Nhằm đè bẹp Trung Quốc trên biển Đông, Nhật Bản và Philippines bắt tay



Lãnh đạo Philippines-Nhật bắt tay thỏa thuận hợp tác quân sự, đề phòng TQ


Khi Nhật Bản và Philippines chính thức bắt tay thỏa thuận quân sự, họ sẽ đè bẹp Trung Quốc trên biển Đông, theo trang The Diplomat.


Để đáp lại việc TQ ngang ngược xây các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Mỹ chủ động giữ vai trò một người chơi hoạch định chiến lược hơn là trực tiếp tham gia, với khoản viện trợ trị giá 425 triệu USD cho 5 nước Đông Nam Á, và 18 triệu USD dành riêng cho Việt Nam.

Những động thái cụ thể do Nhật và Philippines đảm nhiệm, trở thành đối trọng với TQ trên biển Đông.

Một thế cân bằng mới sẽ được tái lập trên biển Đông, hay chính xác hơn là khi Nhật và Philippines bắt tay nhau, sẽ đè bẹp Trung Quốc trên biển Đông.
Mỹ giao nhiệm vụ chiến đấu cho Nhật - Philippines

Việc Nhật và Philippines xích lại gần nhau và tăng cường hợp tác vì có chung một mối bận tâm là trường hợp đặc biệt.

Nhật từ sau Thế chiến 2 không thành lập quân đội, và gánh nặng đảm bảo an ninh quốc phòng một phần lớn đặt lên vai quân Mỹ đóng ở nước này, bảo đảm tốt an ninh quốc phòng cho Nhật.

Philippines độc lập từ sau năm 1945, nhưng thực tế vẫn gần như là một quốc gia nằm dưới sự bảo trợ của Mỹ.

Với hàng loạt các hiệp ước song phương, như Hiệp ước hỗ trợ quân sự (1947), Hiệp định căn cứ quân sự (1947) đã gần như công nhận vai trò bảo hộ của Mỹ với Philippines, với các căn cứ quân sự Mỹ và binh sĩ Mỹ đồn trú ở quốc gia này.

Dù các căn cứ quân sự ấy Mỹ đã rút khỏi Philippines vào năm 1992, thì ảnh hưởng của Mỹ ở nước này vẫn rất lớn.

Việc lần đầu tiên Nhật bắt tay Philippines thỏa thuận hợp tác quân sự cho thấy: Mỹ bật đèn xanh để hai đồng minh thân cận này hợp tác với nhau trong vấn đề biển Đông.

Mỹ không thể trở thành một lực lượng phản ứng nhanh một khi có biến cố xảy ra trong khu vực.

Mỹ có thể điều hạm đội đến tham chiến trong một cuộc chiến quy mô lớn diễn ra trên biển, nhưng đảm trách vai trò đối trọng với các động thái bất ngờ từ phía TQ thì phải giao cho Nhật và Philippines, 2 quốc gia trong khu vực có thể sử dụng các đội tàu tuần tra quy mô lớn đủ sức để đè bẹp TQ.

Nói cách khác, Mỹ đang bắt đầu triển khai chiến lược phân tầng của mình, trong đó Mỹ sẽ giữ vị trí hoạch định chiến lược tổng thể, gồm liên kết các quốc gia trong khu vực và hỗ trợ tài chính.

Còn việc chạm trán trực tiếp với TQ trên biển, là nhiệm vụ của Nhật Bản và Philippines.

Cuộc hợp tác tuần tra biển Đông

Thỏa thuận hợp tác quân sự giữa Nhật Bản và Philippines vừa được công bố, nhân chuyến công du đến Nhật của Tổng thống Philippines Aquino, cũng đi theo chiều hướng hợp tác tuần tra chung trên biển Đông.

Theo đó, Nhật sẽ cung cấp cho quân đội Philippines máy bay trinh sát chống tàu ngầm P-3C và công nghệ radar, ngoài ra một khoản vay mềm trị giá 150 triệu USD cũng được Tokyo cam kết dành cho Manila để trang bị 10 tàu tuần tra đa năng cho cảnh sát biển Philippines.

Manila cũng bày tỏ sự cởi mở với thỏa thuận hợp tác tuần tra chung trên biển Đông, theo đó các tàu thuộc lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật có thể được phép sử dụng các cảng biển của Philippines để tiếp nhiên liệu và tiếp tế, trong các cuộc tuần tra chung trên biển Đông.

Không nghi ngờ gì việc một khi Nhật và Philippines hợp tác tuần tra chung trên biển Đông, các tàu kiểm ngư TQ sẽ gặp phải một đối thủ đáng gờm, nếu không muốn nói là mạnh hơn hẳn.

Đó là chưa kể, Việt Nam và Philippines cũng đang có một thỏa thuận hợp tác trên biển, và việc lực lượng cảnh sát biển Việt Nam tham gia vào cuộc tuần tra chung này là điều có thể xảy ra.

Thỏa thuận hợp tác quân sự giữa Nhật và Philippines đang dự báo những thay đổi trong chiều hướng tranh chấp trên biển Đông vốn từ trước tới nay TQ vẫn nắm ưu thế.

Nhưng quan trọng không kém, là sự hợp tác đang đưa Nhật Bản tiến thêm một bước trong việc trở thành bá chủ khối các quốc gia có chung lo ngại về TQ ở châu Á - Thái Bình Dương.

Việc một quốc gia từng bị quân đội Nhật xâm lược trong Thế chiến 2 là Philippines bắt tay với chính nước Nhật, đang là một động thái quý giá để Nhật xua tan đi những nghi ngờ về việc nước này đang dần trở lại là một cường quốc quân sự trong khu vực mà Bắc Kinh vẫn rêu rao từ trước tới nay.

Khi Philippines đã có thể hợp tác quân sự với Nhật, thì các quốc gia khác trong khu vực sao lại không, nhất là khi tất cả có chung một mối lo ngại ở thời điểm hiện tại là TQ ?

Nhàn Đàm (theo The Diplomat)