Khủng bố thay đổi thế nào 14 năm sau vụ 11/9


Sau vụ tấn công chấn động thế giới năm 2001, chủ nghĩa khủng bố không ngừng biến tướng với những thế lực, địa bàn, phương thức hoạt động và tuyên truyền ngày một tinh vi, khó lường.






Vụ khủng bố 11/9. Ảnh: Roberto Robanne
Theo giới chuyên gia, mối đe dọa của những kẻ khủng bố Hồi giáo ngày nay vừa có mặt suy giảm, vừa có mặt dữ dội hơn. Khủng bố đa dạng hơn về mặt địa lý, các tổ chức mâu thuẫn với nhau nhiều hơn nhưng lại biết cách tận dụng triệt để mạng xã hội và internet, điều không thể làm được vào năm 2001.

Thế lực mới

Việc thủ lĩnh al-Qaeda, Ayman al-Zawahiri, tuần này ra thông điệp chỉ trích Nhà nước Hồi giáo (IS) cho thấy mạng lưới khủng bố này đã thay đổi thế nào so với 14 năm trước.

Năm 2001, al Qaeda là "gã khổng lồ" trong các nhóm jihad, và vị thế đó sau vụ tấn công 11/9 còn lớn hơn. Nhưng ngày nay, al-Zawahiri, kẻ thay thế Osama bin Laden từ năm 2011, đang vất vả để giữ thanh thế trước đối thủ mới là IS.

Al-Qaeda trước nay vẫn luôn xem chiến dịch của mình là một cuộc đấu tranh qua nhiều thế hệ để hướng tới ngày vinh quang, cho tới khi một nhà nước Hồi giáo được hình thành như lời tiên tri trong đạo Hồi. Và rồi năm 2010 - 2011, Abu Bakr al-Baghdadi tái thiết IS từ tro tàn của al-Qaeda tại Iraq, mở rộng phạm vi hoạt động sang cả Syria năm 2012. Năm 2014, tên này tuyên bố mình là thủ lĩnh của tất cả người Hồi giáo. Do vậy, một cuộc đối đầu đang diễn ra giữa hai tổ chức lớn trong phòng trào jihad, theo cách mà 14 năm trước khó ai có thể tưởng tượng ra.


Thủ lĩnh tối cao al-Qaeda, Ayman al-Zawahiri (trái) và thũ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi. Ảnh: ABC News
Al-Qaeda có "phù thủy" chế tạo bom tại Yemen, Ibrahim al-Asiri, và một chỉ huy tại Afghanistan tên là Farouq al Qahtani, có tiếng là thông minh và có sức ảnh hưởng lớn. IS thì có một loạt những kẻ thay thế ngôi thủ lĩnh tiềm năng, trong trường hợp al-Baghdadi bị tiêu diệt.

Thoạt đầu, việc hai nhóm jihad đấu đá nhau có vẻ là tin tốt, khi al-Zawahiri không ngần ngại che giấu sự đối đầu với al-Baghdadi trong phát biểu mới nhất. Dù vậy, trong cuối bài diễn văn, tên này vẫn nói rằng "sẽ hợp tác với IS" trong cuộc chiến chống lại phương Tây dù không công nhận nhà nước tự xưng của họ.

Kiểm soát lãnh thổ

Một điều khác mà 14 năm trước khó ai có thể tưởng tượng là việc một nhóm jihad có thể chiếm quyền kiểm soát vùng lãnh thổ rộng lớn. Al-Qaeda từng là khách của Taliban tại Afghanistan, và sau vụ 11/9, nhóm phải phân tán lên các dãy núi tại Pakistan. Nhóm Al-Shabaab, từng kiểm soát được một số vùng tại miền trung và nam Somalia trong thời gian ngắn. Al-Qaeda tại Maghreb, Bắc Phi cũng từng làm chủ một số thị trấn tại Mali.

