Trung Quốc lại ngụy biện về việc xây đảo trên biển Đông



Trung Quốc mới đây biện minh rằng việc bồi đắp phi pháp trên biển Đông nhằm cải thiện chất lượng dự báo thời tiết.

Nhân dân Nhật báo dẫn lời hai nhà khoa học Đinh Nhất Hội và Trịnh Quốc Quang thuộc Cơ quan Khí tượng Thủy văn Trung Quốc cho rằng nước này cần xây dựng thêm các trạm khí tượng trên biển Đông. Theo lập luận của họ, điều này sẽ đem lại lợi ích cho cả khu vực, nơi “thường xuyên hứng chịu thiên tai liên quan đến biển và thời tiết khắc nghiệt”.

Ông Đinh giải thích: “Việc xây dựng cơ sở hạ tầng là bước đầu tiên hướng tới tăng cường và củng cố việc theo dõi, dự báo và cảnh báo về khí tượng hàng hải cũng như nghiên cứu khoa học”. Trong khi đó, ông Trịnh rêu rao việc dự báo tốt là trách nhiệm của Trung Quốc đối với khu vực để hỗ trợ đối phó thiên tai, tăng cường an toàn cho các tàu cá cũng như những phương tiện hàng hải khác.

Năm 2014, Trung Quốc gây lo ngại cho các nước láng giềng khi bắt đầu đẩy mạnh việc cải tạo đất trên các bãi đá ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: EPA



Lập luận này liền bị chuyên gia Benjamin Herscovitch thuộc Trung tâm Nghiên cứu Độc lập (Úc) phản bác. Theo ông Herscovitch, nghiên cứu khí tượng chỉ là một phần trong chiến lược đa diện của Bắc Kinh để tuyên bố chủ quyền ở các vùng biển tranh chấp.

Ông Herscovitch nói rằng Bắc Kinh không chỉ cải tạo đất, xây dựng đường băng và điều động tàu hải quân mà còn tìm cách củng cố yêu sách chủ quyền bằng việc mở rộng hiện diện dân sự. “Với việc xây dựng các trung tâm khí tượng thủy văn, Trung Quốc muốn gia tăng vai trò quản lý trên biển Đông, đồng thời củng cố chủ quyền ở đây” - ông Herscovitch phát biểu.

Trong khi đó, một số nhà phân tích cho biết Trung Quốc có thể triển khai máy bay chiến đấu J-11 đến một số đường băng đã hoàn thành tại đảo nhân tạo. Việc triển khai máy bay tới quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) sẽ mở rộng đáng kể phạm vi của quân đội Trung Quốc vượt ra khỏi căn cứ ở cực Nam tại TP Tam Á trên đảo Hải Nam.



Chiến đấu cơ J-11 có tầm hoạt động 1.500 km và có thể xa hơn với những thùng tiếp nhiên liệu bổ sung. Ảnh: SCMP



J-11 có tầm hoạt động 1.500 km và có thể xa hơn với những thùng tiếp nhiên liệu bổ sung. Đưa J-11 tới hoạt động tại những hòn đảo này, không quân Trung Quốc vươn xa khoảng 1.000 km về phía Nam. Kết hợp với tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc hướng mục tiêu đã định của mình từ phòng ngự ngoài khơi đến bảo vệ vùng biển quốc tế.

Tuy nhiên, giáo sư David Tsui tại trường ĐH Tôn Dật Tiên cho biết J-11 chỉ đủ hiệu quả để bảo vệ 7 hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép chứ không đủ tinh vi để dùng trong một cuộc tấn công.

“Máy bay trên tàu đầu tiên của Trung Quốc, J-15, có thể được nâng cấp đủ để thách thức F-18 của Mỹ nhưng các chiến đấu cơ chính của Lực lượng Không quân (J-11 và các biến thể của nó) không thể cạnh tranh với F-22 và F-35 của Mỹ” – ông David Tsui nói.


(Theo SCMP)