Hội nghị về Biển Đông ở trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) đã khai mạc sáng 21-7 tại thủ đô Washington DC.
Các chuyên gia tranh luận tại hội thảo về biển Đông ở CSIS - Ảnh: Thanh Tuấn
Đây là hội nghị thường niên đã được trung tâm CSIS tổ chức trong 5 năm nay. Hội nghị năm nay ngoài bàn thảo về những diễn biến mới ngoài Biển Đông, các chuyên gia sẽ bàn về cân bằng quân sự cũng như trật tự khu vực liên quan tới tình hình ngoài biển.
Bill Hayton của BBC, tác giả của một cuốn sách mới đây về Biển Đông nói: "Hầu hết các nước đều lên tiếng chỉ trích quan điểm của Trung Quốc”.
Theo ông Hayton, liên tục trong mấy năm nay, Biển Đông và tham vọng của Trung Nam Hải luôn là tâm điểm được cộng đồng quốc tế chú ý.
Theo Danny Russel, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á, thì có tới ba điểm lấn đất của Trung Quốc ở Trường Sa thậm chí còn lớn hơn cả hòn đảo tự nhiên lớn nhất ở đây.
Tổng diện tích Trung Quốc lấn đất tương đương khoảng hơn 800 hecta bằng diện tích 1.500 sân bóng. Trên bàn cờ lớn, Biển Đông tự nhiên đang trở thành khu vực cạnh tranh ảnh hưởng dữ dội giữa Mỹ và Trung.
Bonnie Glaser của CSIS thì nêu về các mục đích quân sự và dân sự của việc Trung Quốc xây đảo. Ngoài việc tăng cường hiện diện trên biển, theo bà Trung Quốc có thể sẽ tiến hành nhiều hành động áp đặt hơn như bắt tàu cá ở các vùng biển mà họ cho là của mình.
Về mục đích quân sự, bà Glaser cho rằng Trung Quốc có thể sẽ muốn tiến hành các hoạt động giám sát trên không từ 2017, thời điểm mà đường bay mà Trung Quốc đang xây ở Bãi Chữ Thập có thể đi vào hoạt động.
Theo bà, hiện Trung Quốc có khoảng 8 tàu ngư giám thường xuyên hoạt động ở Biển Đông và khả năng giám sát ngoài biển còn rất hạn chế. Việc xây dựng các đảo nhân tạo, dù không ý nghĩa nhiều trong xung đột (do khả năng phòng thủ yếu) nhưng sẽ tăng đáng kể khả năng giám sát trên biển của Trung Quốc trong thời bình, đặc biệt là tác dụng răn đe với Mỹ.
Ngoài ra, Trung Quốc có thể hoàn toàn dùng các căn cứ này để “đẩy các nước khác ra khỏi các đảo của mình.”
Theo bà Glaser, dù Trung Quốc “có là người xây sau cùng thì cũng không thể xây dựng ở mức độ như vậy,” Bonnie. TS Trần Trường Thuỷ của viện Biển Đông chỉ ra VN trong 20 năm xây dựng tôn tạo đảo chỉ có diện tích bằng 1,5% diện tích mà Trung Quốc xây dựng trong vòng 18 tháng qua.
Bà Glaser đề xuất quan điểm là các bên xây đảo nên ngưng ngay hoạt động của mình và các bên nên thông qua toà pháp lý để phán xử các tuyên bố chủ quyền. Bà khẳng định lại sự mập mờ của đường 9 đoạn là nguyên nhân dẫn tới tình hình bất ổn ở biển Đông lúc này.
Bắc Kinh sợ Nhật can thiệp vào Biển Đông
Đại diện của Trung Quốc ông Wu Shicun, chủ tịch viện nghiên cứu quốc gia về Biển Đông, tiếp tục tuyên bố Trung Quốc cần bảo vệ chủ quyền của mình trong hoạt động xây đảo.
Phía Bắc Kinh đặc biệt bày tỏ lo ngại việc Nhật Bản tham gia vào tình hình Biển Đông cũng như việc “Philippines đơn phương kiện Trung Quốc” ra toà quốc tế.
Đề nghị của Trung Quốc với Mỹ là “giữ Nhật Bản không được tham gia vào tình hình Biển Đông... vì việc này không đóng góp được gì và cũng không giúp ổn định khu vực.”
Ông Trần Trường Thuỷ, giám đốc trung tâm nghiên cứu Biển Đông của Học viện ngoại giao VN bày tỏ lo ngại việc lấn đất ngoài biển khiến Trung Quốc tăng sự hiện diện và tăng mối nguy cơ xung đột trong tương lai.
Theo ông Bắc Kinh có thể dùng các đảo nhân tạo này để “diễn đạt lại” luật biển UNCLOS và lập luận rằng các đảo nhân tạo có thể sống được cho nhân sinh và biến “đá thành đảo.”
Theo ông tình hình Biển Đông giờ quan trọng về mặt chiến lược hơn là thuần tuý về mặt tài nguyên như trước.
Chiến thuật của Trung Quốc với các nước trong khu vực vẫn là “lát cắt salami” liên tục nhấn các bước mới - chấp chới ranh giới khiến các nước không biết là có nên phản ứng cứng rắn hay không và khi họ ngần ngừ thì tạo ra sự đã rồi.
Khi tình hình căng thẳng thì Trung Quốc sẽ tung các miếng mồi kinh tế như “Con đường tơ lụa, vành đai kinh tế” hay ngân hàng phát triển hạ tầng AIIB để làm dịu các nước.

Theo tuoitre.online