Nửa đêm bỗng nghe điện thoại của… một người dưới mộ



Quá nửa đêm, ông Cao Ngọc Viên (cựu chiến binh, quê tỉnh Hưng Yên, hiện sống tại phường Bình Trinh Đông, Q.2 TP.HCM) và cả nhà đã yên giấc. Bất ngờ điện thoại bàn nhà ông reo dồn dập. Ai gọi điện giờ này? Ông Viên vừa tự hỏi vừa nhấc điện thoại. Trong máy vang lên giọng nói quen quen: “Viên ơi, Đãi đây!…”. Ông Viên sững sờ, thấy lạnh người. Đúng là giọng nói của người đồng đội Nguyễn Văn Đãi, nhưng đã hi sinh năm 1972, hiện có mộ trong Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Từ một tấm hình
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Nổi (xã An Thạnh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) trong một lần đào đất ở khu vực rừng tràm Bà Vụ (xã Tân Hòa, huyện Bến Lức) tình cờ phát hiện một hố chôn 2 bộ hài cốt.
Chôn cùng 2 bộ hài cốt là 3 chiếc ba lô bọc trong túi nilon, loại túi chuyên dụng của Trung Quốc trang bị cho quân giải phóng miền Nam thời kháng chiến chống Mỹ. Bên trong ba lô còn khá nguyên vẹn nhiều giấy tờ, tư trang, hình ảnh, kỷ vật của của người quá cố.
Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là hài cốt liệt sĩ hi sinh trong chiến tranh chống Mỹ. Rừng tràm Bà Vụ từng là là nơi diễn ra nhiều trận đánh lớn giữa quân giải phóng và quân đội Mỹ – Sài Gòn trong chiến tranh, nhiều liệt sĩ hi sinh không tìm ra thân xác.
Bằng tất cả tình cảm và trách nhiệm đối với đồng đội, ông Nổi đã bảo quản cẩn thận những gì khai quật được và báo cho cơ quan chức năng địa phương. Với những gì còn lại trong 3 chiếc ba lô, có thể xác định được chủ nhân của 2 cái: Liệt sĩ Trần Mậu và liệt sĩ Nguyễn Văn Đãi. Cái thứ 3 không xác định được chủ nhân. Ông Nguyễn Văn Nổi và chính quyền địa phương đã trân trọng đưa 2 bộ hài cốt liệt sĩ về an táng tại Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Bến Lức.
Những thông tin trên giấy tờ còn lại từ 2 chiếc ba lô chỉ cho phép xác định danh tính 2 liệt sĩ (Trần Mậu và Nguyễn Văn Đãi) và quê quán “Miền Bắc” của các anh. Đồng thời, căn cứ vào cuốn sổ nhật ký dừng lại ở tháng 5.1972, những người quy tập cho rằng các liệt sĩ hy sinh vào năm 1972. Vì vậy mà trên bia mộ của 2 liệt sĩ chỉ ghi quê quán “Miền Bắc”, hi sinh năm 1972, ngoài ra không còn thông tin nào khác.
Trong ba lô của liệt sĩ Nguyễn Văn Đãi còn có một tấm hình chụp người chiến sĩ với một bà mẹ và cô gái nhỏ. Phía sau tấm ảnh còn hiện rõ dòng chữ: “Tặng anh tấm hình làm kỷ niệm, nếu sau này còn sống anh về quê em theo địa chỉ thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, Huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ký tên Cao Ngọc Viên”. Một bức thư được ông Nguyễn Văn Nổi gửi theo địa chỉ ghi trên tấm hình với hi vọng người chiến sĩ Cao Ngọc Viên vẫn còn sống, từ đó mà tìm ra và báo tin cho gia đình của liệt sĩ Nguyễn Văn Đãi.
Một thời đạn bom…
Như nhiều thanh niên cùng thời, Cao Ngọc Viên (thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, Huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) đã tạm chia tay việc học để lên đường chiến đấu giải phóng miền Nam. Anh nhập ngũ tháng 4.1970, sau thời gian ngắn huấn luyện đã vượt Trường Sơn vào thẳng chiến trường Tây Nam bộ, chiến đấu ở đơn vị K4 Long An (Tiểu đoàn 4 tỉnh Long An).
Vùng Đồng Tháp Mười (phần thuộc tỉnh Long An, nơi có dòng Vàm Cỏ Đông chảy qua) có vai trò là điểm kết nối 2 chiến trường Đông và Tây Nam bộ, vì vậy mà là nơi thường xuyên đụng độ dữ dội giữa quân giải phóng và quân đội Mỹ – Sài Gòn.
Trong suốt 5 năm trụ lại chiến trường này, ông Viên đã trải qua nhiều trận đánh sinh tử, nhưng đã may mắn vẹn nguyên đến ngày miền Nam giải phóng. Trong khi rất nhiều đồng đội của ông đã anh dũng ngã xuống trên chiến trường Long An.
Trong số đó có người đồng đội thân thiết như anh em ruột thịt tên Nguyễn Văn Đãi, cùng ở Đại đội 2, Tiểu đoàn 4. Một lần, giữa 2 trận đánh lớn, trong lúc yên tiếng súng, bên bờ sông Vàm Cỏ Đông, hai người đồng đội thân thiết kể chuyện gia đình cho nhau nghe. Cao Ngọc Viên lấy từ ba lô tấm ảnh chụp chung với mẹ và cháu gái ra khoe với người đồng đội Nguyễn Văn Đãi.
Thấy Đãi thích tấm hình, mà cũng không biết sau những trận đánh ai còn ai mất, anh Viên đã tặng tấm ảnh cho anh Đãi làm kỷ niệm. Dùng ba lô làm bàn, anh Viên rút chiếc bút máy Hồng Hà viết dòng chữ lưu niệm phía sau tấm, kèm theo địa chỉ của mình, với hi vọng sau ngày chiến thắng Đãi sẽ tìm về thăm quê anh. Tấm ảnh được anh Đãi xem như kỷ vật, luôn để trong túi ni lon ép kín, cất kỹ trong ba lô.
Tháng 5.1972, Tiểu đoàn 4 hành quân từ phía nam lên phía bắc tỉnh Long An, đêm hành quân, ngày dừng chân trong rừng tràm. Cuối mùa khô, đầu mùa mưa, rừng tràm Bà Vụ nơi đơn vị dừng chân còn lưa thưa lá. Máy bay trinh sát phát hiện, đối phương đưa sư đoàn 25 được yểm trợ bởi máy bay, xe tăng, xe bọc thép tấn công vào khu vực phòng ngự của Đại đội 2.
Chiến sĩ Nguyễn Văn Đãi và một đồng đội khác (trong tổ xung kích, chung công sự) đã dũng cảm ngăn chặn cuộc tiến công của đối phương, hứng chịu hoả lực rất mạnh của xe tăng địch. Cách đó không xa, chiến sĩ Cao Ngọc Viên cũng chiến đấu trong một công sự khác. Và anh đã tận mắt chứng kiến xe tăng địch tràn lên trận địa, nghiền nát công sự của Nguyễn Văn Đãi…
Sau trận đánh, Cao Ngọc Viên được chuyển về đơn vị mới và luôn canh cánh nỗi đau về sự hy sinh của người đồng đội thân thiết. Sau ngày miền Nam giải phóng, ông Viên có tìm về rừng tràm Bà Vụ, nhưng cảnh vật đã thay đổi nhiều, dấu vết trận đánh năm xưa không còn, không thể tìm ra nơi người bạn Nguyễn Văn Đãi và đồng đội bị xe tăng càn chết.

