Chất cyanide độc hại từ việc khai thác vàng đang gây ô nhiễm lan rộng ở Trung Quốc





Một nhân viên bán hàng người Trung Quốc đang cho khách xem một thỏi vàng có thiết kế hình con chuột, tại Bắc Kinh vào ngày 17 tháng 12 năm 2007 (STR / AFP / Getty Images)

Sau 2 vụ nổ chất hóa học tàn phá thành phố Thiên Tân vào ngày 12 tháng 8, chính quyền Trung Quốc buộc phải thừa nhận sự hiện diện của khoảng 700 tấn sodium cyanide (tiếng Việt thường phổ biến với tên natri xyanua) cực độc tại hiện trường. Một phần trong số số hóa chất này được cho là đã bị lan ra môi trường xung quanh, làm người dân đặt ra nhiều câu hỏi với thái độ hết sức giận dữ. Nhiều người muốn biết số lượng lớn các chất độc hại như thế này được sử dụng vào mục đích gì. Biên tập viên Vương Dương của kênh “Daily in Touch” thuộc hãng Tencent Weibo đã cố gắng trả lời các câu hỏi trên. Bài viết sau đây đã tóm lược những nội dung chính từ bài mà ông Vương đã cho đăng vào ngày 15 tháng 8.

Cyanide là một hóa chất nổi tiếng cực độc. Chỉ cần một lượng rất nhỏ cũng có thể giết chết một người. Nhưng hiện nay, ít người biết rằng nó được sử dụng với số lượng rất lớn trong việc khai thác vàng. Hầu như tất cả các nhà sản xuất vàng đều phải phụ thuộc vào nó để chiết vàng từ các quặng khác. Cyanide cũng là một chất phản ứng cần thiết dùng để mạ bạc cho đồ trang sức.

Trung Quốc là nước sản xuất vàng lớn nhất thế giới. Số lượng lớn chất cyanide dùng để sử dụng trong khai thác mỏ vàng ở Trung Quốc thực sự gây sốc. Tờ báo China Gold News đã phát hành một báo cáo chi tiết về một công ty sản xuất vàng thuộc khu tự trị Nội Mông. Nó cho biết công ty này đã khai thác 23,1 triệu tấn quặng trong năm 2014, và sản xuất 5,1 tấn vàng. Để hỗ trợ năng lực sản xuất của mình, công ty đã tiêu thụ hơn 2.000 tấn chất sodium cyanide một tháng, tương đương với khoảng 4,7 tấn chất sodium cyanide cho mỗi 10kg vàng. Tính luôn ngành công nghiệp đồ trang sức và các công ty khai thác vàng có qui mô nhỏ hơn, thì hàng năm, số lượng chất cyanide mà Trung Quốc tiêu thụ thực sự gây sốc.

Cơ chế quản lý lỏng lẻo
Ngành công nghiệp hiện đại đã phát triển một quá trình hóa tách bằng cyanide hết sức phức tạp. Trung Quốc cũng biết rất rõ về công nghệ này. Một cách người ta thường làm đó là tác động hóa tách ở giai đoạn đầu khi tách vàng từ những hỗn hợp quặng, và sau đó tiến hành hóa tách tự nhiên bằng cách phơi phần còn dư ra ngoài ánh sáng mặt trời vào giai đoạn cuối của quá trình. Các biện pháp cách ly và chống rò rỉ là rất cần thiết. Quá trình phân rã tự nhiên của chất cyanide diễn ra rất nhanh. Cùng với các phương án dự phòng tốt nhất, và khi con người, động vật và các nguồn nước quan trọng khác được cách ly hoàn toàn, thì chúng ta mới có thể ngăn chặn những hậu quả thảm khốc.


Nhưng nếu không có biện pháp bảo vệ môi trường nghiêm ngặt, thì việc rò rỉ chất độc hại có thể gây ra thảm họa sinh thái. Vào tháng 6 năm 2013, tờ báo Kinh tế Trung Quốc đã cho đăng một bài phóng sự có tựa đề “Công Ty Maanqiao ở tỉnh Thiểm Tây được cấp phép xây dựng xưởng tách quặng, bất chấp vô số nguy hiểm tiềm tàng”. Mở đầu bài viết, phóng sự đã đề cập đến công ty Shaanxi Maanqiao Ecological Mining sản xuất 12.000 tấn vàng mỗi năm, và các chất thải của công ty này đã gây nên nhiều vấn đề về an toàn và ô nhiễm môi trường. Dân làng cho biết có rất nhiều tạp chất cặn bã xuất hiện trong nguồn nước sinh hoạt của họ và mọi người không dám uống nó, vì sợ ngộ độc chất cyanide. Ngoài ra, những lớp nhựa bảo vệ trong xưởng tách quặng này đã bị hư hỏng nặng nề; vậy làm sao có thể đảm bảo chống thẩm thấu [hóa chất độc hại] được, bài báo đặt ra câu hỏi.

