.

Phỏng vấn Tiến sĩ Jim Tucker
nhà nghiên cứu luân hồi tại Đại học Virginia


Tiến sĩ Jim Tucker làm việc tại Đại học Virginia Khoa Nghiên cứu tri giác (DOPS), là một nhà nghiên cứu về luân hồi.

Ông đã thu thập cơ sở dữ liệu gồm khoảng 2.000 trường hợp trẻ em có khả năng nhớ lại những cuộc sống tiền kiếp. Một số ký ức của các em nhỏ đã được xác thực là có những chi tiết trùng khớp với quá khứ của những người đã chết. Điều này cho thấy những ký ức này là thật.

Tucker kể với Thời báo Đại Kỷ Nguyên về công việc của ông, bắt đầu bằng các thuật ngữ. Trong công việc nghiên cứu của mình, ông thường thích những thuật ngữ như “tàn tích” thay vì “luân hồi tái sinh”.

“Từ ‘luân hồi’ mang hàm nghĩa rất rộng,’ Tucker nói. Hàm nghĩa về mặt tôn giáo không nhất thiết liên quan đến những trường hợp ông nghiên cứu. “Nói một cách thận trọng nhất,” ông nói, “[các trường hợp này] cung cấp bằng chứng cho thấy rằng một số trẻ em biết được các sự kiện đã xảy ra trong quá khứ và điều mà các em ‘biết’ phải là ký ức mà chính bản thân các em đã từng trải qua.”

“Giải thích đơn giản nhất là các em đang nhớ lại một cuộc sống mà các em thực sự đã từng sống,” Tucker nói.

Liệu có sự bịa đặt hoặc do trí tưởng tượng bay bổng của trẻ em?

Gần đây, dư luận đang quan tâm đến trường hợp của Alex Malarkey, đồng tác giả của cuốn sách “The Boy Who Came From Heaven” (“Cậu bé trở về từ thiên đường”).

Năm 2004 khi Malarkey khoảng 6 tuổi, em gặp một tai nạn xe hơi. Em cho biết lúc đó em đã lên thiên đàng và trở lại. Tuy nhiên sau đó em nói rằng em đã dựng chuyện và bị người lớn tác động phải làm cho nó li kì hơn.

Tucker cho biết ông không đặc biệt lo lắng rằng điều này có xảy ra trong các trường hợp ông nghiên cứu hay không.

“Với trường hợp của chúng tôi, chúng tôi không dựa vào niềm tin nếu không c thiết phải làm vậy … Câu hỏi đặt ra là, những gì các em kể có phù hợp với cuộc đời của ai đó trong quá khứ không? … Trong các trường hợp thuyết phục nhất, chẳng thể nào đứa trẻ hoặc thậm chí cha mẹ của chúng bịa đặt ra được, bởi vì những thông tin đó rất khó có được.”




Tiến sĩ Jim Tucker trong văn phòng của ông tại Khoa Nghiên cứu Tri giác (DOPS)
tại Đại học Virginia vào ngày 05 tháng 2, 2015.
(Tara MacIsaac / Epoch Times)


Đồng nghiệp ngoài khoa DOPS

Tucker làm việc một số ngày trong văn phòng tại khoa Nghiên cứu tri giác (DOPS) để nghiên cứu về luân hồi, và những ngày khác ông làm công việc chính là tâm thần học. Tucker kể chuyện các đồng nghiệp của ông bên ngoài khoa DOPS phản ứng như thế nào về nghiên cứu luân hồi của mình.

“Vâng, thật khó để diễn tả [cách họ phản ứng],” ông nói. “Ít nhất họ cũng chịu được điều đó … ít nhất là họ có thể nói tôi là một người nghiêm túc.”

Nói về sự chấp nhận từ cộng đồng khoa học rộng lớn hơn, ông nói, “Nói thẳng ra, cũng là nhờ tôi làm việc tại một trường đại học nổi tiếng mà mọi người tôn trọng. … Họ thấy rằng chúng tôi đang cố gắng tiếp cận [việc này] một cách nghiêm túc. ”

Cơ sở dữ liệu của các trường hợp, quy luật xuất hiện

“Chúng tôi đã nghiên cứu 2.500 trường hợp, và chúng tôi tạo ra cơ sở dữ liệu và phân tích mỗi trường hợp dựa trên 200 biến số,” ông nói. “Chúng tôi có thể thấy được các quy luật từ nhóm các trường hợp mà không hẳn là bạn đã có thể phát hiện ra được ở mức độ cá nhân.”

Một ví dụ về một quy luật ông quan sát thấy là có nhiều bé trai nói về cuộc sống tiền kiếp hơn bé gái. Điều này có vẻ lạ, bởi vì bé gái thường nói nhiều hơn khi còn nhỏ. Nhưng Tucker nghĩ rằng ông có thể đã đoán ra.

Khoảng 90% trẻ em nói về những ký ức ở tiền kiếp khi có cùng giới tính với hiện tại.

