Chuyện lạ ngành hàng không: Mỗi ngày 1 vụ mất hành lý?



Trong thời gian này nạn mất hành lý của hành khách đi máy bay tại Việt Nam trong thời gian qua đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận, không chỉ đánh mất uy tín của ngành hàng không mà còn làm xấu đi hình ảnh đất nước ta. Một Việt Nam xinh đẹp nhưng đang bị bôi nhọ bởi chính hành động này.

Núi rừng Tây Bắc giống như một vùng đất huyền thoại mà bất kỳ du khách nào đã từng đến đây cũng phải thốt lên rằng: “Thật tuyệt vời!” – với vẻ mặt thích thú và rất đỗi kinh ngạc. Vậy tại sao khách du lịch năm 2015 lại giảm xuống?




Trong khi đó, tình trạng mất hành lý đang ngày càng gia tăng: Khách đi chuyên cơ bị mất hành lý, ngay cả lãnh đạo Bộ Công an gửi kiện hàng về Nội Bài cũng mất cả iPad lẫn máy tính. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2015 đã có 168 trường hợp, bình quân mỗi ngày có hơn 1 vụ xảy ra. Thực tế này đã khiến cả Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an phải vào cuộc.

Chiều ngày 18/6, tại Bộ Giao thông Vận tải đã diễn ra cuộc họp tìm kiếm giải pháp cho tình hình mất cắp hành lý ở sân bay. Cuộc họp được thực hiện dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Đinh La Thăng, bên cạnh đó còn có sự góp mặt của Cục trưởng Cục Hàng không, Cục trưởng Cục An ninh Kinh tế (Bộ Công an – A85), lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không, lãnh đạo các cảng Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Hà Nội và các đơn vị có liên quan.




Tại cuộc họp với lãnh đạo ngành hàng không, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói: “Mỗi năm để xảy ra hàng trăm vụ mất cắp mà các anh không thấy xấu hổ à?” “Các anh không thông về tư tưởng, chưa thấy được trách nhiệm của mình. Còn vô cảm thì còn mất cắp.”

Theo báo cáo của Cục A85, từ 2013 đến hết 6 tháng đầu năm 2015, các sân bay xảy ra trên 600 vụ trộm cắp. Cụ thể:

Năm 2013 có 205 vụ khiếu nại về mất cắp hành lý, trong đó sân bay Nội Bài có 56 vụ, Tân Sơn Nhất có 149 vụ. Số khiếu nại liên quan đến chuyến bay quốc tế là 141 vụ.

Năm 2014, con số vụ mất cắp tăng lên là 301, trong đó sân bay Nội Bài là 144 vụ, Tân Sơn Nhất 157 vụ; và các chuyến bay quốc tế là 178 vụ.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2015 đã có 168 vụ khiếu nại, trong đó sân bay Nội Bài 79 vụ, Tân Sơn Nhất 88 vụ, số vụ liên quan đến chuyến bay quốc tế là 111 vụ.

Tình trạng nói trên đang có chiều hướng gia tăng, trong khi tính chất vụ việc vô cùng phức tạp, thủ phạm lại không thể tìm ra. Hành lý và hàng hóa ký gửi thường xuyên bị móc và rạch rất đúng chỗ và đúng đồ có giá trị lớn.

Nạn mất cắp hàng hóa còn lan sang cả chuyên cơ. Theo Cục trưởng A85, mới đây, tổng giám đốc một ngân hàng đi chuyên cơ tháp tùng chuyến công tác của Thủ tướng, nhưng khi về lại mất cả một vali. Lãnh đạo của Bộ Công an khi đi công tác nước ngoài có hành lý ký gửi cũng bị mất máy tính và iPad.

Cục trưởng A85 cho rằng việc tuyển dụng nhân sự trong các bộ phận phục vụ mặt đất cần phải được xem xét lại, thậm chí có đơn vị còn tuyển dụng người đang bị truy nã nhiều năm, rồi lại đề bạt lên trưởng phòng tổ chức; công tác kiểm tra nội bộ ngành hàng không chưa đồng bộ, thiếu thiết bị kiểm soát ngay từ cổng ra vào, ngay cả việc quản lý thẻ ra vào cũng chưa nghiêm túc.

Cục trưởng A85 cũng kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc tuyển dụng lao động, đặc biệt là khâu bốc xếp, vận chuyển hàng hóa, đồng thời rà soát lại quy trình vận chuyển, xác định trách nhiệm của từng bộ phận, và quy định trách nhiệm của các lãnh đạo ca trực.

Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh thừa nhận rằng, số trường hợp phát hiện liên quan đến vấn nạn trộm cắp hành lý tại sân bay vần còn khiêm tốn. Việc phân định trách nhiệm của các đơn vị liên quan không rõ ràng. Một số đơn vị đã sử dụng camera giám sát, nhưng tại nhiều vị trí như hầm máy bay hay hầm hàng thì camrera chưa giám sát được.

Ông Thanh cũng thẳng thắn cho rằng lãnh đạo các đơn vị chưa thực sự quyết liệt đấu tranh với nạn mất cắp. “Cần phải có quy chế giám sát nội bộ những nhân viên tiếp xúc trực tiếp với hàng hóa. Hành lý từ máy bay xuống khi đưa vào quầy trả nhà ga mới được phát hiện thì sẽ quy trách nhiệm do nhân viền bốc xếp”, ông Thanh đề xuất.

Ngay trong cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã phê bình lãnh đạo Tổng công ty Cảng Hàng không và lãnh đạo các cảng Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng. Ông cho rằng, nạn mất cắp hành lý trong ngành hàng không là điều rất đáng buồn, đáng báo động vì không chỉ ảnh hưởng uy tín của ngành mà còn ảnh hưởng hình ảnh đất nước. Nếu không giải quyết triệt để, ngành giao thông sẽ có lỗi với người dân.

“Khách đến nhà mình mà bị mất cắp, phải nơm nớp lo sợ thì mình phải cảm thấy xấu hổ. Nguyên nhân lớn nhất là lãnh đạo chưa thấy xấu hổ, thấy nhục về nạn mất cắp, các anh còn vô cảm, chừng nào còn coi đây là việc của nhà hàng xóm thì vẫn còn mất cắp hành lý”, Bộ trưởng Thăng nói.

Theo người đứng đầu ngành giao thông, trách nhiệm trước tiên thuộc về các đơn vị dịch vụ mặt đất, cơ quan cảng vụ và Cục hàng không. Ông cũng đánh giá, nạn mất cắp tại các cảng hàng không là “chuyện trong nhà” chứ không có trộm bên ngoài vào hoặc có trộm câu kết với người trong cảng. Các giải pháp ngành hàng không đưa ra để ngăn chặn trộm cắp là chưa đồng bộ, chưa hiệu quả. Do vậy, ông yêu cầu từ nay đến cuối năm, các đơn vị phải tăng cường quản lý, nếu còn mất cắp hành lý thì sẽ xử lý trách nhiệm của người đứng đầu Cục Hàng không, cảng vụ.

Không chỉ Bộ trưởng GTVT mà tất cả người dân Việt Nam đều bức xúc với việc mất cắp hành lý của khách đi máy bay, bởi số lượng là không hề nhỏ, bình quân có đến hơn 1 vụ mỗi ngày. Hành khách nước ngoài sẽ nghĩ gì về Việt Nam? Trong khi chúng ta đang cố gắng xây dựng hình ảnh đẹp về đất nước và con người Việt Nam thì vẫn còn đó những cá nhân đang hàng ngày bôi xấu hình ảnh đất nước mình.

Câu chuyện đạo đức của ngành hàng không

Đất nước còn đang nghèo nhưng vẫn đầu tư rất lớn về nhân lực, vốn, và cơ sở vật chất cho ngành hàng không. Các sân bay Việt Nam được đầu tư xây dựng và trang bị các phi cơ hiện đại. Cơ sở vật chất của ngành hàng không nước ta cũng không hề thua kém nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, đây là một ngành được trả lương cao và là niềm mơ ước của bao người.




Cũng chính vì vậy mà vấn đề đạo đức lại càng đáng quan tâm hơn, bởi trong thời gian qua có quá nhiều câu chuyện liên quan đến đạo đức của ngành hàng không. Tại sao lương cao nhưng vẫn tồn tại vấn nạn ăn cắp? Nhiều trường hợp ăn cắp và vận chuyển hàng ăn cắp từ Nhật về Việt nam đã bị phát hiện, hay vận chuyển vàng lậu sang Hàn quốc cũng bị bắt… Sau đây là một vài ví dụ.

Ngày 10/3/2015, chuyến bay VN426 của VNA đang trên đường từ Hà Nội đến Pusan (Hàn Quốc), khi đến sân bay Gimhae, hải quan Hàn Quốc đã bắt giữ cơ trưởng Nguyễn Văn Dũng và tiếp viên Nguyễn Tuấn Phong vì phát hiện hai nhân viên phi hành đoàn giấu tổng cộng 6 kg trong đế giày mà không khai báo hải quan. Trong đó, cơ trưởng mang lậu 4 kg vàng.

