Bà Suu Kyi yêu cầu họp với quân đội




Lãnh đạo đảng đối lập, bà Aung San Suu Kyi đã yêu cầu họp với lãnh đạo đảng do quân đội hậu thuẫn vào tuần tới để bàn về hòa giải dân tộc.

Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ do bà Suu Kyi dẫn dắt, dẫn trước trong kết quả bỏ phiếu hôm Chủ nhật.

Với khoảng 40% số ghế trong quốc hội, đảng NLD đã dành được gần 90% phiếu ủng hộ.

Một phát ngôn viên phủ tổng thống đã chúc mừng thành công của NLD nhưng nói cuộc họp chỉ có thể diễn ra sau khi kết quả bầu cử cuối cùng được công bố.

Trả lời BBC, phát ngôn viên U Ye Htut nói Tổng thống Thein Sein muốn chúc mừng NLD, và phủ nhận thông tin cho rằng chính quyền muốn trì hoãn công bố kết quả.

Kết quả sẽ là thực tế bẽ bàng đối với đảng cầm quyền, theo phóng viên Jonathan Head của BBC ở Yangon, còn được biết là Rangoon.

Có khả năng đảng NLD sẽ ở vị trí lãnh đạo trong quốc hội tới, và chỉ bị phản đối duy nhất bởi đảng của quân đội, phóng viên BBC nói.


'Quyết định toàn bộ

Bà Aung San Suu Kyi giành ghế dân biểu tại đơn vị bầu cử của mình, và sẽ quay trở lại làm nghị sỹ đại diện cho khu vực Kawhmu ở Yangon. Tuy nhiên theo Hiến pháp Myanmar bà không thể trở thành tổng thống.

Mới đây bà tuyên bố điều này "không thể cản trở tôi quyết định toàn bộ".

Cuộc bầu cử hôm Chủ nhật 8/11 được xem là tổng tuyển cử dân chủ nhất ở Myanmar trong 25 năm nay.

Trong phỏng vấn với BBC hôm thứ Ba 10/11, cuộc phỏng vấn đầu tiên hậu bầu cử, bà Suu Kyi nói tiến trình bầu cử diễn ra "nói chung là tự do" tuy chưa hoàn toàn công bằng và có một số vi phạm.

USDP, cầm quyền từ 2011 tới nay, cho tới giờ phút này mới giành được 10 trong số 491 ghế được đem ra tranh cử tại lưỡng viện, so với 163 ghế của NLD.

Một phần tư trong số 664 ghế tại Quốc hội đã được dành cho quân đội mà không cần qua bỏ phiếu.

Nếu NLD muốn chiếm đa số và lựa chọn tổng thống, đảng này phải đạt ít nhất hai phần ba số ghế.

Khoảng 30 triệu cử tri đủ tư cách tham gia bầu cử hôm Chủ nhật tại Myanmar. Khoảng 80% cử tri đi bầu.

Tuy vậy hàng trăm nghìn người, trong đó có người thiểu số Rohingya theo Hồi giáo, vốn không có quyền công dân, không được tham gia bầu cử.


BBC