Nga đang bị "bạn tốt" Trung Quốc đâm sau lưng?






Tuyên bố là "đối tác thân cận" của Nga, nhưng Trung Quốc lại đang giành giật ảnh hưởng với Moscow ngay tại các quốc gia Liên Xô cũ.

Trung Quốc muốn giành thế thượng phong ngay trên "sân cũ" của Moscow


Hãng AFP (Pháp) cho hay, do sản phẩm năng lượng của Nga không bán được giá cao trên thế giới, đồng thời Moscow bị phương Tây trừng phạt vì vấn đề Ukraine, nền kinh tế nước này rơi vào tình trạng khó khăn. Chịu ảnh hưởng từ Nga, đồng somoni của Tajikistan bị mất giá khiến lượng lớn nhân công của quốc gia Trung Á này phải hồi hương trong tình trạng thất nghiệp. Theo AFP, hồi tháng 6, ngân hàng quốc gia của đất nước nghèo khó này tuyên bố, lượng giao dịch của kiều dân trong quý I năm 2015 giảm tới 40% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đa số là các giao dịch chuyển khoản từ Nga. Tuy nhiên, Moscow đang đứng trước nguy cơ mất dần sự ảnh hưởng tại khu vực này khi 8 triệu nhân khẩu của Tajikistan ngày càng thắt chặt "mối liên kết kinh tế" với Trung Quốc. Một thương nhân Trung Quốc tại thủ đô Dushanbe của Tajikistan cho biết: "Việc kinh doanh ở đây rất tốt. Cơ hội làm ăn lúc nào cũng có."

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại nghi thức tiếp đón ở Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2015.
Tờ Cankaoxiaoxi (Trung Quốc) cho biết, năm 2013, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Kazakhstan đã chính thức khởi xướng kế hoạch "vành đai kinh tế Con đường tơ lụa". Ý tưởng của Bắc Kinh là đầu tơ cơ sở hạ tầng quy mô lớn, tạo động lực cho sự hòa nhập kinh tế trên lục địa Á-Âu cũng như mậu dịch trên đất liền. Trung Quốc đã tăng tốc cải tạo kinh tế đối với các quốc gia phía Tây Tân Cương trong vòng 10 năm qua bằng cách bỏ hàng tỷ USD đầu tư xây dựng đường sá, hệ thống ống dẫn... nhằm kết nối các quốc gia và vùng lãnh thổ vốn rời rạc ở Trung Á. Nhờ đó, Trung Quốc đã vượt qua Nga và trở thành đối tác mậu dịch chủ chốt của 4 trong 5 quốc gia vùng Trung Á, kể từ khi Liên Xô tan rã năm 1991.
Tỷ phú người Nga
Oleg Deripaska

Nga nên tích cực hợp tác với Mỹ và châu Âu, chứ không phải Trung Quốc.



Giám đốc nghiên cứu an ninh quốc tế Raffaello Pantucci thuộc Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) bình luận: "Trung Quốc hiển nhiên là sức mạnh kinh tế đáng chú ý nhất và có tiếng nói nhất ở châu Á. Quy mô nguồn vốn mà các quan chức hoặc cá nhân Nga phân bổ hoặc thảo luận khi tới Trung Á thường dễ dàng bị những người Trung Quốc tới sau vượt qua." Đến nay Moscow vẫn chưa công khai tỏ thái độ bất mãn đối với việc Bắc Kinh tìm cách giành giật vị trí dẫn đầu về kinh tế ở khu vực "một thời là sân sau" của Nga này. Theo ông Pantucci, nguyên nhân một phần là do Nga cũng được hưởng lợi từ "Con đường tơ lụa" của Trung Quốc. Tuy nhiên, mối lo bị Trung Quốc chiếm lĩnh vị thế đối với các quan hệ đối tác ở Trung Á vẫn luôn hiện hữu ở Nga. Đối với quốc gia nghèo nàn Tajikistan, "Con đường tơ lụa" của Trung Quốc giống như một sự cứu cánh kịp thời. Tháng 9/2014, Bắc Kinh tuyên bố sẽ đầu tư 6 tỷ USD vào đây trong vòng 3 năm, tương đương 70% GDP của nước này. Tuy nhiên, thực tế Trung Quốc đang nắm giữ gần 50% số nợ nước ngoài của Tajikistan là minh chứng rõ ràng nhất cho việc Moscow nên lo ngại về sự phụ thuộc của quốc gia này vào Nga đang biến thành phụ thuộc vào Bắc Kinh. Chuyên gia Muzaffar Olimov của Trung tâm nghiên cứu phương Đông Dushanbe, Tajikistan cho biết, sự suy giảm của kinh tế Nga năm ngoái đã khiến tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh tại quốc gia này "trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết". Olimov dẫn chứng, trong bối cảnh khó khăn hiện tại, ngân hàng quốc gia Tajikistan đã không tìm đến Nga như trước, mà chuyển sang xin vay vốn từ Trung Quốc. "Sự viện trợ kinh tế 'nhiệt tình' của Bắc Kinh khiến khó có ai khước từ được." - ông Olimov cho hay. Dù vậy, học giả này cũng bày tỏ hoài nghi rằng sự "vồ vập" của Trung Quốc liệu có thực sự xuất phát từ lòng hữu hảo? "Vay được tiền từ Trung Quốc, chúng tôi sẽ phải tự xoay sở cách dùng. Và rồi cũng sẽ tới ngày họ đòi lại khoản nợ."