“Vì vậy, khi chúng ta nói có nhiều bé trai kể lại chuyện ở tiền kiếp hơn so với các bé gái, điều đó có nghĩa là trong quá khứ có nhiều nhân vật nam giới hơn so với nữ giới, và … chỉ với những cái chết bất thường mới có nhiều nam giới hơn nữ giới.”

Khoảng 73% trường hợp chết bất thường được kể lại theo những gì những đứa trẻ nhớ được là nam giới. Điều này tương quan với số liệu thống kê của Mỹ: có một giai đoạn năm năm có 72% trường hợp chết bất thường ở Mỹ là nam giới.

Tử vong sau chấn thương và vết bớt

Có nhiều trường hợp nổi bật mà trong đó trẻ em nhớ được những cái chết thảm thương hoặc trải nghiệm đau thương trong tiền kiếp. Đôi khi thậm chí những đứa trẻ còn có các vết bớt có vẻ như có liên hệ với những vết thương từ cuộc sống tiền kiếp.

Tucker tự nghĩ, làm thế nào một vết thương trong tiền kiếp lại có thể xuất hiện hữu hình trên cơ thể của một em bé trong cuộc sống hiện tại, làm thế nào tâm thức có thể để lại dấu ấn trên cơ thể.

“Chúng ta biết rằng những hình ảnh cụ thể trong tâm thức đôi khi có thể sản sinh ra các dấu vết cụ thể trên cơ thể. Ví dụ, trong Công giáo gọi là dấu thánh, khi bạn thành tâm cầu nguyện với Chúa Giêsu và sau đó trên cơ thể bạn xuất hiện dấu hiệu ở vị trí tương ứng với vết thương đóng đinh của Chúa được mô tả trong Kinh Thánh.”

“Hoặc có một trường hợp nổi tiếng là một người đàn ông nhớ lại một sự kiện rất đau buồn, nơi đó ông bị trói và về sau trên cánh tay ông xuất hiện những vết trông giống như vết dây thừng”.

“Nếu một người nào đó chết rất thảm thương, sau đó nếu ý thức tiếp tục luân hồi, nó có thể mang theo những dấu ấn của ký ức đó …đến thai nhi đang phát triển,” ông nói. Ký ức do đó có thể tạo ra các dấu vết xuất hiện ở nơi từng bị thương.

Các trường hợp ở Mỹ

Bậc tiền bối của Tucker tại trường đại học, tiến sĩ Ian Stevenson, đã thực hiện nhiều nghiên cứu ở châu Á hoặc đôi khi châu Phi và các khu vực khác. Tucker đã quyết định tập trung nhiều hơn vào các trường hợp ở Hoa Kỳ.

Ông cho biết một trong những ưu điểm của cách tiếp cận này là ở Mỹ có nhiều hồ sơ để xác minh hơn ở các ngôi làng châu Á. Một lợi thế nữa là người ta không thể phản biện lại rằng, do nơi đó có văn hóa tin vào luân hồi nên các em tưởng tượng ra một cuộc sống tiền kiếp. Hầu hết các trường hợp ở Mỹ đều xảy ra trong những gia đình ban đầu không tin vào luân hồi.

Thôi miên hồi tưởng không đáng tin cậy

Tucker không nghiên cứu trường hợp nhớ lại tiền kiếp thông qua thôi miên.

“Một vấn đề với thôi miên hồi tưởng là bản thân việc thôi miên không phải là một công cụ đáng tin cậy, ngay cả đối với những ký ức trong cuộc sống hiện tại,” ông nói. Đôi khi người ta có thể nhớ lại những điều họ đọc hay nhìn, ông nói.”Thật khó phân biệt đó là một ký ức hay chỉ là hình ảnh tưởng tượng trong quá trình thôi miên.”

Tuy nhiên, ông thừa nhận cũng có một số trường hợp ngoại lệ, một số trường hợp được xác minh.

Khi chết đi thì như thế nào?

Khoảng 20% các trẻ em có ký ức tiền kiếp cũng kể về khoảng thời gian giữa cuộc đời này với cuộc đời trước. Đôi khi các em kể thấy mình bay lên và nhìn thấy cơ thể của mình, một số nói đã đi đến cõi khác, được dẫn đến cha mẹ tiếp theo, và một loạt các trải nghiệm khác.

Khi được hỏi công việc nghiên cứu đã ảnh hưởng đến quan điểm của ông về cái chết của chính mình như thế nào, Tucker cho biết:

“Trong những năm qua, tôi đã dần bị thuyết phục rằng có vẻ như còn có nhiều thứ ở bên ngoài thế giới vật chất của chúng ta … rằng ý thức tồn tại riêng biệt … Tôi không thấy bất kỳ lý do gì cho thấy ý thức hoàn toàn phụ thuộc vào bộ não.”

Ông nói, “Tôi vẫn muốn sống càng lâu càng tốt, nhưng tôi hy vọng rằng sau khi tôi chết, tôi có thể có những trải nghiệm mới.”
Tác giả: Tara MacIsaac
Dịch giả: Hannah
31 Tháng Mười , 2015