5 loại rau củ nhập khẩu từ Trung Quốc mà bạn nên tránh



Một khách hàng mua sắm ở San Francisco. (Justin Sullivan / Getty Images)

Hàng kém chất lượng nhập khẩu từ Trung Quốc – từ thức ăn vật nuôi gây tử vong đến ô tô đồ chơi có chứa chì – nhiều năm nay đã trở thành tiêu đề chính trên báo chí Hoa Kỳ. Các quy định của Trung Quốc khá lỏng lẻo, và chính phủ luôn cố gắng che đậy các vụ bê bối thực phẩm trong nước.
Rau củ cũng không ngoại lệ. Nông dân Trung Quốc thường sử dụng lượng lớn thuốc trừ sâu hóa học, phân bón và chất bảo quản độc hại để rau củ nhìn có vẻ tươi ngon. Và ngay cả nếu một sản phẩm được dán nhãn “hữu cơ” thì trên thực tế cũng không ai đảm bảo được điều đó.
Trong khi không có cách nào biết được liệu những loại rau củ Trung Quốc độc hại đó có bị trà trộn để xuất khẩu sang Mỹ hay không, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) lại chỉ tiến hành kiểm tra lấy mẫu dưới 3% hàng nhập khẩu nhằm phát hiện vi phạm và sai sót.
Trung Quốc là nền kinh tế nông nghiệp lớn nhất thế giới, sản xuất ra một lượng thực phẩm được tiêu thụ đáng kể tại Mỹ, bao gồm táo, cà chua và các loại nấm.

Sau đây là 5 loại rau củ có nguồn gốc Trung Quốc mà bạn nên cân nhắc tránh xa, kèm theo những câu chuyện giật mình về quy trình sản xuất theo kiểu Trung Quốc.
1. Tỏi


(Donovan Govan/Wikimedia Commons)


Thực tế: Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trực thuộc cả Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), thì 64.876 tấn tỏi khô, tỏi tươi và tỏi đông lạnh đã được nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm 2014. Khoảng 1/3 lượng tỏi tiêu thụ ở Mỹ đến từ Trung Quốc.

Vấn đề: Theo báo cáo của kênh thông tin nổi tiếng Sohu, tỏi được sản xuất tại huyện Vĩnh Niên, thành phố Hàm Đan thuộc tỉnh Hà Bắc (một vựa tỏi của Trung Quốc) bị xịt thuốc trừ sâu trái phép. Một phóng viên giấu tên điều tra khu vực này phát hiện ra rằng nhiều nông dân trồng rau đã sử dụng phorate và parathion (hai thành phần thuốc trừ sâu bị chính phủ cấm dùng) tưới lên cây trồng để tiết kiệm thời gian và công sức.
Những năm gần đây, Trung Quốc không chỉ phải đối mặt với vấn đề nông phẩm bẩn mà còn cả tình trạng ô nhiễm nói chung đã đạt mức kỷ lục, nguyên nhân chính là nền sản xuất công nghiệp của nước này.
Một báo cáo chính thức của chính phủ vào năm 2014 cho biết gần 1/5 diện tích đất của Trung Quốc bị nhiễm độc kim loại nặng như cadmium, asen cũng như thuốc trừ sâu và phân bón có hại khác. Một lượng lớn hóa chất công nghiệp và rác thải sinh hoạt đã gây ra ô nhiễm nghiêm trọng cho tất cả các con sông lớn của Trung Quốc.
Thêm vào đó, nhiều thành phố bị chìm trong sương khói, một dạng kết hợp của khói và sương mù, gây ra các căn bệnh hô hấp. Vào tháng 5 năm 2014, thủ tướng Lý Khắc Cường đã “tuyên chiến” với ô nhiễm ở Trung Quốc để hạn chế sương khói và ô nhiễm môi trường, tuy nhiên cho đến nay chiến dịch này tỏ ra không mấy thành công.