Tháng 3/2014, nữ tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc của Vietnam Airlines (VNA) bị cảnh sát Tokyo (Nhật Bản) tạm giữ để phục vụ điều tra do nghi ngờ vận chuyển 21 món hàng quần áo ăn cắp, trị giá 125.000 yen (tương đương 25,7 triệu đồng). Nữ tiếp viên này cũng bị tình nghi buôn lậu hàng mỹ phẩm và quần áo từ một đường dây ăn cắp tại các siêu thị Nhật và có thể đang tìm cách buôn lậu ra khỏi nước Nhật.

Tháng 9/2013, tiếp viên Bùi Ngọc Tuấn của VNA bị nhân viên an ninh sân bay Nội Bài phát hiện mang 50 điện thoại iPhone 5S từ Paris (Pháp) nhưng không khai báo. Toàn bộ số điện thoại nói trên đều còn mới, nguyên tem mác trong hộp và chưa qua sử dụng.

Năm 2011, tiếp viên Thái Anh Tiến bị khởi tố cùng người mẫu Vĩnh Thụy do liên quan đến đường dây buôn lậu hàng điện tử và ngoại tệ từ nước ngoài về TP HCM. Tháng 6/2010, cơ quan chức năng Australia bắt giữ 7 tiếp viên (cả nam và nữ tiếp viên) của VNA để điều tra nghi vấn liên quan đến việc vận chuyển một số điện thoại iPhone và iPad từ nước này về Việt Nam.

Cuối năm 2008, cơ phó Đặng Xuân Hợp bị hải quan Nhật Bản tạm giữ để điều tra do liên quan đến đường dây tiêu thụ hàng phi pháp tại nước này như quần áo, giày dép… Cũng trong năm 2008, VNA buộc thôi việc phi công Lại Quốc Việt – người bị bắt giữ vì nghi liên quan đến đường dây rửa tiền và ma túy lớn tại Australia. Cùng trong đường dây rửa tiền này, một phi công khác của VNA là Trần Đình Đang bị cơ quan an ninh Australia bắt tại sân bay do mang ngoại tệ vượt quá quy định (quá 10.000 USD). Phi công Trần Đình Đang đã bị kết án tù 4 năm rưỡi do vận chuyển trái phép tổng cộng 6,5 triệu đô la Australia về Việt Nam.

Hãy vì hình ảnh của đất nước

Chỉ một vài trường hợp kể trên đã đủ làm xấu hình ảnh đất nước và cho thấy vấn đề đạo đức xuống cấp đang xảy ra ở ngành hàng không. Những người làm trong lĩnh vực này không hề thiếu thốn, lại được tiếp xúc nhiều với nền văn minh thế giới, có trình độ và được đào tạo bài bản, hơn hẳn những người nông dân chân lấm tay bùn. Nhưng vì ma lực của đồng tiền chi phối, họ lại can tâm làm những việc vi phạm lương tâm và đạo đức nghề nghiệp.

Hãy nhìn hơn 40 triệu nông dân nước ta – những con người lam lũ, nghèo khó, không được học hành đầy đủ – nhưng thật đáng quý bởi tâm hồn thuần thiện, vẫn vui hưởng cuộc sống, biết cam chịu và đối mặt với cái nghèo… Có lẽ vì vậy mà du khách nước ngoài đều yêu mến Sapa, yêu núi rừng Tây Bắc, yêu những Tây Nguyên, Vịnh Hạ Long, hay khu phố cổ Hội An… – không chỉ bởi vẻ đẹp của cảnh vật mà còn bởi vẻ đẹp của tình người. Cái đẹp ấy toát lên từ những người dân nghèo, chân chất, không tranh giành đấu đá, không tham lam vật chất, và cũng không lừa đảo du khách. Chính họ đã tạo nên ấn tượng về nét thuần phác, đôn hậu, và mộc mạc của con người đất Việt; chính họ đã góp phần tạo nên hình ảnh cho đất nước và thu hút không biết bao khách du lịch khắp thế giới đến với Việt Nam.

Ngành hàng không hãy học tập truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt, hãy chú trọng đến đạo đức, lương tâm nghề nghiệp và hãy vì một Việt Nam tươi đẹp mà hành động.

Theo Dai Kỷ Nguyên