Chuyện người xưa: Kế hoạch hối cải của kẻ trộm gà




Những mẫu truyện ngụ ngôn, tấm gương đạo đức, bài học giáo huấn luôn được lưu truyền trong dân gian nhằm gìn giữ nền tảng đạo đức cho xã hội. Câu chuyện của ba nhân vật dưới đây sẽ giúp chúng ta cảm nhận được phần nào quan niệm về “đạo đức” của người xưa.


1. Nghệ nhân điêu khắc băng không có người nối nghiệp
Kinh thành có một người có thể dùng những tảng băng điêu khắc ra đủ loại hình tượng người, muôn hình vạn trạng, yểu điệu thướt tha lay động lòng người, vô cùng đẹp đẽ.

Trong những ngày giá rét, hình nhân băng có thể giữ được mấy ngày mà không tan chảy. Người đến đây tham quan luôn tấp nập không ngừng.
Một ngày nọ, nghệ nhân điêu khắc này hét giá hô to giữa đám đông: “Ai đưa ra được ba đấu gạo kê, ta sẽ đem kỹ thuật của môn này truyền cho người ấy“.
Ông hô liên tục mười lần, nhưng không một ai hưởng ứng. Cuối cùng, có người nói với ông rằng: “Kỹ thuật này của ông, tuy rằng rất tinh xảo; hình dáng tướng mạo cũng rất sinh động, nhưng không hề lưu giữ được chút giá trị nào. Chỉ cần hễ trời nóng lên, tượng băng lập tức tan chảy ngay. Không ai bỏ tiền ra đi học cái kỹ năng, không giải quyết được bất kể vấn đề thực tế nào này đâu. Ông nên buông bỏ suy nghĩ đó đi!”

(Trích từ “ Tiềm Thư” của Đường Chân, triều đại nhà Thanh)
Lời bàn:
Những thứ dù đẹp đẽ và đặc sắc đến đâu nhưng không bền vững thì nó cũng như “băng tan thành nước”, mau chóng mất đi mà không hề để lại giá trị thực tế nào.

2. Người lái thuyền mất hồn mất vía

Một người nước Sở, học lái thuyền từ một vị thuyền phu. Ngay từ lúc bắt đầu, vô luận là tiến thoái nhanh chậm, hay là xoay qua trái phải, anh ta đều rất nghiêm túc nghe theo sự chỉ huy của thuyền phu.
Một ngày nọ, người nước Sở này, tự mình lái thuyền, ở khu vực nước chảy êm, đã thử một chút, phát hiện rằng bản thân mình đã học vững kỹ thuật lái thuyền, đạt đến trình độ thuần thục muốn sao được vậy.
Thế là, ông ta đã chia tay vị thuyền phu, tự mình lái thuyền, xông thẳng ra dòng nước nguy hiểm.
Lúc thuyền mất kiểm soát ở trong xoáy nước, người nước Sở này hốt hoảng nhìn quanh, mất hết hồn vía. Chẳng những mái chèo trong tay rơi mất, ngay cả thuyền cũng bị nước cuốn trôi không còn dấu vết.

(Trích từ “Hiền Dịch biên” của Lưu Nguyên Khanh đời nhà Minh)
Lời bàn:
Tính kiêu căng, sự nóng vội trong công việc cũng như học tập sẽ chỉ khiến bạn chuốc lấy thất bại mà thôi.
3. Kế hoạch hối cải của kẻ trộm gà
Mạnh Tử nói:
Nếu có một người, mỗi ngày bắt trộm một con gà của hàng xóm, có người khuyên bảo y rằng: “Đây không phải hành vi của người đứng đắn, nhà người hãy mau mau sửa sai hướng thiện mới đúng”.
Người ăn trộm gà nói: “Tôi đã có một kế hoạch, chính là lần lần giảm thiểu số lần bắt trộm gà. Sau này mỗi tháng chỉ bắt trộm một con gà. Đợi đến sang năm, ngay cả một con gà cũng không trộm nữa. Thế nào?”.

Nếu như người ta đã biết việc làm của bản thân mình là không đúng; vậy thì nên lập tức dừng lại, cớ sao lại còn phải chờ đến năm sau?
(Trích từ “ Mạnh Tử”)

Huệ Nhẫn dịch từ zhengjian.org