Tuy vậy, các nhóm này chưa khi nào có được một "nhà nước" giống như IS hiện nay. IS có tòa án Hồi giáo, các dịch vụ xã hội cơ bản và thậm chí cả đồng tiền riêng.

Theo Nick Rasmussen, giám đốc Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia Mỹ, IS tiếp cận được với các nguồn lực, cả về nhân lực và tiền tệ; nhóm cũng kiểm soát lãnh thổ nên có một nơi trú ẩn an toàn. Đó là những yếu tố thiết yếu để phát triển sức mạnh.

Đồng thời chuyên gia này cho biết đang có những lo ngại về khả năng IS mở rộng địa bàn hoạt động sang Mỹ và châu Âu, trong khi al-Qaeda có thể hồi sinh tại Afghanistan khi quân Mỹ dần rút đi.

Lây lan chóng mặt


Năm 2001, al-Qaeda có trại huấn luyện tại Afghanistan. Các phần tử jihad cũng hiện diện tại Algeria, Kavkaz, và bán đảo Arab. Giờ thì các nhóm jihad từ Indonesia tới bờ biển châu Phi ở Đại Tây Dương đều tuyên bố trung thành với al-Qaeda hoặc IS.

Cựu quyền giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Morell nhận định chiến thắng lớn nhất của al-Qaeda là "truyền bá tư tưởng của nhóm này trên quy mô rộng lớn, từ bắc Nigeria, qua châu Phi và vào Yemen, cũng như tới Iraq và Syria. Ông nhận định khoảng 20 quốc gia giờ đã có các nhóm khủng bố sinh sôi bên trong, phát tán tư tưởng jihad.

Trong khi đó, IS lập nên các "tỉnh" ở Syria và Iraq với tốc độ chóng mặt. Nhiều khu vực khác thì trở thành những nơi các nước phải khuyến cáo công dân tránh xa, như Tunisia, một phần Kenya và Ai Cập, Libya, bắc Nigeria, Yemen, nơi các phiến quân cực đoan đang hoành hành.

Ông Rasmussen cho rằng "kể từ vụ 11/9, những kẻ khủng bố cực đoan đang dàn quân khắp thế giới, trên phạm vi rộng hơn, sâu hơn bất kỳ thời điểm nào trước đó".

Nguy cơ tấn công

Nguy cơ tấn công cũng thay đổi từ sau vụ 11/9. Theo những người từng hoạt động trong hàng ngũ al-Qaeda, việc lập kế hoạch vụ khủng bố nhằm vào Mỹ năm 2001 do Abu Hafs al Masri và Khalid Sheikh Mohammed thực hiện suốt 2 năm trước đó. Kể từ đó đến nay, Mỹ và đồng minh đã tăng cường an ninh nội địa, vì vậy, một vụ tấn công ác liệt như vậy ít có khả năng xảy ra hơn.

Nhưng các mối đe dọa giờ cũng đa dạng hơn, tương tự như sức hút ngày một lớn của IS với một số người sống tại phương Tây, nơi các vụ tấn công tuy nhỏ nhưng vẫn gây thương vong xuất hiện ngày một nhiều. Riêng từ đầu năm đến nay, các vụ tấn công khủng bố tại Pháp và Tunisia đã khiến hơn 70 người thiệt mạng.

Đây chính là cách một số cá nhân, hoặc nhóm người ủng hộ al-Qaeda và IS đang hành động - như những "con sói đơn độc". Ranh giới giữa một cuộc tấn công do những kẻ tự cực đoan hóa và bị kích động, với một vụ tấn công được lập kế hoạch và giật dây bởi lãnh đạo nhóm khủng bố ngày một mờ dần.

Anh em nhà Kouachi, hai kẻ tấn công trụ sở tạp chí trào phúng Charlie Hebdo tại Paris hồi tháng một, từng đứng trong hàng ngũ al-Qaeda tại Yemen 4 năm, nhưng hoàn toàn tự ra quyết định về cuộc tấn công của mình.

