Nhà nước Hồi giáo có thể hướng đến sử dụng vũ khí hóa học – Tại sao chưa có sự phản đối quốc tế nào?






Những binh lính người Kurd đi khảo sát địa điểm một vụ tấn công bằng bom trên một con đường giữa Mosul, Iraq, và biên giới Syria ở miền bắc Iraq. Chính quyền người Kurd ở Iraq cho biết họ có bằng chứng Nhà nước Hồi giáo sử dụng khí clo như một vũ khí hóa học chống lại những người lính Peshmerga. (Hội đồng an ninh khu vực Kurdista / AP)

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nhà nước Hồi giáo (ISIS) đang sử dụng vũ khí hóa học tại Iraq và Syria. Tội ác nghiêm trọng này một khi được sử dụng sẽ vạch ra một “lằn ranh đỏ” với phần còn lại của thế giới, và kích động một phản ứng tương xứng.
Cho đến nay, một trong những lời buộc tội thuyết phục nhất là một báo cáo gần đây cho rằng nhóm khủng bố đã sử dụng khí mù tạt ở Marea, một thị trấn Syria gần Aleppo. Không có ai bị thiệt mạng, nhưng có khoảng 30 người phải điều trị nhiều chấn thương nghiêm trọng do hoá chất. Một trong những nạn nhân là một em bé 5 ngày tuổi.
Liên Hiệp Quốc hiện đang thiết lập một cuộc điều tra về vụ tấn công, nhưng xét mức độ nghiêm trọng của những gì có thể là một chiến dịch hóa học được toan tính một cách hoàn chỉnh, tất cả việc đó dường như là quá ít và quá muộn.
Bằng chứng tăng vọt

Điều này vượt xa cáo buộc đầu tiên về việc ISIS đã sử dụng vũ khí hóa học. Vào tháng 7 năm 2014, đã có các báo cáo về một cuộc tấn công bằng hóa chất chống lại lực lượng người Kurd ở Kobani, Syria. ISIS được cho là đã đánh cắp khí clo để sử dụng trong các cuộc tấn công từ cơ sở hóa chất Muthanna gần Baghdad ở Iraq.

Sau đó, vào tháng 10 năm 2014, các bác sĩ và cảnh sát Iraq đã điều tra những cáo buộc cho rằng ISIS sử dụng clo như một thứ vũ khí ở Dhuluiya, một thị trấn ở phía bắc Baghdad. Các nhân chứng báo cáo về một làn khói vàng tại hiện trường đã khiến họ xây xẩm và nôn mửa. Các chuyên gia chỉ ra rằng những nhà máy xử lý nước trong khu vực hiện nay nằm dưới sự kiểm soát ISIS có thể là nguồn cung cấp khí clo.
Tháng 3 năm 2015, chính quyền người Kurd tuyên bố ISIS đã sử dụng vũ khí hóa học chống lại các binh sĩ peshmerga bên ngoài thành phố Mosul của Iraq. Họ chiếu một đoạn video về cuộc tấn công. Người ta thấy một chiếc xe tải cuồn cuộn khói trắng đang lao về phía đội quân người Kurd, và sau đó phát nổ. Khói làm cho các chiến binh nôn mửa nghiêm trọng – đều là các triệu chứng của phơi nhiễm hóa chất.
ISIS có thể đã bắt đầu kết hợp vũ khí hóa học trong chiến lược của chúng.
Tháng 6 năm 2015, khí độc đã được sử dụng trong và xung quanh thành phố Hasaka của Syria. Các nhà điều tra không thể xác nhận những hóa chất nào đã được sử dụng, nhưng có khả năng đó là một số loại hoá chất dùng cho nông nghiệp. Khoảng thời gian này, tổ chức Saharan Research and Conflict Armament Rếarch đã phát hành một tài liệu chỉ ra rằng ISIS đã sử dụng vũ khí hóa học tại 24 vụ riêng rẽ ở Syria.
Sau đó ISIS thực hiện một cuộc tấn công bằng khí mù tạt ở thị trấn Makhmour của Iraq vào tháng 8 năm 2015. Hoa Kỳ đã xác nhận cuộc tấn công. Các cuộc điều tra cho rằng các vũ khí được sử dụng có nguồn gốc từ Syria.


