.

Nỗi đau đớn vì bệnh tật
của những người xin được chết


Anh Vincent Lambert (38 tuổi) mắc bệnh nặng, sống thực vật suốt 6 năm. Vợ anh viết đơn xin cho anh được "chết nhân đạo" nhưng cha mẹ Vincent thì không muốn.

Những người gửi đơn thỉnh cầu cho Vincent được chết êm ái là vợ của anh, cháu trai và 6 anh chị em. Họ xin Tòa án Pháp cho phép rút các thiết bị hỗ trợ sự sống của bệnh nhân. Thỉnh cầu này đã được chấp thuận.

Tuy nhiên cha mẹ của bệnh nhân đều là người Công giáo, cùng với hai anh chị của Vincent không đồng ý với phán quyết của tòa án Pháp. Họ đã đưa vụ việc lên Tòa án Nhân quyền châu Âu. Cơ quan này đã bãi bỏ quyết định của Tòa án Pháp và yêu cầu bệnh viện nơi Vincent điều trị phải tiếp tục cung cấp các thiết bị hỗ trợ sự sống cho anh.

Bác sĩ Eric Karliger, Trưởng khoa Gây mê hồi sức, cho rằng tình trạng tranh chấp này kéo dài chỉ làm gia tăng thêm cảm giác đau đớn cho Vincent. Francois Lambert, cháu của Vincent, nói trên Đài phát thanh RTL:

“Tôi hy vọng vụ việc này sớm ngã ngũ vì gánh nặng chú của tôi phải chịu ngày càng tăng và đau đớn nhiều hơn”.

Phán quyết trên của Pháp phù hợp với luật năm 2005 cho phép trợ tử bị động, tức là hành động cắt giảm hoặc loại bỏ các phương tiện cần thiết để duy trì sự sống. Điều luật này nhằm mang lại cái chết tự nhiên cho một số trường hợp bị bệnh nan y. Hơn nữa, phán quyết còn phù hợp với nguyện vọng của Lambert khi y tá điều trị đã nghe thấy lời cầu xin của Lambert "không muốn tiếp tục một cuộc sống thực vật nữa".




Ảnh minh họa: AFP.


Đây không phải là trường hợp duy nhất làm gia tăng các cuộc tranh cãi về vấn đề hợp pháp hóa cái chết nhân đạo ở Pháp.

Năm 2013, vụ tự sát của cặp vợ chồng 86 tuổi tại một căn phòng khách sạn nổi tiếng đã thổi bùng ngọn lửa của cuộc tranh luận.

Cặp đôi này đã lên kế hoạch chi tiết cho cái chết của họ từ nhiều năm trước.

“Họ sợ bị chia rẽ hay phải lệ thuộc vào người khác hơn là sợ cái chết”, con trai của đôi vợ chồng này kể. Trong hai bức di thư cảnh sát tìm thấy, lá thư đầu tiên họ viết dành cho gia đình, bức thứ hai gửi đến các cơ quan chức năng với nguyện vọng hợp pháp hóa an tử trong nước.

Hành động an tử mà cặp vợ chồng ấy kiến nghị là hai hình thức. Thứ nhất là trợ tử chủ động, tức là gây ra cái chết cho một người qua hành động trực tiếp nhằm đáp ứng nguyện vọng của họ. Thứ hai là trợ tử bị động, tức đẩy nhanh cái chết của một người bằng cách thay đổi một số hình thức hỗ trợ sự sống và để cái chết diễn ra một cách tự nhiên.

“Chẳng phải tự do của tôi đang bị giới hạn bởi tự do của những người khác? Họ lấy quyền gì để ngăn một người muốn ra đi thanh thản khi đã trả đủ thuế, không còn nợ nần, đã làm việc suốt đời và tham gia các hoạt động tình nguyện”, di thư của đôi vợ chồng quá cố viết.





Bệnh ung thư khiến gương mặt bà Chantal Sébire biến dạng.
Ảnh chụp trước và sau khi phát bệnh: Flickr.