Âm mưu tấn công triển lãm tranh trào phúng nhà tiên tri Mohammed tại Dallas, Mỹ hồi tháng 5 dường như được xúi giục bởi một kẻ hô hào cổ động cho IS, nhưng lại được lên kế hoạch kém. Cuối cùng, chính hai kẻ tấn công phải mất mạng.

Dù vậy, ông Rasmussen cho rằng tốc độ lập kế hoạch cho những âm mưu dạng này nhanh hơn nhiều và khiến các cơ quan hành pháp cũng như tình báo có ít thời gian để ngăn chặn hoặc giảm thiểu âm mưu tiềm tàng. Đó chính là thách thức lớn với chính quyền.

Thách thức này ngày càng nghiêm trọng khi số lượng cá nhân phương Tây sang Iraq và Syria những năm gần đây tăng mạnh. Ước tính khoảng 5.000 người phương Tây đã có kinh nghiệm chiến đấu hoặc dùng bom và vũ khí sau khi gia nhập IS. Mike Morell dự đoán rằng một cuộc tấn công tại Mỹ hoặc châu Âu do IS trực tiếp chỉ đạo sớm muộn cũng diễn ra. Dù có thể ở quy mô nhỏ, nhưng qua thời gian, khả năng thực hiện một cuộc tấn công tinh vi của IS sẽ tăng lên.

Tuyên truyền tinh vi


Trong những năm trước và ngay sau vụ 11/9, những tuyên bố của al-Qaeda thường xuất hiện qua mạng lưới truyền hình như Al Jazeera. Hiện giờ IS đã có cả một cỗ máy tuyên truyền riêng bằng nhiều thứ tiếng, cho đăng tải những đoạn video, ảnh và thậm chí cả bản tin hàng ngày.

Chất lượng của chúng cũng cao hơn, được phát tán rộng rãi qua các tài khoản Twitter và trang web của phần tử jihad. Nhiều người ủng hộ IS dùng mạng xã hội để xúi giục tấn công, hoặc dụ dỗ người gia nhập nhóm. IS cũng có những chuyên gia công nghệ thông tin có thể mã hóa thông tin.

Ông Rasmussen nhận định rằng một trong những mối lo ngại lớn hiện nay là các nhóm khủng bố rất lão luyện trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông mới, với những cách chúng ta khó có thể ngăn chặn.

Cuộc chiến dài


Một điều có lẽ chưa thay đổi từ sau vụ 11/9, hoặc đang trở nên rõ ràng hơn đó là con đường tiêu diệt khủng bố còn rất dài. Tình báo phương Tây từng tuyên bố phải mất nhiều năm để làm al-Qaeda suy yếu, giờ họ cũng nói vậy khi bàn về việc triệt phá al-Qaeda và IS. Thời gian giờ được tính bằng nhiều thập kỷ hoặc một thế hệ, thay vì vài năm.

Giải pháp được đưa ra để đẩy lùi những nhóm này trong cuộc chiến tư tưởng cũng có vẻ giống trước. Morell cho rằng phương Tây "phải giải quyết vấn đề từ gốc rễ, phải làm suy yếu sức hút của những kẻ jihad tới các thanh niên Hồi giáo".

Nhưng việc này không hề dễ dàng. Rất nhiều vấn đề từng làm chia rẽ thế giới Arab năm 2001 vẫn hiện hữu, và thậm chí còn bị đẩy lên cao sau Mùa xuân Arab.

Tông tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey, nói rằng "những bất ổn lớn, các nhóm chống chính phủ, xung đột sắc tộc và tôn giáo tại Trung Đông và Bắc Phi sẽ phải mất một thập kỷ hoặc lâu hơn để giải quyết".

Cựu quan chức CIA Morell cũng đồng ý với quan điểm này. "Chúng ta có thể coi 14 năm qua như mới chỉ là màn mở đầu cho một cuộc chiến rất dài".

Theo CNN