Ngôi một liệt sĩ mang tên Nguyễn Văn Đãi (giữa) ở Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Bến Lức.
Cuối năm 1998, ông Viên nhận được lá thư từ quê nhà Hưng Yên gửi vào, trong đó có kèm lá thư của ông Nguyễn Văn Nổi từ Bến Lức – Long An báo tin đã tìm được hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Đãi. Ông Viên đi ngay xuống Bến Lức gặp ông Nổi, rồi ra nghĩa trang huyện đứng bất động hàng giờ trước ngôi mộ số 02, lô 01, khu 01, ghi tên Liệt sĩ Nguyễn Văn Đãi, quê quán Miền Bắc, hy sinh năm 1972.
Trở về nhà, ông Viên viết thư gửi về xã Đồng Phong, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình (quê của Nguyễn Văn Đãi) báo tin là đã tìm thấy phần mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Đãi ở Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Bến Lức, kèm theo số điện thoại của ông.
Sau đó ít lâu, vào một đêm đã khuya, khi cả nhà đã an giấc, chuông điện thoại nhà ông Viên reo vang. Đầu dây bên kia là giọng nói quen quen: “Viên ơi, Đãi đây!”. Ông Viên nghe lạnh cả người, nhưng vẫn kịp trấn tỉnh hỏi: Anh chết rồi, sao còn gọi điện thoại? Anh có chết đâu? Anh không chết thì ai chết?… Ở hai miền đất nước, họ cùng hét vào chiếc điện thoại trong niềm vui vỡ oà…
Vẫn còn… liệt sĩ Nguyễn Văn Đãi
Đêm đó, hai người đồng đội thân thiết cùng “ôm” máy điện thoại đến gần sáng. Nguyễn Văn Đãi kể với bạn: Lúc trận đánh diễn ra, ông và một đồng đội cùng công sự đã chiến đấu dũng cảm, đẩy lùi mấy đợt tiến công của sư đoàn 5 đối phương. Quân địch lùi ra dùng bom, pháo bắn dữ dội vào trận địa, sau đó cho xe tăng càn lên.
Chiến sỹ Nguyễn Văn Đãi bị đạn từ xe tăng bắn trọng thương, xuyên thủng mắt trái, được đồng đội đưa ra tuyến sau, một chiến sĩ khác thay thế vị trí chiến đấu của anh. Để rồi sau đó xe tăng của đối phương tràn lên trận địa, nghiền nát công sự chiến đấu của Nguyễn Văn Đãi như Cao Ngọc Viên đã chứng kiến. Hai đồng đội của họ đã anh cũng bị hy sinh, chiếc ba lô của Nguyễn Văn Đãi nằm lại nơi công sự cùng với xác 2 liệt sĩ bị xe tăng vùi lấp.
Sau trận đánh, Nguyễn Văn Đãi được đưa về Bệnh viện Tiền phương để điều trị thương tật. Vết thương nặng đã làm anh bị mù mắt trái cùng những di chứng nặng nề. Đầu năm 1974, thiếu úy thương binh Nguyễn Văn Đãi được vinh dự đi dự Đại hội Thi đua của Trung ương cục miền Nam. Sau đó anh được đưa ra miền Bắc tiếp tục điều trị thương tật. Anh bị mất 81% sức khỏe, thương binh hạng ¼, hiện vẫn còn nhiều mảnh đạn trong não, phổi…
Nguyễn Văn Đãi có vợ và 3 con, sống chật vật với tiền phụ cấp thương binh. Ông có một ước muốn: Được một lần vào thăm lại chiến trường xưa, nhìn ngôi mộ của đồng đội vẫn còn mang tên ông. Ông cũng mong muốn cơ quan chức năng tỉnh Long An sớm tìm ra tông tích người nằm dưới mộ để trả lại tên cho người liệt sĩ.

Theo Laodong.com