Ấn Độ đòi Anh trả lại viên kim cương 105 carat gắn trên vương miện Nữ hoàng



Một nhóm gồm các ngôi sao Bollywood và doanh nhân Ấn Độ đã đòi Vương quốc Anh trả lại viên kim cương Koh-i-Noor trị giá hơn 150 triệu USD đang được gắn trên vương miện Nữ hoàng Anh cho Ấn Độ.



Nhóm này cho rằng viên kim cương Koh-i-Noor 105 carat bị đánh cắp từ Ấn Độ và đã yêu cầu nhóm luật sư đại diện cho Ấn Độ tiến hành các thủ tục pháp lý tại Tòa án tối cao London để đòi Vương quốc Anh trả lại viên kim cương Koh-i-Noor cho Ấn Độ.
Viên kim cương này từng được gắn trên vương miện của Hoàng hậu Anh trong lễ đăng quang của chồng bà là nhà vua George VI năm 1937 và một lần khác tại lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth năm 1953.
Tổ chức đứng ra khởi kiện phía Ấn Độ đặt tên cho nhóm họ là “Moutain of Light” (Ngọn núi ánh sáng) theo nghĩa từ tên gọi của viên kim cương.
Theo ông David de Souza thuộc tập đoàn Tito của Ấn Độ, “viên kim cương là một trong rất nhiều vật quý của Ấn Độ đã bị lấy đi trong những tình huống đáng ngờ”. Ông này còn nói rằng, trong thời gian thống trị tại Ấn Độ, thực dân Anh đã đánh cắp sự thịnh vượng và “phá hủy đời sống tâm linh của đất nước” ông.

Ngôi sao Bollywood Bhumicka Singh, một thành viên của nhóm Moutain of Light nói: “Viên kim cương Koh-i-noor không đơn thuần chỉ là viên kim cương 105 carat, mà còn là một phần của lịch sử cũng như văn hóa đất nước chúng tôi và rõ ràng phải được trả lại”.
Nhóm “Moutain of Light” đã mời các luật sư Anh giúp họ giải quyết vụ kiện. Các luật sư cho biết, họ sẽ căn cứ theo Luật Holocaust (trả lại các đồ vật văn hóa) để xử lý vụ việc.

Theo luật sư Satish Jakhu thuộc hãng luật Rubric Lois King tại Birmingham, họ sẽ căn cứ vào cơ sở pháp lý đó để cáo buộc chính phủ Anh đã đánh cắp viên kim cương. Ông này nói thêm rằng, có thể họ sẽ đưa vụ việc ra Tòa án công lý quốc tế.

Trong diễn biến dư luận liên quan, sử gia Andrew Roberts đã nêu quan điểm phản bác trên tờ Mail của Anh ngày chủ nhật 8/11 rằng: “Những người tham gia vụ kiện vô lý này nên hiểu rằng Vương miện của Hoàng gia Anh là vị trí đích đáng để đặt viên kim cương Koh-i-Noor nhằm ghi nhận sự tri ân vì trong suốt ba thế kỷ người Anh có mặt tại Ấn Độ, họ đã tạo nên sự hiện đại hóa, phát triển và nền dân chủ cho quốc gia này”.

Cho tới thời điểm này chính phủ Anh vẫn bác bỏ những cáo buộc đánh cắp viên kim cương Koh-i-Noor.

Theo truyền thuyết, chỉ có các vị thánh hoặc phụ nữ mới có thể mang viên kim cương Koh-i-Noor trên người và bất cứ ai mang nó sẽ có quyền lực tối thượng. Nhưng nếu người đàn ông nào mang viên kim cương này, họ sẽ gặp kết cục không may mắn.
Song song với diễn biến vụ kiện của nhóm Moutain of Light, người Hi Lạp cũng đang đặt vấn đề muốn đòi lại bộ tượng cẩm thạch Elgin Marbles của họ hiện lưu trữ tại Bảo tàng Anh.

Theo Tuổi Trẻ