Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Muốn đoạt được hạnh phúc trong gia đình, muốn có một người bạn đời lý tưởng, việc đó không quan trọng bằng tự hỏi chính mình đã là người lý tưởng chưa đã?
Lelend Foster Wood
Results 1 to 1 of 1

Chủ Đề: Trả lại sự Công Bằng cho Văn Học Miền Nam

  1. #1
    Join Date
    Aug 2011
    Bài Viết
    46
    Thanks
    0
    Được Cám Ơn 0 Lần
    Trong 0 Bài Viết

    Trả lại sự Công Bằng cho Văn Học Miền Nam

    .
    Trả lại sự Công Bằng cho Văn Học Miền Nam


    Nhà văn Võ Phiến mất ngày 28 tháng 9 -2015 tại Santa Ana, Nam California, hưởng thọ 90 tuổi. Tang lễ của ông đã được cử hành ngày 4-10-2015.

    Trong dịp này đã có không biết nhiêu là lời ca ngợi dành cho nhà văn vừa quá cố. Như nhật báo Người Việt thì trích thuật lời của học giả Nguyễn Hiến Lê : “nổi tiếng nhất là nhà văn Võ Phiến” hay “ Đông Hồ khen là nhất miền Nam”. Cả hai ông này sau 1975 đều chưa ra hải ngoại và đều đã mất nên không có dịp đọc công trình đồ sộ, bộ Văn Học Miền Nam của Võ Phiến mà nhà phê bình non trẻ Nguyễn Hưng Quốc đánh giá là : “Nói chung đó không những là thành tựu lớn nhất của Võ Phiến sau 1975 mà thậm chí đó là thành tựu lớn nhất của cả hải ngoại nói chung về văn học miền Nam trước 75. Cho tới bây giờ chưa có người nào viết về văn học miền Nam một cách đầy đủ, sắc sảo, tinh tế đến như vậy …..”

    Còn trên Việt Báo on-line ngày 3-10-2015 thì ông Chủ bút Phan Tấn Hải hết lòng ca tụng Võ Phiến như sau:

    “Với tôi, văn nghiệp của ông là những cánh đồng xanh, nơi đó ông dẫn độc giả qua các vườn kỳ hoa dị thảo, và khi đọc ông, chúng ta có thể đọc đi đọc lại một trang, thậm chí một đoạn văn mà vẫn thấy ưa thích và nhận ra có điều để học. Với tôi, văn nghiệp Võ Phiến cũng là một ngọn núi, nơi nhiều nhà văn có thể ngước lên nhìn và tự nhủ, sao cứ mãi thấy bóng mát của ông lẩn khuất trong ngòi bút của mình.”

    Đã thế, ông Hải còn sợ có người không có cơ duyên độc đầy đủ về Võ Phiến để có thể đưa ra những cái nhìn “phiến diện” “bất toàn”, nên ông còn gặng thêm :

    Trong nhiệm vụ một nhà báo, tôi vẫn quan sát tin tức về nhà văn tiền bối này. Và tôi vui khi được nghe kể về những khoảnh khắc an lạc cuối đờì của ông. Và tôi quan ngại, khi thấy có ai ở xa tận quê nhà không có cơ duyên đọc đầy đủ về ông và đưa ra các nhận định phiến diện. Rồi tôi nghĩ, dĩ nhiên, Võ Phiến là một ngọn núi, và rồi cái nhìn nào cũng có thể chỉ là cái nhìn phần mảnh, bất toàn.” (vietbao.com/p112a243693/vo-phien-nghin-nam-may-trang-le-the)

    Thêm nữa, ông Phạm Phú Minh (báo Thế Kỷ 21) thì phát biểu trên đài Á Châu Tự Do ngày 3-10-2015 rằng :

    “Sản phẩm đầy công sức ấy mang tên Văn học Miền Nam Tổng quan được ông viết sau khi ông sang Mỹ định cư một thời gian ngắn. Nền văn học miền Nam gần như hồi sinh sau khi Văn học Miền Nam Tổng quan ra đời. Từng trang sách, từng tác giả xuất hiện trong đó làm người đọc hiểu thêm giá trị văn học sau khi nó vĩnh viễn bị mất đi. Về lĩnh vực này công đầu thuộc về Võ Phiến mà không ai tranh cãi.”

    Còn nhà thơ Du Tử Lê thì nêu nhận xét:

    “Tinh thần kẻ sĩ trong con người nhà văn Võ Phiến là một trong những nét son lớn trong sự nghiệp văn chương đồ sộ nhiều mặt mà ông đã tận hiến cho dân tộc, đất nước”.

