Văn hóa cúi chào trong đời sống thường ngày của người Nhật



Cúi đầu để chào, cảm ơn, và xin lỗi là cử chỉ hàng ngày và rất quan trọng trong đời sống và văn hóa Nhật Bản. Trong cách cúi chào, người cúi thể hiện sự đánh giá cao và tôn trọng người phía trước mình. Cùng tìm hiểu về tập tục này của người Nhật.


Cúi chào là cử chỉ hàng ngày và quan trọng trong đời sống của người Nhật


Một quy tắc bất thành văn là “người dưới” bao giờ cũng phải chào “người trên” trước và theo quy định đó thì người lớn tuổi là người trên của người ít tuổi, nam là người trên đối với nữ, thầy là người trên (không phụ thuộc vào tuổi tác, hoàn cảnh), khách là người trên… Người Nhật sử dụng ba kiểu cúi chào sau:

Kiểu Saikeirei: cúi xuống từ từ và rất thấp là hình thức cao nhất, biểu hiện sự kính trọng sâu sắc và thường sử dụng trước bàn thờ trong các đền của Thần đạo, chùa của Phật giáo, trước Quốc kỳ, trước Thiên Hoàng.

Kiểu cúi chào bình thường: thân mình cúi xuống 20-30 độ và giữ nguyên 2-3 giây. Nếu đang ngồi trên sàn nhà mà muốn chào thì đặt hai tay xuống sàn, lòng bàn tay úp sấp cách nhau 10-20cm, đầu cúi thấp cách sàn nhà 10-15cm.

Kiểu khẽ cúi chào: thân mình và đầu chỉ hơi cúi khoảng một giây, hai tay để bên hông. Người Nhật chào nhau vài lần trong ngày, nhưng chỉ lần đầu thì phải chào thi lễ, những lần sau chỉ khẽ cúi chào. Ngay cả người Nhật cũng thấy những nghi thức cúi chào này hết sức rườm rà nhưng nó vẫn tồn tại trong quá trình giao tiếp từ thế hệ này qua thế hệ khác và cho đến tận ngày nay. Nhìn chung hành động cúi có thể được phân thành ba loại: xã giao, lịch sự, và hết sức kính trọng hoặc xin được thứ lỗi, tùy thuộc vào độ nghiêng khi cúi người.

Nghiêng bao nhiêu độ khi cúi thể hiện các thông điệp khác nhau. Khi cúi nghiêng cả thân chứ không chỉ cúi đầu.

Mặc dù trẻ em Nhật bắt đầu học cách cúi đầu từ khi còn ở mẫu giáo, các công ty thường dạy cho nhân viên cách cúi chào sao cho đúng. Nam giới khi cúi hai tay để dọc theo thân người trong khi nữ giới bắt chéo hai tay trước bụng và mắt nhìn xuống. Thường thì người cúi, theo kiểu thứ hai và ba kể trên, giữ nguyên vị trí trong khoảng 2-3 giây. Do đó khi hai bên chào nhau thường xảy ra việc một người cúi xong sớm hơn người kia, do đó theo phép lịch sự người “xong sớm” lại cúi lại lần nữa. Tuy vậy người địa vị thấp hơn thường cúi lâu hơn và nghiêng thân nhiều hơn so với người có địa vị cao hơn và đôi khi một số người bề trên lại chẳng cúi chút nào. Tất nhiên khi cúi để được thứ lỗi thì thời gian cúi cần lâu hơn so với hai loại cúi chào xã giao hoặc khi chào hỏi lúc làm việc hay cúi khi cảm ơn.

Truyền thông từng chỉ trích Tổng thống Obama cúi quá thấp.

Thế nhưng vì kính trọng mà lại cúi quá thấp thì có thể bị chỉ trích như trường hợp Tổng thống Obama khi gặp Nhật hoàng Akihito vào cuối năm 2009 khi ông gập người xuống gần 90 độ. Khi gặp người nước ngoài, nhiều người Nhật sẽ bắt tay. Vì nhiều người nước ngoài biết phong tục người Nhật chào kiểu cúi người nên thường dẫn đến cả hai bên vừa cúi chào vừa bắt tay.

Ngày nay, nghi thức cúi chào cũng được tiết giảm nhiều, thường chú trọng trong lần gặp đầu tiên, hoặc với đối tác quan trọng. Khi đã thân thiết, việc hành lễ này cũng được đơn giản hơn, đôi khi chỉ là một cử chỉ gật đầu nhẹ, hay một cái vẫy tay hoặc một lời chào xã giao. Việc này cho thấy các lễ tiết trong văn hóa Nhật cũng đang dần có sự thay đổi để hòa nhập với văn hóa cộng đồng thế giới.

Theo tổng hợp