Hành trình lớn với con: Câu chuyện của 2 người mẹ của trẻ Điếc ở Việt Nam




Được triển khai từ năm 2011 đến năm 2015 tại 4 tỉnh Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Bình và tp.Hồ Chí Minh, dự án “Giáo dục trẻ Điếc trước tuổi đến trường” – IDEO đã giúp cho 225 trẻ Điếc dưới 6 tuổi sẵn sàng đến trường bằng ngôn ngữ ký hiệu (NNKH). Với cách tiếp cận mang tính đổi mới này, dự án đã thành lập các nhóm Hỗ trợ gia đình gồm hướng dẫn viên người Điếc, phiên dịch viên NNKH và giáo viên nói đến dạy NNKH tại nhà trẻ với sự tham gia của gia đình. Hãy cùng chúng tôi theo dõi hành trình hỗ trợ con học NNKH của hai người mẹ có con sinh ra là trẻ Điếc.



Ngôn ngữ ký hiệu, ngôn ngữ chung của gia đình tôi (chị Nguyệt Hà, mẹ bé Đào Quang Lâm – một trẻ Điếc 5 tuổi)



Mẹ Nguyệt Hà và bé Lâm tại một sự kiện của cộng đồng Điếc tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: IDEO

Đào Quang Lâm là con trai đầu lòng của tôi. Cháu bị Điếc bẩm sinh. Từ khi phát hiện ra con bị Điếc khi bé được 10 tháng tuổi, chúng tôi không ngừng tìm kiếm những phương pháp để khắc phục khó khăn cho con, từ Đông y tới Tây y, như dùng máy trợ thính, cấy điện cực ốc tai. Tuy nhiên mọi cố gắng đều không mang lại kết quả gì.
Vì thương và lo cho con nên chúng tôi bao bọc con rất nhiều dẫn đến việc Lâm chẳng tự lập được việc gì, cũng chẳng cần giao tiếp xung quanh. Mỗi khi muốn gì, Lâm sẽ chỉ trỏ hoặc khóc giận giữ khóc, thét lên, vì chúng tôi không thể giao tiếp với con.

Tháng 4 năm 2014, khi con đang theo học tại một lớp hòa nhập trường Xã Đàn – trường dành cho trẻ Khiếm thính, chúng tôi được giới thiệu đến dự án IDEO và NNKH. Hàng tuần, Lâm được thầy cô tới nhà dạy NNKH và được bố mẹ đưa tới trung tâm NNKH để học chung với các trẻ Điếc khác. Chúng tôi cũng tham gia các lớp học NNKH dành cho bố mẹ. Khi học theo phương pháp này, Lâm nhận thức rất nhanh, khả năng học tập của con không hề thua kém những trẻ bình thường. Đôi khi, con thể hiện sự thông minh lanh lợi đến mức các thầy cô cũng phải ngạc nhiên.
Cả gia đình chúng tôi cũng được học rất nhiều từ vựng NNKH và có thể giao tiếp với nhau. Khi Lâm 3 tuổi thì tôi sinh bé gái thứ 2, Lâm bắt đầu tách xa khỏi tôi và em gái. Tôi không biết làm sao để nói cho con biết rằng tôi yêu con đến nhường nào, vậy là trong buổi học NNKH đầu tiên, tôi đã hỏi cô giáo cách làm ký hiệu “mẹ yêu con”. Hàng ngày, tôi làm ký hiệu đó rất nhiều lần với Lâm rồi ôm con và hôn con. Dần dần , NNKH đã trở nên quen thuộc và kết nối gia đình chúng tôi.
Cuộc sống của chúng tôi đã thay đổi và Lâm giờ đã trở nên tự lập hơn trước rất nhiều. Con bây giờ rất hạnh phúc và không còn sợ đến trường nữa. Em gái nhỏ xíu của Lâm cũng biết làm ký hiệu với bàn tay nhỏ xíu, Lâm rất thích thú. Khi cả gia đình 4 người ngồi quây quền bên nhau và học NNKH, chúng tôi cảm thấy rất vui vẻ và ngôi nhà tràn ngập tiếng cười.
Bây giờ, hai vợ chồng chúng tôi thỏa thuận với nhau buổi tối cả hai cùng ở nhà thì chỉ giao tiếp với nhau bằng NNKH để con được thêm thời gian sống trong môi trường ngôn ngữ của con. Sắp tới Lâm đến tuổi vào lớp 1, chúng tôi chỉ mong sao con có thể học ở lớp được dạy bằng NNKH. Và chúng tôi vẫn đang cố gắng hết sức mình để dần biến mong muốn đó thành hiện thực.