Một trường hợp khác vào năm 2008, Chantal Sebire, giáo viên người Pháp, bị bệnh ung thư hiếm gặp khiến gương mặt biến dạng.

Người phụ nữ 52 tuổi mắc một khối u không thể chữa khỏi gây ảnh hưởng đến mũi và các xoang, khiến gương mặt biến dạng, mắt mù, mũi không còn ngửi thấy mùi vị, kèm theo là cảm giác đau đớn khủng khiếp.Bà xin được chết êm dịu nhưng tòa án từ chối.

Tòa phán quyết không một bác sĩ nào được giúp Chantal chết. Đây là hành động vi phạm y đức và pháp luật. Đến nay hỗ trợ tự sát bị xem là hành vi phạm tội. Luật sư bào chữa cho Chantal lên án quyết định trên là “đạo đức giả” và kêu gọi tổng thống Nicolas Sarkozy thay đổi luật. Trong một cuộc họp báo, ông phát biểu:

“Luật pháp của chúng ta là vô nhân đạo. Luật pháp phải được thay đổi bởi vì những gì chúng ta thấy đây là những người đau khổ, đau đớn bị bỏ mặc”.

Nhiều ý kiến phản đối phán quyết của tòa cũng được nêu lên. Jean-luc Romero, Chủ tịch Hiệp hội về quyền được chết đúng với phẩm giá, một tổ chức gồm 40.000 người ở Pháp, nói trên ABC:

“Phán quyết của tòa chẳng khác nào một bản án đau đớn suốt đời dành cho Chantal Sebire”.

Thủ tướng Francois Fillon phân trần trên Đài phát thanh RTL:

“Khó khăn trong trường hợp này là chúng ta đang ở giới hạn của những gì xã hội đặt ra. Tôi nghĩ người ta phải có sự khiêm tốn để nhận ra rằng xã hội không thể trả lời tất cả những câu hỏi”.

Bộ trưởng Y tế Pháp khẳng định:

“Nền y khoa thế giới và cả chính quyền không thể thúc đẩy hoạt động trợ tử dù căn bệnh có hiểm nghèo, khó chữa như thế nào đi nữa”.

Tổng giám mục Lyon Philippe Barbarin trong một cuộc phỏng vấn với tờ Aujourd’hui en France cho biết:

“Người ta không bao giờ đánh đồngtình cảm với pháp luật cũng như không ai có quyền mang cái chết đến với người khác”.

Hiện nay một số nước như Hà Lan, Bỉ, Thụy Sĩ đã hợp pháp hóa hình thức "chết nhân đạo" hay còn gọi là trợ tử chủ động. Theo đó, nhân viên y tế giúp gây ra cái chết cho một người theo nguyện vọng của họ. Nhà thơ, nhà văn nổi tiếng người Bỉ, Hugo Clause, đã yêu cầu biện pháp này sau nhiều năm chống chọi với căn bệnh Alzheimer.

Gần đây là một tù nhân Bỉ được phép chết bằng cách tiêm thuốc độc sau khi luật cho phép người dân yêu cầu “chết êm ái”. Lý do là phạm nhân không chịu được điều kiện chăm sóc y tế trong nhà tù, đồng thời muốn kết thúc sớm những tháng ngày sống trong dằn vặt, đau khổ.

Bỉ là quốc gia đi tiên phong trong việc hợp pháp hóa quyền chết nhân đạo và cũng là nơi đầu tiên cho phép tiêm thuốc độc đối với trẻ em mắc bệnh nan y ở mọi lứa tuổi. Dù vậy, đạo luật này chỉ áp dụng ở những bệnh nhi sắp chết.

Với trường hợp của Vincent Lambert, bác sĩ Jean Leonetti, người tham gia soạn thảo các luật hợp pháp hóa việc trợ tử bị động, hoan nghênh quyết định của tòa án Pháp. Tuy nhiên, ông cảnh báo đây không phải là giải pháp tốt cho bất cứ trường hợp tương tự nào.

“Mỗi tình huống cần được đánh giá trên cơ sở từng trường hợp cụ thể”, ông nói.
Thứ sáu, 24/4/2015
suckhoe.vnexpress. online