    Chỉ cần nêu ra vài thí dụ kể trên ta cũng có thể thấy sự vinh danh nhà văn Võ Phiến đến thế nào sau khi ông tạ thế.

    Nhưng di sản tinh thần của Võ Phiến để lại có hoàn toàn tốt đẹp như vậy không ?

    Và những nhà văn nhà thơ dầy công đóng góp cho Văn Học Miền Nam đã từng bị Võ Phiến bêu riếu, nhục mạ trong bộ sách phê bình của ông thì có đáng bị phê phán như Võ Phiến đã phê phán họ không ? (Xin coi phần trình bầy ở dưới).

    Cho nên cần phải làm sáng tỏ cái ác tâm của Võ Phiến khi viết về Văn Học Miền Nam cùng là rọi thêm nhiều sự thật vào những lời vinh danh ồn ào nhân tang lễ của ông để trả lại sự công bằng cho các nhà văn từng bị Võ Phiến miệt thị nói riêng và cho Văn Học Miền Nam nói chung.

    Xin hãy đọc những lời do chính Võ Phiến viết ra khi ông nhận định, phê bình một số nhà văn miền Nam (hầu hết là từ miền Bắc di cư vào Nam năm 1954). Tạm thời liệt kê như sau : (Phần chữ đậm là cốt để nhấn mạnh cho rõ thêm)

    - Nguyễn đình Toàn :

    ……"...Đây đó có người bảo Nguyễn đình Toàn chuyên về thứ tình ái tiểu thuyết hiện sinh; lại loáng thoáng có người bảo văn chương Nguyễn đình Toàn là thứ văn chương son phấn, viết cho đàn bà con gái.
    (Võ Phiến - Truyện Miền Nam II, trang 988).

    Thủ thuật có người bảo, nghe loáng thoáng hay viện dẫn lời của các nhà phê bình khác như Uyên Thao, Cao Huy Khanh, cô Phương Thảo (tức nhà văn nằm vùng Vũ Hạnh)…để gián tiếp bầy tỏ ‎‎ý kiến của mình, vốn là sở trường của Võ Phiến viết phê bình trong bộ Văn Học Miền Nam.

    - Dương Nghiễm Mậu :

    ……"...Kỹ thuật độc đáo ấy làm cho không khí trong tác phẩm Dương Nghiễm Mậu thật náo nhiệt. Mọi nhân vật đều là “tôi”. Tôi này xỉ vả tôi nọ tưng bừng, các tôi nguyền rủa thời đại inh ỏi. Không có tác giả nào theo kịp nhân vật mình. Dương Nghiễm Mậu khôn ngoan lánh mặt, đứng phía sau, cười cười, hiền lành.
    (Võ Phiến - Truyện Miền Nam I( trang 717).

    - Mai Thảo :

    ……''... Ai nấy đều dễ dàng nhận thấy văn viết truyện của Mai Thảo không giống lời văn ở hầu hết các truyện ngắn, truyện dài của….thiên hạ.

    Văn tiểu thuyết dù không đến nỗi vô ngã, nó cũng không phải là thứ văn cầu kỳ trau chuốt. Tiểu thuyết không phải là chỗ chơi …văn. Ai muốn trổ tài văn chương hãy đi chỗ khác mà phô. Hãy làm thơ, làm phú; hãy đi viết tùy bút chẳng hạn.
    (Võ Phiến - Truyện Miền Nam I - trang 894).

    - Hà Thúc Sinh :

    Trước 1975, Hà Thúc Sinh là một Sĩ quan Hải quân, đã in tác phẩm “Dạo núi mình ta” (Sài Gòn 1972). Dù là một Sĩ Quan, khi làm thơ và đặt một tựa đề như thế thì ông đâu có vi phạm gì đến quân phong, quân kỷ. Ấy thế mà cũng bị Võ Phiến mang ra nhiếc móc :

    ...“ ... Ủa, Hà Thúc Sinh là một sĩ quan, sao ông lại khoái lơn tơn dạo núi một mình. Sách ra đời năm 1972, giữa lúc cuộc chiến đến hồi cực độ gay cấn, tình hình nước nhà rất đỗi rối ren. Quân nhân ham dạo núi một mình, vậy đồn bót bỏ ai trông ?”
    (Võ Phiến – Văn Học Miền Nam THƠ- trang 2885)
    …….
    Đọc Thơ mà thắc mắc như thế thì quả là giết thơ. Thật hết nước nói. Chưa hết, Võ Phiến còn xuyên tạc ‎ý thơ của Hà Thúc Sinh bằng thủ thuật trích đoạn nửa vời để chê trách tác giả thân thiết với bộ đội C.S. :

