.


Anh Quốc nên thân mật với Trung Quốc
ở mức độ nào?





Những người biểu tình giương các tấm áp phích có nội dung kháng nghị khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
và Hoàng tử Andrew, công tước xứ York đến thăm công ty viễn thông Inmarsat ở London, nước Anh,
ngày 22 tháng Mười, 2015 (Nguồn ảnh: Anthony Devlin – WPA Pool/Getty Images)


Trọng tâm của chính quyền Anh Quốc trong suốt chuyến thăm cấp nhà nước được tổ chức công phu dành cho ông Tập Cận Bình là khoản đầu tư tiềm năng 30 tỷ đô la từ Trung Quốc, trong đó sẽ bao gồm một phần góp vốn đáng kể cho dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trong thế hệ các nhà máy hạt nhân mới của Anh Quốc.
Trong tuần lễ của chuyến viếng thăm, nhiều người đã đặt câu hỏi về sự thân mật trong mối quan hệ với chế độ Trung Quốc của Anh Quốc, họ tin rằng sự thân mật đó là khờ khạo và đang làm tổn hại các giá trị của nước Anh.

Bà Kate Allen, Giám đốc của Tổ chức Ân xá Quốc tế Anh Quốc có nói bà e ngại việc Thủ tướng Anh có thể không hề nhắc tới vấn đề nhân quyền một chút nào.

Một trong những mối quan tâm lớn nhất của tổ chức Ân xá Quốc tế là cuộc đàn áp tôn giáo, tín ngưỡng tại Trung Quốc. Bà Allen nói rằng nhiều nhóm tôn giáo, tin ngưỡng đang phải chịu sự áp bức. Các cá nhân theo tôn giáo, tín ngưỡng bị tống giam, và những nơi mà họ có quyền bày tỏ niềm tin với tôn giáo, tín ngưỡng của mình thì bị thiêu đốt và phá hủy.

“Đó là một trong những quyền mà tất cả chúng ta nên có chiểu theo Tuyên bố Nhân quyền Quốc tế: tự do theo đuổi tín ngưỡng của chúng ta nếu đó là những gì chúng ta muốn làm, những đó lại không phải là điều được tôn trọng tại Trung Quốc”, bà Allen nói.

Bà tin rằng nhiều người ở Anh Quốc sẽ không thể chấp nhận nếu các vấn đề nhân quyền bị phớt lờ.

“Các ghi chép cho thấy vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc là rất tệ. Nếu những người đang biểu tình trước Chủ tịch nước của họ ở nước Anh này mà về các con phố của Trung Quốc để phản đối điều gì đó chính quyền đang làm, thì họ sẽ bị bắt giữ. Việc người dân không có tự do ngôn luận, không được tự do hội họp, không thể làm những việc giống như họ đang làm ở đây (Anh Quốc), là những vấn đề chúng tôi muốn thấy được giải quyết”.
Nhà hoạt động dân chủ kỳ cựu và là một tác giả nổi tiếng, ông Ma Jian, người cũng có xuất hiện trong suốt ngày đầu chuyến thăm của ông Tập Cận Bình nói rằng:

“Nữ hoàng Anh là một biểu tượng của nền dân chủ và bà ấy không nên hợp tác với một biểu tượng của một đất nước chuyên chế, độc tài. Với tôi hình ảnh đó là rất ngớ ngẩn; tôi thực sự không biết rằng chính quyền Anh Quốc có thể hạ mình đến mức độ đó, bởi vì điều này tương dương với từ bỏ những giá trị căn bản nhất của nước này”.

Ở cuộc họp báo chung với ông Tập Cận Bình, Thủ tướng Anh David Cameron biện hộ rằng nhờ việc xây dựng một mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc nên chính quyền có thêm tư cách để đưa ra các vấn đề như nhân quyền. Tuy nhiên, chi tiết về cuộc thảo luận nhân quyền như vậy không hề được đưa ra và những người hoài nghi lo lắng rằng nếu vấn đề nhân quyền được nêu ra thì nó cũng sẽ chỉ rất thầm lặng.

Đáp lại một câu hỏi trong cuộc họp báo, ông Tập nói rằng:

“Về vấn đề nhân quyền, tôi nghĩ rằng người dân ở đất nước chúng tôi sẽ có tiếng nói chính xác nhất, và Trung Quốc, trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, sẵn sàng tăng cường sự trao đổi và hợp tác với Anh Quốc và các quốc gia khác trong lĩnh vực nhân quyền”.

Nguyên giám đốc chiến lược của Thủ tướng Cameron, ông Steve Hilton, đã chỉ trích mạnh mẽ cách làm của chính phủ. Trong một cuộc công kích gay gắt trên chương trình Newsnight của đài BBC, ông tranh luận rằng những người Anh cần phải cứng rắn hơn vậy rất nhiều.

“Lý lẽ cho rằng cách làm này thể hiện một phần của sự lựa chọn giữa vấn đề nhân quyền mềm mỏng và vấn đề kinh tế không khoan nhượng – rõ ràng không đúng. Cũng hoàn toàn sai khi cho rằng cách duy nhất giúp chúng ta có thể sinh nhai và tạo công ăn việc làm tại đất nước của mình là cố gắng làm hài lòng một chế độ như Trung Quốc”.

Ông Hilton vạch ra một mục lục các hành vi lạm dụng quyền lực tại Trung Quốc, từ sự đàn áp chính trị xấu xa tới sự ngược đãi thân thể phụ nữ một cách rất bạo lực. Thêm nữa, ông còn chỉ ra các vi phạm trên trường quốc tế như ăn cắp thông tin bí mật của các giao dịch kinh doanh và của các chính phủ khắp thế giới thông qua các cuộc tấn công mạng không một chút nể nang.

“Sự thật là Trung Quốc cũng là một đất nước lừa đảo, ba que xỏ lá, xấu xa giống hệt như Nga hay Iran, và tôi chỉ không hiểu là tại sao chúng ta phải bợ đỡ họ, mà không đứng lên hiên ngang với họ như đáng lẽ phải như thế”, ông nói.

Ông James McGregor, hiện sống ở Trung Quốc và là chủ tịch của công ty tư vấn APCO Worldwide, cũng nhất trí với quan điểm của ông Hilton. Ông nói với đài BBC Radio 4 rằng ông nghĩ rằng cách tiếp cận “theo kiểu năn nỉ” của chính quyền Anh Quốc với chế độ Trung Quốc là phản tác dụng.

“Hành xử như một chú cún hổn hển thèm khát khiến đối tượng bạn nhắm tới sẽ nghĩ rằng họ đã kiểm soát được bạn. Những người Anh này sẽ ân hận về cái ngày họ hành xử như vậy”, ông nói.

“Cách làm của chính quyền Anh Quốc rất phản tác dụng bởi vì hiện nay Trung Quốc sẽ chỉ ngày càng đòi hỏi nhiều hơn. Khi người Anh đưa ra các chính sách – có thể là để ủng hộ một số chính sách của Mỹ – thì Trung Quốc sẽ nói: “Khoan đã. Chúng tôi nghĩ rằng các ông là bạn của chúng tôi, các ông tốt hơn nên là bạn của chúng tôi, và các ông cần phải làm như này, các ông cần phải làm như kia …”.

Ông nói tiếp:

“Nếu Trung Quốc có những thỏa thuận làm ăn tốt với Anh Quốc thì họ sẽ tự khắc sẽ đầu tư. Vì vậy bạn không phải van xin để họ đến với mình”.


Tác giả: Simon Miller, Epoch Times
Dịch giả: X Toàn

27 Tháng Mười , 2015