Cảnh sát Malaysia: Có tin đe dọa khủng bố nhắm vào Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN





Quân đội và cảnh sát Malaysia tuần tra bên ngoài để bảo vệ Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27 tại Kuala Lumpur ngày 20/11/2015.


Quân đội Malaysia cho hay hơn 2.000 binh sĩ được bố trí ở Kuala Lumpur và thêm 2.500 binh sĩ khác đang ở tư thế chuẩn bị, để bảo vệ các cuộc họp thượng đỉnh sau khi có tin tuy chưa được xác nhận về mối đe dọa khủng bố.
Bên ngoài Trung tâm Hội nghị Kuala Lumpur, địa điểm chính của cuộc họp thượng đỉnh, cảnh sát đang được bố trí cùng với binh sĩ nhảy dù của Malaysia trang bị bằng súng trường M4.
Bên trong trung tâm hội nghị hôm thứ Sáu, tại cuộc họp báo về những gì các đại biểu ASEAN đã thảo luận cho đến nay trong các cuộc họp, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman không đề cập đến khủng bố và cũng không nhận trả lời câu hỏi nào.
Đáp lại một câu hỏi của VOA sau khi rời khỏi phòng hội nghị, ông Anifah nói: “Việc đó sẽ được các bộ trưởng đưa ra thảo luận vào ngày mai”.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, một trong 18 nhà lãnh đạo dự kiến sẽ dự các cuộc họp, đã đến Malaysia chiều thứ Sáu sau chuyến bay từ Manila nơi ông dự hội nghị thượng đỉnh APEC.
Trong một thông cáo, Tổng giám đốc cảnh sát Malaysia Khalid Abu Bakar nói: “Đã có tin tức về các mối đe dọa khủng bố có thể có ở Malaysia. Tôi muốn nhấn mạnh rằng tin tức này còn phải được kiểm chứng”.
Thông cáo được công bố sau khi cảnh sát xác nhận họ đã phổ biến một cảnh báo về một cuộc họp hôm Chủ nhật tuần trước ở tỉnh Sulu miền nam Philippines giữa các thành phần của cái được gọi là Nhà nước Hồi giáo, nhóm khủng bố Abu Sayyaf, và Mặt trận Giải phóng Dân tộc Moro.


Thông cáo do cảnh sát ở Sabah, Malaysia công bố, nói rằng các phần tử chủ chiến đã phái các tay đánh bom tự sát đến Sabah và Kuala Lumpur.


Ngoài Tổng thống Obama, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Nga nằm trong số những người dự trù mở các cuộc thảo luận với các nguyên thủ quốc gia của 10 nước thành viên ASEAN, và Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon.
Tại Malaysia, nơi đa số dân theo Hồi giáo, phong trào thánh chiến của phe chủ chiến đã phát triển từ mấy chục năm, theo lời các chuyên gia phân tích.


Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia, ông Hishammuddin Hussein hôm thứ Hai đã nêu ra những mối quan ngại ngày càng nhiều về các phần tử chủ chiến trong khu vực.


Ông nói: “Tôi nhìn thấy một số khu vực trong vùng này không được quản lý tốt, đặc biệt tốt, nhất là miền nam Thái Lan và miền nam Philippines, chưa kể việc dân chúng các nước đi lại tự do và chuyển lậu vũ khí. Đây là những vấn đề cần phải xem xét nghiêm túc dựa vào những diễn biến mới đây ở châu Âu và Trung Đông”.


Đảo Jolo của Philippines nằm trong bán đảo Sulu ở đông bắc tỉnh Sabah của Malaysia, là một cứ địa của nhóm Abu Sayyaf, khét tiếng về những vụ đánh bom và bắt cóc người nước ngoài đòi tiền chuộc.
Vào lúc khai mạc cuộc họp thượng đỉnh về Kinh doanh và Đầu tư của ASEAN hôm thứ Sáu, Thủ tướng Malaysia Najib Razak tuyên bố: “Ngày mai tôi sẽ bàn về một số các mối đe dọa, những gì đã xảy ra ở Paris và chính công dân Malaysia của chúng ta là Bernard Then đã bị sát hại một cách tàn khốc nhất”.


Giới hữu trách ở đảo Jolo nói một cái đầu bị chặt bỏ trong một cái bao trước trạm cảnh sát ở đó hôm thứ Ba sau khi nhóm Abu Sayysaf nhận là đã chặt đầu ông Then, một kỹ sư điện đã bị bắt cóc ở Sandakan, Sabah, hồi tháng 5.


Trong lời mở đầu ngắn gọn tại cuộc họp hôm thứ Sáu của Hội đồng Cộng đồng Chính trị An ninh ASEAN, Ngoại trưởng Anifah nói: “Chúng đã cho thấy rõ ràng sự hiện diện của chúng trong vùng này và mối nguy hiểm nghiêm trọng mà chúng đề ra”.
Trước đó trong tuần, giới hữu trách Malaysia cho hay họ đã gia tăng gấp đôi các biện pháp an ninh cho các sự kiện ASEAn tiếp theo những vụ đánh bom và nổ súng của các phần tử khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Paris.


Cuộc chiến chống khủng bố trong khu vực đang chiếm một chỗ nổi bật hơn trong nghị trình thảo luận của các nhà lãnh đạo ở đây, cũng như tại các cuộc họp của khối G-10 và APEC trong tuần vừa qua.


VOA