.

Làm từ thiện
nên thế nào cho đúng





Các cháu học sinh ở điểm trường Pờ Sì Ngài, xã Pa Cheo,
huyện Bát Xát, tỉnh Là Cai trong bữa cơm có thịt
Nguồn: Internet.

Những ngày qua, dư luận xôn xao câu chuyện về cậu bé Hào Anh đuổi cha mẹ ra khỏi ngôi nhà được xây bằng tiền từ thiện của các cá nhân, tổ chức ủng hộ. Từ câu chuyện này, các nhà hảo tâm cần nhìn lại, việc làm từ thiện nên làm như thế nào để nó thực sự có hiệu quả....Việc giúp người có hoàn cảnh khó khăn bằng cách trao cho họ “con cá” hay cái “cần câu” đã được bàn đến từ lâu. Nhưng thế nào là “cần câu”, “con cá” thì vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn.

Đừng để lòng tốt bị lợi dụng

4 năm trước, khi 14 tuổi, cậu bé Hào Anh được phát hiện và giải thoát khỏi sự bạo hành của chủ trại nuôi tôm nơi cậu làm thuê. Rồi các nhà hảo tâm ủng hộ gần 800 triệu đồng. Đến khi đủ 18 tuổi, số tiền đó được trao lại cho Hào Anh. Có tiền, Hào Anh mua xe máy, nhà và đất với giá 380 triệu đồng. Sau đó, đầu tư thêm trên 100 triệu đồng để sửa lại thành nhà mới, dọn vào ở từ cuối tháng 5.2014 đến nay. Mẹ Hào Anh, bà Thoa, cho báo chí biết, do sẵn có tiền từ các nhà hảo tâm, chưa đầy 1 năm, cậu đã mua 4 xe máy và “đập” gần chục chiếc iPhone. Đỉnh điểm, mới đây, trong lúc “giận cá chém thớt”, Hào Anh đã đuổi cha mẹ ra đường và vứt hết quần áo hai người ra khỏi nhà.

Sự việc này lại một lần nữa làm dư luận “dậy sóng” nhưng theo chiều hướng ngược lại. Có người trách móc, có người giận dữ, nhưng cũng có những cảm thông cho rằng, Hào Anh như thế vì đã trải qua một thời gian bị ngược đãi nên ảnh hưởng tâm lý… Khoan hãy bình luận, đánh giá hành động của Hào Anh, bởi để cắt nghĩa, đánh giá nó cần có sự phân tích, mổ xẻ kỹ càng tận gốc rễ của vấn đề. Cái chúng ta, đặc biệt là những nhà hảo tâm cần nhìn lại từ sự việc này là làm từ thiện thế nào là đúng cách, không chỉ giúp cho những người gặp khó khăn cải thiện cuộc sống hiện tại mà còn tạo dựng được một cuộc sống tốt hơn trong tương lai.

Vẫn biết rằng, chia sẻ với người khác có hoàn cảnh khó khăn hơn mình là một hành động đẹp, cần khuyến khích trong bất cứ xã hội nào để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Nhưng giúp đỡ bằng cách nào lại là cả một vấn đề. Người ta khó khăn hơn mình, mình bỏ ra chút tiền giúp họ? Cái đấy rất quý, bởi ông bà ta từ xưa đã nói “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Nhưng sự giúp đỡ ấy chỉ giúp được trước mắt mà chưa giải quyết được vấn đề lâu dài, chưa giúp cho người gặp khó khăn bớt được khó khăn thật sự trên con đường phía trước. Trái lại, nhiều khi chính lòng tốt, sự hảo tâm của mọi người làm cho đối tượng được thụ hưởng sự giúp đỡ có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thậm chí là tiếp tay cho cái ác.