2. Nấm


(Böhringer Friedrich/Wikimedia Commons)


Thực tế: Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, năm 2014 Mỹ đã nhập khẩu sản lượng nấm (bao gồm nấm tươi và nấm khô) trị giá khoảng 8 triệu USD từ Trung Quốc.
Vấn đề: Dẫn lời hãng tin nhà nước Tân Vấn Xã, một phụ nữ họ Cao kể rằng khi cô đang rửa những cây nấm mỡ mua từ một khu chợ của thành phố Trùng Khánh thì phát hiện chúng chảy ra thành thứ nước trắng như sữa, những gì còn lại trông rất kỳ quái. “Lúc tôi mua chúng thì chúng có màu trắng muốt, không một vết bẩn, trông khá sạch và tươi”.
Đó là vì chúng đã được xử lý với sodium sulfite, một hóa chất dùng để tẩy trắng và bảo quản thực phẩm. Ăn vào quá nhiều sodium sulfite có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho gan và thận.
3. Đậu nành


(Scott Olson/Getty Images)


Thực tế: Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, năm 2014 Mỹ đã nhập khẩu 47,5 triệu USD đậu nành đã qua chế biến từ Trung Quốc.
Vấn đề: Vào tháng 4 năm 2009, một người đàn ông họ Trần ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc vô tình phát hiện nhiều đậu Hà lan và đậu nành đã bị nhúng qua dung dịch tẩy trắng và nước màu để có bề ngoài đẹp mắt, Tencent – cổng thông tin hàng đầu Trung Quốc cho biết.
Anh này tìm thấy trong nhà của một tiểu thương một căn phòng toàn đậu Hà Lan và đậu nành, cùng các thùng lớn chứa đầy dung dịch màu xanh lá cây. Nhà chức trách sau đó đã phát hiện rằng ngoài việc tẩy trắng và nhúng nước màu, các loại đậu còn được ngâm trong nước có chứa lượng lớn sodium metabisulfite. Chủ cơ sở tiết lộ rằng họ làm vậy để sản phẩm trông tươi ngon hơn.
4. Khoai môn


(Forest & Kim Starr/Wikimedia Commons)

Thực tế: Cũng theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, năm 2014 sản lượng xuất khẩu khoai môn của Trung Quốc sang Mỹ đạt trị giá 2,3 triệu USD.
Vấn đề: Khoai môn sẽ ngả sang màu vàng hoặc đen trong vòng 1 giờ nếu gọt hết vỏ, nhưng khoai môn ở thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang thì để lâu vẫn trắng. Theo báo cáo từ trang tin tức Chiết Giang Online, các tiểu thương đã cho thêm hóa chất sulfur dioxide độc hại khi lột vỏ khoai môn và khoai tây để tẩy trắng và bảo quản được lâu hơn.
5. Ngô


(Philippe Huguen/AFP/GettyImages)


Thực tế: Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, năm 2009 Mỹ đã nhập khẩu 1.860 tấn (4,1 triệu pound) ngô ngọt đông lạnh từ Trung Quốc.
Vấn đề: Nhiều người trồng trọt ở Trung Quốc cho sodium cyclamate (một chất tạo ngọt nhân tạo bị FDA cấm dùng) vào ngô hạt. Với chất phụ gia này, dù người dùng có đun nấu bao lâu đi nữa thì ngô vẫn giữ màu vàng tươi và có vị rất ngọt, theo nguồn tin từ 365jilin.com, một trang tin lớn của tỉnh Cát Lâm.
Phó Giáo sư Liu Junmei thuộc Đại học Nông nghiệp Cát Lâm cho biết một lượng nhỏ chất này được phép sử dụng trong nước ép trái cây và nước ngô, nhưng không được dùng cho ngô đông lạnh và các sản phẩm tương tự. Ăn nhiều chất này có thể gây tổn thương gan.

Irene Luo | Dịch giả: Minh Nữ