    ....“ ... Trước 1975, có lúc người quân nhân là ông, tỉ tê thân thiết với bộ đội cộng sản, cứ ta ta chú chú:
    “Ta cũng người như chú….
    ‎ …Vì nói thật cùng chú…
    …Chú cứ ăn cho đủ”..vv..
    (nghinh địch hành)..."...
    (Võ Phiến – Văn Học Miền Nam THƠ- trang 2887)

    Nguyên văn bài thơ “nghinh địch hành” của Hà Thúc Sinh như sau :

    Giao thừa đâu mà vội

    Hãy khoan đã chú mày
    Cứ đóng xa vài dặm
    Mà ăn uống cho say

    Ta cũng ng­ười nh­ư chú
    Cũng nhỏ bé trong đời
    Có núi sông trong bụng
    Mà bất lực hôm nay

    Chiến chinh trời cũng sợ
    Chỉ còn lại hai bên
    Vội vàng chi cho cực
    Cứ thong thả nghỉ đêm

    Ta nói thật cùng chú
    Trăm năm có là bao
    Binh đao sao biết đ­ược
    Sinh tử ở nơi nào

    Nếu chú có cha mẹ
    Ta chẳng những ng­ười thân
    Còn mang thêm lắm nợ
    Với r­ượu và gió trăng

    Chú cứ ăn cho đủ
    Mai chết sẽ chết no
    Ta cũng cần đêm cuối
    Từ giã gió trăng xư­a.

    Một bài thơ hào sảng, đầy nhân bản với giọng đàn anh như thế (gọi bộ đội là chú mày) mà chỉ bình vài câu ‎với vỏn vẹn trích 3 dòng ngắn ngủn, chắp nối như trên thì đủ hiểu cái ác tâm của Võ Phiến đối với tác giả đến thế nào.

    - Nhật Tiến:

    ..."... Riêng về một chuyện thiếu tranh đấu, chuyện ấy đã khiến cô Phương Thảo độ nào nặng lời với Nhật Tiến. Năm 1963, cuốn Ánh sáng công viên ra đời do nhà Ngày Nay xuất bản. Đó là một tập gồm tám truyện ngắn. Trong truyện “Mắt lưới”, một văn sĩ nghèo là Tân gian díu với một cô gái nghèo, cô Nhân….

    Phương Thảo mắng : “ Cô Nhân ở trong Mắt lưới sinh một đứa con với Tân, rồi phải bán mình nuôi con, thế mà vẫn giữ được bộ mặt bình tĩnh khi gặp lại kẻ Sở Khanh đã lợi dụng mình, một sự bình tĩnh mất cả nhân tính ở một con người như vậy”
    (Tạp chí Tin Sách, Sài Gòn, số 18, tháng 12- 1963, trang 22).

    “Cô Nhân mất nhân tính, cô Nhân bậy, không phải bậy cách tình cờ. E bậy từ... gốc. Nghĩa là tác giả. Bởi vì các nhân vật khác do ông dựng lên cũng bậy luôn.

    Nói một cách khác, nhân vật Nhật Tiến, dù là người nghèo,cũng không mang cái âu lo sinh kế bằng cái lo âu tình cảm, cũng không hành động bằng những tính toán hợp lý mà bằng xúc động xuẩn động
    ( Tin Sách trang 22).

    Cuối cùng, cô Phương Thảo lo cho một số độc giả trẻ tuổi có thể là nạn nhân của “những suy nghiệm chủ quan" của Nhật Tiến, theo cô : ...“ ...nếu họ (tức số độc giả trẻ tuổi nói trên) có tiếp xúc với đời họ thấy không chỉ có một vấn đề tình cảm mà còn vấn đề sinh kế, không chỉ có sự đau khổ mà còn có sự bất bình, không chỉ có sự sa đọa mà còn có sự vươn lên, có sự gắn bó, có sự đấu tranh, gian khổ cay đắng nhưng đầy hi sinh cao quí, đầy những nỗ lực lớn lao, với những ý chí sáng suốt khác thường
    (trang 23-Tin Sách)'


    Nhật Tiến giống cô Nhân nhiều quá: lắm tình cảm mà thiếu ý thức về "sinh kế," tức về quyền lợi, thiếu cả sự bất bình, cả ý chí đấu tranh. Như vậy có mất luôn cả nhân tính, cả sáng suốt, cả cao quý chăng ?
    (Võ Phiến - Truyện Miền Nam II- trang 1273-1274).

