Thủ phạm đáng sợ khiến nhiều người Việt mất chân chỉ trong 1 tuần




Bàn chân bị ăn mòn sau 3 ngày (Ảnh: Lệ Nam)

Những vết chai chân, cái nhọt và bất cứ vết xước nào để trở thành nỗi sợ và ám ảnh với những bệnh nhân bị đái tháo đường tuyp 2 vì họ có thể mất chân bất cứ lúc nào.

Mất chân vì cái nhọt
Đến cấp cứu tại khoa Bệnh lý bàn chân của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, ông Nguyễn Văn H. 53 tuổi trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội mặt nhăn nhỏ chỉ vào cái chân đã bị khoét sâu do biến chứng của tiểu đường.
Ông H. cho biết mình bị tiểu đường từ năm 2011 đến nay. Cách đây 3 năm một lần cắt móng chân vô tình chiếc bấm cắt phải tý da, mấy ngày sau ngón chân út sưng và cứ thế hoại tử thịt.
Ông H. nghĩ ngay đến biến chứng của tiểu đường và đã nhập viện cắt bỏ ngón chân út.
Cách đây 5 hôm, ông thấy lòng bàn chân lại xuất hiện nốt phỏng đỏ như nốt bỏng nước. Ông còn chưa kịp xử lý thì nốt phỏng vỡ nước và cứ thế thối thịt xung quanh nốt phỏng.
Diện tích thịt bàn chân hoại tử ngày càng rộng nhanh chóng. Ông đến thẳng Bệnh viện Nội tiết trung ương điều trị. Kết quả, bác sĩ cho biết ông bị biến chứng bàn chân do bệnh tiểu đường.

Bác sĩ làm thủ thuật cho bệnh nhân bị tiểu đường (Ảnh: Lệ Nam)

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thiện – Phó trưởng khoa Chăm sóc Bệnh lý bàn chân của Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết khoa liên tục tiếp nhận từ 10 đến 20 bệnh nhân bị bệnh lý bàn chân do biến chứng của tiểu đường đến điều trị hàng ngày.
Hiện nay, các bệnh nhân bị tiểu đường khi đến khám chữa tại bệnh viện đều được tư vấn về biến chứng bàn chân. Điều các bác sĩ lo lắng nhất ở đây đó là những bệnh nhân không biết mình bị tiểu đường.
Rất nhiều trong số những bệnh nhân này khi đến bệnh viện bàn chân đã bị hoại tử hết, bác sĩ phải cắt cụt. Có bệnh nhân phải cắt đến tận khớp háng chỉ vì phát hiện muộn.
Trường hợp của bệnh nhân Phạm Thị Gái - Thiệu Hóa, Thanh Hóa là điển hình. Bà Gái không hề hay biết mình bị tiểu đường.
Khi có nhọt nhỏ ở chân, bà Gái không nặn nhưng mụn càng ngày càng to ra. Mụn sưng và thịt xung quanh thối đen. Bà Gái không thấy đau đớn. Mỗi ngày bà nhìn thấy diện tích hoại tử lan rộng.
Bà Gái ra hiệu thuốc mua thuốc kháng sinh uống nhưng bệnh không đỡ mà càng ngày càng nặng hơn. Chỉ chưa đầy một tuần, hoại tử lan ra cả bàn chân.
Bà lên Bệnh viện Tỉnh Thanh Hóa khám, bác sĩ chẩn đoán tiểu đường vì xét nghiệm đường huyết quá cao. Bà Gái được giới thiệu ra thẳng bệnh viện Nội tiết Trung ương.
Bà Gái ra đến bệnh viện lúc 7h sáng chờ vào khám. Khi khám cho bà Gái các bác sĩ đã chỉ định mổ cấp cứu ngay chiều hôm đó.
Nhớ lại ngày hôm ấy, chị Nguyễn Thị Hoa con dâu bà Gái còn hãi hùng. “Bác sĩ cho biết nếu không cắt ngay chỉ để đến mai sẽ phải tháo đến khớp háng vì hoại tử nhanh quá đến tôi còn thấy bất ngờ, mỗi ngày lan càng nhanh.
Từ khi phát hiện cái nhọt ở bàn chân đến khi phẫu thuật chưa đầy 1 tuần”.
Bác sĩ Thiện cho biết trường hợp của bà Gái chiếm đa số các bệnh nhân bị cắt chân ở bệnh viện Nội Tiết vì họ không biết mình bị bệnh tiểu đường.
Bệnh lý âm thầm nguy hiểm
Giáo sư Tạ Văn Bình - nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương - cho biết bệnh tiểu đường đang ngày càng gia tăng và bệnh phát triển âm thầm nên nhiều bệnh nhân không hề biết mình bị bệnh từ lâu.
Chỉ đến khi có các triệu chứng kém ăn, mệt mỏi, hoặc có các biến chứng mạch máu, thần kinh họ mới đi khám bệnh khi đó đã quá muộn.
Bác sĩ Bình khuyến cáo do thói quen ăn uống, sinh hoạt lười vận động nên bệnh tiểu đường tuyp 2 ngày càng tăng.
Đặc biệt với những phụ nữ có tiền sử sinh con to từ 3,7 kg trở lên cần kiểm soát đái tháo đường sớm từ sau sinh vì những phụ nữ này rất dễ bị tiểu đường khi bước vào tuổi 40.
Đối với bệnh lý bàn chân ở người đái tháo đường, theo giáo sư Bình đây là một biến chứng thần kinh của người đái tháo đường. Ở Việt Nam ở tại thời điểm chẩn đoán đã có 90% người bị biến chứng thần kinh.
Trên thế giới cứ 20 giây có một người bị cắt chân vì đái tháo đường, còn 6 giây có một người tử vong vì bệnh đái tháo đường. Biến chứng bàn chân dễ nhìn thấy, để lại hậu quả tức thì mà bất cứ bệnh nhân bị đái tháo đường cũng lo sợ.


Theo Dân Trí