điều tra cho thấy rằng, người Pháp rất kém về chính tả, giáo viên cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Đây chính là hệ quả của việc giờ học giành cho môn này bị cắt bớt để thay vào đó là những môn học khác.
Một bản thăm dò của Ipsos được tiến hành năm ngoái cho thấy một nghịch lý. 83% người Pháp “ sốc ” khi thấy người nổi tiếng mắc lỗi chính tả, trong khi đó, 96% trong số họ công nhận thường xuyên mắc lỗi chính tả.




RFI