    Những nhà văn kể trên đều là những ngòi bút trẻ ở miền Bắc, đã vào Nam do cuộc di cư 1954. Bọn họ hầu hết đều bị Võ Phiến bôi bác với giọng văn cười cợt, thiếu nghiêm chỉnh đối với một đề tài quan trọng là “Văn Học Miền Nam”.

    Có thể tóm tắt sự khinh miệt này của Võ Phiến bằng đoạn văn như sau :

    - “...Hãy tưởng tượng những nhân vật như vậy xúm xít nhau ở Hà Nội: làm thơ, làm thiếc, làm kịch làm cọt, cà-phê cà pháo, đấu qua tán lại v.v..
    Ít lâu, Hà Nội mất. Họ kéo nhau vào Sài Gòn xúm xít nhau ngày ngày làm thơ, làm thiếc, làm kịch làm cọt, cà-phê cà pháo, tán qua đấu lại v.v..[,,,]
    Những nhân vật thông minh như thế, xinh xắn như thế, tài hoa như thế, lành như thế và vô tích sự như thế, rốt cuộc họ khổ cực điêu đứng. Tội nghiệp quá chừng. Thương ơi là thương
    .....” ...
    (Võ Phiến, Văn học Miền Nam-Kịch & Tuỳ bút, “Nguyễn Đình Toàn”, trang 2504)

    ****
    Vậy thế còn những ngòi bút lão thành cũng từ miền Bắc di cư vào Nam thì có thoát khỏi dã tâm triệt hạ của Võ Phiến không?
    Xin hãy liệt kê vài vị được Võ Phiến đưa vào bộ sách của mình:

    - Mặc Đỗ :

    Trích:
    ..."... Nhân vật trong truyện Mặc Đỗ đích là trí thức. Riêng trong cuốn Bốn Mươì thì là đại trí thức: ai nấy đều du học bên Tây về cả, đều đậu đạt cao chót vót cả. Và các bậc trí thức ấy lợi tức họ cao, dinh cơ của họ lớn, trong nhà có những người giúp việc gọi là tiểu đồng, là thằng bộc, là ả xẩm... Trong xã hội Việt Nam các nhân vật này là một số rất ít, thuộc tầng lớp thuợng đẳng. Những người may mắn này, thành phần được ưu đãi nhất của tiểu tư sản này, họ sống ra sao, họ làm những gì trước sự trông cậy của những ai cùng một chiến tuyến? Họ sống nhiều hơn làm. Trong cái "sống" của họ có rất nhiều bữa ăn, nhiều rượu tây, nhiều nhà hàng, có cả nhà hát cô đầu nữa. Còn làm thì, trong cuốn Bốn Mươi, ấy là tổ chức một bữa tiệc tứ tuần đại khánh; trong pho tiểu thuyết Siu cô nương là "chơi một tối kịch" trước khi bỏ Hà Nội rút chạy; trong thiên truyện ngắn "Trăng đỏ”, là uống thật đẹp một ly bourbon với đá cục; trong thiên truyện ngắn “Buổi trưa trên đảo san hô" là một đêm chung chạ với người tình xưa... Đại khái thế. Có "làm" gì mấy đâu. Nhất là làm trong tư cách trí thức tiểu tư sản, tầng lớp đang đứng ra nhận lãnh trách nhiệm chính trị trước lịch sử. (ngưng trích)
    (Võ Phiến, Văn học Miền Nam-Truyện I – trang 922)

    ***
    - Đinh Hùng :

    ...“...Ai sao ông vậy, đã làm văn nghệ sĩ phải ra văn nghệ sĩ : say sưa rượu chè, lang thang đàng đúm, gái-ghiếc, thuốc phiện, nhẩy nhót, huyênh hoang khoác lác…”...
    (Võ Phiến, Văn học Miền Nam-Thơ - trang 2837)