Con trai tôi là một đứa trẻ bình thường, chỉ khác ngôn ngữ mà thôi (chị Phương Hà, mẹ bé Nguyên, 6 tuổi)



Năm 2009, con trai tôi ra đời trong sự mong chờ và hạnh phúc của cả gia đình. Cháu cứ thế dần lớn lên với một vài biểu hiện khá đáng lo. Cháu chậm nói, khi tôi gọi cháu không thèm quay lại, khi tôi dậy con tập nói bé không chịu học.
Sau khi biết rằng con bị Điếc, vợ chồng tôi lao vào chạy chữa. Trong thời gian này, tôi đưa con đi học ở một trường hòa nhập. Học được gần hai tháng, con tôi có những biểu hiện cáu gắt, bất an. Đỉnh điểm cho tới một ngày, hôm tôi tới đón con, đặt bé lên xe mà người con nhũn ra, mắt khép hờ. Quá sợ hãi, tôi cho con nghỉ học sau hôm đó. Bác sỹ tư vấn cho gia đình chúng tôi rằng bé có thể bị suy nhược áp lực stress tâm lý.


Khôi Nguyên và hướng dẫn viên Điếc tại một giờ học tại nhà. Ảnh: IDEO

Sau một thời gian suy nghĩ, tôi quyết định xin cho con vào học trường Xã Đàn, lúc đó con được 3 tuổi rưỡi. Tôi nhận thấy thời gian này con tôi khá cục tính. Con hay cáu, hét, đánh mọi người xung quanh và tự đánh chính mình. Có lẽ con không diễn tả được những nhu cầu bản thân và mọi người cũng không thể hiểu con. Chúng tôi không có cách nào giao tiếp và giáo dục con. Thật nản lòng, không muốn bước tiếp.


Tới năm 2013, dự án IDEO về trường Xã Đàn nơi con tôi theo học. Khi được mời phỏng vấn tôi vẫn chưa biết rõ về dự án. Tôi đã lưỡng lự việc tham gia vì vẫn còn suy nghĩ sẽ cấy ốc tai cho con. Nhưng sau khi nói chuyện với nhóm dự án và tham dự một buổi hội thảo do dự án tổ chức, tôi mở mang suy nghĩ, có thêm hy vọng và nhen nhóm trong tôi niềm tin vào cuộc sống. Tôi đã gặp những người Điếc. Họ đẹp đẽ, họ tự tin ngồi kia chia sẻ về con đường học tập, rèn luyện trưởng thành và cả sự thành công. Tôi ngồi nhìn họ dùng đôi tay ký hiệu, tai nghe bạn phiên dịch nói mà mắt mờ đi vì xúc động. Tối quyết định cho con theo dự án.
Tháng 7 năm 2013 con tôi bắt đầu có những buổi học ký hiệu đầu tiên với giáo viên là người Điếc. Thời gian đầu con không hợp tác, không chịu học. Cô giáo người Điếc vẫn kiên trì, tôi cũng ngồi học ký hiệu cùng. Dần dần cháu bắt đầu thay đổi. Đôi tay cháu đã bắt đầu biết làm những ký hiệu đơn giản như muốn đi vệ sinh, đi ăn hoặc xem TV. Khi đã nhận ra NNKH chính là ngôn ngữ của mình, cháu chịu học và tiến bộ rất nhanh. Rồi cháu biết tên ký hiệu mặt của mình, biết màu sắc, biết đếm số, biết các hiện tượng tự nhiên, biết thể hiện cảm xúc đau, buồn, vui vẻ hay tức giận.


Tôi cũng bắt đầu tham dự lớp học NNKH dành cho cha mẹ. Rồi chúng tôi họp nhau lại lập ra hội cha mẹ trẻ Điếc cùng giúp nhau học ký hiệu. Qua thời gian học tôi dần có thể nói chuyện với con những câu chuyện đơn giản rồi phức tạp.
Khi có thể giao tiếp, con tôi giảm dần các cơn giận; con thích dùng ký hiệu và hay trò chuyện hơn. Sau giờ học, con về nhà kể cho tôi chuyện ở lớp, điều mà chỉ một năm trước đây tôi không thể trưởng tượng được. Khỏi phải nói gia đình tôi vui như thế nào. Con trai tôi được sống trong yêu thương, được quan tâm từ cộng đồng, được phát triển toàn diện từ sự hỗ trợ hết mình của dự án IDEO. Cán bộ dự án, cha mẹ trẻ Điếc, giáo viên Điếc, phiên dịch… ở Hà Nội, Quảng Bình, Thái Nguyên, Tp. HCM, tất cả đang cùng hành động vì tương lai người Điếc Việt Nam.


Khôi Nguyên cùng mẹ Phương Hà và em gái kể chuyện bằng ngôn ngữ ký hiệu tại một sự kiện của cộng đồng Điếc tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: IDEO

Ông bà nội cháu ở xa mỗi lần chúng tôi về thăm lại nói: “Nguyên lớn rồi, khôn lắm, cái gì cũng biết.” Con trai tôi giờ trở thành một người bình thường trong mắt mọi người, chỉ khác ngôn ngữ mà thôi.
Bài viết được đăng với sự đồng ý từ Ngân hàng thế giới tại Việt Nam.


Theo DKN