“Quan hệ Nga-Trung không tốt đẹp như Putin nói”


"Những nhận định về quan hệ Nga-Trung và thực tế là những điều hoàn toàn khác biệt... Nga không phải là đối tác chủ chốt của Trung Quốc".

Tờ Bloomberg ngày 2/9 dẫn quan điểm của các tác giả Elena Mazneva, Anna Baraulina và Yuliya Fedorinova bình luận, quan hệ Nga-Trung trên thực tế có thể không đang phát triển mạnh mẽ và tốt đẹp như lời Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định.
Nga đã chuyển hướng tăng cường quan hệ kinh tế và chính trị gần gũi hơn với Trung Quốc trong thời gian gần đây nhằm hạn chế những tiêu cực do các biện pháp trừng phạt của phương Tây gây ra.
Mô tả về mối quan hệ Moscow-Bắc Kinh trong hai năm gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn TASS và Tân Hoa Xã hôm 1/9, một ngày trước chuyến công du Bắc Kinh rằng: “Quan hệ Nga-Trung đã đạt mức cao nhất có thể trong lịch sử và tiếp tục phát triển”.

Quan hệ Nga-Trung thực sự có đạt mức cao nhất có thể trong lịch sử và tiếp tục phát triển như lời ông Putin nói?
Tuy nhiên, các dữ liệu về kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc lại cho thấy một câu chuyện khác mà ông Putin đã không đề cập tới trong cuộc phỏng vấn.
Sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc trong vài tuần qua đã tạo ra thêm các áp lực đối với nền kinh tế Nga và khiến đồng rúp giảm xuống mức thấp nhất trong tháng.
Những nghi ngờ ngày càng tăng về triển vọng kinh tế của Trung Quốc cũng đã tác động đến giá dầu và khí đốt, hai mặt hàng xuất khẩu chính của Moscow, đẩy Nga rơi sâu hơn vào suy thoái.
Thương mại giữa Nga và Trung Quốc đã giảm 29% trong nửa đầu năm nay xuống 30,6 tỷ USD do sự sụt giảm mức đầu tư từ phía các doanh nhân láng giềng. Các quan chức chính phủ Nga hiện nay hầu như không còn có cơ hội để đạt được mục tiêu đạt 100 tỷ USD thương mại song phương với Trung Quốc như mục tiêu ông Putin đã công bố trong tháng 10 năm ngoái.
“Những nhận định về quan hệ Nga-Trung và thực tế là những điều hoàn toàn khác biệt… Nga không phải là đối tác chủ chốt của Trung Quốc bởi họ còn có một loạt các lựa chọn khác để cung cấp nguồn tài nguyên cho mình bất chấp những khó khăn kinh tế gần đây”, Alexander Gabuyev, người đứng đầu Chương trình Nga trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Moscow Carnegie nói trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg hôm 31/8.
Thương vụ lớn nhất dự kiến sẽ được ký kết trong chuyến công du Bắc Kinh lần này của ông Putin, theo người phụ trách chính sách đối ngoại của Kremlin -Yuri Ushakov, là bản ghi nhớ về dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Viễn Đông sang Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Ushakov cho biết thêm rằng không chắc chắn đạt được mục tiêu trên trong thời điểm hiện nay.
Sự sụt giảm thương mại song phương hồi đầu năm nay lần đầu tiên trong 5 năm qua đã đẩy Nga ra ngoài top 15 đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc.
Nga đã đặt ra rất nhiều kỳ vọng to lớn trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Tuy nhiên, một số chương trình khuyến khích thương mại Nga-Trung đã được công bố trước đó hiện cũng không diễn ra như kỳ vọng.
Thỏa thuận hoán đổi 150 tỷ nhân dân tệ theo nội dung Ngân hàng Trung ương Nga và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ký kết hồi tháng 10 năm ngoái nhằm tạo điều kiện cho giao dịch trực tiếp giữa đồng rúp và nhân dân tệ thay vì sử dụng đồng đô la Mỹ làm trung gian đã vẫn chưa thể thực thi, Peter Fradkov, Phó chủ tịch thứ nhất củai Vnesheconombank cho biết.
Tập đoàn Gazprom đã thúc đẩy hợp đồng cung cấp khí đốt trị giá 400 tỷ USD trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi năm ngoái của ông Putin. Tuy nhiên, hiện hai bên đang có bất đồng trong việc thanh toán tạm ứng từ Trung Quốc và có đồn đoán cho rằng Bắc Kinh muốn hủy bỏ hợp đồng này.
Điểm sáng duy nhất trong hợp tác thương mại Nga-Trung hiện nay là việc Moscow đã chọn Bắc Kinh là nhà thầu xây dựng đường sắt tốc độ cao từ Moscow đến Kazan trị giá 1 nghìn tỷ rúp.
Những dữ liệu trên cho thấy Trung Quốc đang nắm thế thượng phong trong quan hệ Nga-Trung, Moscow đang cần Bắc Kinh nhiều hơn là Trung Quốc cần Nga.
Trước đó, tờ Calcalist của Israel cũng đăng tải bài bình luận cho rằng Trung Quốc tỏ ra khá thực dụng trong mối quan hệ với Moscow, luôn đặt lợi ích của mình lên hàng đầu và sẵn sàng bỏ rơi các đối tác khi cần thiết.
Nguyên do của tình trạng này là do Trung Quốc không còn thấy ở Nga là một thị trường hấp dẫn mà thay vào đó là nhiều rủi ro. Ngoài ra, nhiều quốc gia khác đang hứa hẹn cung cấp cho Bắc Kinh những nguồn tài nguyên mà họ đang rất thèm khát với giá hấp dẫn hơn Moscow rất nhiều.
Dẫu vậy, các quan chức Nga nói rằng họ sẽ không từ bỏ hy vọng. “Khi có một sự tăng trưởng bùng nổ trong một mối quan hệ hợp tác, ý định bao giờ cũng nhiều hơn so với kết quả”, Phó Thủ tướng Arkady Dvorkovich cho biết hôm 26/8.


Nguồn: Giaoduc.net.vn