    ***
    Vũ Hoàng Chương :
    (trích)
    ..." …
    Vũ Hoàng Chương không những già, lại còn xưa. Hoài Thanh ngờ rằng "Vũ Hoàng Chương định nối cái nghiệp những thi hào xưa của Đông Á.” Lại nghĩ rằng: "trụy lạc hay say sưa đều mang theo một niềm ngao ngán. Niềm ngao ngán ấy ta vốn đã gặp trong thơ xưa. Duy ở đây nó có cái vị chua chát, hằn học và bi đát riêng."Trụy lạc hay không trụy lạc, say sưa hay không say sưa, ngao ngán hay không ngao ngán, Vũ Hoàng Chương đều có thể xưa. Ngay trong yêu đương, ca hát, ông cũng có cốt cách một người xưa. Xưa trước ông chừng hai nghìn năm chẳng hạn. Mất Kiều Thu, chàng thanh niên trong tuổi đôi mươi ngồi vỗ chậu hát nghêu ngao hệt Trang Tử! Chàng hát hổng ra sao? Do ré mi fa sol chăng? Không. Chàng hát xế xừ cống xự xang v.v...Chàng mơ gái Tầm Dương, nhắc tích Tây sương, chàng kể chuyện sông Tương, Kinh Kha, Tần Thủy Hoàng ..v.v.. Giữa chừng câu ca thỉnh thoảng chàng nện xuống một tiếng "hề" (Thơ Việt Nam có độ lổn nhổn rất nhiều "hề"; tôi có cảm tưởng là phong trào "hề" thịnh hành từ sau ông Vũ?) -ngưng trích-
    (Võ Phiến, Văn học Miền Nam-Thơ - trang 3180-3181)

    ***.

    - Vũ Khắc Khoan :
    (trích)
    ..."... Người lúc nào cũng sôi nổi hơn thần (nhất là nữ thần) cho nên một lần khác "Khoan tôi" không ngần ngại xuất hiện, tự nhận là một trí thức tiểu tư sản, đối thoại trực tiếp với một đảng viên cộng sản, và buông lời kết thúc dứt khoát: "Sáng rồi. Chúng ta có thể từ giã nhau, như những nhân vật chính của một tấn kịch ba màn có hậu. Ông về Hà Nội. Còn tôi, tôi phải lên đường. Ông đã giữ phần chủ động trong suốt màn hai. Giờ đây màn ba khai diễn. Màn ba là của tôi, của chúng tôi." Cũng được, màn ba của ông cũng được đi. Tiếc thay, màn tư là một màn thảm hại và trong các vở kịch của ông Vũ, từ Thành Cát Tư Hãn về sau, đều một giọng hư vô, tuyệt chẳng còn chút tin tưởng vào cái gì nữa. Vào trí thức, không; vào giai cấp tiểu tư sản, không; vào chính nghĩa, vào thắng lợi, cũng không, thậm chí vào cuộc đời cũng không luôn. Không có cuộc sống nào đáng sống hết. Ông cợt nhả cả với Trời . (ngưng trích)
    ( Võ Phiến, Văn học Miền Nam-Tổng Quan, trang 262)

    ***
    Nhà phê bình Thụy Khuê cũng nhắc đến những cung cách phê bình của Võ Phiến :

    (trích)

    ..."... “Về văn của Vũ Khắc Khoan, ông đánh giá: "Nó phảng phất lối viết văn của Nhất Linh thời "Hồng nương! Hồng Nương!"" và ông mượn lời của Uyên Thao để xác nhận "Mai Thảo và Vũ Khắc Khoan là những tay văn chương ưỡn ẹo".

    Về kịch Thành Cát Tư Hãn của Vũ Khắc Khoan, ông dẫn lời Cao Huy Khanh:

    "Ông Vũ giống hệt Thành Cát Tư Hãn" rồi ông lại dẫn lời Vũ Khắc Khoan mô tả Thành Cát Tư Hãn "sừng sững, lầm lì, khốc liệt và hầu như vô giác"

    để đi đến kết luận của Võ Phiến:

    "Ôi! Hãi quá! Người sao mà khủng khiếp quá thể."
    (Văn Học miền Nam, sđd, trang 1748).

    Tóm lại là ông ít đưa ra ý kiến của riêng ông mà hay dùng những ý kiến của người này, người kia để chế giễu, châm biếm những đối tượng văn học mà ông không thích.”

    Ở Bình Nguyên Lộc, ông cho Bình Nguyên Lộc là một "tác giả tốt bụng, có hảo ý muốn làm vui người đọc" và còn thêm: "hảo ý không thuộc về nghệ thuật", ông mượn lời Cao Huy Khanh để nói cuốn Ðò Dọc là "sự thành công duy nhất và quá hiếm hoi của Bình Nguyên Lộc".

