Quốc hội Ý tạo hướng đi mới trong việc chống lại nạn buôn lậu nội tạng ở Trung Quốc




Góc nhìn tổng quan của Thượng viện Ý, chụp ngày 22 tháng 4 năm 2015. (Andreas Solaro/AFP/Getty Images)

Gần đây, Quốc hội Ý đã tiến thêm bước nữa trong nỗ lực ngăn chặn nạn buôn lậu nội tạng tại Trung Quốc.
Vào ngày 31 tháng 7, đã có 8 thành viên của Quốc hội thuộc Đảng Phong trào Năm sao đề xuất một nghị quyết nhằm chống lại việc buôn bán nội tạng bất hợp pháp ở Trung Quốc, và kêu gọi thả tất cả các tù nhân lương tâm, bao gồm các học viên Pháp Luân Công
Nghị quyết yêu cầu các đại diện ngoại giao Ý không nên tổ chức các hội nghị và những cuộc họp về cấy ghép nội tạng đối với những nước không tôn trọng công ước quốc tế, và xem xét lại việc đào tạo các bác sĩ Trung Quốc chuyên ngành kỹ thuật cấy ghép ở các bệnh viện nước Ý. Đồng thời, yêu cầu chính phủ Ý phải xem xét lại các chương trình nghiên cứu chung giữa Ý và Trung Quốc liên quan đến cấy ghép y khoa.
“Tôi đã nhận được một đề nghị từ Hiệp hội Các bác sĩ chống Mổ cướp Nội tạng (DAFOH), và tôi nghĩ rằng rất thích hợp để ký vào nghị quyết này, để thông qua đó, nước Ý có thể giúp đỡ trong việc này”, Emanuele Scagliusi – người ký tên đầu tiên vào bản nghị quyết, và là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Thượng viện của Quốc hội Italy. DAFOH là một tổ chức ủng hộ y đức đang tìm cách nâng cao nhận thức về cấy ghép nội tạng bất hợp pháp.

Ủy ban Tư pháp của Thượng viện Ý sẽ thảo luận về nghị quyết vào mùa thu này. “Chúng tôi đang thúc giục để nó được chấp thuận càng sớm càng tốt”, Scagliusi phát biểu.
“Nghị quyết này sẽ giúp Ý tránh được việc trở thành đồng phạm” với tình trạng lạm dụng ghép tạng của Trung Quốc, luật sư nhân quyền quốc tế nổi tiếng David Matas đã viết trong một email. “Bản thân nội dung của nghị quyết không thể giải quyết vấn đề này. Nhưng đó là một bước đi đúng hướng”, ông nói thêm. Năm 2006, ông David Matas và ông David Kilgour – cựu thành viên của Quốc hội Canada, là những người đầu tiên điều tra các cáo buộc về mổ cướp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Pháp Luân Công là một môn rèn luyện tinh thần cổ truyền của Trung Quốc đã bị [nhà cầm quyền] đàn áp tại Trung Quốc kể từ tháng 7 năm 1999.
Trước đó, các nghị sĩ Ý đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng lạm dụng ghép tạng ở trong nước. Hồi tháng 3 năm 2014, Ủy ban Nhân quyền của Thượng viện Ý đã thông qua nghị quyết chống lại nạn mổ cướp nội tạng. Đến tháng 3 năm nay, Thượng viện đã thông qua một dự luật để trừng phạt nghiêm khắc những ai tham gia vào việc kinh doanh thương mại các nội tạng từ những người đang sống. Những kẻ bị kết tội phải đối mặt với 12 năm tù giam, và bị phạt tiền từ 50.000 đến 300.000 euro (khoảng 54.600 USD đến 327.660 USD).
Phát biểu đáng lo ngại

Vào ngày 21 tháng 7, Hoàng Khiết Phu – chuyên gia cấy ghép nội tạng và là cựu Phó Bộ trưởng Y tế của Trung Quốc đã phát biểu trong một cuộc họp báo tại Hồng Kông, rằng trong năm nay, với danh sách dài 30.000 người chờ được cấy ghép tạng thì sẽ có hơn 12.000 ca sẽ được thực hiện tại Trung Quốc. Torsten Trey – Giám đốc Điều hành của DAFOH đã viết trong một email: Đây là một tuyên bố với “lối nghĩ thách thức” bởi vì Trung Quốc chưa bao giờ tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế về hiến tạng.
“Nhiều cơ quan nội tạng có được trong hệ thống này là do các nhân viên bệnh viện đã đi đến giường của bệnh nhân nằm chờ chết, đề nghị trao cho gia đình họ những khoản tiền có giá trị bằng mức lương cả 1 năm. Hành vi này đã phạm các nguyên tắc đạo đức của Tổ chức Y tế Thế Giới, trong đó nghiêm cấm dùng tiền thưởng để trao đổi việc hiến tạng”, Trey đã viết.
Ông tiếp tục nói: “Thứ hai, nếu người dân tự nguyện ký vào bản hiến tạng, họ thường không qua đời trong vòng 1 hoặc 2 năm. Vì vậy, giải thích việc có 12.000 ca ghép trong hệ thống hiến tạng công cộng, mà chỉ hoạt động trong vòng 3 – 4 năm qua hoàn toàn là một điều đáng ngờ. Nó cho thấy rằng hệ thống hiến tạng của Trung Quốc là dựa trên sự ép buộc”.
Thực tế thì, mặc dù nhà cầm quyền Trung Quốc đã tuyên bố sẽ chấm dứt việc thu hoạch nội tạng từ các tử tù kể từ tháng 1 năm 2015, nhưng họ đã không thông qua bất kỳ văn bản pháp lý nào để thực thi lời hứa này, ông Trey cho biết. Đến ngày hôm nay, các tù nhân lương tâm, như những học viên Pháp Luân Công, không những bị nhà cầm quyền Trung Quốc bức hại, mà rất có khả năng những nhóm bị đối xử tàn bạo giống như thế này sẽ tiếp tục trở thành nguồn cung cấp nội tạng, ông nói thêm.
Bằng chứng

Các nhà nghiên cứu mổ cướp nội tạng như hai ông David Matas, David Kilgour, và nhà báo điều tra Ethan Gutmann đã thu thập được bằng chứng cho thấy nhiều bệnh viện của công an và quân đội ở Trung Quốc đã và đang tham gia vào vụ sát hại chủ yếu là những học viên Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác. Và mổ cướp nội tạng của họ để bán cho nhiều người mua ở Trung Quốc và nước ngoài nhằm kiếm lợi nhuận. Một số bác sĩ và nhân viên bệnh viện đã công khai thừa nhận với những người gọi ẩn danh trong nhóm nghiên cứu của Matas và Kilgour, rằng họ có một nguồn cung cấp nội tạng sẵn sàng từ các học viên Pháp Luân Công, và đảm bảo chất lượng nội tạng luôn trong tình trạng tươi sống.
Trong cuốn “Đại Thảm Sát” (The Slaughter) do Gutmann viết về việc thu hoạch nội tạng đã được công bố hồi đầu năm nay, ông đã ghi chép các trường hợp tương tự từ các học viên Pháp Luân Công bị buộc phải trải qua những đợt xét nghiệm máu khi họ bị nhốt trong các trại lao động hoặc nhà tù.
Matas và Kilgour ước tính có khoảng 40.000 học viên Pháp Luân Công đã bị giết để mố cướp nội tạng, nhưng Gutmann đưa ra con số là 65.000 học viên. Cả ba người đều đồng ý rằng con số thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều.
Ý không phải là quốc gia duy nhất đang cố gắng để ngăn chặn tình trạng buôn lậu nội tạng. Quốc hội Đài Loan, Lập Pháp Viện (cơ quan lập pháp Đài Loan) đã thông qua việc sửa đổi Pháp lệnh về Ghép tạng Người vào ngày 12 tháng 6. Qua đó, những bệnh nhân muốn cấy ghép nội tạng ở nước ngoài và các bác sĩ điều trị cho họ phải chịu trách nhiệm đối với những nội tạng đã được nhận, đặc biệt trong trường hợp họ nhận tạng bằng những hình thức bất hợp pháp.


Theo DKN