Chắc hẳn trong chúng ta không ai chưa từng gặp hình ảnh những người ăn mày, và cũng chẳng tiếc gì mà không bớt cho họ một chút tiền, dù là nhỏ nhoi. Lòng trắc ẩn luôn có trong mỗi con người. Nhưng nếu nhìn lại, suy xét kỹ thì thấy việc cho tiền những người ăn xin có điều gì đó không ổn. Có những người già cả, yếu đuối không có sức lao động nên buộc phải ngửa tay xin sự từ tâm của người khác để duy trì cuộc sống. Nhưng cũng có người trông khỏe mạnh, còn sức lao động cũng đi ăn xin, bởi đồng tiền kiếm được từ những người hảo tâm dễ dàng hơn nhiều so với đồng tiền kiếm được từ công việc nào đó. Đấy là chưa kể các đường dây chăn dắt trẻ em để đi làm ăn xin, lợi dụng lòng tốt của mọi người để làm điều ác.

Sau sự việc của Hào Anh, mới đây lại xảy ra trường hợp của bé Kim Ngân, 4 tuổi, bị mẹ và người nhận là cha bạo hành. Được phát hiện và đưa vào viện điều trị, phong trào kêu gọi ủng hộ em đã được phát động rầm rộ. Giúp đỡ hoành cảnh đáng thương như em là rất nên làm và rất đáng quý. Nhưng liệu đưa những đồng tiền cho em bé 4 tuổi bị bạo hành có phải là cách tốt nhất cho em. Liệu sau này lớn lên em có rơi vào một bi kịch tương tự như Hào Anh và lại tiếp tục hứng chịu búa rìu dư luận? Và ngay cả bây giờ, khi em được ủng hộ, bà ngoại em và bố đẻ đã xuất hiện giành quyền nuôi em. Sao trước đây, không có ai xuất hiện giành quyền nuôi để em không phải chịu bạo hành ở cái tuổi lên 4? Liệu rồi có xảy ra trường hợp tranh chấp quản lý số tiền em được ủng hộ, bởi em vẫn còn quá nhỏ, chưa thể tự quản lý số tiền ấy? Lòng tốt nếu không biết cách có thể chẳng làm giảm đi bi kịch mà có khi còn đẩy nó đi xa hơn.

Một phóng viên của một tờ báo lớn cho biết, khi chị cùng đoàn từ thiện đến một tỉnh ở miền Trung, nơi có đồng bào dân tộc Raglei sinh sống, chị thấy nhói lòng vì cuộc sống nghèo nàn của bà con. Nhưng điều làm chị băn khoăn, day dứt nhất là từ khi nhận được hàng cứu trợ của những nhà hảo tâm và của Nhà nước, đồng bào dân tộc nơi đây, những người vốn chăm chỉ lại thành ra lười lao động, chỉ ngồi đó trông chờ vào chuyến hàng cứu trợ tiếp theo. Có lẽ, để cuộc sống của những người dân ấy bớt khổ thì cần có một phương cách khác chứ không thể lâu lâu lại mang đến cho họ một chuyến hàng cứu trợ.

Chuyện cái “cần câu”, “con cá”

Việc giúp người có hoàn cảnh khó khăn bằng cách trao cho họ “con cá” hay cái “cần câu” đã được bàn đến từ lâu. Nhưng thế nào là “cần câu”, “con cá” thì vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn.

Quay trở lại với câu chuyện của Hào Anh. Trước hành động của em với cha mẹ, nhiều người, trong đó có các chuyên gia tâm lý đã mổ xẻ, phân tích vấn đề. Nhiều người cho rằng, chính cái sự giúp đỡ không đúng cách, đặt vào tay em một khoản tiền lớn trong khi em đã trải qua những đau đớn và nghèo khổ, lẽ tất nhiên, Hào Anh sẽ có tư tưởng hưởng thụ, bù đắp cho những tháng ngày thiếu thốn, khó khăn. Nhiều người cho rằng, lẽ ra, với trường hợp của Hào Anh, các tổ chức, cơ quan chức năng nên có những hỗ trợ lâu dài như giúp em được học nghề tạo lập cuộc sống, giúp em được tư vấn tâm lý… sẽ tốt cho em hơn là chỉ đưa cho em một cục tiền lớn rồi em muốn là gì thì làm. Lẽ ra nên mang đến cho em một cái “cần câu” và bày cách sử dụng cái “cần câu” ấy để kiếm được con cá thì mọi người lại đặt vào tay em một “con cá lớn”, mà không quan tâm xem em sẽ làm gì với “con cá” ấy.