    Ở Nhật Tiến, ông mượn lời Nhật Tiến trả lời phỏng vấn "tôi chỉ là nhà giáo hơn là một nhà văn" để xác định: Nhật Tiến nói đúng, ông chỉ là nhà giáo.

    Lối viết châm biếm, mỉa mai (đời), ưu điểm của tùy bút nơi ông, lại trở thành châm biếm, mỉa mai (cá nhân), điều tối kỵ trong phê bình văn học. Một cách phê bình như thế, không những không giúp gì cho sự tìm hiểu văn học miền Nam, mà lại còn có hại cho sự nghiệp văn học của Võ Phiến. (ngưng trích)

    (Thụy Khuê,Vấn đề đoạn tuyệt với quá khứ để lên đường, http://thuykhue.free.fr/thumucindex.html)

    *****

    Ấy vậy mà Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc đã trầm trồ khi nhắc đến Võ Phiến trên đài Á Châu Tự Do nhân trả lời Mặc Lâm sau ngày Võ Phiến mất :

    “ Cho tới bây giờ chưa có người nào viết về văn học miền Nam một cách đầy đủ, sắc sảo, tinh tế đến như vậy …..”

    Có thể nào ông Nguyễn Hưng Quốc tuy được tiếng là “Phê bình gia”, nhưng không đọc hết bộ Văn Học Miền Nam của Võ Phiến mà cứ nhắm mắt khen bừa chăng ?

    Hay là ông “trả lễ” Võ Phiến khi ông được nhà văn này ưu ái như chính ông đã khoe ầm ĩ cũng ở trên đài Á Châu Tự Do nhân cuộc phỏng vấn của Mặc Lâm :

    ……. "...“Mỗi lần tôi ra một cuốn sách hay viết một bài báo nào đó mà ông đọc được thì ông trầm trồ khen ngợi bằng những bức thư dài 3, 4 trang để bình luận về một bài báo của tôi. Tôi nghĩ là ở Võ Phiến ngoài cái tài của ông thì điều mà người ta không thể phủ nhận được còn cái tâm của ông đối với giới viết lách, văn chương. Tôi nghĩ hiếm có người nào mà vừa say mê văn chương lại vừa rộng lượng với người khác như Võ Phiến....”...

    Nói về "... cái tâm của ông (Võ Phiến) đối với giới viết lách, văn chương" thì sau khi đọc phần trên, chúng ta đã thấy. Đối với những cây viết kể trên thì ông dùng "cái tâm" có thể nói là ác, nhưng với Nguyễn Hưng Quốc thì ông lại có cái tâm khác, cái tâm biết "trầm trồ khen ngợi bằng những bức thư dài 3, 4 trang để bình luận về một bài báo của tôi".

    Cho nên khi Nguyễn Hưng Quốc viết "Tôi nghĩ hiếm có người nào mà vừa say mê văn chương lại vừa rộng lượng với người khác như Võ Phiến" thì sự kiện ông Quốc "rộng lượng" lại với Võ Phiến cũng chẳng có gì lạ.

    Điều này người ta vẫn gọi là “văn nghệ thù tạc”, "mặc áo thụng vái nhau", hay là “đọc thì không kỹ, có khi cũng chẳng đọc, chỉ "nghe đồn" đã mụ mị lên, mà vẫn cứ xen vô với những lời ca tụng hào phóng, coi những lời khen tặng là quà miễn phí, một loại của riêng trong nhà lôi ra thù tạc trả lễ qua lại lẫn nhau.

    Cái trò này tưởng đã hết thời rồi, vậy mà nó vẫn còn sống dai dẳng gớm !
    Ngày 5-10-2015
    PHÙNG NHÂN THẾ
    Last edited by khieman; 10-06-2015 at 12:20 AM.

Chủ Đề Tương Tự

  1. Trả lại danh dự cho quân lực Việt Nam Cộng Hòa
    By khieman in forum Nhìn Lại Lịch Sử
    Trả Lời: 1
    Bài Viết Cuối: 09-22-2015, 04:02 AM
  2. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 12-07-2014, 11:52 PM
  3. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 07-17-2014, 01:34 AM
  4. Văn Hóa Giáo Dục Miền Nam Việt Nam đi về đâu?
    By anbinh in forum Tủ Sách Thu Giang
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 05-10-2014, 12:53 PM
  5. Trung Tâm Văn Bút Việt Nam (miền Nam VN trước 1975)
    By khieman in forum Văn Hóa - Văn Nghệ
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 12-15-2013, 03:04 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •