Xe công ngốn gần 13 nghìn tỷ/năm: Cấp Bộ trưởng mới được đưa đón?




Đại biểu QH Trần Du Lịch cho rằng, với các cơ quan không cần thiết phải sử dụng biên chế xe công để thực hiện công tác hậu cần thì thuê ngoài là cách kiểm soát tốt về ngân sách

Cần nghiên cứu về mức khoán phù hợp

Bộ Tài chính vừa công bố về việc một xe công trung bình mỗi năm ngốn của ngân sách khoản chi phí khoảng 320 triệu đồng.
Theo cơ quan thống kê, với 40.000 xe công (chưa kể xe tại các đơn vị vũ trang, DNNN), mỗi năm, nhà nước sẽ tiêu tốn khoản chi thường xuyên tới gần 13.000 tỷ đồng.

Trao đổi với chúng tôi bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề Quốc hội cho biết:
"Tôi đang nhận khoán tiêu chuẩn xe công vụ mức 10 triệu đồng/tháng và thấy rất thoải mái, thuận tiện", ông Hùng nói.
Tuy nhiên, heo ông Hùng, trong một số trường hợp không có xe phục vụ, không phải đi bằng xe công cũng bất lợi đôi chút cho công việc.
Ví dụ, trong quy định về việc khoán xe, nếu nhận khoán, việc đi lại, di chuyển trong nội thành cán bộ nhận khoán phải tự lo phương tiện.
Và trường hợp tới các bộ ngành dự họp, cán bộ đi taxi hoặc xe riêng - xe biển trắng thì việc đậu đỗ xe hay qua cửa kiểm soát, bảo vệ không được thuận lợi, nhanh chóng như xe biển xanh.



Ảnh minh họa.



"Tôi không đủ cơ sở để khẳng định chi phí trung bình 320 triệu đồng/năm cho mỗi xe công đang hoạt động có lãng phí hay không.
Nhưng chắc chắn một điều là việc nhận khoán của những người có tiêu chuẩn xe công ở các cơ quan Quốc hội đã tiết kiệm cho ngân sách rất nhiều", ông Hùng nhìn nhận.


Ông Hùng nhận xét, xét về cái chung, chủ trương khoán xe nói riêng và khoán một số chi tiêu khác là đúng hướng, vừa tiết kiệm cho ngân sách, vừa tạo ra những suy nghĩ thiện cảm hơn cho người dân, cơ bản là cũng thuận lợi cho người trong cuộc.
"Tùy từng cơ quan, tình chất công việc nên có mức khoán linh hoạt khác nhau, không chỉ dừng ở việc đưa đón hàng ngày từ nơi ở đến nơi làm việc để khi có công vụ đột xuất, các chức danh có tiêu chuẩn xe phục vụ cũng vẫn đáp ứng được yêu cầu công việc.
Cần nghiên cứu về mức khoán phù hợp để động viên được người nhận khoán.


Ngoài ra, cũng nên quy định các hình thức khoán linh hoạt, thay vì chỉ đưa đón hằng ngày, để khi có công vụ đột xuất thì cũng sẽ đáp ứng được yêu cầu công việc.
Tuy nhiên theo tôi, chỉ nên động viên, khuyến khích nhận khoán xe công, không nên quy định cứng mà để người có tiêu chuẩn được lựa chọn", ông Hùng nhấn mạnh.

Nên có cơ chế thuê xe

Còn trao đổi với chúng tôi, Đại biểu Trần Du Lịch (Đoàn Tp Hồ Chí Minh) cho rằng, câu chuyện lãng phí xe công không phải đến bây giờ mới được nhắc tới mà từ nhiều năm qua đã được nêu ra.


Đại biểu QH Trần Du Lịch.


Theo ông Lịch, sự lãng phí của xe công chỉ nằm ở một phần của vấn đề còn căn nguyên chính là ở cơ chế của chúng ta hiện nay.
"Con số gần 13.000 tỉ đồng chi cho hoạt động của 40.000 xe công có cắt giảm được không? Tôi nghĩ là được. Chẳng hạn, xe đưa đón đi làm phải ở cấp Bộ trưởng, còn Thứ trưởng trở xuống thì nên đưa vào tiền lương", ông Lịch nói.
Ông Lịch cũng "hiến kế" thêm: "Ngoài ra, chỉ nên sử dụng 7 chỗ hoặc 15 chỗ, đi tập thể để tiết kiệm hoặc là thuê xe ngoài. Như vậy không phải bỏ tiền đề mua xe, thuê tài xế, duy tu bảo dưỡng.

Với những cơ quan mà không cần thiết phải sử dụng biên chế công để thực hiện công tác hậu cần thì thuê ngoài là cách kiểm soát tốt về ngân sách mà không ai lạm dụng được".

Đồng thời, ông Lịch cũng đề nghị, Bộ Tài chính cần mạnh tay hơn trong việc xử lý vấn đề lãng phí trong xe công này.
Cùng nêu về vấn đề này, một Phó Chủ nhiệm Ủy ban của QH hiện cũng đang nhận khoán xe công cũng cho rằng, ông sẽ rất vui vẻ nhận khoán xe công nếu có quy định chung vì việc này sẽ góp phần giảm chi phí cho ngân sách.

Tuy nhiên, khi ông nêu ý định nhận chi phí khoán, không ít người cũng đã "ngăn". Mà lý do được ông dẫn lại chuyện một cán bộ Quốc hội trước đây định xin trả nhà công vụ sau khi nghỉ hưu cũng không được ủng hộ, động viên vì "đụng chạm".

theo Trí Thức Trẻ