Những năm qua, nhiều nhóm thiện nguyện tại Việt Nam đặt nguyên tắc “trao cần câu” vào hoạt động của mình. Năm 2001, dự án "Nà É vượt nghèo do Quỹ từ thiện làm cha mẹ tổ chức với mong ước muốn giúp đỡ để đồng bào ở vùng núi xa xôi của tỉnh Lai Châu thoát nghèo bằng chính cố gắng của họ. Khác xa so với các hoạt động từ thiện có tính chất ngắn hạn của các cộng đồng trên mạng, dự án "Nà É vượt nghèo" là một dự án tương đối dài hạn và được tổ chức khá bài bản với sự cam kết tham gia của những người thực hiện dự án cũng như c ủa những người muốn tự vươn lên thoát nghèo tại bản Nà É 1, xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Tuy khoảng cách khá xa xôi giữa Hà Nội và bản Nà É nhưng những thành viên của diễn đàn làm cha mẹ đã không quản ngại khó khăn và đến tận nơi trực tiếp tham gia công việc giám sát và xây dựng chuồng trại, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi…

Nhiều tổ chức từ thiện trên thế giới đang áp dụng việc mang đến cơ hội học hành, đào tạo và hỗ trợ việc làm cho những người có hoàn cảnh không thuận lợi. Đây là một trong những cách thức “trao cần câu” thu được hiệu quả lớn. Ở Việt Nam, một trong những chương trình dạng này được nhiều người biết đến là “Cơm có thịt” của tiến sĩ Trần Đăng Tuấn thực hiện tại Trường Tiểu học dân nuôi Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Trong một lần ghé thăm trường, chứng kiến bữa ăn chỉ có cơm trắng và canh của 80 học sinh tiểu học và 45 học sinh trung học cơ sở trong khu nội trú (mỗi em một tuần chỉ có 2 cân gạo và 5 nghìn đồng do cha mẹ đóng góp), ông và vài người bạn rủ nhau góp tiền gửi lên hằng tháng để mua thêm thức ăn, mong sao mỗi bữa ăn mỗi cháu có thêm một, hai miếng thịt.

Sau khi câu chuyện được đăng trên trang Blog cá nhân, rất nhiều người bày tỏ mong muốn ông lập ra một địa chỉ để cùng chung tay “gắp thịt” vào bát cơm cho các em học sinh vùng cao. Sau khi mở tài khoản để nhận và chuyển những đóng góp cho “Bữa cơm có thịt”, rất nhiều người đã đăng ký ủng hộ thường xuyên hằng tháng. “Cơm có thịt” lan tỏa rộng lớn tới khắp mọi miền của đất nước và tới cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Sinh viên Việt Nam ở nhiều nước, bắt đầu từ Úc, cho đến Mỹ, Phần Lan, Thụy Điển, Nhật Bản, Singapore... đang gọi nhau đến với “Cơm có thịt”. Từ khi khởi động vào tháng 9.2011, đến nay, rất nhiều học sinh của các trường thuộc các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai được hỗ trợ tiền ăn (chi trực tiếp cho nhà trường mua thức ăn), cặp xách, áo ấm, đồ dùng học tập cho học sinh, sửa sang phòng học cho nhà trường đã tạo được hiệu quả lớn.

Điều đặc biệt là Quỹ này không chi tiền hỗ trợ gia đình học sinh hoặc trao học bổng hàng tháng cho từng em mà hỗ trợ thông qua việc các em đến trường học. Một tổ chức phi chính phủ khác đang hoạt động ở Việt Nam là “Saigon Children’s Charity” (SCC) cũng có những mô hình hỗ trợ thiết thực, đúng cách. Với học sinh, sinh viên quỹ hỗ trợ cặp xách, đồ dùng học tập, gạo, sữa, học phí theo tháng, học kỳ với các chuyên viên theo dõi sát sao tình hình của từng em, thậm chí với những em học kém, họ s ẵn sàng tìm kiếm gia sư dạy kèm và trả thù lao trực tiếp cho gia sư. SCC cũng duy trì nhiều năm chương trình đào tạo nghiệp vụ nhà hàng - khách sạn cho thanh thiếu niên đã bỏ học chính quy. Họ thuê giảng viên, chuyên gia dạy nghiệp vụ nghề, tiếng Anh, kỹ năng mềm cho các em, hỗ trợ tìm kiếm việc làm sau khi đào tạo. Tinh thần “trao cần câu, không phải con cá” được thực hiện triệt để trong mọi hoạt động của tổ chức.

Chương trình “Bán đồ hiệu xây chuồng lợn” của nhà báo Thu Trang, báo Phụ nữ TP.HCM, giúp đỡ những trẻ em mồ côi ở Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên có được khu chăn nuôi để cải thiện cuộc sống sau giờ học đang khởi động và được sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều người. Chương trình ủng hộ trẻ em mồ côi ở Điện Biên Đông đã kéo dài nhiều năm, với nhiều hoạt động tích cực để ủng hộ các em có điều kiện học tập, sinh hoạt tốt hơn. Nhiều câu lạc bộ, các thiện nguyện cũng luôn trăn trở là sự giúp đỡ của nhóm mình không chỉ đến được đúng đối tượng mà còn đúng cách để có thể giúp cho những người có hoàn cảnh khó khăn có được phương kế lâu dài. Họ nêu rõ quan điểm hoạt động chỉ giúp tiền cho những người bị bệnh phải phẫu thuật, còn với những hoàn cảnh khó khăn khác sẽ giúp họ cách để cải thiện cuộc sống. Phương châm hoạt động của các câu lạc bộ này là dù cho “cần câu”, hay “con cá”, thì điều cốt yếu chính là việc nên dõi theo họ, hỗ trợ họ trong cả tương lai dài phía trước, chứ không phải là chuyện từ thiện bột phát, nhất thời.

***
Ý kiến độc giả

Hòa thượng Thích Quảng Thiện - Trưởng Ban từ thiện xã hội Phật giáo Khánh Hòa, trụ trì chùa Hội Phước (Nha Trang):

Nhiều đối tượng cần được hỗ trợ về tinh thần và giáo dục nhân cách

Theo giáo lý nhà Phật, bố thí là việc đầu tiên phải thực hành trên con đường dẫn đến sự giác ngộ và con người cần phải có lòng từ, bi, hỉ , xả (tứ vô lượng tâm). Đây là nhân tố chủ yếu giúp phát triển tâm từ bi, hạnh cứu khổ - định hướng mọi hoạt động của Phật giáo cho con người và vì con người. Là một quốc gia nông nghiệp, hơn nữa lịch sử Việt Nam trải qua chiến tranh triền miên; dân ta không chỉ thường xuyên phải gồng mình chống chọi thiên tai mà còn dốc hết tâm sức bàn mưu, tính kế đánh đuổi quân xâm lược ngoại bang. Vì thế, khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, tinh thần vì chúng sinh của nhà Phật nhanh chóng hòa quyện cùng triết lý sống cao đẹp của người dân như “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”….




Trẻ em làng phong xã Cam Phước Tây, TP. Cam Ranh (Khánh Hòa)
ngóng trông đoàn cứu trợ. Ảnh: BẢO CHÂN

Từ trước đến nay, Phật giáo Việt Nam luôn thể hiện tinh thần nhập thế hành đạo. Hoạt động từ thiện là một biểu hiện hỗ trợ xã hội của Phật giáo. Ban trị sự Phật giáo từ trung ương đến địa phương thường xuyên tổ chức các chương trình từ thiện nhằm giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh trong xã hội. Ở đây, chức năng hỗ trợ xã hội không chỉ dừng lại ở sự giúp đỡ con người bằng các liệu pháp như cầu nguyện, trì chú…, mà còn biểu hiện qua hành động cụ thể mang tính thực tiễn. Hoạt động xã hội từ thiện xã hội nói chung và chương trình từ thiện xã hội của các tổ chức tôn giáo nói riêng phải tiến hành đồng thời 2 biện pháp - vừa trợ giúp giải quyết khó khăn trước mắt, vừa hỗ trợ tạo công ăn việc làm cho người nghèo.

Một thực tế không thể phủ nhận là hiện có rất nhiều vấn đề phát sinh trong xã hội, xuất phát từ nguyên nhân nghèo đói, khó khăn của bản thân, gia đình. Những con người vốn sinh ra, lớn lên trong hoàn cảnh đói ăn, thiếu mặc, không nhận được tình cảm chia sẻ, đùm bọc của người thân và thiếu sự giáo dục của nhà trường, rất dễ nảy sinh thói hư tật xấu, hoặc tự ti, lười biếng…Đối tượng này, trước hết, cần được sự quan tâm, hỗ trợ về tinh thần, giáo dục nhân cách, kể cả áp dụng hình thức răn dạy nghiêm khắc, để giúp họ hiểu rằng, không thể cứ mãi trông chờ sự cưu mang của các tổ chức từ thiện và những tấm lòng hảo tâm.

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn:

Nên quản lý tiền hỗ trợ


Trong mỗi con người đều có sẵn bản tính tham, sân, si, mỗi khi có cơ hội nó đều “lòi” ra. Ngay cả những bậc chân tu cũng phải thường xuyên tu luyện thì mới mong đến được cảnh giới. Bên cạnh đó, tình thương yêu đồng loại cũng là bản tính của mỗi con người, nhất là người Á Đông. Vì thế, không ngạc nhiên khi có những trường hợp bị ngược đãi gây chấn động dư luận như vụ Hào Anh trước kia hoặc cháu Kim Ngân (4 tuổi ở Bình Dương) vừa mới đây - đã nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của nhiều cá nhân, đơn vị.

Tuy nhiên, hỗ trợ như thế nào mới là đúng, để cho mỗi người được hỗ trợ thực sự có cơ hội “tái hòa nhập” với cộng đồng cũng như lòng tốt của những người có tấm lòng từ thiện không bị lợi dụng mới là vấn đề. Trường hợp của Hào Anh là một ví dụ điển hình của việc làm từ thiện không đúng cách. Không thể cứ lấy tiền ra là có thể bù đắp những tổn thương về mặt thể xác cũng như tinh thần mà cháu phải chịu đựng, mà không quan tâm đến việc giáo dục, tạo công ăn việc làm để sau này cháu có thể thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn của mình, của gia đình. Số tiền ấy phải được quản lý đúng cách chứ không thể để cháu và gia đình muốn làm gì thì làm.

Chính vì sự quan tâm của xã hội chưa đến nơi đến chốn nên đã để lại hậu quả là cháu đã đánh, đuổi cả mẹ đẻ của mình ra khỏi căn nhà được xây bằng tiền hỗ trợ cho cháu như thế. Trường hợp của bé Kim Ngân mới đây cũng là bất bình thường. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra: Tại sao một đứa trẻ còn bé như thế mà lại bị bố dượng (đã đành) mà cả mẹ đẻ của mình hành hạ, đánh đập? Tại sao sự việc không phải bây giờ mới diễn ra, vậy mà chỉ đến khi trở nên nghiêm trọng thì hàng xóm mới can thiệp? Tại sao người tự nhận là cha đẻ của cháu bây giờ mới xuất hiện, mới quan tâm? Chia tay người vợ rồi, anh ta không cần biết đứa con bé bỏng của mình sống ra làm sao ư? Dư luận xã hội không “vơ đũa cả nắm”, nhưng rõ ràng, có điều gì đó không ổn trong tình huống này…


Chúng ta có rất nhiều tổ chức xã hội sẵn sàng làm từ thiện, vậy tại sao không có một tổ chức nào đứng lên nhận trách nhiệm lập ra quỹ quản lý số tiền mà các nạn nhân ở các trường hợp cụ thể này được hỗ trợ? Dùng quỹ đó để nuôi dưỡng, giáo dục, dạy nghề (đối với những cháu bé); tạo cơ hội việc làm, thu nhập cho những người đã lớn tuổi bị ngược đãi, bạo hành… Thậm chí, đối với những người có việc làm, có thu nhập ổn định rồi, đời sống khấm khá hơn thì người ta có thể “nhường” lại quỹ đó cho những trường hợp khác khốn khó hơn… Theo tôi, đó mới là cách ủng hộ đúng nhất, thiết thực nhất.

Bảo Chân - Kim Anh (ghi)
_http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/lam-tu-thien-nen-the-nao-cho-dung-247417.bld