Trung Quốc đang muốn tranh giành sức ảnh hưởng và vị thế "lãnh đạo" ở châu Á với Nga?
Chiến lược "hai mặt" của Trung Quốc đối với Nga Ràng buộc về kinh tế cho đến nay vẫn là quân bài hiệu quả mà Trung Quốc sử dụng để tranh giành ảnh hưởng, dù là với Mỹ hay chính đối tác thân cận nhất hiện nay là Nga. Hành động của Trung Quốc ở Trung Á là minh chứng khá rõ cho chiến lược "hai mặt" của Bắc Kinh. Trong khi không tiếc lời tung hô quan hệ hợp tác tốt đẹp với Moscow trên nhiều lĩnh vực, Trung Quốc lại "hào phóng" rót vốn để "cướp khách" của Nga tại Trung Á, trong khi các tổ chức tài chính của họ tìm mọi cách làm khó Nga.
Phó TGĐ Vneshtorgbank (Nga)
Yuri Soloviev

Các ngân hàng Trung Quốc lo ngại gặp rắc rối nếu làm ăn với các đơn vị tài chính của Nga, bởi bọn họ còn có nhiều mối kinh doanh với Âu-Mỹ. Đối với Trung Quốc mà nói, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản hay Hàn Quốc có giá trị hơn Nga. Người Trung Quốc rất thực tế, họ sẽ không vì Nga mà thực hiện các vụ làm ăn lỗ vốn.



Điều tra của Ernst & Young đối với giới công thương Trung Quốc cho thấy, trong vấn đề mậu dịch với Nga, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng gặp phải khó khăn về nhiều mặt như môi trường đầu tư, hệ thống pháp luật... Nhà phân tích kinh tế Nga Vladislav Zhukovsky nhận định, thái độ của ngành tài chính Trung Quốc không ảnh hưởng quá tiêu cực tới quan hệ Nga-Trung, song lợi ích quốc gia của Nga dường như không quá ý nghĩa đối với Bắc Kinh. "Cảm giác mất cân bằng và bất ổn này ngày càng trở nên mạnh mẽ" - Zhukovsky nói. Bloomberg (Mỹ) hồi tháng 5 đã dẫn lời chuyên gia các vấn đề về Nga Bobo Lo nhận xét, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông qua các quốc gia Liên Xô cũ để triển khai chiến lược mở rộng lợi ích Trung Quốc mang tên "một vành đai, một con đường". Theo ông Lo, chiến lược của Bắc Kinh rất có khả năng "va chạm" với lợi ích của Nga và kế hoạch Liên minh kinh tế Á-Âu của Tổng thống Putin. Điều này có thể làm ảnh hưởng trực tiếp tới quan hệ Nga-Trung. Tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) diễn ra từ 9-10/7 tại thủ đô Ufa của Cộng hòa Bashkortostan, Nga, Trung Quốc đã được đánh giá là "đầu tàu tiên phong" về kinh tế trong khối này. Hội nghị lần này được xem là cơ hội để Bắc Kinh gia tăng sự nhìn nhận đối với vai trò của nước này trên thế giới và đặc biệt là châu Á.


theo Đại Lộ