Thảm hoạ ở Syria và sự im lặng câm điếc của thế giới





Ảnh: Người tị nạn xếp hàng để nhận viện trợ lương thực phân phối trong trại Yarmouk tại Damascus, Syria, ngày 31 tháng 1, 2014. (UNRWA qua Getty Images)

Từ “bi kịch” thường được sử dụng để miêu tả cuộc nội chiến ở Syria, nhưng đó vẫn chỉ là một sự mô tả mờ nhạt về tính chất điên rồ đang hoành hành trên vùng đất này. Sự đổ máu và tàn phá nghiêm trọng quét qua quốc gia này không chỉ là một sự kiện bi thảm. Quy mô của sự phá hủy và những sinh mạng bị cướp đi là thảm họa chưa từng thấy dù cho có đo bằng bất kỳ thước đo nào kể từ sau sự khủng khiếp của Chiến tranh thế giới II.

Phần lớn thế giới đang quan sát với sự lãnh đạm, và các bên có những lợi ích độc tôn trong cuộc xung đột đang chơi trò chính trị trên cuộc sống của hàng trăm ngàn người Syria chết đi vô ích, khi mà họ không có được sự cứu tế nào để tránh khỏi cái chết và sống trong nỗi thống khổ không kể xiết và nỗi đau vẫn đang luôn rình rập.

Từ “bi kịch” thường được sử dụng để miêu tả các cuộc nội chiến ở Syria, nhưng đó vẫn chỉ là một mô tả mờ nhạt về tính chất điên rồ đang hoành hành trên mảnh đất này.

Hãy tưởng tượng phạm vi thảm họa đã giáng xuống cho một đất nước và người dân của nó bởi một nhà độc tài tàn ác quyết tâm duy trì quyền lực, thậm chí trả giá bằng cả sinh mệnh của người dân nước mình, gây ra sự tàn phá quy mô lớn thế nào:

Khi 250.000 người gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em bị tàn sát và 4 triệu người trở thành những người tị nạn tiều tụy trong những túp lều nhỏ, điều này là một thảm họa;
Khi hơn 7 triệu người phải di tản khắp nơi trong nước, 14 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo, hàng chục ngàn người bị ngăn không cho bỏ chạy và không thể nhận được viện trợ quốc tế, và một nửa đất nước bị đổ nát, điều này là một thảm họa;
Và thảm khốc nhất là khi cả một thế hệ trẻ Syria bị mất hết không còn gì khi phải gánh chịu những hậu quả tai hại lâu dài mà người dân Syria sẽ còn phải chịu đựng trong nhiều thập kỷ tới.


Ảnh: Musa, một tay thiện xạ 25 tuổi người Kurd, nhìn vào thị trấn bị phá hủy Kobani của Syria, ngày 30 tháng 1, 2015. (Bulent Kılıç / AFP / Getty Images)

Điều đáng buồn là sự hỗ trợ tốt nhất của chính quyền Obama để cứu hàng chục ngàn thường dân vô tội bị bỏ mặc cũng chỉ ở mức hờ hững. Các quốc gia Ả Rập, mặc dù cung cấp một số hỗ trợ cho quân nổi dậy Syria, còn chưa sẵn sàng triển khai bộ binh, một điều kiện cần và đủ để đánh bại quân ISIS.

Nga và Iran bênh vực đồng minh tàn nhẫn của họ, Assad, và không tiếc công sức cung cấp quân đội, tài chính, và hậu cần để ông ta tiếp tục tàn sát người dân bằng cỗ máy giết người của mình. Lợi ích về chính trị và chiến lược của họ ở Syria là con át chủ bài trong việc bảo vệ đất nước, và họ sẽ làm bất cứ điều gì để bảo vệ lợi ích quốc gia và định hình tương lai đất nước phù hợp với nhu cầu của họ.

