Cảnh báo: Biển Chết có thể chết thật vào năm 2050


Biển Chết hiện đang nhanh chóng “co lại”, thậm chí nhiều chuyên gia cảnh báo nó có thể chết thật vào năm 2050. Điều này phản ánh số phận chung của các tuyến đường thủy ở Trung Đông.



Du khách có thể thoải mái đọc báo trong khi đang ngâm mình, minh họa cho sức nổi ở Biển Chết.


Biển Chết có khoáng sản phong phú và hàm lượng muối cao khiến con người có thể thoải mái nổi trên mặt nước. Từ lâu, biển Chết là địa điểm hút khách vì nước ở đây giúp điều trị một số bệnh về da và viêm khớp. Thế nhưng giờ đây, bãi cát nóng rát kia mỗi năm càng dài hơn, đồng nghĩa biển Chết ngày càng “teo tóp”.

Bắt đầu từ những năm 1920, các nhà khoa học thế giới đã nhận thấy mực nước ở Biển Chết đang giảm đi. Cho đến năm 1950, hơn 40 mét nước đã “biến mất”, Daily Mail cho hay.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khô hạn của Biển Chết được cho là vì lượng nước đổ vào từ sông Jordan ngày càng giảm, nguồn nước cung cấp chính cho Biển Chết, khu vực xung quanh đều là sa mạc khiến lượng mưa hàng năm rất thấp, không đủ bù đắp cho lượng nước mất đi. Trung bình mỗi năm mực nước biển tại đây giảm đi 1 mét.
Các nhà khoa học cảnh báo, cần sớm khôi phục đủ lượng nước của sông Jordan nếu không nó có thể chết thật vào năm 2050. Trong khi đó, đề xuất làm đường ống dẫn nước từ biển Đỏ sang biển Chết gây tranh cãi vì người dân lo ngại sẽ ảnh hưởng đến môi trường.
Sự thu hẹp diện tích của biển Chết phản ánh số phận chung của các tuyến đường thủy ở Trung Đông. Ngay cả sông Jordan cũng có nhiều khúc bị khô hạn, chủ yếu do gia tăng dân số, phát triển không bền vững và tư tưởng xung đột, theo ông Gidon Bromberg thuộc tổ chức phi chính phủ EcoPeace Middle East.
Các quốc gia xung quanh không chỉ cố giữ nước cho riêng mình mà còn không muốn chia sẻ với quốc gia bị xem là thù địch. Nhiều người còn nghĩ rằng kẻ thù đang sống ở hạ lưu nên sông có dơ cũng mặc kệ”, ông Bromberg nói với báo Straits Times của Singapore.
Dù vậy, ông Bromberg cũng ghi nhận một số nước đã có bước tiến triển trong quá trình hợp tác xử lý cuộc khủng hoảng môi trường nêu trên. Chẳng hạn, trong 2 năm qua, Israel đã tháo nước vào sông Jordan.

Theo Người Lao Động, Zing