Một trường hợp nổi tiếng khác có liên quan đến tập đoàn Zijin Mining. Ngay từ cuối năm 2006, một con đập đã bị sập tại mỏ khai thác vàng Shuyindong của tập đoàn này tại tỉnh Quý Châu. Khoảng 200.000 mét khối chất thải potassium cyanide đã bị rò rỉ ra khỏi ra khỏi xưởng tách quặng, đe dọa 2 hồ chứa nước ngọt ở vùng hạ lưu.

Việc bảo kê của chính quyền địa phương cùng với cơ chế quản lý lỏng lẻo của họ đã khiến cho người dân thực sự lo ngại và không thể tin rằng các doanh nghiệp tự giác bảo vệ môi trường. Trên thực tế, đây là chuyện khá phổ biến khi một số công ty vì muốn giảm chi phí nên họ đã cùng nhau quen thói lờ đi việc bảo vệ môi trường.

Khai thác mỏ trái phép
Bạn có thể lập luận rằng các công ty đã có giấy phép đăng ký kinh doanh thì họ luôn tuân thủ quy trình quản lý nhất định và luôn quan tâm đến các quy tắc và luật lệ. Nhưng các công ty khai thác mỏ bất hợp pháp đang tạo một mớ hỗn độn trên khắp đất nước Trung Quốc; thậm chí còn gây thiệt hại về nhân mạng qua nhiều bản tin trên báo chí.

Trong tháng 5 năm 2015, tờ Tin tức Bắc Kinh công bố một bài phóng sự với tựa đề “Mỏ vàng dài 1.000 mét đã được phát hiện trong một xưởng khai thác vàng nằm sâu dưới lòng đất”. Bài phóng sự đã miêu tả rõ về các doanh nghiệp tư nhân đang khai thác vàng ở quận Bình Cốc, thành phố Bắc Kinh. Các phóng viên phát hiện ra rằng nhiều công nhân mỏ đã bí mật sử dụng các hóa chất trái phép để liên tục nạo vét và tẩy rửa dưới lòng núi để lọc vàng thông qua than hoạt tính.

Vào tháng 6 năm 2015, một bài báo với tựa đề “Đặc tính của chất cyanide và các phương pháp an toàn để loại bỏ chất thải độc hại tại Vân Nam” đã được xuất bản trên tạp chí Luyện kim Vân Nam, một chuyên đề về ngành công nghiệp. Bài báo nói rằng gần 10 tấn chất thải cyanide độc hại đã bị các doanh nghiệp tư nhân khai thác vàng trái phép bỏ lại tại một huyện ở phía đông tỉnh Vân Nam mà không hề có bất kỳ biện pháp xử lý an toàn nào. Các chất thải nằm rải rác khắp khu vực khai thác trong rừng, một số được xác định nằm trong khu vực giếng nước phụ do chính quyền địa phương quản lý. Đống rác thải chứa các chất độc hại này đang gây ô nhiễm môi trường cũng như đe dọa nghiêm trọng tính mạng người dân xung quanh.

Thị trường chợ đen kinh doanh chất cyanide

Ngành công nghiệp mạ kim loại cũng sử dụng chất cyanide. Những xưởng chế tác nhỏ không được cấp phép để mua thì sẽ tìm cách kiếm chất cyanide này trên thị trường chợ đen. Trong nhiều trường hợp, nước thải ô nhiễm nặng được các xưởng này xã trực tiếp vào môi trường.

Thành phố Nghĩa Ô tỉnh Chiết Giang có nhiều xưởng mạ kim loại và đang đối diện đến vấn đề bị ô nhiễm nghiêm trọng chất cyanide. Vào năm 2013, một nhân viên quản lý an toàn môi trường tại thị trấn của Nghĩa Ô đã phát hiện con sông nhỏ nơi đây bị ô nhiễm nặng. Ông cũng khám phá ra một đường dây buôn bán chất cyanide trái phép với quy mô rất lớn.

Mặc dù tỷ lệ thoái biến của cyanide là khá nhanh, nhưng nếu tiếp tục tục xả khối lượng lớn hóa chất này thì sẽ gây ra hậu quả khôn lường.

Hình phạt nhẹ

Hình phạt đối với việc xả trái phép chất cyanide tại Trung Quốc không nghiêm minh bằng 2 nước Anh và Mỹ.

Ví dụ điển hình, trên trang web của Bộ Môi trường Trung Quốc, mọi người có thể đọc được bản tin “Báo cáo về tác động môi trường trong dự án phát triển tài nguyên của tập đoàn khai khoáng Bảo Sơn Hắc Long Giang”. Ngay từ những dòng đầu tiên, bài báo viết: “Hồ sơ đánh giá tác động tới môi trường của dự án đã không được Bộ cấp phép. Việc lập hồ sơ trái phép như vậy đã vi phạm các quy định hiện hành trong Luật Đánh giá Tác động tới Môi trường. Hành động này đã bị điều tra và xử phạt. Công ty phải rút kinh nghiệm, nâng cao ý thức pháp luật và không được tiếp tục vi phạm như vậy nữa”.

Rõ ràng là hình phạt [dành cho hoạt động khai thác trái phép] không có gì hơn ngoài một sự khiển trách rất nhẹ nhàng.

Theo Epoch Times | Dịch giả: Trà Văn Kính