Trong khi Hoa Kỳ và một số đồng minh đang chiến đấu với ISIS trên không, họ để mặc Assad thả bom thùng, giết bừa bãi hàng ngàn người mỗi tháng và phá hủy toàn bộ các khu phố mà gần như không bị trừng phạt.



Ảnh: Lính cứu hỏa dập một đám cháy tại hiện trường của một cuộc tấn công bằng bom thùng của quân đội chính phủ Syria ở Aleppo, ngày 5 tháng 3, năm 2015. Vào ngày 16, một cuộc tấn công tương tự nhằm vào một khu chợ ở phía đông bắc Damascus đã giết chết ít nhất 70 dân thường và làm 200 người bị thương. (Zein al-Rifai / AFP / Getty Images)

Tuy nhiên, hiện nay ông Assad đã thừa nhận đang mất dần quân trên bộ và không đủ quân để chống lại các phiến quân trên tất cả các mặt trận, Iran và Nga lo ngại rằng sự nổi lên của ISIS có thể gạt bỏ ảnh hưởng của họ ở Syria, họ lại bắt đầu tìm kiếm một giải pháp chính trị:

Trong tuyệt vọng, Assad cử ngoại trưởng Walid Moallem đi thỏa thuận một cơ hội đàm phán hoà bình mới với phiến quân Syria do Oman sắp xếp;
Iran đã đưa ra một kế hoạch hòa bình do bộ trưởng bộ Ngoại giao Iran Mohammad Zarif đích thân truyền đạt cho Assad bao gồm một lệnh ngừng bắn và một chính phủ chia sẻ quyền lực do Assad nắm, ít nhất là cho đến lúc này;
Nga đã mời đại diện các phiến quân Syria và chính phủ Assad đến thăm Moscow để đàm phán hòa bình.
Điều thảm khốc nhất hơn cả là cả một thế hệ trẻ người Syria bị mất hết không còn gì khi họ phải chịu đựng những hậu quả tai hại lâu dài mà người dân Syria sẽ phải dánh chịu trong nhiều thập kỷ tới.


Trong khi các sáng kiến ​​này có vẻ hấp dẫn trên bề mặt, không cái nào sẽ đưa đến giải pháp trừ khi Washington, Tehran và Moscow phối hợp trong một nỗ lực chung để kết thúc chiến tranh ở Syria, điều hiện nay nhiều khả năng sẽ thực hiện theo sau thỏa thuận hạt nhân Iran.

Điều này không có nghĩa là những khó khăn lớn không còn tồn tại. Các quốc gia Ả Rập của người Sunni không có đối thoại nghiêm túc với những ông chủ của Assad là Iran và Nga – và bất kỳ thỏa thuận nào được 2 nước này chấp nhận thì cũng sẽ khó lòng mà làm hài lòng được các nhà nước của người Sunni, đặc biệt là Ảrập Xêút và Ai Cập.

Khi Hoa Kỳ tiến hành cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đầu tiên vào miền bắc Syria từ các căn cứ ở Thổ Nhĩ Kỳ chỉ nhằm vào một mục tiêu là ISIS, trên thực tế Hoa Kỳ đã trở thành một đồng minh của ông Assad, cho ông ta có lý do để không ngừng lại việc tàn phá đất nước.

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý với chính quyền Obama cho phép Mỹ tấn công vào các mục tiêu ISIS từ các căn cứ không quân của Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara đang khai thác sự dàn xếp mới để tấn công người Kurd ở Syria. Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ làm suy yếu đảng Công nhân của người Kurd (PKK) mà còn cản trở người Kurd Syria hợp nhất những kế hoạch của họ để thành lập một thực thể tự trị, điều có thể khuyến khích người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ làm theo.

Trớ trêu thay, mặc dù sự khác biệt hoàn toàn giữa những người chơi và những mục tiêu ngắn hạn cũng như dài hạn của họ tại Syria, lợi ích chung của họ đều là đánh bại ISIS, điều này cung cấp một cơ hội cho tất cả các nước liên quan cùng nhau hành động tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến của Syria.



Ảnh: Một người Syria phản kháng khi đứng trên đống đổ nát ngôi nhà mình trong khi những người khác tìm kiếm những người sống sót và thi thể những người chết ở miền bắc Aleppo, ngày 23 tháng 2, 2013. Tên lửa bắn bởi quân đội của chế độ Syria vào huyện Tariq al-Bab, thuộc Aleppo, đã tàn phá khu vực, làm nhiều người chết và bị thương. (Pablo Tosco / AFP / Getty Images)

Hơn nữa, thực tế là chủ nghĩa bạo lực cực đoan và bất ổn chính trị đang lan tới Trung Đông và vùng đất rộng lớn của lãnh thổ Syria và lãnh thổ Iraq vẫn còn dưới sự kiểm soát của ISIS, điều đó tạo thêm động lực để cố gắng chấm dứt cuộc xung đột tại Syria trước khi đất nước tan rã hoàn toàn.

Ngoài ra, vì điều kiện thực tế đã thay đổi và Assad đang ngày càng trở nên không cần thiết, Iran và Nga cũng có thể trở nên hoà hợp hơn, ở điểm gặp nhau này, trong việc tìm một giải pháp chính trị, mà sẽ loại trừ Assad.

Điều đó nói rằng, bất kỳ giải pháp chính trị nào cũng phải được hướng tới về việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp mới dẫn đầu bởi các đại diện của người Sunni đa số với tỷ lệ đại diện của tất cả các phe phái dân tộc và tôn giáo khác, bao gồm cả những người Alawites.

Hoa Kỳ và tất cả các bên quan tâm tới sự ổn định tương lai của Syria không nên mắc những sai lầm tương tự như ở Ai Cập và Libya khi vội vã thúc đẩy các cuộc bầu cử sớm và soạn thảo một hiến pháp mới. Chính phủ chuyển tiếp tại Syria nên được duy trì ít nhất năm năm trong khi tập trung vào xây dựng lại đất nước và duy trì an ninh nội bộ.

Trong thời gian đó, các đảng phái chính trị sẽ có thời gian để tổ chức và phát triển một nghị trình chính trị và làm cho công chúng quen thuộc trước khi tổ chức các cuộc bầu cử và công chúng đã có thời gian hồi phục và trở lại trạng thái bình thường nào đó.

Để chứng minh cho ý định tốt của mình, Nga và Iran phải cảnh báo ông Assad ngừng bắn ngay lập tức và chấm dứt thả bom thùng. Nếu ông ta từ chối, Hoa Kỳ cần chuẩn bị tấn công các căn cứ quân sự của Syria để ngăn chặn Assad dội mưa bom thùng, có hoặc không có sự đồng ý của Iran và Nga.

A Kurdish refugee mother and son from the Syrian town of Kobani walk beside their tent in a camp in the southeastern town of Suruc on the Turkish-Syrian border, in Sanliurfa, Turkey, on Oct. 19, 2014. (Gokhan Sahin/Getty Images)
Ảnh: Một bà mẹ người tị nạn người Kurd và con trai từ thị trấn Kobani của Syria trong một túp lều ở thị trấn Suruc phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Syria, ngày 19 tháng 10, 2014. (Gokhan Sahin / Getty Images)

Không bên nào trong số các bên liên quan có thể có tất cả. Câu hỏi đặt ra là, họ sẽ tụ hợp được dũng khí tinh thần và tìm ra một giải pháp nhằm giữ được những gì còn lại của Syria từ một thảm họa mà thế giới đã chứng kiến trong gần năm năm với sự im lặng câm nín?

Tiến sĩ Alon Ben-Meir là giáo sư về quan hệ quốc tế tại trung tâm các vấn đề toàn cầu, Đại học New York. Ông dạy các khóa học về đàm phán quốc tế và nghiên cứu Trung Đông. AlonBen-Meir.com

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là những ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Epoch Times.


Theo Alon Ben-Meir, Center for Global Affairs | Dịch giả: Xuân Dung