Hai năm trước, Bashar al-Assad đã thoả thuận với Hoa Kỳ và Nga sẽ từ bỏ và sau đó là phá huỷ kho dự trữ vũ khí hóa học của ông ta. Nhưng hiện nay có một báo cáo đã phát hiện có khoảng cách rất lớn giữa số lượng vũ khí đã công bố và số thực sự đã bị huỷ, và cho rằng ISIS đã nắm giữ ít nhất là một vài kho dự trữ bị mất tích. (Libya cũng bị nghi ngờ có khả năng là một nguồn cung.)
Chi tiết của các cuộc tấn công có thể còn chưa sáng tỏ, nhưng bức tranh tổng thể là rõ ràng: ISIS có thể đã bắt đầu kết hợp vũ khí hóa học trong chiến lược của chúng. Cuộc giao tranh ở Iraq và Syria đã cho nhóm này nhiều cơ hội để có thể nắm giữ những loại vũ khí này, và nếu các cáo buộc và bằng chứng đã thu thập được cho đến nay là chính xác, thì ISIS hiện đang sử dụng chúng thường xuyên.
Cho đến nay, các cuộc tấn công còn chưa được xác nhận là tương đối nhỏ và con số thương vong được công bố tương đối ít – mặc dù nếu ISIS đã thu giữ những kho dự trữ lớn, điều đó có thể sẽ sớm thay đổi.
Hãy chấm dứt “lằn ranh đỏ”

Với tất cả tiền lệ lịch sử và pháp lý, rõ ràng là các cuộc tấn công hóa học của ISIS là một vấn đề lớn. Việc Assad sử dụng những loại vũ khí này đã quá đủ để Hoa Kỳ đe dọa không kích chống Syria. Chắc chắn sau này việc phổ biến vũ khí hóa học của ISIS sẽ là một vấn đề quan trọng.
Nhưng những cáo buộc chống lại ISIS đã không làm thay đổi bất cứ điều gì. Không có quốc gia nào tỏ ra thực sự quan tâm giải quyết vấn đề chất độc hoá học cụ thể của ISIS, chưa nói đến việc đưa ra một phản ứng. Họ đã không có phản ứng nào hết.
Không có quốc gia nào tỏ ra thực sự quan tâm giải quyết vấn đề chất độc hoá học cụ thể của ISIS, chưa nói đến việc đưa ra một phản ứng. Họ đã không có phản ứng nào hết.
Dù người ta đã ra những công bố thích hợp về sự khủng khiếp của vũ khí hoá học, chúng ta chưa chứng kiến bất kỳ hành động thực tế nào. Các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt đã có thể là một lý do đủ sức tác động cho George W. Bush và Tony Blair, nhưng với những bài học của Iraq và sự hỗn loạn của cuộc xung đột ISIS, lý do này hiện nay chưa thích hợp.


Những nỗ lực của thế giới trong việc giải quyết các cuộc tấn công hóa học của chế độ Assad, những hành động tạo ra một sự thúc đẩy ngoại giao nhằm tháo dỡ một cách hòa bình các kho dự trữ, hóa ra tồn tại rất ngắn ngủi. Assad tiếp tục sử dụng khí clo cho đến nay, và Hoa Kỳ đã không làm bất cứ điều gì để ngăn chặn. Điều này xảy ra là vì chính quyền Obama không thực sự muốn bị dính líu vào, dù là vũ khí hóa học hay không họ cũng mặc.


Đây cũng là điều tương tự với ISIS. Đâu là điều thúc đẩy Hoa Kỳ hành động? Obama còn lâu mới triển khai bộ binh ở Syria hay Iraq – và tham gia vào các cuộc tấn công vào kho hóa chất một cách nghiêm túc như đã làm với các kho dự trữ của Assad nhằm làm tăng áp lực để ông ta can thiệp. Không có gì lạ khi ông ta không muốn nói về những gì đang xảy ra.
Kết quả là, các vụ tấn công bằng hóa chất có khả năng nhanh chóng bị trùm chăn phủ bạt. Trừ khi có một sự cố “lớn” (bất cứ điều gì có thể xảy ra) những điều này có khả năng sẽ bị bỏ qua.
Đây là sự đạo đức giả ở mức cao nhất. Cho dù chúng ta tin rằng các loại vũ khí hóa học phải được xử lý dứt khoát hay không, các cuộc xung đột ở Syria và Iraq sẽ không chấm dứt nếu không có một chính sách thích hợp.
Michelle Bentley là giảng viên về quan hệ quốc tế tại Royal Holloway, Vương Quốc Anh. Bài viết này đã được công bố trước đây tại TheConversation.com
Quan điểm thể hiện trong bài viết này là những ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Epoch Times.

Michelle Bentley, Royal Holloway | Dịch giả: Xuân Dung